Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thanh Cẩm - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác đã có kinh nghiệm 15 năm trong chẩn đoán & điều trị các bệnh lý Nhi khoa; từng có thời gian công tác tại khoa Nhi - Bệnh viện Đà Nẵng và Trung tâm Phụ Sản Nhi Đà Nẵng. Thế mạnh của bác là chẩn đoán và điều trị bệnh lý nhi; hồi sức, cấp cứu nhi.
Trẻ khi bị tiêu chảy nên thường hay mất nước, cơ thể thiếu nước sẽ đưa đến những biến chứng nặng nề, có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Tuy nhiên trẻ bị tiêu chảy đường ruột vẫn hấp thu nước được, vì vậy phải cho trẻ uống bù nước ngay khi biết trẻ bị tiêu chảy.
1. Thế nào là tiêu chảy ở trẻ em?
Tiêu chảy ở trẻ là trẻ bị đi ngoài nhiều lần trong ngày. Thông thường, những bé dưới 1 tháng tuổi thường có thể đi ngoài 4 - 10 lần/ngày. Những bé từ 1 - 3 tháng tuổi thường đi ngoài trên 3 lần/ngày, nhưng số lần đi ngoài còn tùy theo từng bé, có bé đi ngoài ngay sau bữa ăn, có bé 2 ngày đi ngoài 1 lần, có bé 1 tuần mới đi ngoài 1 lần. Nhưng với những bé dưới 2 tuổi thường đi phân mềm, đóng khuôn, còn với trẻ lớn hơn là đi ngoài trên 3 lần/ngày và phân lỏng hoặc toàn nước.
Bệnh tiêu chảy ở trẻ được chia thành 3 loại chính đó là:
- Tiêu chảy cấp.
- Tiêu chảy kéo dài: khi tình trạng tiêu chảy kéo dài từ 14 ngày trở lên.
- Tiêu chảy xâm lấn có nhầy máu.
Bệnh tiêu chảy ở trẻ em có thể xuất hiện quanh năm, song có hai thời điểm bệnh thường xảy ra với số lượng lớn bệnh nhân, đó là thời điểm vào mùa nóng vì điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển nhiều hơn và thời điểm vào mùa lạnh, dễ tạo điều kiện cho virus lây lan khiến trẻ bị tiêu chảy do virus, đặc biệt là do Rotavirus.
2. Nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy ở trẻ em
- Trẻ bị tiêu chảy có rất nhiều nguyên nhân khác nhau, song phần lớn là do trẻ nhiễm virus, nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng, dị ứng thức ăn,... nên khiến trẻ đi ngoài nhiều lần trong ngày.
- Do hệ thống miễn dịch của trẻ còn yếu nên dễ bị các tác nhân vi khuẩn, virus tấn công gây nhiễm trùng đường ruột gây tiêu chảy ở trẻ.
- Dinh dưỡng không hợp lý cùng là nguyên nhân tiêu chảy ở trẻ. Ăn uống đúng cách không chỉ giúp trẻ sinh trưởng phát triển khỏe mạnh mà còn giúp ngăn ngừa bệnh tiêu chảy.
- Việc vui chơi sẽ giúp trẻ thúc đẩy hoàn thiện trí não của bé, tuy nhiên vui chơi khó lòng tránh khỏi việc trẻ tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh là vi khuẩn, virus bám vào tay chân cơ thể. Nếu như vệ sinh không đúng cách thì trẻ dễ bị nhiễm khuẩn gây nên tiêu chảy ở trẻ em.
3. Chăm sóc cho trẻ bị tiêu chảy
3.1. Bù nước và điện giải cho trẻ bị tiêu chảy
Trẻ khi bị đi ngoài phân nhiều nước nên thường bị mất nước, cơ thể thiếu nước sẽ đưa đến những biến chứng nặng nề, có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Tuy nhiên trẻ bị tiêu chảy đường ruột vẫn hấp thu nước được, vì vậy phải cho trẻ uống bù nước, điện giải ngay khi biết trẻ bị tiêu chảy.
Các dung dịch bù nước thông dụng là dung dịch oresol, oresol II, viên hoặc gói hydrite. Pha dung dịch bù nước oresol đúng là điều quan trọng giúp trẻ mau hồi phục và giảm thiểu tình trạng mất nước và sụt cân:
- Mỗi gói oresol lớn cần pha với 1 lít nước đun sôi để nguội (không nên pha nửa gói oresol với nửa lít nước)
- Mỗi gói oresol II hoặc mỗi viên/gói hydrite pha với 200ml nước đun sôi để nguội.
- Dung dịch bù nước, điện giải oresol đã pha nếu quá 24 giờ không uống hết phải bỏ đi.
Trường hợp không có dung dịch oresol có thể nấu nước cháo muối (một nắm gạo, một nhúm muối và 6 bát ăn cơm nước sạch - tương đương 1,2 lít nước), đun nhừ đến khi lọc còn được 5 bát nước cháo (tương đương 1 lít) cho trẻ uống dần.
Lượng dung dịch bù nước oresol cho trẻ được tính như sau:
- Trẻ dưới 2 tuổi: Cho trẻ uống 50 – 100 ml oresol sau mỗi lần đi ngoài;
- Trẻ 2 - 10 tuổi: Cho trẻ uống 100 – 200 ml oresol sau mỗi lần đi ngoài;
- Trẻ trên 10 tuổi: Cho trẻ uống oresol đến hết khát sau mỗi lần đi ngoài.
Nếu trẻ không thích mùi vị dung dịch bù nước này, hãy thay bằng dung dịch bù nước khác, khi số lần tiêu chảy không nhiều (2-3 lần mỗi ngày) có thể bù nước bằng nước uống hàng ngày hoặc nước trái cây. Một số trẻ khi tiêu chảy kèm theo nôn nhiều, nên việc bù nước cần thực hiện từ từ, cho trẻ uống từng ít một. Trẻ dưới 2 tuổi cho uống ít một bằng thìa, trẻ lớn hơn có thể cho uống từng ngụm nhỏ.
Nếu như trẻ nôn nên đợi 10 phút sau rồi tiếp tục cho trẻ uống, nhưng cho uống chậm hơn, uống từng thìa cách nhau 2-3 phút. Trẻ được bù nước, điện giải đủ sẽ đi tiểu nhiều, linh động, da và môi tươi tắn. Việc cho uống bù nước phải được duy trì đến khi bé đi tiêu phân sệt và dưới 3 lần mỗi ngày.
Khuyến khích bà mẹ cho bú mẹ khi trẻ đòi uống. Khi trẻ bú mẹ xong, tiếp tục cho uống dung dịch oresol. Bà mẹ không nên cho trẻ ăn trong suốt 4 giờ đầu tiên điều trị bằng oresol.
Khi thấy những dấu hiệu sau đây, thì cha mẹ nên đưa trẻ đến tái khám:
- Đi ngoài rất nhiều lần phân lỏng (đi liên tục);
- Nôn tái diễn;
- Khát nhiều hơn, khóc không có nước mắt, mắt trũng và khô, lưỡi khô, nếp véo da mất chậm.
- Ăn uống kém hoặc bỏ bú, li bì, mệt lả.
- Trẻ không tốt lên sau 2 ngày điều trị;
- Sốt cao hơn và có máu trong phân.
3.2. Chế độ dinh dưỡng
Ngoài bù nước là điều trị quan trọng đã được nêu ở trên, việc dinh dưỡng cho trẻ bị tiêu chảy cũng cần quan tâm. Khi mắc bệnh, trẻ bị thiếu chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể do bị tiêu chảy, nôn, biếng ăn, vì vậy nếu cho trẻ kiêng khem là vấn đề không hợp lý.
Để trẻ không bị sụt cân, cần duy trì chế độ ăn thích hợp. Thức ăn cần mềm và lỏng hơn bình thường, nhưng vẫn phải đủ 4 nhóm thực phẩm (bột, béo, đạm, rau), cho trẻ ăn nhiều bữa nhỏ, khoảng cách giữa các bữa ăn khoảng 2 giờ.
Trẻ dưới 6 tháng tuổi còn bú mẹ thì cho trẻ tiếp tục bú mẹ bình thường và tích cực cho trẻ bú mẹ là rất cần thiết vì trong sữa mẹ vừa đủ các chất dinh dưỡng, vừa dễ tiêu hóa, hấp thu. Nếu trẻ bú sữa công thức, vẫn tiếp tục cho bú bình thường. Trong một vài trường hợp bé bị tiêu chảy do Rotavirus có hiện tượng kém dung nạp với đường lactose trong sữa, nên thay sữa đang bú bằng các loại sữa không có đường lactose theo chỉ định của bác sĩ.
Trẻ lớn hơn thì cần cho trẻ ăn đủ khẩu phần, không nên bắt trẻ nhịn, kiêng khem.
Tránh dùng các loại thực phẩm có lượng đường nhiều, lượng đạm và các chất điện giải thấp, các thực phẩm ít chất dinh dưỡng, nhiều chất xơ và khó tiêu hóa như măng, rau cần, ngô và đỗ nguyên hạt.
Tránh sử dụng các dung dịch nước quả công nghiệp, nước có ga gây khó tiêu, đầy bụng, tiêu chảy tăng và rối loạn các chất điện giải trong cơ thể.
4. Phòng ngừa tiêu chảy ở trẻ
- Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu đời.
- Cho ăn dặm đúng cách, hợp vệ sinh và đầy đủ các chất (đạm, béo, đường, hoa quả).
- Sử dụng nước sạch.
- Cho trẻ ăn bổ sung đúng và hợp lý, đảm bảo vệ sinh khi chế biến, bảo quản, dùng nguồn nước sạch, thực phẩm sạch và tươi không bị nhiễm khuẩn hoặc hóa chất bảo vệ thực vật.
- Rửa tay bằng xà phòng: Sau khi đi vệ sinh, thay tã lót cho trẻ, trước khi chế biến thức ăn, cho trẻ ăn, chăm sóc trẻ.
- Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Uống vắc-xin ngừa tiêu chảy do rotavirus.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện đang cung cấp Chương trình tiêm chủng trọn gói với nhiều loại vắc-xin đa dạng cho các đối tượng khác nhau, từ trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, phụ nữ trước và trong khi mang thai.
Ngoài bù nước cho trẻ bị tiêu chảy, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.
Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:
Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?
Vai trò của kẽm - Hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.
Thực Phẩm bảo vệ sức khỏe LAMINKID I:
Sản phẩm có công dụng bổ sung vi khoáng và vitamin cho cơ thể. Hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường hấp thu thức ăn, giúp trẻ ăn ngon. Hỗ trợ nâng cao đề kháng cho trẻ, hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh do sức đề kháng kém như viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.
Đối tượng sử dụng:
- Trẻ biếng ăn, kém hấp thu thức ăn, trẻ gầy yếu, suy dinh dưỡng, chậm phát triển.
- Trẻ có sức đề kháng kém, đang ốm hoặc vừa ốm dậy, trẻ hay mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.
Chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm:
- Công ty Cổ phần dược phẩm Elepharma
- Số 9, phố Trương Công Giai, tổ 17, Phường Dịch Vọng, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
- (ĐT) 1800 6091; (E) info.elepharma@gmail.com
Xem thêm thông tin về sản phẩm tại: https://i.vinmec.com/laminkid
Đăng ký tư vấn dinh dưỡng cho bé tại: https://i.vinmec.com/dangkytuvandinhduong