Để chăm sóc sức khỏe phụ nữ tuổi 50 tốt nhất, yêu cầu tiên quyết là cần thực hiện các xét nghiệm sàng lọc đầy đủ. Điều đó giúp bác sĩ đánh giá được tình trạng sức khỏe của bạn và đưa ra lời khuyên phù hợp nhất.
1. Vì sao nên xét nghiệm sàng lọc sức khỏe phụ nữ tuổi 50?
Vì thời kỳ mãn kinh có thể mang đến nhiều thay đổi cho cơ thể bạn nên tuổi 50 chính là thời điểm thích hợp để bạn thực hiện kiểm tra sức khỏe tổng thể. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), có khoảng 70% người từ 50 - 64 tuổi đã được chẩn đoán mắc ít nhất 1 bệnh mãn tính. Nhiều người trong số họ mắc 2 - 3 bệnh lý khác nhau. Nếu phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, khi chúng dễ điều trị nhất sẽ giúp chúng ta có thể chữa khỏi bệnh hoặc kéo dài sự sống.
Mặc dù thực tế là việc thực hiện các xét nghiệm sàng lọc sớm có thể giúp mọi người khỏe mạnh lâu hơn nhưng chỉ có khoảng 25% người lớn từ 50 - 64 tuổi thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe, bao gồm cả tiêm ngừa và khám sàng lọc (theo CDC).
Theo ông JoAnn Manson, giáo sư y khoa tại Trường Y Học Harvard: Phụ nữ cần thường xuyên trao đổi với bác sĩ về các xét nghiệm tầm soát thích hợp nhất với họ (dựa trên lịch sử gia đình, tuổi tác và sức khỏe tổng quát). Ví dụ, nếu bạn bị viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn, bạn có thể có nguy cơ mắc ung thư đại tràng cao hơn so với những người không mắc bệnh này. Hoặc nếu người thân bị mắc ung thư vú, bạn nên hỏi bác sĩ về thời điểm nên tầm soát bệnh lý này,...
Để chuẩn bị trước khi đi khám sàng lọc, bạn nên:
- Tìm hiểu về tiền sử sức khỏe của các thành viên trong gia đình bạn. Các bệnh ung thư, tiểu đường và bệnh tim mạch có thể làm tăng tỷ lệ mắc bệnh trong gia đình;
- Viết ra một danh sách các câu hỏi rồi đặt câu hỏi với bác sĩ để được giải đáp mọi băn khoăn;
- Nghĩ về tương lai, bạn có thấy trước bất kỳ vấn đề sức khỏe nào có thể xảy ra trong vài năm tới hay không. Giờ là lúc bạn nên trao đổi với bác sĩ.
2. 8 xét nghiệm sàng lọc sức khỏe phụ nữ tuổi 50
Để chăm sóc sức khỏe phụ nữ tuổi 50 một cách tốt nhất, bạn nên thực hiện các xét nghiệm sàng lọc sau:
2.1 Tầm soát viêm gan C
- Đối tượng tầm soát: Người sinh từ năm 1945 - 1965. Khi còn nhỏ, có thể họ đã bị nhiễm viêm gan C qua truyền máu hoặc các yếu tố nguy cơ khác trước khi loại virus gây bệnh này được phát hiện vào năm 1989;
- Lý do cần tầm soát: Theo thời gian, virus viêm gan C gây hư hại cho gan, làm tăng nguy cơ ung thư gan và suy các cơ quan. Ngày nay, sàng lọc viêm gan C là bắt buộc để phát hiện sớm khi gan chịu ít tổn thương;
- Cách thức tầm soát: Bác sĩ sẽ lấy máu bệnh nhân để xét nghiệm, tìm sự hiện diện của các kháng thể viêm gan C - một dấu hiệu cho thấy có thể bạn đã nhiễm bệnh tại một thời điểm nào đó trong đời;
- Tầm soát sau đó: Nếu kết quả âm tính, bạn có thể không cần thực hiện các xét nghiệm khác (trừ khi thay đổi các yếu tố nguy cơ). Nếu bạn có kết quả dương tính với virus thì bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm tiếp theo để xác định bạn có bị nhiễm viêm gan C không. Theo CDC, có khoảng 15 - 25% bệnh nhân viêm gan C sẽ tự đào thải virus khỏi cơ thể, trong khi số khác thì phát triển thành nhiễm trùng mãn tính.
