Hướng dẫn theo dõi bệnh viêm khớp vảy nến, tránh biến chứng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Dương Tiến - Bác sĩ Nội tổng hợp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ Tiến có nhiều năm kinh nghiệm về nội cơ xương khớp.

Viêm khớp vảy nến là bệnh lý gây ảnh hưởng tới nhiều cơ quan trên cơ thể. Hiện tại, chỉ có phương pháp điều trị triệu chứng cho bệnh chứ chưa có phương án điều trị dứt điểm. Bởi vậy, bệnh có tỷ lệ tái phát cao. Do đó, cần theo dõi, tái khám viêm khớp vảy nến định kỳ để kiểm soát bệnh, tránh biến chứng.

1. Tổng quan về bệnh viêm khớp vảy nến

Viêm khớp vảy nến là tình trạng bệnh viêm khớp có liên quan tới bệnh vảy nến. Theo khảo sát, tỷ lệ viêm khớp vảy nến gặp ở 10 - 30% bệnh nhân bị vảy nến. Bệnh diễn biến mãn tính, tiến triển thành từng đợt, có thể dẫn tới tổn thương xương khớp, gây tàn phế hoặc phá hủy khớp làm mất chức năng vận động.

Tới nay, vẫn chưa rõ cơ chế bệnh sinh của bệnh viêm khớp vảy nến. Các nghiên cứu cho thấy có 3 yếu tố ảnh hưởng tới quá trình sinh bệnh, đó là di truyền, miễn dịch và môi trường.

Triệu chứng của bệnh viêm khớp vảy nến gồm:

  • Viêm khớp: Có nhiều thể khác nhau như thể viêm ít khớp (chủ yếu là các khớp lớn), thể viêm khớp ngoại biên đối xứng, thể viêm khớp ngoại biên biến dạng nặng, thể viêm các khớp liên đốt xa, thể viêm khớp trục (khớp cùng chậu và cột sống);
  • Biểu hiện khác trên cơ - xương - khớp: Viêm gân gót, viêm gân bám, dấu hiệu ngón tay hoặc ngón chân khúc dồi;
  • Biểu hiện trên da: Vảy nến thường, vảy nến mủ, đỏ da, vảy nến dạng giọt hoặc dạng mảng;
  • Biểu hiện khác: Viêm màng bồ đào, viêm kết mạc, bệnh van tim, tổn thương móng tay, móng chân,...

Việc điều trị bệnh viêm khớp vảy nến bao gồm điều trị vảy nến da và điều trị viêm khớp. Bác sĩ sẽ tùy tình hình thực tế để chỉ định loại thuốc điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân. Bệnh có tiên lượng nặng nếu bị tổn thương viêm nhiều khớp ngoại biên (như khớp gối, khớp háng), người bệnh trẻ tuổi, có các biểu hiện ngoài khớp hoặc lạm dụng thuốc corticosteroid.

Nếu điều trị viêm khớp ngoại biên không đúng hoặc không kịp thời thì bệnh nhân có thể bị dính khớp ở tư thế xấu, đặc biệt là khớp háng và khớp gối, có thể bị tàn phế từ khi còn rất trẻ.


Viêm khớp vảy nến là tình trạng bệnh viêm khớp có liên quan tới bệnh vảy nến
Viêm khớp vảy nến là tình trạng bệnh viêm khớp có liên quan tới bệnh vảy nến

2. Theo dõi bệnh viêm khớp vảy nến

  • Người bệnh phải được điều trị tích cực, theo dõi sát trong suốt quá trình điều trị;
  • Định kỳ thực hiện các xét nghiệm như: Tế bào máu ngoại vi, Creatinin, tốc độ máu lắng, SGOT, SGPT mỗi 2 tuần/lần trong vòng 1 tháng đầu, mỗi tháng/lần trong vòng 3 tháng đầu, sau đó mỗi 3 tháng/lần;
  • Thực hiện xét nghiệm máu đột xuất hoặc chụp X-quang phổi khi cần theo dõi diễn tiến của bệnh;
  • Tuân thủ điều trị, thường xuyên tái khám để bác sĩ có thể theo dõi diễn tiến bệnh, đánh giá và điều chỉnh thuốc cho phù hợp. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý bỏ điều trị hoặc tự điều trị các thuốc không được bác sĩ khuyên dùng.

3. Biện pháp hạn chế diễn tiến của viêm khớp vảy nến

Bên cạnh việc áp dụng phương pháp điều trị phù hợp, theo dõi phòng chống viêm khớp vảy nến tái phát, người bệnh còn cần chú ý tới những điều sau:

  • Thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt, thay đổi cách thực hiện các công việc hằng ngày để ít gây ảnh hưởng tới khớp, góp phần bảo vệ khớp;
  • Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao để giúp các khớp linh hoạt, dẻo dai hơn.
  • Có thể chườm lạnh hoặc chườm nóng lên khớp bị viêm để giúp giảm sưng, đau;
  • Giữ trọng lượng cơ thể ở mức phù hợp bằng cách ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi, hạn chế tinh bột và thực phẩm giàu chất béo. Điều này giúp làm giảm áp lực lên các khớp, đặc biệt là các khớp đang bị đau;
  • Tập yoga, thiền,... để tạo cho cơ thể một tâm trạng thoải mái, vui vẻ và tránh căng thẳng.

Bạn có thể bắt đầu tập yoga, thiền,... để tạo cho mình tâm trạng thoải mái, tránh căng thẳng
Bạn có thể bắt đầu tập yoga, thiền,... để tạo cho mình tâm trạng thoải mái, tránh căng thẳng

Để tránh gặp phải những biến chứng không mong muốn do bệnh viêm khớp vảy nến gây ra, bệnh nhân nên tuân thủ đúng hướng dẫn điều trị của bác sĩ và thực hiện tái khám định kỳ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe