Đứt gân gót là một chấn thương nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến khả năng vận động. Nếu không được điều trị đúng cách, người bệnh có thể gặp khó khăn khi đi lại, thậm chí mất chức năng vận động. Tùy theo mức độ tổn thương và nhu cầu phục hồi của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị phù hợp. Hãy cùng tìm hiểu phương pháp điều trị đứt gân gót qua bài viết dưới đây.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Đứt gân gót hay gân achilles là gì?
Gân gót là gân lớn nhất trong cơ thể, nằm ở phía sau cổ chân, đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy bàn chân lên khỏi mặt đất khi đi bộ, chạy hoặc nhảy. Dù có kích thước lớn và chức năng quan trọng, gân gót lại dễ bị tổn thương.
Tỷ lệ đứt gân gót dao động từ 5 đến 50 ca trên 100.000 người, chiếm 30% tổng số trường hợp đứt gân và 33% các chấn thương vùng cổ chân.
Nguyên nhân chính gây đứt gân gót thường là do các hoạt động thể thao hoặc những chuyển động đột ngột mà không có sự khởi động, giãn cơ đầy đủ, chẳng hạn như chạy nhanh, nhảy cao hoặc đổi hướng đột ngột. Trong một số trường hợp, nếu gân đã bị viêm từ trước, thậm chí việc chạy bộ cũng có thể dẫn đến đứt gân.
2. Những dấu hiệu nhận biết đứt gân ở gót chân
Các triệu chứng đứt gân Achilles thường không rõ rệt nhưng có thể nhận biết được thông qua các dấu hiệu như:
- Đau nhói như bị đá vào vùng dưới bắp chân.
- Đau khi đi lại hoặc nhón chân.
- Sưng xung quanh gót chân.
- Mất khả năng uốn cong bàn chân.
- Đôi khi có tiếng lộp bộp khi gân bị đứt.
Nếu gặp các dấu hiệu trên, đặc biệt là khó đi lại, người bị chấn thương cần đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.
3. Điều trị đứt gân gót như thế nào?
Những người vận động nhiều, chơi thể thao thường cần phẫu thuật để phục hồi sau khi đứt gân gót hoàn toàn. Trong khi đó, điều trị không phẫu thuật bằng bột thường áp dụng cho người ít vận động và đến bệnh viện sớm trong vòng 24 giờ đầu.
Dù áp dụng phương pháp nào, mục tiêu chính vẫn là giúp hai đầu gân đứt tiếp xúc và liền lại theo thời gian. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, phẫu thuật vẫn là giải pháp hiệu quả để phục hồi, giúp người bệnh trở lại sinh hoạt và thể thao bình thường.
4. Phẫu thuật điều trị đứt gân ở gót chân như thế nào?
Có hai phương pháp phẫu thuật chính để điều trị: mổ mở khâu gân gót và khâu gân gót qua da. Trong đó, khâu gân gót qua da là kỹ thuật mới với nhiều ưu điểm so với mổ mở truyền.
Khâu gân mở | Khâu qua da | |
Chiều dài vết mổ | 5-10 cm | 2 cm |
Thời gian nằm viện | 3-5 ngày | 1-2 ngày |
Thời gian bó bột | 4 tuần - 6 tuần | 1-2 tuần |
Thời gian bắt đầu đi lại | 4 - 6 tuần | 2 tuần |
Tỷ lệ nhiễm trùng vết mổ | Cao hơn | Thấp hơn |
Tỷ lệ dính vết mổ | Cao hơn | Thấp hơn |
Tỷ lệ cứng khớp cổ chân | Cao hơn | Thấp hơn |
Chi phí | Chi phí thấp | Chi phí cao |


5. Phục hồi sau đứt gân gót như thế nào?
Thời gian phục hồi nhanh hay chậm tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, mức độ vận động và phương pháp điều trị, nhưng thường mất khoảng 3-6 tháng để hồi phục hoàn toàn và trở lại chơi thể thao.


6. Có cần tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật đứt gân gót không?
Tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật đóng vai trò quan trọng trong việc giảm viêm, giảm sưng, tăng sức cơ cẳng chân sau thời gian bất động, đồng thời ngăn ngừa dính vết mổ và co kéo gân. Quá trình này nên được bắt đầu ngay sau phẫu thuật để đạt hiệu quả tối ưu.
7. Biện pháp phòng ngừa bị đứt gân gót chân
Dưới đây là một số thói quen giúp phòng ngừa tổn thương gân Achilles:
- Tập căng giãn bắp chân bằng bài tập kéo bàn chân về phía mu chân đến khi có lực căng nhưng không đau.
- Chọn môn thể thao ít tác động đến gót chân (như đạp xe hoặc bơi) nếu cảm thấy quá tải khi tập luyện các môn thể thao cường độ cao ở vùng gót chân. Tránh chạy trên đường dốc.
- Hạn chế chạy trên bề mặt cứng và trơn trượt.
- Chọn giày và trang phục tập luyện phù hợp, đặc biệt trong thời tiết lạnh.
- Điều chỉnh cường độ luyện tập từ từ, tránh tăng đột ngột, không vượt quá 10% mỗi tuần.

Việc điều trị đứt gân gót chân phụ thuộc vào mức độ tổn thương và tình trạng của từng bệnh nhân. Dù lựa chọn phương pháp phẫu thuật hay bảo tồn, quá trình phục hồi chức năng đóng vai trò quan trọng trong việc lấy lại sự linh hoạt và sức mạnh cho gân gót. Để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất, người bệnh nên tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
Tại Trung tâm CTCH & YHTT, Bệnh viện Vinmec Times City, kỹ thuật khâu gân gót qua da đã được triển khai thường quy từ năm 2021. Đây là phương pháp hiện đại, ít xâm lấn, giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng và sớm trở lại sinh hoạt bình thường.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.