Thiếu máu do thiếu sắt là một tình trạng bệnh khá phổ biến hiện nay. Điều này có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó bao gồm chế độ ăn uống thiếu chất sắt. Để giúp tăng cường sự hấp thụ sắt cho cơ thể, bạn cần xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân bằng và lành mạnh. “Thiếu máu ăn gì để bổ sung?” là thắc mắc được nhiều người quan tâm.
1.Thiếu máu là gì?
Thiếu máu là một tình trạng xảy ra do không đủ các tế bào hồng cầu trong cơ thể. Nguyên nhân chính dẫn đến vấn đề này có thể do mất máu, cơ thể không sản xuất ra đủ lượng hồng cầu hoặc các tế bào hồng cầu khỏe mạnh bị phá huỷ.
Một trong những loại thiếu máu phổ biến nhất hiện nay là thiếu máu do thiếu sắt. Trong các tế bào hồng cầu có chứa hemoglobin – một loại protein cung cấp nhiều chất sắt, Khi cơ thể thiếu chất sắt sẽ làm cản trở quá trình sản xuất ra hemoglobin, từ đó làm giảm số lượng hồng cầu và lượng oxy trong máu.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu vitamin B12 và folate cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình sản xuất hồng cầu của cơ thể. Đặc biệt, khi cơ thể không được nhận đủ lượng vitamin B12 trong một thời gian dài có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu ác tính.
2. Những đối tượng nào có nguy cơ cao bị thiếu máu?
Tình trạng thiếu máu do thiếu sắt có thể xảy ra đối với bất kỳ ai, không phân biệt độ tuổi hay giới tính. Tuy nhiên, những đối tượng sau đây sẽ có nguy cơ bị thiếu máu cao hơn so với người khác:
- Trẻ bị sinh non, có giun móc, mắc các bệnh về đường tiêu hoá hoặc thiếu cân;
- Phụ nữ bị mất nhiều máu trong lúc sinh con hoặc trong chu kỳ kinh nguyệt;
- Những người có chế độ ăn uống hàng ngày ít chất sắt;
- Những người sử dụng một số loại thuốc chống đông máu như Plavix, Coumadin, Heparin hoặc Aspirin;
- Những người mắc bệnh suy thận, nhất là đang trong thời điểm lọc máu;
- Những người đang mắc phải tình trạng khó hấp thụ sắt vào cơ thể.
3. Kế hoạch ăn kiêng tốt nhất cho người thiếu máu
Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe cho rằng, việc điều trị tình trạng thiếu máu sẽ tập trung chủ yếu vào những thay đổi trong chế độ ăn uống hàng ngày của bệnh nhân. Những người mắc bệnh thiếu máu nên áp dụng một chế độ ăn kiêng bao gồm nhiều loại thực phẩm giàu chất sắt cùng với một số loại vitamin quan trọng khác, có khả năng thúc đẩy quá trình sản xuất ra protein hemoglobin và tế bào hồng cầu. Bên cạnh đó, chế độ ăn kiêng cho người thiếu máu cũng có thể bao gồm cả những loại thực phẩm có khả năng thúc đẩy sự hấp thụ sắt của cơ thể.
Hầu hết các loại thực phẩm mà chúng ta sử dụng trong chế độ ăn hàng ngày chủ yếu cung cấp 2 loại sắt, bao gồm sắt non heme và sắt heme. Bạn có thể tìm thấy sắt nonheme trong các loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật và thực phẩm tăng cường chất sắt. Trong khi đó, sắt heme có chủ yếu trong các loại gia cầm, thịt và hải sản. Mặc dù cơ thể con người đều có thể hấp thụ được cả hai loại sắt này, tuy nhiên sắt heme vẫn được xem là dễ hấp thụ hơn.
Lượng sắt được khuyến nghị tiêu thụ hàng ngày sẽ là 12 mg đối với nữ giới và 10 mg đối với nam giới. Hầu hết, các chuyên gia khuyến cáo những người đang điều trị cho tình trạng thiếu máu cần bổ sung từ 150 – 200 mg sắt vào mỗi ngày. Ngoài ra, những bệnh nhân thiếu máu có thể phải sử dụng thuốc bổ sung sắt kê đơn hoặc không kê đơn để cân bằng lượng sắt trong cơ thể.
Trong chế độ ăn kiêng dành cho những người thiếu máu nên có những loại thực phẩm sau đây:
3.1.Rau xanh lá
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, các loại rau xanh lá chính là một trong những nguồn thực phẩm tuyệt vời giúp bạn bổ sung nhiều chất sắt nonheme cho cơ thể. Trong chế độ ăn uống hàng ngày, bạn nên lựa chọn những loại rau xanh lá sau:
- Rau cải xoăn;
- Rau bina;
- Rau bồ công anh;
- Rau cải rổ;
- Rau cải cầu vồng Thuỵ Sĩ.
Đặc biệt, các loại rau xanh lá như rau cải rổ và cải cầu vồng Thuỵ Sĩ cũng chứa nhiều folate. Việc bổ sung đầy đủ folate cho cơ thể sẽ giúp bạn ngăn ngừa được nguy cơ thiếu máu do thiếu folate. Bên cạnh những loại rau xanh lá trên, các loại trái cây có múi, ngũ cốc nguyên hạt và đậu cũng là những nguồn cung cấp folate dồi dào.
Tuy nhiên, một số loại rau xanh như cải xoăn và rau bina không chỉ chứa nhiều sắt mà cũng rất giàu oxalat. Chất này khi liên kết với sắt có thể làm cản trở quá trình hấp thụ sắt nonheme. Do đó, mặc dù việc ăn rau xanh lá là có lợi cho những người thiếu máu, nhưng bạn không nên tập trung hết vào chúng như một phương pháp chính để điều trị tình trạng bệnh.
Bạn có thể ăn rau xanh kết hợp với các thực phẩm chứa nhiều vitamin C như ớt đỏ, cam và dâu tây nhằm giúp dạ dày tăng khả năng hấp thụ sắt. Một số loại rau xanh vừa là nguồn cung cấp vitamin C, vừa là nguồn cung cấp sắt tuyệt vời, chẳng hạn như cải cầu vồng Thuỵ Sĩ và cải rổ.
3.2.Thịt và gia cầm
Hầu hết các loại thịt và gia cầm đều chứa sắt heme. Nguồn cung cấp tốt nhất loại sắt này chính là thịt cừu, thịt đỏ và thịt nai. Lượng sắt heme có trong thịt gà và các loại gia cầm khác thường có số lượng thấp hơn.
Để giúp tăng mức độ hấp thụ sắt vào cơ thể, bạn nên kết hợp ăn các loại thịt và gia cầm cùng với những nguồn thực phẩm khác giàu sắt nonheme, ví dụ như rau xanh lá và trái cây nhiều vitamin C.
3.3.Gan động vật
Nhiều người quan niệm rằng nên hạn chế tiêu thụ các loại thịt nội tạng, tuy nhiên trên thực tế, chúng là một nguồn cung cấp chất sắt vô cùng dồi dào.
Loại thịt nội tạng phổ biến nhất là gan. Nó chứa nhiều folate và chất sắt. Bạn cũng có thể bổ sung thêm sắt thông qua các loại thịt nội tạng khác như lưỡi bò, tim và cật.
3.4. Hải sản
Hải sản cũng được xem là một nguồn thực phẩm chứa nhiều chất sắt heme. Bạn có thể bổ sung thêm một số loại hải sản vào chế độ ăn uống của mình nhằm giúp tăng cường chất sắt cho cơ thể, chẳng hạn như sò điệp, hàu, cua, nghêu và tôm.
Ngoài ra, một số loại cá giàu sắt dưới đây cũng là một lựa chọn tuyệt vời cho bạn:
- Cá thu;
- Cá ngừ tươi hoặc đóng hộp
- Cá nục;
- Cá rô;
- Cá hồi tươi hoặc đóng hộp;
Mặc dù cá mòi đóng hộp rất giàu sắt nhưng chúng cũng chứa một lượng lớn canxi. Khi canxi liên kết với sắt có thể ảnh hưởng xấu đến khả năng hấp thụ sắt của cơ thể. Chính vì vậy, những bệnh nhân thiếu máu không nên ăn các loại thực phẩm giàu sắt cùng với các thực phẩm chứa nhiều canxi như sữa, sữa chua, phô mai hoặc đậu hũ.
3.5.Thực phẩm bổ sung sắt
Việc bổ sung những loại thực phẩm được tăng cường chất sắt là vô cùng cần thiết đối với những người bị thiếu máu, ăn chay hoặc khó tiêu thụ những nguồn sắt khác. Một số loại thực phẩm được bổ sung sắt, bao gồm:
- Thực phẩm làm từ bột tinh chế tăng cường sắt, chẳng hạn như bánh mì trắng;
- Ngũ cốc ăn liền tăng cường sắt;
- Nước cam tăng cường sắt;
- Mì ống tăng cường sắt;
- Ngũ cốc ăn liền tăng cường sắt;
- Gạo trắng tăng cường sắt;
- Thực phẩm làm từ bột ngô tăng cường sắt;
3.6. Đậu
Đậu là một nguồn thực phẩm cung cấp chất sắt rất tốt đối với những người ăn thịt và ăn chay. Một số loại đậu giàu chất sắt mà bạn có thể lựa chọn, bao gồm:
- Đậu xanh;
- Đậu tây;
- Đậu nành;
- Đậu mắt đen;
- Đậu Hà Lan;
- Đậu đen;
- Đậu lima.
3.7.Các loại hạt
Các loại hạt không chỉ có hương vị thơm ngon đặc trưng riêng mà còn có thể được sử dụng kết hợp với nhiều món ăn khác như sữa chua hoặc salad. Bên cạnh đó, chúng cũng chứa một lượng lớn chất sắt, rất có lợi cho những người bị thiếu máu.
Một số loại hạt giàu sắt mà bạn nên lựa chọn, bao gồm:
- Hạt điều;
- Hạt bí;
- Hạt giống cây gai dầu;
- Hạt giống hoa hướng dương;
- Hạt thông.
Mặc dù hạnh nhân cũng là loại hạt chứa nhiều sắt, tuy nhiên nó cũng cung cấp nhiều canxi, có thể làm giảm lượng sắt được hấp thụ vào cơ thể.
4. Những nguyên tắc cần nhớ khi thực hiện chế độ ăn kiêng cho bệnh thiếu máu
Thực chất, không có loại thực phẩm nào có khả năng chữa khỏi căn bệnh thiếu máu. Tuy nhiên, việc thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều nguồn thực phẩm giàu sắt có thể giúp bạn kiểm soát được tình trạng thiếu máu.
Khi thực hiện chế độ ăn kiêng cho bệnh thiếu máu, bạn cần nhớ một số nguyên tắc sau đây:
- Không ăn những thực phẩm giàu chất sắt cùng với các loại thực phẩm hay đồ uống có thể làm cản trở quá trình hấp thụ sắt, chẳng hạn như trà, cà phê, trứng, thực phẩm giàu canxi và oxalat;
- Ăn các loại thực phẩm giàu chất sắt cùng với những thực phẩm chứa nhiều vitamin C, chẳng hạn như cà chua, cam hoặc dây tây, nhằm cải thiện sự hấp thụ sắt cho cơ thể;
- Ăn thực phẩm giàu chất sắt cùng với thực phẩm giàu beta carotene, chẳng hạn như ớt đỏ, mơ hoặc củ cải đường;
- Tích cực bổ sung các thực phẩm chứa cả hai loại sắt (heme và non heme) trong chế độ ăn uống hàng ngày để tăng cường lượng sắt cho cơ thể.
- Bổ sung những nguồn thực phẩm chứa nhiều vitamin B12 và folate nhằm hỗ trợ quá trình sản xuất hồng cầu của cơ thể.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com