Chế độ ăn uống để giảm cân sau sinh khỏe mạnh

Lấy lại vóc dáng sau khi sinh con là mong muốn của nhiều bà mẹ. Sau đây là những lời khuyên về chế độ ăn sau sinh, giúp các chị em thành công và luôn cảm thấy thoải mái trong suốt chặng đường giảm cân sau sinh.

1. Đừng bắt đầu ăn kiêng quá sớm

Cơ thể bạn cần thời gian để hồi phục sau quá trình chuyển dạ và sinh nở. Hãy cho bản thân nghỉ ngơi hoàn toàn đến ngày kiểm tra sức khỏe 6 tuần sau sinh. Nếu bác sĩ cho phép, bạn có thể bắt đầu theo dõi lượng calo nạp vào và tích cực giảm cân sau sinh. Đối với phụ nữ đang cho con bú, các chuyên gia khuyên nên đợi cho đến khi bé được ít nhất 2 tháng tuổi rồi mới cố gắng giảm cân.

Bắt đầu ăn kiêng quá sớm sau khi sinh có thể làm chậm quá trình hồi phục và khiến bạn cảm thấy mệt mỏi hơn. Trong khi đó, người mới làm mẹ cần rất nhiều năng lượng để thích nghi với cuộc sống có trẻ sơ sinh. Ngoài ra, nếu đang cho con bú, chế độ ăn sau sinh có thể ảnh hưởng đến nguồn sữa của bạn. Nên kiên nhẫn và cho cơ thể thời gian ổn định, bạn sẽ ngạc nhiên về mức độ giảm cân tự nhiên của mình, đặc biệt là nếu có nuôi con bằng sữa mẹ.

2. Có cái nhìn thực tế về giảm cân sau sinh

Hãy nhớ rằng bạn rất khó trở lại cân nặng hoặc hình dạng chính xác như trước khi mang thai. Đối với nhiều phụ nữ, mang thai sẽ gây ra những thay đổi vĩnh viễn. Bụng của họ sẽ mềm hơn, hông rộng hơn một chút và vòng eo lớn hơn. Vì vậy, bạn nên điều chỉnh mục tiêu của mình sao cho gần với thực tế nhất, tránh gây áp lực cho bản thân.

3. Chú trọng tập thể dục

Không có viên thuốc thần kỳ nào giúp bạn giảm cân sau sinh hiệu quả và an toàn. Một chế độ ăn uống lành mạnh kết hợp với tập thể dục thường xuyên để giảm cân. Điều quan trọng cần nhớ khi tập luyện là bạn cần cố gắng giảm mỡ thay vì giảm cơ. Khi cơ thể đã sẵn sàng, hãy bắt đầu bằng cách ăn ít hơn và năng động hơn - ví dụ như đẩy bé đi dạo một vòng quanh khu nhà.


Một chế độ ăn uống lành mạnh kết hợp với tập thể dục thường xuyên là cách để giảm cân
Một chế độ ăn uống lành mạnh kết hợp với tập thể dục thường xuyên là cách để giảm cân

4. Giảm cân từ từ

Không nên ăn kiêng quá nghiêm ngặt và khắt khe. Phụ nữ bình thường cần tối thiểu 1.200 calo mỗi ngày để giữ sức khỏe, và bà mẹ sau sinh cần từ 1.500 - 2.200 calo mỗi ngày để đảm bảo có đủ năng lượng, cũng như tránh tâm trạng lên xuống thất thường. Nếu đang cho con bú, bạn cần tối thiểu 1.800 calo và trung bình là 2.000 - 2.700 calo mỗi ngày để nuôi dưỡng cả bản thân và em bé.

Việc giảm cân sau sinh quá nhanh có thể làm giảm nguồn sữa của bạn, đồng thời giải phóng các chất độc tích trữ trong mỡ vào máu và sữa. Các chất độc có thể bao gồm kim loại nặng như chì và thủy ngân, dioxin, và các dung môi...

Giảm khoảng 0,7 kg mỗi tuần là an toàn và không ảnh hưởng đến nguồn sữa của bạn. Để đạt được điều này, mỗi ngày hãy cắt giảm 500 calo trong thực đơn hiện tại bằng cách tiêu thụ ít thức ăn hoặc tăng mức độ hoạt động.

5. Ăn no và đúng giờ

Khi phải chăm sóc em bé sơ sinh và thích nghi với những thói quen mới, bạn sẽ khó ăn đúng giờ. Nhiều bà mẹ cho biết ăn 5 - 6 bữa nhỏ lành mạnh mỗi ngày thay vì 3 bữa chính sẽ phù hợp với sự thèm ăn và tiết kiệm thời gian hơn. Một bữa ăn nhỏ có thể bao gồm 1 lát bánh mì sandwich, một ít cà rốt, trái cây và 1 ly sữa.

Thực tế là việc bỏ bữa chỉ khiến bạn mệt mỏi chứ không giúp bạn giảm cân, vì bạn sẽ ăn nhiều hơn vào các bữa khác. Bỏ bữa cũng có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và cáu kỉnh.

Mặc dù không thích ăn sáng, bạn vẫn phải nhớ rằng bữa sáng giúp bạn không cảm thấy đói và mệt mỏi khi gần đến giờ trưa, đồng thời cung cấp cho bạn năng lượng để hoạt động tích cực hơn. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cho thấy bỏ bữa sáng có thể phá hoại nỗ lực giảm cân sau sinh của bạn. Theo thống kê, 78% những người giảm cân thành công đều ăn sáng hàng ngày.

Bạn cũng nên ăn chậm nếu có thể. Khi dành thời gian chú tâm đến bữa ăn, bạn sẽ dễ dàng nhận biết khi nào mình cảm thấy no và ít có khả năng ăn quá mức.


Nhiều nghiên cứu cho thấy bỏ bữa sáng có thể phá hoại nỗ lực giảm cân sau sinh của bạn
Nhiều nghiên cứu cho thấy bỏ bữa sáng có thể phá hoại nỗ lực giảm cân sau sinh của bạn

6. Kén chọn thức ăn và đồ uống

Nghiên cứu cho thấy rằng tiêu thụ sữa ít béo, các sản phẩm từ sữa và ngũ cốc nguyên hạt có thể giúp bạn giảm cân sau sinh. Thực phẩm ít chất béo, nhiều chất xơ như trái cây (táo, cam và các loại berries) và rau củ tươi (cà rốt, củ sắn và ớt chuông) cũng là những lựa chọn lành mạnh.

Sau đây là một số gợi ý để bạn ăn nhiều trái cây và rau hơn:

  • Làm sinh tố trái cây hoặc rau
  • Sử dụng sốt trái cây hoặc rau ăn kèm với cá hoặc gà
  • Thêm cà rốt bào sợi vào bánh sandwich
  • Thử các món rau củ nướng
  • Dùng súp rau củ nấu chín.

Chất béo có gấp đôi lượng calo so với carbohydrate hoặc protein, vì vậy cắt giảm lượng chất béo thừa khỏi chế độ ăn uống là cách dễ nhất để cắt giảm calo. Chọn các sản phẩm từ sữa ít béo hoặc không có chất béo, món nướng thay vì chiên xào, và hạn chế ăn đồ ngọt - vốn chứa rất nhiều calo từ đường và chất béo.

Tuy nhiên, chất béo vẫn là một thành phần dinh dưỡng quan trọng, không nên loại bỏ hoàn toàn khỏi chế độ ăn sau sinh. Trên thực tế, tiêu thụ một số chất béo trong bữa ăn sẽ giúp bạn no lâu và không nạp quá nhiều carbohydrate. Bí quyết là chọn chất béo "tốt" thay vì chất béo "xấu". Chất béo tốt là chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa, có trong dầu hạt cải, dầu ô liu, quả bơ, các loại hạt và cá béo (cá hồi).

Các loại chất béo cần tránh là chất béo bão hòachất béo chuyển hóa. Chúng có nguy cơ gây ra bệnh tim và tiểu đường, đồng thời truyền vào sữa mẹ. Chất béo bão hòa được tìm thấy trong thịt và các sản phẩm từ sữa. Chất béo chuyển hóa thường có trong nhiều loại thực phẩm chiên, đồ ăn nhanh và bánh nướng.

Cuối cùng, nên uống khoảng 8 - 9 cốc chất lỏng mỗi ngày, nhưng tránh nước trái cây, soda và cà phê chứa nhiều calo.


Nên uống khoảng 8 - 9 cốc chất lỏng mỗi ngày, nhưng tránh nước trái cây, soda và cà phê chứa nhiều calo
Nên uống khoảng 8 - 9 cốc chất lỏng mỗi ngày, nhưng tránh nước trái cây, soda và cà phê chứa nhiều calo

7. Dinh dưỡng sau sinh để giảm cân khỏe mạnh

Chế độ dinh dưỡng sau sinh để giảm cân sau đây bổ sung tới 2.200 calo mỗi ngày cho các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ, và thêm 1.800 calo mỗi ngày cho phụ nữ không nuôi con bằng sữa mẹ. Tuy nhiên nhu cầu calo cá nhân của mỗi người sẽ khác nhau tùy thuộc vào cân nặng, sự trao đổi chất và mức độ hoạt động, cũng như mức độ cho con bú.

Bạn có thể tham khảo kế hoạch sau:

Loại thực phẩm Khẩu phần nếu có cho con bú Khẩu phần nếu không cho con bú Khẩu phần cụ thể
Các loại ngũ cốc
Đảm bảo tối thiểu một nửa khẩu phần là dùng ngũ cốc nguyên hạt (gạo lứt, hạt quinoa,...)
Khoảng 200g 170g Tương đương 6 - 7 lát bánh mì; 6 - 7 chén ngũ cốc đã nấu chín; 3 - 4 chén cơm hoặc mì; 12 - 14 cái bánh cookie
Rau củ
Ăn đa dạng các loại rau củ, bao gồm đậu xanh, củ có tinh bột và ít nhất một loại giàu vitamin A (khoai lang, cà rốt, rau bina hoặc cải xoăn)
3 chén 2,5 chén 1 chén rau sống / chín hoặc nước ép; 2 chén rau diếp hoặc rau lá xanh sống; 1 củ khoai tây nướng cỡ vừa
Trái cây
Bao gồm ít nhất một loại trái cây giàu vitamin C (kiwi, cam, dâu tây hoặc dưa lưới)
2 chén 1,5 chén 1 chén tương đương: 1 quả táo nhỏ; 1 quả chuối, cam hoặc đào lớn; 1 quả lê vừa; 1 ly nước ép; 1/2 chén trái cây sấy khô
Sữa 3 ly 3 ly 3 ly sữa tươi, sữa đậu nành hoặc sữa chua, ưu tiên loại ít hoặc không béo; 128g phô mai
Thịt và đậu
Đa dạng các nguồn cung cấp đạm protein, bao gồm các loại đậu, hạt và cá
170g Khoảng 142g Cá, gà, nạc bò hoặc heo; trứng; đậu; đậu hũ; 2 muỗng bơ đậu phộng
Dầu
Chọn dầu và bơ thực vật có dán nhãn không chứa chất béo chuyển hóa trên bao bì
6 muỗng 5 muỗng 1 muỗng tương đương: 1 muỗng dầu, bơ thực vật hoặc mayonnaise; 1/6 quả bơ; 8 quả ô liu lớn
1 muỗng bơ đậu phộng chứa 2 muỗng dầu; 28g các loại hạt bằng 3 muỗng dầu
Thêm calo
Bao gồm các loại sữa béo, phô mai, thịt, đường thêm vào món ăn hoặc tăng thêm khẩu phần
290 195 Đa dạng

Trẻ sơ sinh nhìn chung dễ gặp bệnh về đường hô hấp, các bệnh lý nhiễm trùng hô hấp và nhiễm trùng đường tiêu hóa nếu bé ăn dặm sớm hoặc việc lưu trữ và pha chế sữa không đảm bảo. Để bảo vệ sức khỏe của trẻ, cha mẹ nên thực hiện tốt việc cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu (nếu được) và tiêm vắc-xin đúng lịch.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe