Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Văn Dương - Bác sĩ Tim mạch can thiệp - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Phẫu thuật cấy thiết bị hỗ trợ thất trái giúp bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối kéo dài tuổi thọ, chất lượng cuộc sống bệnh nhân nâng cao do các triệu chứng suy tim được cải thiện.
1. Thiết bị hỗ trợ thất trái (LAVD) là gì?
Suy tim giai đoạn cuối là mức độ nặng nhất của suy tim, ở giai đoạn này các phương pháp điều trị nội khoa hầu như đã không còn tác dụng, người bệnh phải đối mặt với mệt mỏi triền miên, những cơn ho kéo dài, khó thở ngay cả khi nằm nghỉ. Các biến chứng của suy tim giai đoạn cuối như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, phù phổi cấp, suy thận, suy gan,... đe dọa nghiêm trọng tính mạng người bệnh. Trước đây, phẫu thuật ghép tim là phương pháp điều trị duy nhất giúp cứu sống bệnh nhân. Tuy nhiên, số lượng tim hiến tặng rất ít so với số lượng khổng lồ bệnh nhân cần được ghép tim. Mặc khác, để được ghép tim, người bệnh và tim hiến tặng phải phù hợp nhiều chỉ số và không phải người bệnh nào cũng đủ sức khỏe để thực hiện ca phẫu thuật ghép tim kéo dài. Do đó, cơ hội để người bệnh được cấy ghép tim là rất thấp. Thiết bị hỗ trợ thất trái (LAVD- Left Ventricular Assist Device) ra đời được xem là một thiết bị cứu sinh cho bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối.
Thiết bị hỗ trợ thất trái có cấu tạo như một cái bơm. Trong đó, một đầu bơm được cấy vào tâm thất trái và đầu còn lại gắn vào động mạch chủ. Thiết bị hỗ trợ thất trái giúp bơm máu ra hệ thống động mạch ngoại vi, làm máu lưu thông bình thường trong cơ thể người bệnh suy tim giai đoạn cuối, khi chức năng tim của bệnh nhân quá yếu, không thể bơm máu nuôi cơ thể. Sức khỏe và chất lượng cuộc sống người bệnh được cải thiện, các triệu chứng ho, mệt mỏi, khó thở giảm rõ rệt.
Trước đây, thiết bị hỗ trợ thất trái được dùng để điều trị duy trì trong thời gian bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối chờ cấy ghép tim, tuy nhiên hiện nay với sự cải thiện về tuổi thọ và thuận tiện trong sử dụng, thiết bị hỗ trợ thất trái đã được cấy ghép để sử dụng lâu dài như phương pháp điều trị đích. Trong một số trường hợp, thiết bị thất trái có thể được cấy ghép khi bệnh nhân suy chức năng tim nghiêm trọng đột ngột do nhiễm trùng, ngộ độc rượu,...Thiết bị giúp tim có thời gian nghỉ ngơi, khi tim phục hồi thiết bị sẽ được gỡ bỏ.
2. Cấy thiết bị hỗ trợ thất trái (LAVD) được thực hiện như thế nào?
Việc cấy thiết bị hỗ trợ thất trái chỉ được thực hiện khi chỉ có tâm thất trái bị suy, nhưng thất phải (RV) chưa bị ảnh hưởng. Phương pháp này không có chống chỉ định tuyệt đối. Bệnh nhân tăng huyết áp và phụ nữ có thai có chống chỉ định tạm thời. Trước khi tiến hành cấy ghép, bệnh nhân cần thực hiện các xét nghiệm máu và các phương thức chẩn đoán khác để đánh giá chức năng các cơ quan trong cơ thể.
Cấy thiết bị hỗ trợ thất trái được thực hiện qua phương pháp mổ hở. Ngoài hai đầu thiết bị gắn vào tim và động mạch chủ, còn có một dây cáp từ thiết bị ra ngoài da, dây cáp này nối với thiết bị điều khiển và pin được gắn ngoài cơ thể. Dây cáp được làm bởi chất liệu đặc biệt giúp vết thương nhanh lành và da mọc trở lại. Thiết bị có thể làm việc liên tục trong nhiều năm và ít khi hỏng hóc. Tuy có kích thước nhỏ, nhưng thiết bị có thể bơm 6-10 lít máu/phút, hơn cả nhu cầu máu trung bình của một người lớn khỏe mạnh là 4-5 lít/phút.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân thường hồi phục sau khoảng 2 tuần, tuần hoàn máu được phục hồi gần như bình thường. Hầu hết bệnh nhân có thể quay trở lại làm việc và thực hiện các công việc quen thuộc hàng ngày. Việc tuân thủ điều trị sau phẫu thuật đóng vai trò rất quan trọng đến hiệu quả điều trị, người bệnh cần đeo phần thiết bị bên ngoài mọi lúc mọi nơi, pin phải được sạc hàng ngày. Người bệnh tái khám thường xuyên, sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý ngừng thuốc.
3. Chi phí cấy thiết bị hỗ trợ thất trái (LAVD) cho người suy tim
Cấy thiết bị hỗ trợ thất trái là một kỹ thuật cao, chỉ các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị hiện đại và đội ngũ bác sĩ có chuyên môn, tay nghề cao mới thực hiện được. Do đó, chi phí cấy thiết bị hỗ trợ thất trái khá cao. Tuy nhiên, một số chi phí trong ca mổ được bảo hiểm đồng chi trả, giúp bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối có nhiều cơ hội tiếp cận với LAVD, một kỹ thuật được xem là tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực tim mạch can thiệp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.