Kế hoạch hành động cho người bệnh hen phế quản

Bài viết được viết bởi Bác sĩ Trần Thị Diễm Trang - Bác sĩ Nội hô hấp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Hen phế quản là bệnh lý mạn tính và thường gặp ở rất nhiều đối tượng. Việc chủ động nên kế hoạch sẽ giúp người bệnh kiểm soát và đưa ra hướng điều trị bệnh hiệu quả cũng như giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.

1. Nhận biết những dấu hiệu đầu tiên của cơn hen suyễn

1.1 Trước khi cơn suyễn xảy đến đều có triệu chứng báo động

Bệnh nhân có những dấu hiệu nhỏ trước khi có cơn suyễn thật. Những dấu hiệu này khác nhau tùy người, nhưng ít khi thay đổi ở mỗi người. Những triệu chứng nhỏ mà người bị hen có thể gặp như:

  • Ho
  • Mệt
  • Ngứa mắt, chảy nước mắt
  • Chảy nước mũi
  • Ngứa họng, đau họng
  • Hắt hơi
  • Nhức đầu
  • Trẻ em có hành vi thay đổi
  • Sắc mặt thay đổi
  • Quầng thâm quanh mắt
  • Lưu lượng đỉnh thở ra giảm đi

Bệnh nhân cần phân biệt và nhận ra những dấu hiệu này. Tùy trường hợp nặng nhẹ mà người bệnh có thể sẽ hít thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh, theo dõi lưu lượng đỉnh, hoặc cả hai.

1.2 Dấu hiệu phải nghĩ đến bệnh suyễn

Một vài dấu hiệu phổ biến mà bạn cần nghĩ đến hen phế quản gồm:

Triệu chứng ho đôi khi bị nhầm lẫn xem như không liên quan gì đến suyễn. Ho của người bị suyễn là ho khan, từng cơn, xảy ra lúc nửa đêm hoặc khi gắng sức. Có khi ho xảy ra ban ngày, ho có đờm, không liên quan đến yếu tố khởi phát nào rõ rệt cả. Không nhận ra ho là triệu chứng suyễn dễ dẫn đến chẩn đoán là viêm phế quản và dùng các loại kháng sinh hoàn toàn không hiệu quả gì đối với hen suyễn. Nếu có ho dai dẳng nhiều đợt, ho mãn tính, dù có kèm theo khò khè, khó thở hay không, cũng cần đi khám để tìm bệnh suyễn.
Khó thở nhiều khi chỉ “thấy được” khi gắng sức. Trong cơn suyễn bệnh nhân khó thở là do các phế quản bị co thắt lại. Ta có thể nghe được tiếng rít trong lồng ngực. Tiếng rít đó là do không khí di chuyển trong các phế quản đã bị chít hẹp lại. Khó thở có thể kéo dài vài phút đến vài tiếng rồi chuyển thành một kiểu “viêm phế quản” với triệu chứng ho ra đờm trong vài ngày. Có một số bệnh nhân lại không cảm nhận được tình trạng tắc nghẽn trong phế quản của họ. Ở những bệnh nhân này việc đo lưu lượng đỉnh có thể giúp phát hiện sự xuất hiện của cơn suyễn, khi có cơn suyễn, lưu lượng đỉnh sẽ giảm đi.


Khó thở nặng ngực là một trong các dấu hiệu của hen phế quản
Khó thở nặng ngực là một trong các dấu hiệu của hen phế quản

2. Đánh giá độ nặng của cơn suyễn

Một cơn hen phế quản có thể nặng ngay từ đầu (sau vài phút) hoặc tiến triển vài ngày rồi mới nặng lên. Có 3 tiêu chuẩn cho phép đánh giá độ nặng của cơn suyễn:

  • Mức độ khó thở
  • Sự đáp ứng với thuốc giãn phế quản
  • Trị số của lưu lượng đỉnh, nếu đo được

Mức độ khó thở được đánh giá theo 2 cách: khả năng thực hiện gắng sức thể lực, hoặc khả năng nói hết một câu mà không cần phải thở lấy hơi thêm.
Ở trẻ con, cổ bị lõm khi hít vào là dấu hiệu nặng. Ở trẻ sơ sinh, gắng sức chính là lúc bú. Trẻ nhũ nhi nào có thể bú mà không mệt thì không có khó thở nhiều.
Cần phải đánh giá hiệu quả của điều trị cơn suyễn trên triệu chứng khó thở và trị số của lưu lượng đỉnh (nếu đo được). Dấu hiệu của cơn suyễn nặng (hoặc sẽ thành nặng) chính là điều trị mà không thấy hiệu quả.

3. Biết quản lý cơn hen suyễn

Bạn có thể tham khảo sơ đồ xử trí sau đây tùy theo cường độ của cơn suyễn:

3.1 Cơn nhẹ hoặc vừa khi có đầy đủ những tiêu chuẩn sau

Ho, khò khè, khó thở chỉ có khi hoạt động, không có lúc nghỉ ngơi. Bệnh nhân ngủ yên giấc. Dùng thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh thấy khỏe nhiều.
Đo lưu lượng đỉnh thấy có trị số trên 50% mức bình thường và tăng lên trên 80% sau khi hít thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh.
Xử trí: Trong trường hợp này bệnh nhân có thể hít ngay 1-2 hơi thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh, có thể hít thêm sau vài phút nếu thấy chưa đỡ.
Nếu thấy đã hít thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh như thế mà triệu chứng khó thở không hết hoặc lại nặng thêm lên thì theo hướng dẫn cho trường hợp nặng. Trong trường hợp lo lắng cần đến bệnh viện để được kiểm tra kịp thời.