2.2 Chụp quang tuyến vú
- Đối tượng tầm soát: Khuyến nghị thực hiện lần đầu cho phụ nữ ở độ tuổi 40 - 50. Trong chăm sóc sức khỏe phụ nữ tuổi 50, nên thực hiện sàng lọc 2 năm/lần từ khi được 50 tuổi. Bạn nên trao đổi với bác sĩ về việc khám sàng lọc, đặc biệt nếu tiền sử gia đình bạn có người mắc ung thư vú;
- Lý do cần tầm soát: Xét nghiệm này giúp bạn có cơ hội phát hiện sớm các khối u vú trước khi chúng tiến triển và lan rộng. Theo một nghiên cứu vào năm 2016, chụp quang tuyến vú ở phụ nữ tuổi 50 - 69 có thể làm giảm 20% nguy cơ ung thư vú ở giai đoạn muộn;
- Cách thức tầm soát: Chụp quang tuyến vú giống chụp X-quang ngực, cho thấy các mô ung thư không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Nhưng một số phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao, ví dụ người mang gen BRCA có thể cần chụp MRI vú thay vì chụp X-quang vú. Bạn nên trao đổi với bác sĩ về lựa chọn sàng lọc tốt nhất cho mình;
- Tầm soát sau đó: Tùy thuộc vào kết quả xét nghiệm và mật độ mô vú mà bạn có thể được yêu cầu khám lại sau 1 hoặc 2 năm.
2.3 Kiểm tra mật độ xương
- Đối tượng tầm soát: Phụ nữ ở tuổi 65 hoặc sớm hơn nếu bạn có tiền sử gia đình bị loãng xương hoặc gãy xương. Bạn nên báo cho bác sĩ nếu mẹ bạn bị loãng xương;
- Lý do cần tầm soát: Khối lượng và mật độ xương của mỗi người đạt đỉnh ở độ tuổi 20. Sức khỏe của xương ở phụ nữ sẽ bị ảnh hưởng sau thời kỳ mãn kinh. Ước tính có khoảng 50% phụ nữ sau mãn kinh sẽ bị gãy xương do loãng xương. Vì vậy, xét nghiệm đo hấp thụ tia X năng lượng kép (DXA) giúp bác sĩ dự đoán xem bạn có cần thay đổi lối sống hoặc dùng thuốc điều trị loãng xương để bảo vệ xương hay không;
- Cách thức tầm soát: Tia X đi qua hông và cột sống dưới của bạn để phát hiện sự mất mô xương;
- Tầm soát sau đó: Nếu kết quả của bạn nằm trong ngưỡng tốt thì bạn có thể không cần thực hiện các xét nghiệm khác nhiều năm sau đó. Nếu kết quả chưa ổn, bác sĩ sẽ đề nghị bạn nên tái khám thường xuyên hơn để đánh giá hiệu quả của các phương pháp điều trị.
2.4 Pap smear
- Đối tượng tầm soát: Phụ nữ tuổi từ 21 - 65;
- Lý do cần tầm soát: Xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung có thể phát hiện ung thư cổ tử cung hoặc các tổn thương tiền ung thư;
- Cách thức tầm soát: Một mẫu tế bào nhỏ sẽ được lấy ra từ cổ tử cung của bạn khi khám phụ khoa. Những tế bào này được kiểm tra dưới kính hiển vi để tìm kiếm một số dấu hiệu liên quan đến ung thư;
- Tầm soát sau đó: Bạn có thể cần thực hiện Pap smear 1 lần/năm. Tuy nhiên, nếu bạn đã có 3 lần xét nghiệm bình thường liên tiếp thì lần tiếp theo bạn nên thực hiện là sau 3 năm.
2.5 Nội soi đại tràng
- Đối tượng tầm soát: Hầu hết phụ nữ nên nội soi đại tràng lần đầu tiên ở tuổi 50 nhưng bạn có thể cần tầm soát sớm hơn nếu có các yếu tố nguy cơ như tiền sử gia đình bị ung thư ruột kết hoặc tiền sử cá nhân bị bệnh Crohn, viêm loét đại tràng;
- Lý do cần tầm soát: Xét nghiệm này có thể phát hiện sớm ung thư đại trực tràng, cải thiện tỷ lệ sống sót cho bệnh nhân;
- Cách thức tầm soát: Bạn sẽ được uống 1 loại dung dịch nhuận tràng làm sạch ruột vào 1 ngày trước khi nội soi. Trong quá trình kiểm tra, niêm mạc của ruột kết và trực tràng được soi bằng 1 ống nhỏ. Phương pháp này có nhiều ưu điểm hơn so với xét nghiệm máu trong phân và các lựa chọn thay thế không xâm lấn khác;
- Tầm soát sau đó: Tần suất thực hiện là 10 năm/lần. Nhưng nếu bạn có polyp đại tràng thì tần suất tái tầm soát có thể dày hơn.
2.6 Kiểm tra cholesterol
- Đối tượng tầm soát: Tất cả mọi người;
- Lý do cần tầm soát: Nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở phụ nữ là bệnh tim mạch nên việc kiểm tra các yếu tố nguy cơ như cholesterol cao, huyết áp cao và tiểu đường là rất cần thiết. Việc điều trị các yếu tố nguy cơ sẽ làm giảm đáng kể khả năng mắc bệnh tim mạch (vì cholesterol có thể tích tụ trong động mạch, làm tắc nghẽn động mạch và dễ dẫn đến đau tim);
- Cách thức tầm soát: Bác sĩ lấy máu của bệnh nhân và đưa vào phòng thí nghiệm để xét nghiệm tỷ lệ cholesterol trong máu;
- Tầm soát sau đó: Nếu mức cholesterol của bạn bình thường thì xét nghiệm tiếp theo sẽ thực hiện lại sau 5 năm. Nếu bạn có mức cholesterol cao hoặc đang được điều trị cholesterol cao thì bạn cần xét nghiệm tầm soát thường xuyên hơn. Nếu bạn có nguy cơ cao mắc các bệnh lý tim mạch thì bác sĩ có thể đề nghị bạn dùng thuốc điều trị cholesterol cao.
2.7 Kiểm tra huyết áp
- Đối tượng tầm soát: Tất cả mọi người, đặc biệt là những người quan tâm tới việc chăm sóc sức khỏe phụ nữ tuổi 50. Sau 50 tuổi, bạn nên đo huyết áp trong mỗi lần đi kiểm tra sức khỏe định kỳ;
- Lý do cần tầm soát: Huyết áp cao gây căng thẳng cho các thành mạch máu, gây ảnh hưởng tới tim mạch và não bộ. Do đó, cần thường xuyên kiểm tra huyết áp;
- Cách thức tầm soát: Bác sĩ sẽ đeo vòng đo vào bắp tay của bạn để kiểm tra huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Huyết áp của bạn nên thấp hơn 130/80. Nếu vượt 130, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thay đổi chế độ ăn uống, tăng cường tập thể dục, thường xuyên kiểm tra huyết áp tại nhà hoặc dùng thuốc để giảm huyết áp;
- Tầm soát sau đó: Nếu các chỉ số bình thường, bạn hãy kiểm tra lại huyết áp sau khoảng 1 năm. Nếu chỉ số bất thường, bạn sẽ cần kiểm tra huyết áp thường xuyên hơn theo chỉ định của bác sĩ.
2.8 Kiểm tra lượng đường trong máu
- Đối tượng tầm soát: Tất cả mọi người trên 45 tuổi, đặc biệt là bạn bị béo phì hoặc có các triệu chứng khác của bệnh tiểu đường như thường xuyên khát nước, mờ mắt hoặc tê chân;
- Lý do cần tầm soát: Lượng đường trong máu cao là dấu hiệu của bệnh tiểu đường - suy giảm khả năng sản xuất hormone insulin của cơ thể. Bệnh tiểu đường có thể gây các bệnh lý ở mắt, tổn thương mạch máu, tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ và nhiều vấn đề tim mạch khác;
- Cách thức tầm soát: Lượng đường trong máu thường được đo bằng xét nghiệm máu lúc đói. Bạn sẽ khỏe mạnh nếu lượng đường trong máu nằm trong khoảng 70 - 100mg/dL;
- Tầm soát sau đó: Nếu lượng đường trong máu của bạn ở mức bình thường, bạn có thể kiểm tra lại sau 3 năm. Nếu bạn có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường hoặc mắc các yếu tố nguy cơ khác như béo phì thì bạn có thể cần được kiểm tra đường huyết thường xuyên hơn.
Khi chăm sóc sức khỏe phụ nữ tuổi 50, bạn cần chú ý tới việc khám sàng lọc các vấn đề kể trên. Việc này giúp bác sĩ đánh giá được tình hình sức khỏe của bạn, phát hiện sớm các bệnh lý để có hướng can thiệp phù hợp nhất.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm bệnh tật, từ đó có kế hoạch điều trị đạt kết quả tối ưu.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: everydayhealth.com, health.harvard.edu