Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Quốc Vĩnh - Bác sĩ Cấp cứu - Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Hiện nay, đái tháo đường đang ngày càng gia tăng để lại hậu quả nặng nề đối với sức khỏe và tuổi thọ của bệnh nhân, gia tăng gánh nặng chi phí bệnh tật và xã hội. Đái tháo đường typ 2 chiếm đa số khoảng 90-95% trong tổng số bệnh nhân mắc đái tháo đường. Theo dõi tiến triển của bệnh giúp cho bệnh nhân phòng ngừa được các biến chứng có thể xảy ra.
1. Đái tháo đường
Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, làm tăng glucose máu. Nguyên nhân dẫn tới bệnh đái tháo đường là do khiếm khuyết về tiết insulin, hoặc tác động của insulin hoặc cả hai. Tăng glucose mạn tính kéo dài sẽ gây ra những rối loạn chuyển hóa protide, lipid, carbohydrate,... Sau đó dẫn tới tổn thương nhiều đến cơ quan khác nhau đặc biệt là mạch máu, thần kinh, tim mạch, mắt, thần kinh.
Các loại đái tháo đường bao gồm:
- Đái tháo đường typ 1: Hay còn gọi là đái tháo đường phụ thuộc insulin, do phá hủy tế bào beta tụy dẫn tới thiếu insulin tuyệt đối.
- Đái tháo đường typ 2: Hay đái tháo đường không phụ thuộc insulin, do giảm chức năng của tế bào beta tụy tiến triển trên nền tảng đề kháng insulin.
- Đái tháo đường thai kỳ: Được chẩn đoán trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ. Trước đó bệnh nhân không mắc đái tháo đường typ 1, typ 2.
- Đái tháo đường do nguyên nhân khác: đái tháo đường do dùng thuốc, đái tháo đường sơ sinh,...
Trong đó, đái tháo đường typ 2 chiếm khoảng 90-95% trong các thể bệnh đái tháo đường. Do đó, việc hướng dẫn theo dõi tiến trên bệnh đái tháo đường typ 2 cho bệnh nhân là hết sức quan trọng, nhằm giúp bệnh nhân có thể tự điều trị tại nhà và phòng ngừa, phát hiện sớm những biến chứng có thể xảy ra.
2. Xác định yếu tố nguy cơ và chẩn đoán bệnh
2.1 Yếu tố nguy cơ
Những yếu tố nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường bao gồm:
- Chỉ số BMI (cân nặng/ chiều cao^2) ≥ 23 kg/m2
- Tuổi ≥ 45
- Huyết áp trên 130/85 mmhg
- Trong gia đình có người đái tháo đường.
- Phụ nữ: và có các tiền sử thai sản đặc biệt như: sinh con to nặng trên 3600 gam, tiền đái tháo đường, đái tháo đường thai kỳ, sảy thai tự nhiên, thai chết lưu,... và mắc hội chứng buồng trứng đa nang.
- Tiền sử mắc hội chứng chuyển hóa, tiền đái tháo đường: rối loạn dung nạp đường, suy giảm đường huyết lúc đói.
- Rối loạn Lipid máu.
- Ít hoạt động thể lực
- Uống nhiều rượu, hút thuốc lá
2.2 Chẩn đoán bệnh đái tháo đường
Để chẩn đoán đái tháo đường là làm xét nghiệm đường máu. Bệnh nhân sẽ được xét nghiệm đo đường huyết vào buổi sáng, lúc đói khi chưa ăn. Lúc đói được định nghĩa là không ăn uống thực phẩm có năng lượng ít nhất 8 giờ trước đó. Nên tiến hành xét nghiệm 2 lần vào 2 ngày khác nhau để cho kết quả chắc chắn:
- Kết quả nếu đường huyết ≥ 7.0 mmol/L (126mg/dL) được ghi nhận là đái tháo đường.
- Nghiệm pháp dung nạp đường huyết bằng đường uống (cho bệnh nhân uống 75g đường glucose, sau 2 giờ đo đường huyết) . Kết quả đường huyết ≥ 11,1 mmol/L (200mg/dL) được ghi nhận là đái tháo đường.
- Kết quả xét nghiệm HbA1C ≥ 6.5% ở bệnh nhân có tình trạng hemoglobin bình thường (không thiếu máu, không mất máu, không có bệnh đa hồng cầu hoặc bất thường về Hemoglobin khác) được ghi nhận là đái tháo đường.
- Bệnh nhân có triệu chứng tiểu đường(tiểu nhiều, ăn nhiều, sụt cân nhiều) và Glucose máu ngẫu nhiên ≥ 11.1 mmol/L (200 mg/dL) được ghi nhận là đái tháo đường.
3. Quản lý và theo dõi tiến triển bệnh đái tháo đường
3.1 Chế độ ăn uống và sinh hoạt
Hướng dẫn chế độ sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng cho người bệnh, giúp bệnh nhân có một lối sống lành mạnh bao gồm:
- Tăng cường ăn nhiều rau xanh, quả và ngũ cốc nguyên hạt. Hạn chế tinh bột, và các thức ăn có nguồn gốc động vật. Có thể thay thế bằng các thức ăn có nguồn gốc thực vật như các loại đậu, lạc,...
- Không nên ăn các loại thức ăn cung cấp đường nhanh ví dụ như: các thức ăn có vị ngọt, bánh kẹo, nước ngọt,... Trái cây ngọt chứa nhiều đường như: na, mít, xoài, dứa... Có thể dùng các chất ngọt đường hóa học để thay thế đường thông thường như saccharin.
- Lưu ý giảm cân nếu có béo phì hoặc thừa cân bằng chế độ ăn giảm calo. Đối với người không thừa cân béo phì, không nên ăn kiêng thái quá.
- Đảm bảo đầy đủ các vitamin, nhất vitamin nhóm B.
- Tăng cường tập luyện thể lực như đi bộ, chạy, bơi.
- Tăng cường vận động trong sinh hoạt hàng ngày như: đi bộ, leo cầu thang tránh dùng xe máy khi không thật cần thiết,...
- Giữ vệ sinh sạch sẽ để phòng nhiễm trùng: vệ sinh cơ thể, răng miệng và điều trị ngay các xây xát tay chân,...
- Sinh hoạt điều độ, tránh rượu bia, và bỏ thuốc lá.
3.2 Thuốc điều trị đái tháo đường
Trong khởi đầu điều trị tùy mức độ của các chỉ số tiểu đường ban đầu, phân tầng nguy cơ tim mạch mà xem xét lựa chọn phối hợp thuốc khác nhau. Thông thường khởi đầu dùng Metformin kết hợp với thay đổi lối sống tích cực. Riêng ở bệnh nhân có một hoặc nhiều hơn trong các đặc điểm như:
- Bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch.
- Nguy cơ tim mạch rất cao
- Bệnh thận mạn
- Suy tim
Ngoài dùng Metformin kết hợp với thay đổi lối sống còn được xem xét sử dụng thuốc nhóm SGTL2i (Ức chế kênh SGTL2 ở ống thận) các thuốc như: Empaliflozin (Jardiance), Dapagliflozin (Forxiga)
Ở những bệnh nhân khác, sau 3 tháng điều trị Metformin kết hợp với thay đổi lối sống mà chưa đạt được mục tiêu điều trị (mục tiêu dựa theo chỉ số HbA1C: chặt chẽ < 6.5%, trung bình < 7.0%, lỏng lẻo < 8.0%) thì xem các đặc điểm cá nhân hóa của bệnh nhân mà lựa chọn nhóm thuốc phối hợp:
- Muốn giảm nguy cơ hạ đường huyết: nhóm DPP-4i các thuốc như Sitagliptin(Januvia, Janumet), Sitagliptin(Januvia, Janumet), Vildagliiptin, Linagliptin (Trajenta) hoặc nhóm SGLT2i
- Muốn không tăng cân hoặc muốn giảm cân: nhóm SGLT2i
- Muốn tiết kiệm chi phí: nhóm SU các thuốc như Gliclazide MR (Diamicron 30,60), Gliclazide MR (Diamicron 30,60), Gliclazide MR (Diamicron 30,60)..
Bệnh nhân thường được thăm khám định kỳ 03 tháng 01 lần, để hiệu chỉnh thuốc theo mục tiêu HbA1C. Những trường hợp không đáp ứng với liều tối đa có thể dung nạp được xem xét phối hợp thêm các nhóm thuốc khác, trong đó có insulin.
Đặc điểm một số loại thuốc thường sử dụng trong điều trị đái tháo đường bao gồm:
- Metformin:
- Metformin: thuốc nền tảng điều trị đái tháo đường. Cần sử dụng khi bắt đầu điều trị.
- Cơ chế tác dụng: giảm tổng hợp Glucose ở gan, tăng nhạy cảm insulin ở mô, tăng sử dụng glucose ở cơ, giảm hấp thu Glucose ở ruột, Ức chế tổng hợp lipid(triglyceride, cholesterol), tạo cảm giác chán ăn.
- Thuốc không gây hạ đường huyết
- Phản ứng phụ của thuốc hay gặp là tiêu chảy, buồn nôn, toan Lactic(hiếm), thiếu B12 (biểu hiện thần kinh ngoại biên, thiếu máu).
- Dùng bắt đầu bằng liều 500mg x 2 lần /ngày, liều tối đa thường dùng 1000mg x 2 lần/ngày, tăng liều từ từ nhằm tránh tác dụng phụ. Thuốc có dạng phóng thích chậm(XR) dùng 1 lần/ ngày(tối). Uống cùng hoặc sau ăn.
- Gliclazide MR (Diamicron 30mg và 60mg) thuộc nhóm SU:
- Thuốc có tác dụng tăng tiết insulin, đối với tim mạch thuốc còn giảm tình trạng hình thành huyết khối.
- Liều khởi đầu: 30mg/ ngày, liều tối đa được sử dụng 120 mg/ ngày.
- Thuốc có thể gây hạ đường huyết
- Uống thuốc trước các bữa ăn nhằm tránh hạ đường huyết.
- Empaliflozin (Jardiance) thuộc nhóm SGLT2i:
- Thuốc có tác dụng loại bỏ glucose dư thừa qua thận bằng cách ngăn chặn sự tái hấp thu thông qua ức chế kênh SGTL2 ở ống thận từ đó làm giảm đường máu.
- Liều khởi đầu: 10mg/ ngày, liều tối đa được sử dụng 25 mg/ ngày.
- Thuốc có một số tác dụng phụ như: Nhiễm khuẩn tiết niệu sinh dục, mất nước (tiểu nhiều, khát, táo bón, suy thận chức năng, hạ huyết áp), gãy xương, Ung thư bàng quang, nhiễm toan ceton mà Glucose máu bình thường. Tăng nguy cơ hạ đường huyết khi dùng chung với insulin hoặc nhóm SU.
- Không dùng nếu mức lọc cầu thận < 30 ml/phút/ 1.73 m2.
- Dapagliflozin (Forxiga 10mg) thuộc cùng nhóm SGLT2i:
- Cơ chế tác dụng và tác dụng phụ tương tự như Empaliflozin.
- Liều khởi đầu: 5mg/ ngày, liều tối đa được sử dụng 10 mg/ ngày.
- Không dùng nếu mức lọc cầu thận < 45 ml/phút/ 1.73 m2.
Các thuốc khác khi được sử dụng sẽ được sự tư vấn của bác sĩ.
3.3 Phát hiện các biến chứng
Một số dấu hiệu lâm sàng nhằm phát hiện sớm được các biến chứng, và cần đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế để được điều trị:
- Tăng đường huyết: Khát nước tăng lên, đái nhiều lên
- Hôn mê tăng đường huyết: Ý thức chậm chạp hoặc hôn mê.
- Cơn hạ đường huyết: Vã mồ hôi, run chân tay.
- Tăng đường huyết: Đau bụng, nôn, buồn nôn
- Biến chứng thần kinh: Tê chân tay
- Biến chứng loét chân: Loét chân
- Ho kéo dài
- Nhiễm trùng: Sốt kéo dài
- Viêm tắc tĩnh mạch, động mạch: Đau chân khi đi lại
- Biến chứng thận: phù
3.4 Biến chứng hạ đường huyết
Một số dấu hiệu hạ đường huyết và cách xử trí bao gồm:
- Biểu hiện hạ đường huyết là vã mồ hôi, đói lả, run tay, nếu nặng có thể dẫn tới hôn mê. Thường xảy ra khi bệnh nhân uống quá liều thuốc, hoặc bỏ bữa ăn trong khi vẫn uống thuốc.
- Bệnh nhân cần uống ngay một cốc nước có đường 10 - 15 gam đường hoặc ăn một thứ đồ ngọt như bánh, kẹo, quả chuối,... hoặc một cốc nước trái cây ngọt.
- Sau khi hết triệu chứng, bệnh nhân nên đi khám để điều chỉnh lại liều thuốc
- Để tránh biến chứng hạ đường huyết, bệnh nhân nên ăn đúng giờ, không bỏ bữa và uống thuốc đái tháo đường trước bữa ăn.
3.5 Nhận định kết quả và mục tiêu kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường type 2 không có thai
- Glucose mao mạch trước ăn: 4.4 – 7.2 mmol/L(80-130mg/dL)
- Glucose mao mạch sau ăn 1-2 giờ: <10.0 mmol/L(<180mg/dL)
- HbA1C: chặt chẽ < 6.5%, trung bình < 7%, lỏng lẻo < 8%.
Tóm lại, đái tháo đường đang ngày càng gia tăng để lại hậu quả nặng nề đối với sức khỏe và tuổi thọ của bệnh nhân, gia tăng gánh nặng chi phí bệnh tật và xã hội. Hướng dẫn bệnh nhân theo dõi tiến triển bệnh đái tháo đường typ 2 có thể giúp người bệnh tự điều trị tại nhà, giảm chi phí nằm viện và phát hiện sớm được các dấu hiệu bất thường, kịp thời đến các cơ sở y tế nhằm ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.