3.2 Cơn nặng (1 tiêu chuẩn cũng đủ)

  • Khó thở không giảm hoặc nặng thêm lên dù đã hít thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh
  • Khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi
  • Không thể nào nói hết câu mà không thở lấy hơi thêm
  • Ở trẻ nhũ nhi: không thể bú mà không thở lấy hơi
  • Lưu lượng đỉnh thở ra đo thấy dưới 50% mức bình thường và không tăng nhanh lên 80% sau khi hít thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh

Xử trí: Gọi bác sĩ hay đi bệnh viện ngay. Trong khi chờ đợi, nhanh chóng tăng cường điều trị, nhất là uống ngay corticoid theo hướng dẫn của Bác sĩ và lại hít thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh.

3.3 Cơn rất nặng (1 tiêu chuẩn cũng đủ)

Lưu lượng đỉnh đo được thấy dưới 33% mức bình thường và không tăng nhanh lên 80% sau khi hít thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh.

  • Môi tím
  • Toát mồ hôi
  • Tri giác lú lẫn
  • Kiệt sức, không thể ngồi, không thể nói nổi.

Xử trí: Gọi xe đi cấp cứu ngay. Trong khi chờ đợi, nhanh chóng tăng cường điều trị, nhất là uống ngay corticoid theo hướng dẫn của bác sĩ và lại hít thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh.


Hen phế quản được chia thành nhiều cấp độ khác nhau
Hen phế quản được chia thành nhiều cấp độ khác nhau

4. Tránh những tình huống dễ xảy ra cơn hen suyễn

Trong suốt một thời gian dài, việc điều trị suyễn chỉ thu hẹp trong việc điều trị cơn suyễn. Ngày nay, trong trường hợp suyễn dai dẳng, ta có thể điều trị dự phòng bằng cách tiến hành điều trị kiểm soát bệnh để ngăn ngừa cơn. Điều quan trọng là ta phải phân biệt điều trị kiểm soát bệnh và điều trị cơn. Điều trị cơn là điều trị lúc có cơn suyễn nhằm làm bệnh nhân dễ chịu nhanh chóng bằng cách làm các phế quản mở rộng ra.
Trường hợp suyễn dai dẳng ta phải điều trị kiểm soát bệnh, điều trị mỗi ngày dù không có triệu chứng, để kiểm soát bệnh và tránh các cơn. Cách điều trị này chẳng những làm giảm số cơn, mà còn làm giảm cảm xúc lo lắng và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh. Để tránh các cơn suyễn và duy trì cuộc sống chất lượng tốt, hiểu rõ căn bệnh là điều cần thiết. Đặc biệt quan trọng là:

  • Nhận biết các yếu tố khởi phát cơn suyễn để tránh đi.
  • Hiểu rõ tác dụng của các loại thuốc và điều trị kiểm soát đều đặn mỗi ngày.
  • Tiến hành điều trị dự phòng một số tình huống có nguy cơ: ví dụ hít thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh trước khi gắng sức thể lực.
  • Nhận biết các dấu hiệu đầu tiên của cơn suyễn và điều trị một cách nhanh chóng.
  • Đánh giá tình trạng hô hấp khi các triệu chứng nặng lên và đi bệnh viện ngay nếu cần.

Nếu cần thiết bạn có thể lên hệ với bác sĩ để được kiểm tra và có những chỉ định phù hợp nhằm kiểm soát bệnh ở người bị hen được tốt hơn.

Đơn nguyên Hô hấp - Dị ứng Miễn dịch lâm sàng tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City được thành lập và mở rộng với mong muốn cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp với chuyên môn cao phục vụ công tác khám chữa các bệnh lý về hô hấp, dị ứng và bệnh tự miễn.

Đơn nguyên quy tụ các Giáo sư, Tiến sĩ và các bác sĩ chuyên khoa có trên 30 năm kinh nghiệm, các bác sĩ trẻ được đào tạo bài bản tại các nước tiên tiến luôn sẵn sàng trong công tác khám chữa và chăm sóc người bệnh. Bên cạnh đó, Đơn nguyên được trang bị các thiết bị, máy móc hiện đại hàng đầu Việt Nam hỗ trợ tối đa cho công tác chẩn đoán và điều trị bệnh.

Đặc biệt, với bệnh hen phế quản, người bệnh được đo FeNO hỗ trợ chẩn đoán hen sớm. Đây là công cụ theo dõi hữu hiệu quản lý, điều trị hen phế quản, tiên lượng các cơn hen cấp tính (địa chỉ duy nhất tại Miền Bắc). Bên cạnh đó, với mong muốn cùng bạn kiểm soát hen phế quản, Câu lạc bộ Hen phế quản được mở thường xuyên nhằm bổ sung kiến thức, giúp người bệnh trao đổi kiến thức với các chuyên gia hàng đầu Việt Nam và thế giới về hen phế quản. Hiện Đơn nguyên có hợp tác chuyên môn và nghiên cứu khoa học với các bệnh viện và trường Đại học tại Úc, Hoa Kỳ và Pháp.

Đơn nguyên Hô hấp - Dị ứng miễn dịch lâm sàng hiện đang trở thành địa chỉ khám tin cậy của nhiều khách hàng bởi khi đến khám, người bệnh sẽ được bác sĩ khám và tư vấn tường tận về bệnh và kế hoạch điều trị. Bệnh nhân cũng được cung cấp các tài liệu bổ sung thông tin một cách toàn diện về bệnh.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hen phế quản

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe