Hướng dẫn đầy đủ về bệnh nhược cơ

Bệnh nhược cơ liên quan đến sự yếu cơ và tình trạng dễ mệt mỏi cơ. Bệnh lý này có thể chẩn đoán thông qua xét nghiệm máu, điện cơ và đôi khi là edrophonium. Rất nhiều người bệnh lo lắng liệu bệnh nhược cơ có nguy hiểm không? Tham khảo ngay bài viết dưới đây!

1. Bệnh nhược cơ là bệnh gì?

Bệnh nhược cơ xảy ra khi hệ miễn dịch - vốn là cơ quan bảo vệ cơ thể chống lại vi trùng, nay lại tạo ra các kháng thể làm gián đoạn các tín hiệu thần kinh. Kết quả là cơ bắp của bạn trở nên yếu đi. Bệnh lý này không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng bác sĩ điều trị sẽ giúp bạn kiểm soát các triệu chứng. Triệu chứng đầu tiên thường xuất hiện ở các cơ của mắt, sau đó có thể tất cả các cơ xương (còn gọi là cơ bắp tự nguyện) đều bị ảnh hưởng, chẳng hạn như cơ cử động chân và tay, cơ giúp bạn thở.

2. Các triệu chứng của bệnh nhược cơ

  • Mắt

Sụp mi là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh nhược cơ. Căn bệnh này làm suy yếu các cơ nhỏ và mỏng manh xung quanh mắt, khiến bạn khó mở mắt hoàn toàn. Bạn cũng có thể khó kiểm soát chuyển động của mi mắt và tập trung nhìn các vật thể, gây ra hiện tượng nhìn mờ hoặc nhìn đôi (song thị). Nếu chỉ mắc bệnh nhược cơ mắt thì các cơ khác sẽ không bị ảnh hưởng.

  • Mặt và cổ họng

Bệnh nhược cơ cũng thường ảnh hưởng đến các cơ ở mặt và cổ họng, khiến khuôn mặt của bạn có biểu hiện bất thường. Ví dụ, mặt bạn có thể trông giống như đang nhăn nhó nếu bạn cố gắng mỉm cười. Bạn có thể gặp những vấn đề khó khăn khi ngẩng đầu lên hoặc khi nói. Một số người bệnh cảm thấy khó nhai và khó nuốt, cũng như bị chảy nước dãi hoặc bị sặc.

  • Các vấn đề về hô hấp

Khi bệnh nhược cơ làm suy yếu các cơ xung quanh khoang ngực, bạn có thể cảm thấy khó thở hơn. Căng thẳng, nhiễm trùng và thậm chí một số loại thuốc có thể khiến người bệnh phải dùng thiết bị đặc biệt để thở. Để hạn chế nguy cơ gặp phải tình trạng khá nguy hiểm này, hãy báo cho bác sĩ ngay lập tức nếu bạn nhận thấy hơi thở của mình có bất kỳ vấn đề nào.

  • Cánh tay và chân

Khi bị nhược cơ, mức độ yếu cơ sẽ tùy thuộc vào mức độ hoạt động của bạn và những yếu tố như: căng thẳng, chế độ ăn uống và sức khỏe tổng thể. Vào những thời điểm nhất định, tay và chân yếu có thể khiến bạn khó nhấc đồ vật, leo cầu thang hoặc thậm chí là khó đứng lên. Cách người bệnh đi bộ cũng trông khác so với bình thường. Các triệu chứng này có thể thuyên giảm khi bạn nghỉ ngơi.

Một số người bị bệnh nhược cơ có tuyến ức ở ngực lớn hơn bình thường. Cơ quan này là một phần của hệ miễn dịch. Người bệnh cũng có thể bị khối u ở tuyến ức. Đa số các trường hợp là lành tính, nhưng đôi khi cũng có thể trở thành ung thư.


Nguyên nhân bệnh nhược cơ có thể gây ra bởi một số yếu tố khác nhau
Nguyên nhân bệnh nhược cơ có thể gây ra bởi một số yếu tố khác nhau

3. Nguyên nhân bệnh nhược cơ

Bệnh nhược cơ là một bệnh tự miễn, nghĩa là hệ miễn dịch của bạn tự tấn công nhầm vào chính các mô của cơ thể bạn. Các nhà khoa học tin rằng gen di truyền đóng một vai trò quan trọng đối với cơ chế bệnh sinh. Các nghiên cứu vẫn đang được tiếp tục để tìm hiểu rõ hơn về loại gen cụ thể nào là nguyên nhân bệnh nhược cơ.

Một số yếu tố có thể làm cho các triệu chứng nhược cơ trở nên trầm trọng hơn, chẳng hạn như:

  • Đau ốm
  • Căng thẳng hoặc mệt mỏi
  • Mang thai hoặc chu kỳ kinh nguyệt
  • Một số loại thuốc, chẳng hạn như: Thuốc chẹn beta, quinidine gluconate, quinine, quinidine sulfate, phenytoin, một số loại thuốc gây mê và kháng sinh.

Bệnh xảy ra phổ biến nhất ở phụ nữ dưới 40 tuổi và nam giới trên 60 tuổi, nhưng mọi người có nguy cơ mắc bệnh này ở bất kỳ lứa tuổi nào, kể cả khi còn nhỏ. Mặc dù hiếm gặp ở trẻ sơ sinh, nhưng có trường hợp người mẹ mắc bệnh nhược cơ truyền kháng thể gây bệnh cho con. Bệnh nhược cơ sơ sinh thường không nghiêm trọng và các triệu chứng sẽ tự biến mất vào khoảng 3 tháng sau sinh.

4. Chẩn đoán

Bác sĩ sẽ xem xét bệnh sử và kiểm tra cơ thể của bạn, ví dụ như xem xét sức mạnh và sự phối hợp của các cơ, cũng như chuyển động mắt. Bởi vì yếu cơ là triệu chứng phổ biến của nhiều bệnh khác nhau, nên có thể phải mất một thời gian dài (nhiều nhất là 2 năm) bác sĩ mới đưa ra chẩn đoán đầy đủ. Đặc biệt là đối với những trường hợp bệnh nhẹ hoặc triệu chứng chỉ xuất hiện ở một vài cơ.

Một số hình thức khác để chẩn đoán bệnh bao gồm:

  • Điều trị thử edrophonium tĩnh mạch, trong đó bạn sẽ dùng một loại thuốc để giảm các vấn đề về mắt và bác sĩ xem phản ứng của bạn.
  • Xét nghiệm máu có thể kiểm tra nồng độ của một số kháng thể.
  • Thử nghiệm kích thích điện (điện cơ) giúp kiểm tra tín hiệu từ dây thần kinh đến cơ, thể hiện khả năng phản ứng của cơ.
  • Chụp CT hoặc MRI giúp xem xét tuyến ức có lớn hơn bình thường hay không hoặc sự hiện diện của các khối u.
  • Xét nghiệm phổi có thể giúp bác sĩ dự đoán cơn nhược cơ.

Sau khi chụp CT phần nào quyết định được bệnh nhược cơ có nguy hiểm không của bệnh nhân
Sau khi chụp CT phần nào quyết định được bệnh nhược cơ có nguy hiểm không của bệnh nhân

5. Điều trị bệnh nhược cơ

5.1. Phẫu thuật

Nếu có một hoặc nhiều khối u trên tuyến ức, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để loại bỏ chúng. Phương pháp này giúp cải thiện các triệu chứng và giảm nhu cầu dùng thuốc. Phương pháp này cũng sẽ hữu ích ngay cả khi không có khối u, nhưng phải đợi sau vài năm mới thấy kết quả. Phẫu thuật mở đi qua xương ức là lựa chọn phổ biến, nhưng một số người cũng có thể được chỉ định những cách ít xâm lấn hơn.

5.2. Thuốc

Bác sĩ có thể đề nghị bạn dùng:

  • Thuốc kháng cholinesterase để cải thiện khả năng truyền tín hiệu thần kinh đến cơ.
  • Thuốc ức chế miễn dịch để làm chậm hoặc ngừng tạo ra các kháng thể có hại, nhờ đó cải thiện sức mạnh cơ bắp.

5.3. Liệu pháp tiêm tĩnh mạch (IV)

Bác sĩ thường chỉ định tiêm thêm hoặc loại bỏ máu và thuốc qua đường tĩnh mạch cánh tay khi các triệu chứng đột ngột trở nặng hơn. Cụ thể:

  • Phân tách huyết tương (Plasmapheresis) giúp loại bỏ các kháng thể có hại và thay thế bằng huyết tương tốt.
  • Tiêm tĩnh mạch globulin miễn dịch cung cấp cho bạn các kháng thể bình thường để thay đổi cách hệ miễn dịch hoạt động.
  • Kháng thể đơn dòng là thuốc được truyền qua đường tĩnh mạch và thường chỉ được sử dụng sau khi các phương pháp điều trị khác không thành công.

6. Bệnh nhược cơ có nguy hiểm không?

Nếu dùng thuốc đều đặn và làm theo hướng dẫn của bác sĩ, bạn có thể cải thiện tình trạng yếu cơ và có cuộc sống gần như bình thường. Trong một số trường hợp, các triệu chứng có thể biến mất hoàn toàn và bạn không cần dùng thuốc nữa. Khoảng một nửa số người mắc bệnh nhược cơ được phẫu thuật cắt bỏ tuyến ức sẽ thuyên giảm lâu dài.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe