Đứt gân gót chân là một chấn thương phổ biến, ảnh hưởng đến khả năng vận động và cần được điều trị y tế kịp thời. Đứt gân gót chân không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của bệnh nhân rất nhiều. Chính vì thế, người bị chấn thương cần đến gặp bác sĩ ngay lập tức để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
1. Đứt gân gót chân Achilles thường xảy ra khi nào?
Gân gót chân là gân khỏe nhất trong cơ thể, được hình thành từ sự kết hợp của gân cơ bụng chân và gân cơ dép bám vào gót bàn chân. Vì vậy, gân gót chân đóng vai trò thiết yếu trong việc di chuyển của hai chi dưới.
Gân cơ bụng chân có chức năng chính là đẩy trọng tâm cơ thể về phía trước khi chạy, nhảy xa hoặc nhảy cao. Trong khi đó, gân cơ dép hỗ trợ cơ thể giữ thăng bằng khi đứng thẳng.
Đứt gân gót chân Achilles là chấn thương thường gặp, chia thành hai dạng chính: đứt gân gót chân hoàn toàn và đứt gân gót chân một phần. Dấu hiệu đặc trưng nhất của đứt gân Achilles là đau đột ngột ở gót chân cùng khả năng di chuyển bị hạn chế sau khi gặp chấn thương.
Bối cảnh thường gặp là khi người bệnh tiếp đất bằng một chân ở tư thế gập, nghe tiếng rách và cảm thấy đau buốt ở gót chân. Ít phổ biến hơn, đứt gân Achilles có thể xảy ra do vật cứng, sắc nhọn làm tổn thương trực tiếp.
Tần suất đứt gân gót chân Achilles cao hơn ở những đối tượng sau:
- Nam giới: Nguy cơ đứt gân gót chân ở nam giới cao hơn khoảng 5 lần so với nữ giới.
- Lứa tuổi trung niên: Chấn thương này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất ở lứa tuổi trung niên từ 40 đến 50 tuổi.
- Vận động viên: Các môn thể thao như chạy bộ, bơi lội, tennis, cầu lông, bóng đá, bóng rổ đòi hỏi vận động viên phải chạy và nhảy với tốc độ cao, do đó làm tăng nguy cơ đứt gân Achilles.
- Người có bệnh lý liên quan đến gân gót chân: Viêm màng bao hoạt dịch, gai gót chân, bất thường vị trí bám gân gót chân đều làm giảm độ chắc và chất lượng của gân, dẫn đến nguy cơ đứt gân cao hơn.
- Sử dụng một số loại thuốc: Thuốc steroid và kháng sinh nhóm fluoroquinolone có thể làm yếu gân, tăng nguy cơ đứt gót chân.
2. Dấu hiệu đứt gân gót chân
Đứt gân gót chân thường xảy ra sau chấn thương ở chi dưới, điển hình là khi tiếp đất bằng một chân với bàn chân gấp nhẹ. Dấu hiệu đứt gân gót chân phổ biến nhất là cảm giác đau buốt đột ngột ở gót chân sau chấn thương, mức độ đau sẽ giảm dần theo thời gian. Nếu bệnh nhân đến khám muộn, cơn đau thường khó xác định.
Ngoài ra, người bệnh có thể gặp các dấu hiệu đứt gân Achilles khác như:
- Khó khăn di chuyển: Ở những trường hợp nặng, khi gân gót chân bị đứt hoàn toàn, người bệnh thậm chí không thể đi lại được.
- Sưng tấy lan từ gót chân lên bắp chân.
- Bệnh nhân không thể nhón gót chân ở bên chân bị tổn thương.
- Nghe thấy âm thanh "lộp bộp" ngay lúc gân bị đứt.
Dấu hiệu đứt gân gót chân khác khi thăm khám lâm sàng:
- Bác sĩ sẽ kiểm tra xem có sẹo mổ cũ hay vết thương mới ở vùng gót chân hay không.
- Gân gót chân bình thường có thể cảm nhận được dưới da như một dải gân chắc chắn kéo dài từ bắp chân đến gót chân. Khi gân gót chân bị đứt, bác sĩ có thể phát hiện sự gián đoạn dải gân này, tuy nhiên trong một số trường hợp do có cục máu tụ, bác sĩ có thể không phát hiện được sự gián đoạn này.
- Bệnh nhân không thể thực hiện động tác gập bàn chân theo yêu cầu.
- Test Thompson (+): Bệnh nhân nằm sấp, bàn chân đưa ra ngoài mép giường. Bác sĩ bóp mạnh cơ bụng chân ở mặt sau cẳng chân. Nếu bàn chân không gập, test Thompson sẽ cho kết quả dương tính.
3. Phương pháp chẩn đoán
Việc chẩn đoán đứt gân Achilles có thể dựa trên các triệu chứng lâm sàng sau:
- Bối cảnh gặp chấn thương thể thao.
- Đau gân gót chân.
- Bệnh nhân gặp khó khăn khi di chuyển, đi lại.
- Mất khả năng gập bàn chân.
- Mất khả năng nhón gót.
Đứt gân gót chân không hoàn toàn thường không có triệu chứng lâm sàng rõ ràng. Tuy nhiên, mọi người vẫn có thể nhận biết gân gót chân bị đứt thông qua một số dấu hiệu gián tiếp như:
- Sưng nề vùng gót chân.
- Mảng bầm tím muộn.
- Đau nhẹ vùng gót chân.
Ngoài việc dựa vào các triệu chứng bất thường, bác sĩ có thể chẩn đoán xác định đứt gân Achilles bằng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh sau:
- Siêu âm gân gót chân: Có thể thấy vùng gân bị gián đoạn hoặc giảm âm tại vị trí tổn thương.
- Chụp cộng hưởng từ gân gót chân: Đây là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại hơn, cho phép xác định chính xác vị trí và mức độ nghiêm trọng của tổn thương.
4. Phương pháp điều trị
Đối với những bệnh nhân bị đứt gân gót chân một phần, phương pháp điều trị bảo tồn không phẫu thuật có thể được áp dụng, bao gồm các biện pháp sau:
- Nghỉ ngơi: Hạn chế tối đa vận động chân bị tổn thương trong 3 đến 4 tuần đầu tiên sau khi bị chấn thương. Bệnh nhân có thể tập đi bằng giày có đệm gót hoặc sử dụng bó bột để cố định cổ chân theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Chườm đá.
- Kê cao chân với tư thế bàn chân gấp.
- Sử dụng thuốc giảm đau và thuốc chống viêm.
Phương pháp điều trị không phẫu thuật giúp bệnh nhân tránh được nguy cơ gặp phải các biến chứng thường gặp sau phẫu thuật. Tuy nhiên, hiệu quả điều trị có thể thấp hơn, tỷ lệ gân không liền hoặc đứt lại cao hơn và thời gian hồi phục kéo dài hơn.
Phẫu thuật sẽ được cân nhắc nếu các biện pháp điều trị khác không mang lại hiệu quả, nhằm rút ngắn thời gian phục hồi cho bệnh nhân.
Phương pháp điều trị phổ biến cho đứt gân Achilles là phẫu thuật. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành nối hai đầu gân bị đứt lại với nhau. Sau đó, chân bị tổn thương sẽ được cố định bằng bó bột. Trường hợp gân gót chân bị đứt hoàn toàn, phẫu thuật ghép gân có thể được thực hiện bằng cách sử dụng gân tự thân (lấy từ các cơ xung quanh hoặc vùng lân cận) và vật liệu nhân tạo để ghép nối.
5. Cách hỗ trợ điều trị hậu phẫu
Để đảm bảo an toàn, thúc đẩy quá trình hồi phục và tránh bung vết mổ sau phẫu thuật gân gót chân, người bệnh cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Bó bột cố định: Bó bột cố định chân bên tổn thương từ cẳng chân đến bàn chân trong tư thế bàn chân gấp nhẹ về phía gan.
- Thay bột và tập đi: Sau 5 tuần, người bệnh sẽ được thay bột mới và bác sĩ sẽ hướng dẫn tập đi nhẹ nhàng một đoạn đường ngắn.
- Tháo bột và tập phục hồi chức năng: Bột được tháo hoàn toàn vào tuần thứ 12. Lúc này, người bệnh cần tập các bài tập phục hồi chức năng để tăng cường khả năng chịu lực cho gân gót chân.
- Sử dụng thuốc: Sử dụng thuốc giảm đau, giảm viêm theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
- Theo dõi tình trạng: Nếu có dấu hiệu kích ứng da sau bó bột hoặc các triệu chứng như đau, tê bì xuất hiện, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức.
- Tránh va chạm hay làm biến dạng phần bột được bó cho đến khi có chỉ định tháo bột của bác sĩ.
- Chăm sóc dinh dưỡng: Ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, không kiêng khem để cơ thể có đủ sức khỏe phục hồi.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.