Uống nước dừa có thể mang lại một loạt các lợi ích cho sức khỏe của bạn như cải thiện chỉ số đường huyết, giải quyết vấn đề về tiêu hoá, đẹp da, giải nhiệt,... Tuy nhiên, những lợi ích này chỉ đạt được tối ưu nhất khi bạn biết uống nước dừa đúng cách.
1. Uống nước dừa có tác dụng gì?
Nước dừa vốn là một thức uống vừa có tác dụng giải khát vừa giúp mang lại nhiều lợi ích sức khỏe vượt trội cho làn da, tim mạch, hệ tiêu hoá và các khía cạnh khác của cơ thể. Dưới đây là những tác dụng nổi bật mà nước dừa mang lại:
1.1 Giúp bổ sung các chất dinh dưỡng dồi dào
Nhiều người băn khoăn rằng uống nước dừa có tác dụng gì? Câu trả lời nằm ở chính hàm lượng dưỡng chất mà nước dừa mang lại cho cơ thể. Theo nghiên cứu, nước dừa chứa một lượng calo và chất béo không đáng kể, tuy nhiên rất giàu khoáng chất, vitamin và các chất dinh dưỡng quan trọng khác như sắt, magie, kali, phốt pho, natri, canxi, clorua và axit lauric.
Nhờ vào hàm lượng kali dồi dào và cao hơn gấp đôi so với chuối, việc uống nước dừa điều độ giúp bạn cân bằng các chất điện giải trong cơ thể. Điều này góp phần làm tối ưu hoá các hoạt động của hệ tuần hoàn, hệ cơ, hệ miễn dịch và hệ thần kinh. Hơn nữa, nó cũng bổ trợ rất tốt đối với việc hấp thụ cũng như cân bằng các chất lỏng trong cơ thể.
1.2 Hỗ trợ tăng cường năng lượng
Nước dừa được xem là một thức uống cung cấp năng lượng cho cơ thể rất hữu hiệu. So với các loại đồ uống thể thao, nước dừa có chứa hàm lượng natri và đường tương đối thấp, trong khi đó lại rất dồi dào clorua, canxi và kali. Theo nghiên cứu, trong 100ml nước dừa cung cấp gần 118mg clorua, 294mg kali, tuy nhiên chỉ chứa khoảng 5mg đường và 25mg muối. Nhờ đó, bạn có thể sử dụng nước dừa để tăng cường nguồn năng lượng thiết yếu cho cơ thể, giúp các cơ quan hoạt động nhịp nhàng và năng suất hơn.
1.3 Giúp cải thiện làn da
Nhiều chị em thắc mắc chung rằng uống nước dừa có tác dụng gì đối với làn da? Theo quan điểm của các nhà nghiên cứu, trong nước dừa tươi có chứa cytokinin – một chất giúp điều hoà sự tăng trưởng và phân chia các tế bào trong cơ thể. Ngoài ra, cytokinin cũng góp phần giảm thiểu đáng kể tình trạng lão hoá da, giúp các mô liên kết da bền vững hơn, đồng thời hỗ trợ cân bằng độ pH và giữ nước cho da. Do đó, phụ nữ có thể uống nước dừa điều độ để cải thiện sức khỏe làn da của mình và “xua tan” những nỗi lo các vấn đề về da.
1.4 Cải thiện sức khỏe hệ tim mạch
Những người cao huyết áp thường dễ mắc các vấn đề về tim mạch, may mắn thay, nước dừa chính là một giải pháp lý tưởng giúp giải quyết nỗi lo lắng này. Theo nghiên cứu khoa học mới đây cho thấy, những người có chỉ số huyết áp cao và có các nguy cơ mắc bệnh tim thường có hàm lượng kali thấp trong cơ thể. Trong khi nước dừa có chứa một lượng lớn kali và axit lauric, giúp điều hòa huyết áp và ngăn ngừa những rủi ro sức khỏe cho hệ tim mạch.
1.5 Giúp hỗ trợ đẩy lùi các vấn đề về tiêu hoá
Nước dừa là một nguồn cung cấp axit lauric phong phú, được chuyển hoá thành monolaurin khi vào cơ thể. Monolaurin có khả năng kháng động vật nguyên sinh, kháng vi rút, kháng khuẩn rất tốt. Do đó, nhiều người thường uống nước dừa nhằm giúp hỗ trợ điều trị cho các tình trạng tiêu hoá như nhiễm ký sinh trùng đường ruột, giun đường ruột, nhiễm vi rút có vỏ lipid và một số bệnh nhiễm trùng đường ruột khác.
1.6 Giúp duy trì trọng lượng và hỗ trợ giảm cân
Ngoài vai trò là thức uống giải khát, nước dừa tươi còn có tác dụng như một chất điện giải tự nhiên, giúp hỗ trợ tăng cường quá trình trao đổi chất diễn ra trong cơ thể. Nhờ đó, những người có mong muốn giảm cân có thể sử dụng loại nước này để nhanh chóng đạt được vóc dáng cân đối.
Trong nước dừa có chứa triglyceride chuỗi trung bình – một dạng chất béo giúp giảm cân hiệu quả. Một nghiên cứu vào năm 2006 được công bố trên tạp chí Y khoa Ceylon Medical Journal đã cho thấy, triglyceride chuỗi trung bình trong nước dừa tươi có thể chuyển hoá thành các axit béo tự do chuỗi trung bình và triglyceride đơn trong quá trình tiêu hoá. Khi đó, cơ thể bạn sẽ lập tức sử dụng 2 chất này để tạo ra nguồn năng lượng thay vì dự trữ dưới dạng mỡ.
Ngoài ra, triglyceride chuỗi trung bình trong nước dừa tươi cũng có tác dụng tăng cường năng lượng, giúp hạn chế tín hiệu đói tốt hơn so với các loại chất béo khác. Với công dụng vượt trội này, nước dừa có thể giúp bạn duy trì một trọng lượng cơ thể cân đối và giảm cân nhanh chóng.
1.7 Uống nước dừa giúp ngăn ngừa bệnh sỏi thận
Bệnh sỏi thận xảy ra khi oxalate, canxi và các hợp chất khác tập kết lại với nhau để hình thành nên những viên sỏi trong thận. Theo khuyến cáo của bác sĩ, những người có nguy cơ cao mắc sỏi thận nên uống đủ nước để dự phòng căn bệnh này. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh tác dụng của nước dừa trong việc phòng ngừa sỏi thận thậm chí còn lớn hơn so với nước lọc. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng cho biết, uống nước dừa giúp bạn làm giảm đáng kể các gốc tự do được hình thành khi cơ thể xảy ra phản ứng với lượng oxalate cao trong nước tiểu.
1.8 Nước dừa tươi giúp chống oxy hoá
Các gốc tự do sẽ được sản sinh ra bởi tế bào của cơ thể trong quá trình trao đổi chất. Khi những tế bào bị tổn thương hoặc stress sẽ làm kích hoạt sự hình thành các gốc tự do nhiều hơn. Khi gốc tự do xâm chiếm quá mức có thể dẫn đến tình trạng mất cân bằng oxy, ảnh hưởng xấu đến tế bào và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng. Các nghiên cứu đã chứng minh uống nước dừa tươi có tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp cải thiện những tổn thương tế bào rất tốt, từ đó ngăn ngừa sự sản sinh các gốc tự do gây hại cho cơ thể.
2. Uống nước dừa thường xuyên có tốt không?
Việc uống nước dừa thường xuyên có tốt không còn tùy thuộc vào cơ địa của từng người. Dưới đây là một số nguy cơ mà bạn có thể gặp phải khi uống nước dừa liên tục hoặc quá nhiều:
2.1 Dị ứng
Một số người có cơ địa dễ dị ứng có thể gặp phải các triệu chứng như mẩn ngứa, phát ban hoặc nổi mề đay khi uống hoặc tiếp xúc với nước dừa. Do đó, những đối tượng này cần tránh sử dụng dừa cũng như các sản phẩm khác liên quan đến dừa, bao gồm nước dừa tươi, cơm dừa hoặc nước cốt dừa để tránh nguy cơ bị dị ứng.
2.2 Gây mất cân bằng điện giải
Mặc dù trong nước dừa có chứa nhiều dưỡng chất quan trọng như glucose và kali giúp ổn định lượng nước trong cơ thể, tuy nhiên việc uống nước dừa thường xuyên với một lượng lớn có thể dẫn đến mất cân bằng chất điện giải, thậm chí gây tử vong. Nguyên nhân dẫn đến vấn đề này là do sau khi tiêu thụ quá mức nước dừa, nồng độ kali trong máu có xu hướng tăng cao đột ngột, khiến bạn có cảm giác choáng váng, cơ thể suy yếu. Chỉ trong vòng vài phút sau đó, bạn có thể lâm vào trạng thái mất dần ý thức và bị hôn mê bất tỉnh.
2.3 Uống nước dừa thường xuyên gây lợi tiểu
Nước dừa được liệt vào danh sách các loại đồ uống lợi tiểu, rất tốt cho thận, giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh sỏi thận và làm sạch đường tiết niệu. Tuy nhiên, việc uống nước dừa thường xuyên không phải là một lựa chọn thông minh. Điều này có thể làm tăng tần suất đi tiểu và khiến bạn phải liên tục ghé thăm nhà vệ sinh.
2.4 Gây nguy hiểm cho đường ruột
Nước dừa được xem là một loại thuốc nhuận tràng tự nhiên. Chính vì vậy, những người đang mắc phải các vấn đề về nhu động ruột nên tránh tiêu thụ quá thường xuyên nước dừa nhằm tránh gây nguy hiểm cho đường ruột.
2.5 Khiến tăng lượng đường trong máu
Mặc dù nước dừa là loại đồ uống chứa ít đường, tuy nhiên nó có chứa calo và carbohydrate. Bởi vậy, những người mắc bệnh tiểu đường hoặc có chỉ số đường huyết cao cần hạn chế tiêu thụ nước dừa thường xuyên nhằm tránh các rủi ro sức khỏe cho hệ tim mạch và huyết áp.
2.6 Dễ gây cảm lạnh cho người có thể chất âm
Những người có thể chất âm thường dễ bị nhiễm lạnh và mắc cảm cúm, do đó nước dừa là một đồ uống cần hạn chế sử dụng thường xuyên cho nhóm đối tượng này. Việc tiêu thụ quá mức nước dừa có thể khiến những người thể chất âm bị cảm lạnh nhiều hơn, kéo theo hệ luỵ sức khoẻ yếu dần đi.
2.7 Gây hại cho sự phát triển của bào thai
Phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu thai kỳ thường được khuyến cáo cần hạn chế hoặc không nên uống nước dừa thường xuyên vì tính hàn của loại nước này có thể khiến cho quá trình chuyển hoá cơ bản bị giảm đi, thậm chí dẫn đến rối loạn. Điều này có thể gây ảnh hưởng xấu tới thai nhi trong giai đoạn đầu.
3. Cần tránh uống nước dừa vào thời điểm nào?
Nước dừa rất tốt đối với nhiều khía cạnh sức khỏe, tuy nhiên không phải lúc nào cũng có thể sử dụng thức uống này. Việc uống sai thời điểm thậm chí còn gây ra nhiều hệ luỵ xấu đối với cơ thể, chẳng hạn như khó tiêu và đầy bụng. Theo chuyên gia, mọi người cần tránh uống nước dừa vào những thời gian sau đây:
Uống ngay sau khi vừa đi nắng về: Uống nước dừa ngay sau khi vừa đi ngoài trời nắng nóng về có thể làm tăng nguy cơ trúng gió. Những triệu chứng nhận biết trúng gió thường bao gồm đầy bụng, ớn lạnh, sốt nhẹ hoặc sốt cao.
Uống ngay sau khi vừa hoạt động thể chất: Khi kết thúc buổi tập thể dục hoặc lao động chân tay nặng nhọc, cơ thể bạn vẫn đang trong trạng thái mệt mỏi. Nếu uống nước dừa ngay thời điểm này có thể khiến bạn gặp phải các triệu chứng như bủn rủn chân tay, giảm sự nhanh nhạy và dẻo dai.
Uống nước dừa vào buổi tối: Gây khó tiêu hoặc đầy bụng.
Uống khi đang bị tiêu chảy hoặc thể trạng yếu: Uống nước dừa khi đang gặp phải các vấn đề rối loạn tiêu hoá, tiêu chảy và thể trạng yếu có thể khiến cho các triệu chứng bệnh trở nên tồi tệ hơn.
4. Hướng dẫn uống nước dừa đúng cách
Theo khuyến cáo của bác sĩ, bạn chỉ nên uống tối đa từ 1 – 2 quả dừa mỗi ngày, tốt nhất là 1 quả, tránh uống thường xuyên vì nó có thể dẫn đến thừa cân, nhất là đối với người mắc bệnh béo phì. Ngoài ra, để uống nước dừa đúng cách và phát huy được các công dụng của thức uống này, bạn nên thưởng thức nước dừa vào những thời điểm sau:
Buổi sáng / trưa: Uống nước dừa vào buổi sáng hoặc trưa sẽ giúp bạn ngăn ngừa được các tình trạng như khó tiêu và đầy bụng. Ngoài ra, uống vào thời điểm này cũng giúp cơ thể hấp thu tối đa lượng khoáng chất cũng như vitamin trong nước dừa. Hơn nữa, uống nước dừa vào đầu hoặc giữa buổi cũng giúp bạn nạp năng lượng để làm việc và học tập hiệu quả hơn.
Trước và sau khi hoạt động thể chất khoảng 30 phút: Uống một cốc nước dừa trước khi tập thể thao hoặc làm công việc nặng có thể tiếp thêm sức bền và độ dẻo dai cho bạn. Ngoài ra, sau khi kết thúc buổi tập khoảng 30 phút, bạn cũng có thể nhâm nhi từng ngụm nhỏ nước dừa để bổ sung các chất điện giải đã mất đi, đồng thời chống lại sự kiệt sức và mệt mỏi.
Uống trước và sau bữa ăn: Uống nước dừa trước bữa ăn có thể giúp bạn cảm thấy no lâu hơn, từ đó ngăn chặn tình trạng ăn quá mức. Mặt khác, nước dừa cũng dễ tiêu và chứa ít calo, bạn có thể uống nước dừa trước bữa ăn để thúc đẩy tiêu hoá tốt hơn và ngăn ngừa hiện tượng đầy hơi sau khi ăn. Hơn nữa, uống nước dừa trước bữa ăn cũng giúp kiểm soát mức huyết áp hiệu quả và tăng cường chức năng tiêu hoá.
Trước khi đi ngủ khoảng 1 tiếng: Chỉ nên uống một lượng nước dừa vừa đủ trước khi đi ngủ khoảng 1 tiếng nhằm chống lại sự căng thẳng, xoa dịu tâm trí và giúp cơ thể đào thải các chất độc ra bên ngoài. Hơn nữa, uống một vài ngụm nước dừa vào thời điểm này cũng giúp làm sạch đường tiết niệu, ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng và các bệnh về thận.
Uống sau khi say rượu / bia: Cơ thể thường dễ bị mất nước khi say rượu bia, điều này có thể dẫn đến cảm giác buồn nôn và đau đầu vào sáng hôm sau. Uống nước dừa sau khi say có thể giúp bạn cảm thấy tỉnh táo hơn, khoẻ khoắn hơn và phục hồi những chất điện giải bị mất đi.
Nước dừa là một loại đồ uống rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, bạn chỉ uống với liều lượng vừa phải và uống đúng cách, đúng thời điểm thì mới đem lại hiệu quả tốt nhất. Hi vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ và sử dụng một cách hiệu quả nhất.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.