Hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quốc Việt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Suy tim là là hậu quả của nhiều bệnh lý tim mạch thường gặp với tỉ lệ mắc bệnh ngày càng tăng, bệnh suy tim chia thành nhiều độ khác nhau. Với người bệnh suy tim độ 4 luôn xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi. Chăm sóc người bệnh suy tim giai đoạn cuối là một phương pháp không dùng thuốc nhưng giúp cải thiện cuộc sống của người bệnh.

1. Suy tim là gì?

Suy tim là hội chứng lâm sàng phức tạp là hậu quả của những tổn thương thực thể tại tim hay những rối loạn chức năng của tim dẫn đến tim giảm khả năng tống máu nuôi dưỡng các cơ quan (suy tim tâm thu) hoặc giảm khả năng chứa máu (suy tim tâm trương)

Suy tim là bệnh không thể điều trị nội khoa khỏi hoàn toàn, tuy nhiên là sử dụng thuốc và các chế độ chăm sóc có thể làm chậm tiến triển của bệnh.

2. Phân độ suy tim

Có nhiều cách phân độ suy tim, tuy nhiên, Phân độ suy tim theo hội tim mạch New York (NYHA) dựa theo các triệu chứng cơ năng của bệnh nhân dễ thực hiện.

Suy tim được chia thành 4 độ

  • Độ I: Không hạn chế vận động thể lực, các vận động thông thường không gây mệt, khó thở hay hồi hộp. Bệnh nhân có các bệnh lý tim mạch, chưa biểu hiện suy tim trên lâm sàng.
  • Độ II: Hạn chế vận động thể lực nhẹ. Bệnh nhân hoạt động thể lực thông thường dẫn đến mệt, hồi hộp, khó thở hay đau ngực. Nghỉ ngơi thì hết các triệu chứng.
  • Độ III: Hạn chế nhiều vận động thể lực. Mặc dù khỏe khi nghỉ ngơi nhưng chỉ cần vận động nhẹ đã có các triệu chứng mệt, khó thở...
  • Độ IV: Không vận động thể lực nào không gây khó thở. Triệu chứng cơ năng của suy tim xảy ra ngay khi nghỉ ngơi, chỉ một vận động thể lực nhẹ cũng làm triệu chứng cơ năng gia tăng.

3. Hướng dẫn chăm sóc người bệnh suy tim độ 4

Người bệnh suy tim độ 4 có tiên lượng nặng, điều trị nội khoa chỉ giúp làm chậm tiến triển của bệnh. Chăm sóc người bệnh suy tim giai đoạn cuối giúp bệnh nhân cải thiện cuộc sống, giảm bớt các triệu chứng và kéo dài đời sống của người bệnh.

3.1. Chế độ ăn uống


Người bệnh cần có chế độ ăn uống phù hợp
Người bệnh cần có chế độ ăn uống phù hợp
  • Hạn chế lượng nước đưa vào cơ thể chỉ khoảng 30ml/kg cân nặng và 35ml/kg nếu trọng lượng cơ thể trên 85kg, tránh dịch truyền khi không có sự hướng dẫn của nhân viên y tế.
  • Ăn đủ chất dinh dưỡng và vitamin, tăng cường chất xơ, hạn chế các thực phẩm có chứa nhiều chất béo.
  • Duy trì cân nặng hợp lý tránh tăng cân.
  • Hạn chế lượng Natri đưa vào cơ thể (<2g/ngày). Tránh các thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, mì chính...
  • Không nên ăn các thức ăn lên men như dưa, cải chua...
  • Giảm hoặc không nên uống rượu
  • Bỏ thuốc lá, không sử dụng các chất gây nghiện

3.2. Chế độ tập luyện

  • Hoạt động thể lực nhẹ nhàng và an toàn. Tránh những vận động nặng như chạy bộ....
  • Nên tập luyện đều đặn. Nếu nghỉ một thời gian nên bắt đầu lại với mức độ nhẹ nhàng hơn.
  • Tránh tập ngoài trời khi thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh.
  • Nếu có bất kỳ triệu chứng nào khó chịu nên ngừng tập, nghỉ ngơi đến khi hết các triệu chứng.
  • Du lịch và giải trí: Tùy tình trạng sức khỏe, khi đi xa cần mang theo các giấy tờ liên quan tới bệnh tật, thuốc đang sử dụng và các loại thuốc dự phòng theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

3.3. Tuân thủ điều trị

  • Người bệnh phải tuân thủ sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không được tự ý bỏ thuốc.
  • Do người bệnh suy tim có thể có nhưng suy giảm nhận thức nên việc người nhà ghi nhớ và cho người bệnh uống thuốc đầy đủ là điều cần thiết.
  • Hiểu được các tác dụng không mong muốn của thuốc.

3.4. Các vấn đề chăm sóc khác

  • Thực hiện tiêm phòng cúm và viêm phổi do phế cầu đầy đủ theo hướng dẫn
  • Bệnh nhân suy tim có thể xuất hiện các triệu chứng của trầm cảm và suy giảm nhận thức, vì vậy nên hỗ trợ người bệnh trong việc hòa nhập xã hội
  • Thường xuyên ghi lại cân nặng, phát hiện sớm hiện tượng tăng cân nhanh.
  • Thông báo ngay với nhân viên y tế khi có các dấu hiệu: Trong trường hợp khó thở tăng lên, phù hoặc tăng cân đột ngột không giải thích được trên 2kg trong 3 ngày.

Mặc dù suy tim giai đoạn cuối có tiên lượng nặng và thời gian sống không cố định. Nhưng với những cách chăm sóc đúng người bệnh có thể cải thiện cuộc sống, sống vui vẻ hơn, làm chậm tiến trình của bệnh và giúp người bệnh gia tăng tuổi thọ.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe