Keo dính phôi trong thụ tinh ống nghiệm

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Cẩm Vân - Bác sĩ lab IVF - Trung tâm Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Thụ tinh trong ống nghiệm hay IVF là phương pháp điều trị hiếm muộn đã được khởi đầu từ năm 1978. Kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm ngày càng phát triển và đạt được nhiều thành tựu. Trong đó sử dụng keo dính phôi trong khi chuyển phôi là một bước tiến quan trọng nhằm nâng cao tỉ lệ thành công của các chu kỳ điều trị IVF.

1. Quá trình làm tổ của phôi như thế nào?

Quá trình làm tổ của phôi sẽ diễn ra trong thời gian từ ngày thứ 6 - 12 sau khi rụng trứng. Khoảng thời gian này cũng tương đương với khoảng thời gian từ 1 - 6 ngày sau khi chuyển phôi nang vào tử cung người phụ nữ của quy trình điều trị vô sinh bằng thụ tinh trong ống nghiệm.

Quá trình làm tổ của phôi diễn ra khá phức tạp, và có nhiều sự kiện diễn ra trong khoảng thời gian này. Các nhà khoa học vẫn không ngừng nghiên cứu về quá trình làm tổ của phôi và bước đầu cho rằng, sự giao tiếp giữa phôi và niêm mạc tử cung người phụ nữ đóng một vai trò rất quan trọng trong sự thành công của quá trình làm tổ.

Theo thống kê của các nhà nghiên cứu, tỉ lệ thành công của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm chỉ vào khoảng 40-50%. Và có đến 50% - 70% trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm thất bại có liên quan đến quá trình làm tổ của phôi.


Tỷ lệ thụ tinh trong ống nghiệm thành công phần lớn dựa vào quá trình làm tổ của phổi
Tỷ lệ thụ tinh trong ống nghiệm thành công phần lớn dựa vào quá trình làm tổ của phổi

Hyaluronan – chất quan trọng trong quá trình làm tổ

Hyaluronan được các nhà khoa học tìm ra trong quá trình nghiên cứu về hệ sinh dục. Chất này xuất hiện rất nhiều trong dịch nang trứng, dịch vòi trứng, dịch buồng tử cung và chất nền niêm mạc tử cung. Các nhà khoa học cũng nhận thấy, trong giai đoạn phát triển phôi sớm và thời gian làm tổ của phôi thì nồng độ của hyaluronan tăng lên.

Hyaluronan là một chất có trọng lượng phân tử lớn, độ nhớt cao. Các nhà khoa học cho rằng sự có mặt của chất này trong môi trường chuyển phôi đầu tiên sẽ giúp hạn chế sự di chuyển của phôi trong buồng tử cung. Vì vậy, Hyaluronan giúp tăng khả năng làm tổ và nâng cao hiệu quả thành công trong chu kỳ chuyển phôi của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.

Không những vậy, họ còn phát hiện ra thụ thể của hyaluronan trên bề mặt phôi bào và niêm mạc tử cung cũng xuất hiện trong suốt thời kỳ làm tổ của phôi. Vì vậy, các nhà khoa học đã đưa ra kết luận rằng hyaluronan có vai trò quan trọng trong quá trình giao tiếp giữa phôi và niêm mạc tử cung của người phụ nữ. Chất hyaluronan chính là chất kết nối và tác động đến quá trình làm tổ của phôi lên niêm mạc tử cung.

2. Keo dính phôi trong thụ tinh ống nghiệm là gì?

Keo dính phôi là một môi trường chứa nồng độ cao các phân tử Hyaluronan, giúp kết nối trong quá trình làm tổ của phôi. Hiện nay, keo dính phôi hay EmbryoGlue đã được ứng dụng rộng rãi cho quá trình điều trị vô sinh bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm trên toàn thế giới.


Keo dính phôi được sử dụng rộng rãi cho quá trình thụ tinh trong ống nghiệm
Keo dính phôi được sử dụng rộng rãi cho quá trình thụ tinh trong ống nghiệm

Những nghiên cứu về chất hyaluronan là cơ sở quan trọng để các nhà khoa học phát triển keo dính phôi - một hệ môi trường đặc biệt để chuyển phôi và hỗ trợ phôi trong quá trình làm tổ. Nồng độ của hyaluronan trong keo dính phôi lên tới 0.5mg/ml so với môi trường nuôi cấy thông thường là 0.125mg/ml.

Nhiều nghiên cứu đã so sánh tỷ lệ thành công của các trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm. Trong đó, khi so sánh quá trình chuyển phôi có sử dụng keo dính phôi và những trường hợp chuyển phôi chỉ sử dụng môi trường nuôi cấy thông thường thì tỷ lệ làm tổ tăng lên tới 50,9% và tỷ lệ thai lâm sàng tăng lên 70,9%.

Môi trường keo dính phôi cho thấy sự vượt trội của mình trong việc nâng cao tỷ lệ làm tổ, tỷ lệ thai lâm sàng và tỷ lệ sinh sống ở những bệnh nhân sử dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.

Ngoài ra, các chuyên gia còn khẳng định keo dính phôi có những tác động tích cực không chỉ với những phôi ngày ba mà còn cả với những phôi ngày năm. Đồng thời, keo dính phôi cũng có hiệu quả với những trường hợp phụ nữ đã thất bại trong quá trình làm tổ nhiều lần và những phụ nữ hơn 35 tuổi. Tỷ lệ sống của nhóm sử dụng môi trường keo dính phôi cũng tăng lên 8% so với những trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm thông thường.

3. Quá trình sử dụng keo dính phôi diễn ra như thế nào?

Trong quá trình chuyển phôi, thông thường bác sĩ sẽ phải tiến hành hút một lượng môi trường nhỏ chất hyaluronan và đưa cùng phôi vào trong tử cung người phụ nữ. Môi trường nuôi cấy phôi sẽ được sử dụng trong quá trình chuyển phôi vào cơ thể người bệnh.


Cần tạo môi trường nuôi cấy phôi khi chuyển phôi vào cơ thể người mẹ
Cần tạo môi trường nuôi cấy phôi khi chuyển phôi vào cơ thể người mẹ

Nhưng khi sử dụng keo dính phôi thì phôi sẽ được ủ cùng môi trường này trong khoảng 10-30 phút, sau đó mới tiến hành hút và chuyển cùng lại vào tử cung của bệnh nhân thông qua một dụng cụ nhỏ gọi là catheter. Như vậy là đã hoàn thành quá trình chuyển phôi có sử dụng keo dính phôi.

Keo dính phôi là một phát minh quan trọng của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Nó không chỉ giúp giảm bớt các thao tác của quá trình mà còn nâng cao được tỉ lệ thành công của phương pháp này. Vì vậy, keo dính phôi là môi trường đang được sử dụng phổ biến trong phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm hiện nay.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe