Huyết khối tĩnh mạch sâu là tình trạng hình thành cục máu đông ở các tĩnh mạch sâu, có thể do nhiều nguyên nhân và yếu tố gây nên. Tình trạng này có thể gây ra triệu chứng tại chỗ hoặc biến chứng nguy hiểm như thuyên tắc phổi.
1. Bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) là gì?
Huyết khối tĩnh mạch sâu là cục máu đông hình thành bên trong tĩnh mạch sâu, nó hay gặp nhất là ở các tĩnh mạch sâu vùng chậu, chân và đùi. Huyết khối tĩnh mạch sâu cũng có thể gặp ở cánh tay nhưng ít phổ biến hơn.
Theo thống kê có tới 900.000 người Mỹ mỗi năm mắc căn bệnh này và 100.000 người chết vì nó. Điều nguy hiểm nhất của bệnh này là một phần của cục máu đông có thể vỡ ra và di chuyển theo tĩnh mạch về tĩnh mạch chủ rồi vào tâm thất phải. Khi tâm thất phải đẩy nó tới phổi và mắc kẹt tại đây thì có thể gây tổn thương nội tạng hoặc tử vong.
2. Triệu chứng huyết khối tĩnh mạch sâu
Không phải ai khi bị bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu cũng gây ra những triệu chứng lâm sàng, người ta thống kê có tới 50% số người mắc bệnh không gây ra triệu chứng nào. Những người khác có thể thấy các triệu chứng như:
- Tại chỗ: Sưng đỏ và cảm giác đau nhức tại vị trí có cục máu đông.
- Thuyên tắc phổi: Xuất hiện triệu chứng của tình trạng này khi cục máu đông đã di chuyển vào phổi và làm tắc mạch phổi, chặn nguồn cung cấp máu. Những biểu hiện có thể thấy như khó thở, tụt huyết áp, chóng mặt, ngất xỉu, nhịp tim nhanh hơn, đau ngực và ho ra máu. Đây là một triệu chứng cấp tính, cần điều trị cấp cứu ngay lập tức.
3. Nguyên nhân và những yếu tố nguy cơ gây ra huyết khối tĩnh mạch sâu?
Bất cứ nguyên nhân nào làm tổn thương lớp lót bên trong của tĩnh mạch hoặc một rối loạn của tình trạng đông máu đều có thể gây ra huyết khối tĩnh mạch sâu, bao gồm:
- Phẫu thuật hay bị chấn thương;
- Hệ thống miễn dịch bị rối loạn làm tổn thương lớp niêm mạc tĩnh mạch;
- Bị cô đặc máu, khiến cho máu của bạn đặc lại và chảy chậm hơn thì có nhiều khả năng hình thành cục máu đông, đặc biệt là trong tĩnh mạch đã bị tổn thương;
- Những người bị rối loạn chức năng đông máu hoặc có nhiều hormon estrogen hơn trong cơ thể cũng có nhiều khả năng bị đông máu.
Những người có nguy cơ cao mắc bệnh thuyên tắc tĩnh mạch sâu bao gồm:
- Phụ nữ mang thai và sau sinh: Phụ nữ có nhiều khả năng phát triển huyết khối tĩnh mạch sâu trong thời kỳ mang thai và 4 đến 6 tuần sau khi sinh. Đó là do có lượng estrogen cao, có thể làm cho máu đông dễ dàng hơn. Áp lực của tử cung mở rộng cũng có thể làm chậm lưu lượng máu trong tĩnh mạch. Một số rối loạn về máu có thể làm tăng nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch sâu nhiều hơn nữa.
- Những người điều trị bằng liệu pháp hormon thay thế: Giống như mang thai, thuốc tránh thai và một số phương pháp điều trị các triệu chứng sau mãn kinh làm tăng lượng estrogen trong máu của phụ nữ.
- Ngồi trong một thời gian dài: Các nghiên cứu cho thấy du lịch đường dài là một chuyến đi kéo dài hơn 4 giờ làm tăng gấp đôi cơ hội phát triển huyết khối tĩnh mạch sâu. Bạn đi bằng đường hàng không, xe buýt, tàu hỏa hay ô tô đều không thành vấn đề. Khi bạn ở trong một chỗ ngồi chật chội và không di chuyển xung quanh thì tốc độ của dòng máu sẽ chậm lại.
Một số yếu tố nguy cơ khác gồm mắc bệnh ung thư, từng phẫu thuật, nằm lâu trên giường, thừa cân hoặc béo phì, tuổi cao.
4. Cách chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch sâu
Bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng lâm sàng của bệnh để xác định bệnh. Ngoài ra, có thể kết hợp với tiền sử bệnh, dùng thuốc và tiền sử gia đình để xác định nguy cơ mắc phải.
Các xét nghiệm cận lâm sàng được sử dụng để chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch sâu bao gồm:
- Siêu âm mạch: Đây là cách hiệu quả để quan sát thành mạch giúp chẩn đoán tình trạng này. Thông qua siêu âm bác sĩ có thể thấy được vị trí của cục máu đông, sự thay đổi bất thường của dòng chảy. Đây là phương pháp có độ nhạy cao, chẩn đoán chính xác tới trên 90%, nhưng nếu ở bắp chân thì ít chính xác hơn.
- Chụp tĩnh mạch cản quang: Được dùng khi siêu âm không đạt hiệu quả mong muốn, không xác định được bệnh trong khi người bệnh có triệu chứng mà bác sĩ nghi ngờ khả năng cao là huyết khối tĩnh mạch sâu.
- Xét nghiệm máu: D-dimer là một sản phẩm của quá trình tan fibrin, mức độ cao gợi ý hiện diện gần đây và sự tan rã huyết khối.
5. Điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu như thế nào?
5.1. Điều trị bằng thuốc chống đông
Thuốc chống đông máu là cách phổ biến nhất để điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu. Thuốc chống đông giúp ngăn hình thành cục máu đông mới. Chúng không thể phá vỡ cục máu đông đã hình thành, nhưng sẽ giúp cho cơ thể có thêm thời gian để tự làm tan cục máu đông.
Thuốc chống đông có thể dùng dưới dạng uống hoặc tiêm tùy từng mức độ bệnh. Tuy nhiên, khi sử dụng các loại thuốc này có thể gây ra một số tác dụng phụ bao gồm:
- Xuất hiện các vết bầm tím trên da: Những người dùng những loại thuốc này có thể bị bầm tím thường xuyên hoặc dễ chảy máu hơn. Khi dùng thuốc thì cần chú ý chế độ ăn và những loại thuốc khác có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết.
- Chảy máu bên trong: Thuốc có thể khiến máu dễ chảy máu bên trong cơ thể hơn. Chảy máu trong bụng có thể gây đau, chất nôn hoặc phân có máu, giống bã cà phê. Chảy máu trong não có thể gây đau đầu dữ dội, thay đổi thị lực, cử động không tự nhiên và nhầm lẫn. Tác dụng phụ này rất nghiêm trọng cho nên bạn cần thông báo ngay với nhân viên y tế nếu như gặp phải dấu hiệu này.
5.2. Lưới lọc tĩnh mạch chủ dưới
Nếu không thể dùng thuốc chống đông máu hoặc chúng không có tác dụng, bác sĩ có thể khuyên bạn nên đặt một lưới lọc vào tĩnh mạch chủ dưới của bạn. Bộ lọc này làm cho các cục máu đông vỡ ra và ngăn chúng xâm nhập vào phổi, tim. Nó sẽ không ngăn chặn các cục máu đông mới hình thành hoặc chữa khỏi huyết khối tĩnh mạch, nhưng sẽ ngăn chặn tình trạng thuyên tắc phổi nguy hiểm tới tính mạng.
5.3. Thuốc tiêu huyết khối
Thuốc có tác dụng làm tan cục máu đông được gọi là tiêu huyết khối. Chúng có thể gây chảy máu nghiêm trọng, đột ngột, vì vậy các bác sĩ chỉ sử dụng chúng trong trường hợp khẩn cấp, chẳng hạn như để làm tan cục máu đông đe dọa tính mạng trong phổi.
5.4. Vớ áp lực
Những đôi tất đặc biệt tạo áp lực nhẹ nhàng lên chân để giữ cho máu di chuyển, tránh hình thành cục máu đông. Chúng giúp ngăn hình thành cục máu đông cũng như giảm sưng và đau. Sử dụng vớ áp lực dưới hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
6. Làm sao để ngăn ngừa hình thành huyết khối tĩnh mạch sâu?
Để ngăn ngừa hình thành huyết khối tĩnh mạch sâu, bạn nên áp dụng các biện pháp sau:
- Khi có thể, hãy ngồi gác chân lên khỏi sàn. Điều này sẽ giúp máu trong tĩnh mạch chảy về tim dễ dàng hơn, giảm nguy cơ hình thành huyết khối tĩnh mạch sâu.
- Tập thể dục: Tập thể dục thường xuyên giúp máu lưu thông dễ dàng hơn và giữ cân nặng hợp lý, ngăn ngừa bệnh.
- Vận động sớm sau đẻ hay sau phẫu thuật khi có thể, đặc biệt phụ nữ sau sinh có nguy cơ cao. Cần vận động sớm để giảm nguy cơ hình thành cục máu đông.
- Khi đi du lịch, nếu phải ngồi trong thời gian dài bạn không nên mặc quần áo chật, thay vào đó hãy uống nhiều nước, đứng dậy và đi lại ít nhất vài giờ một lần. Nếu bạn phải giữ nguyên chỗ ngồi, hãy duỗi thẳng và di chuyển chân. Thử siết chặt, thả lỏng bắp chân và đùi hoặc nâng, hạ gót chân bằng các ngón chân trên sàn.
Huyết khối tĩnh mạch sâu là bệnh khó có thể phát hiện chỉ thông qua các dấu hiệu lâm sàng. Cho nên, khi bạn có những biểu hiện bất thường, đặc biệt thuộc nhóm nguy cơ cao thì cần thăm khám để được chẩn đoán và điều trị sớm tránh biến chứng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com