Giấc ngủ rất quan trọng trong điều hòa nhịp sống của cơ thể. Khi ngủ, các bộ phận trong cơ thể hoạt động tích cực nhằm đào thải những độc tố gây hại ra khỏi cơ thể, đồng thời cung cấp năng lượng cho những ngày làm việc sắp tới. Vậy mất ngủ ảnh hưởng đến sức khỏe nghiêm trọng như thế nào? Dưới đây là những giải đáp của bác sĩ Vinmec về vấn đề này!
Các câu hỏi được tư vấn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thành Long - Phòng khám tâm lý - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
16: Chị Nguyễn Thị Khuê (44 tuổi, giáo viên tiểu học): Chào bác sĩ, con gái tôi năm nay 18 tuổi, vừa thi tốt nghiệp THPT xong. Đây là kì thi quan trọng nên cháu cũng khá chăm chỉ, thường xuyên học buổi tối và đêm nên hôm nào cũng tới 2h sáng mới đi ngủ. Bây giờ cháu đã thi xong mà vẫn ngủ muộn vây. mẹ nhắc thì bảo là bị mất ngủ. Tôi nghe nói có nhiều loại đồ ăn có thể tẩm bổ và giúp cải thiện tình trạng mất ngủ. Vậy tôi muốn hỏi bác sĩ ăn gì để trị mất ngủ được?
Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thành Long (Phòng khám tâm lý - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City): Chào bạn! Để điều trị mất ngủ, bạn có thể tham khảo một số thực phẩm dưới đây:
Đồ ăn:
- Chuối: giàu Kali và Magie là 2 chất giúp não bộ thư giãn, tránh tình trạng stress. Trong chuối có chứa tryptophan được chuyển hóa thành serotonin và melatonin là hai chất dẫn truyền thần kinh và được giải phóng vào ban đêm để duy trì giấc ngủ tự nhiên.
- Sữa chua tốt cho giấc ngủ cũng vì chứa axit tryptophan.
- Cá có hàm lượng protein cao và dồi dào là nguồn thực phẩm tốt cho sức khỏe não bộ
- Cháo: Vừa ấm bụng, mềm, dễ ăn, không đắt, dễ chuẩn bị và rất bổ dưỡng, là món ăn vừa bổ dưỡng lại rất phù hợp cho bệnh nhân mất ngủ.
- Cải bó xôi (rau chân vịt hay rau bina): Rất giàu kali, giúp cải thiện giấc ngủ tốt.
- Trứng: Giàu protein. Giấc ngủ sẽ sâu hơn khi bạn cung cấp để protein vào mỗi buổi tối.
- Đậu nành: Đặc biệt cần thiết đối với những phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh. Các loại hợp chất như estrogen tự nhiên có trong các sản phẩm từ đậu nành có tác dụng giảm những cơn bốc hỏa ban đêm, một trong những nguyên nhân chính làm mất giấc ngủ ở độ tuổi này.
- Hạt sen: Ngoài bồi bổ cơ thế, lại còn có tác dụng an thần.
Đồ uống:
- Trà hoa cúc: Dùng chữa mất ngủ đã được sử dụng từ lâu, do trong hoa cúc có chứa các thành phần, hoạt chất an thần gây ngủ.
- Trà tâm sen là thức uống tốt cho giấc ngủ.
- Trà gừng.
- Trà Atiso giúp thư giãn, làm giảm tình trạng stress và hạn chế ảnh hưởng của stress, giúp ăn ngon miệng và ngủ sâu giấc hơn.
Ngoài bổ sung các món ăn bài thuốc chữa mất ngủ, bạn nên khuyến khích cháu thay đổi thói quen sinh hoạt: đi ngủ sớm, tập thể dục, không ăn no trước khi đi ngủ, không sử dụng thiết bị điện tử trước khi đi ngủ... để tình trạng mất ngủ được cải thiện. Nếu đã áp dụng những phương pháp trên nhưng không có hiệu quả, bạn nên đưa cháu đến chuyên khoa Nội - Thần kinh để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và điều trị.
17. Chị Hoàng Thị Ngọc Anh (43 tuổi, địa chỉ Phường Cầu Diễn, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) Chào bác sĩ, tôi có con trai năm nay 14 tuổi. Con đang tuổi dậy thì thay đổi khá nhiều về tâm lí và sinh lí nên tôi khá lo lắng. Gần đây tôi có đọc được bài viết mất ngủ có thể là dấu hiệu bị tâm thần mà đặc biệt là tụi trẻ dễ bị trầm cảm lúc dậy thì nên lo quá. Con tôi thực sự ít ngủ từ khoảng 1 năm gần đây rồi. Cảm xúc cũng thay đổi thất thường. Liệu con tôi có cần đi khám tâm lý không hay chỉ là thay đổi tâm sinh lý bình thường? Nhờ bác sĩ trả lời giúp mất ngủ kéo dài liệu có bị tâm thần không? Tôi cảm ơn nhiều lắm
Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thành Long (Phòng khám tâm lý - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City: Nếu con trai bạn có những dấu hiệu mất ngủ kèm đau đầu, chóng mặt, mất ngủ điều trị kéo dài không khỏi... Đây có thể là biểu hiện của một bệnh lý liên quan đến thần kinh nào đó, mà mất ngủ là một dấu hiệu cảnh báo bệnh. Có tới 50% bệnh nhân bị mất ngủ có liên quan đến yếu tố tâm lý. Tuy nhiên, nguyên nhân tâm thần, thần kinh không nhiều, chỉ chiếm khoảng 10% các trường hợp bệnh.
Nhiều người đau đầu, mất ngủ triền miên nhưng chủ quan chỉ uống thuốc mất ngủ mà không hề nghĩ đến trầm cảm. Mất ngủ do trầm cảm rất nguy hiểm, là nguyên nhân khiến tình trạng trầm cảm nặng hơn, thậm chí có thể khiến người bệnh dẫn đến tự sát.
Do đó, bệnh nhân khi bị mất ngủ nên đi khám với bác sĩ chuyên khoa Tâm thần trong trường hợp:
- Căng thẳng – stress, lo lắng
- Trầm cảm
- Áp lực trong công việc, áp lực trong học tập, cuộc sống gia đình nhiều mâu thuẫn
- Thói quen sinh hoạt thất thường.
18. Bạn Nguyễn Thành Nam (Sinh viên năm cuối Đại học Ngoại Thương): Cháu chào bác sĩ. Cháu là Nam, năm nay 24 tuổi. Cháu cao 1,70m mà nặng có 52kg thôi, hơi gầy ạ, nên cháu đang muốn đi tập gym cho tăng cân mà thấy bảo thể dục cũng tốt để trị mất ngủ vì cháu cũng có ngủ ít thật. Bác sĩ cho cháu hỏi mất ngủ có nên đi tập gym không và có cần tập vào buổi tối không ạ?
Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thành Long (Phòng khám tâm lý - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City): Chào bạn! Những người tập luyện thể thao thường xuyên sẽ cần thời gian ngủ dài hơn, và tập càng nặng bạn càng phải ngủ nhiều. Lý do vì giấc ngủ giúp khôi phục năng lượng và hồi phục cơ thể, nó đóng vai trò quan trọng trong việc khôi phục hệ thống miễn dịch và nội tiết của bạn, trong đó có cả quá trình giải phóng hoóc-môn sinh dục nam testosterone cùng các hoóc-môn tái tạo cơ bắp đi khắp cơ thể.
Chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý là chìa khóa để có một thể trạng “chuẩn”, chứ không chỉ đơn thuần là tập luyện. Cơ bắp và thể lực chỉ phát triển khi bạn ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nước ít nhất 2 - 3 lít nước, chế độ tập luyện hợp lý, ngủ ít nhất 7 - 8 tiếng/ ngày.
Nếu thiếu các điều kiện trên, tập thể hình sẽ đi ngược tác dụng, bạn tập sẽ kiệt sức, cơ bắp không phát triển hoặc phát triển chậm. Khi thiếu ngủ, cơ bắp không được nạp đủ năng lượng và bạn sẽ dùng hết số năng lượng ít ỏi đó nhanh chóng khi tập luyện. Bạn hoàn toàn có thể đi tập gym, nhưng với mức độ nhẹ nhàng. Tuy nhiên, để có thể tập gym với cường độ cũng như thời gian nhiều hơn nhằm rèn luyện sức khỏe, trước mắt, bạn cần thay đổi thời gian sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng hoặc nhờ thêm sự hỗ trợ từ bác sĩ để cải thiện giấc ngủ.
19. Bạn Nguyễn Minh Hà (26 tuổi, KĐT Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội): Cháu vừa sinh em bé được 1 tháng bác sĩ ạ. Bé nhà cháu trộm vía ngoan, không quấy đâu. Các bà cứ nhắc phải ngủ nhiều cho có sữa. Thế mà từ sau khi sinh xong cháu bị mất ngủ, cứ nằm trằn trọc mãi nửa đêm mới ngủ được nên sáng hôm sau dậy rất là mệt mỏi. Cháu muốn hỏi bác sĩ là chứng mất ngủ sau sinh này có nguy hiểm không ạ? Cháu có cần điều trị không hay một thời gian sau là tự hết ạ?
Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thành Long (Phòng khám tâm lý - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City): Mất ngủ sau sinh có thể bắt nguồn từ các nguyên nhân sau:
- Trằn trọc, không thể thư giãn tâm lý, bởi lúc nào cũng lo lắng nếu ngủ sẽ không nghe được tiếng khóc của con khi có vấn đề.
- Không thích nghi kịp với giờ giấc sinh hoạt của bé, dẫn đến bị lệch nhịp sinh học.
- Tác nhân bên ngoài như thời tiết, tiếng động xung quanh.
- Tâm lý bất ổn do thiếu sự quan tâm, chăm sóc từ người thân. Điều này thậm chí có thể dẫn đến chứng trầm cảm sau sinh.
Nếu không điều trị kịp thời, mất ngủ sau sinh có thể dẫn đến các hậu quả như: Chứng mất ngủ sau sinh kéo dài làm mẹ luôn trong trạng thái mệt mỏi, cáu gắt, dễ nóng giận; Mất ngủ khiến tâm trạng mệt mỏi này có thể ảnh hưởng đến hormone kích thích sữa mẹ tiết ra, từ đó dẫn đến ít sữa, hoặc mất sữa, chất lượng sữa kém hơn; Trong một số trường hợp, mất ngủ sau sinh còn là nguyên nhân gây trầm cảm sau sinh. Người mẹ có thậm chí có thể chán ghét đứa con của chính mình.
Để cải thiện tình trạng mất ngủ sau sinh, bạn có thể áp dụng một số biện pháp như:
- Chia sẻ công việc:Chia sẻ công việc, từ chăm sóc bé đến chăm lo cho gia đình, không nên ôm đồm tất cả mọi việc.
- Tranh thủ những giấc ngủ ngắn: Những giấc ngủ ngắn, thậm chí chỉ là nằm thư giãn vài phút ban ngày với mẹ là rất cần thiết. Bạn nên ngủ ngay khi bé ngủ để dành sức chăm bé không chỉ vào ban ngày.
Mất ngủ ở mẹ sau sinh đa phần là do thay đổi chế độ sinh hoạt hằng ngày để chăm sóc bé, mệt mỏi, tâm lý bất ổn, nhạy cảm hơn. Mẹ có thể điều chỉnh chế độ sinh hoạt,cũng như dùng một số loại thảo dược, đồ ăn để cải thiện giấc ngủ.
Nếu thử tất cả các cách đều không tốt, mẹ sau sinh nên sự thăm khám đồng thời hướng dẫn của bác sĩ để được chăm sóc phù hợp.
20. Bạn Trần Thị Minh Trang (30 tuổi, Thủy Nguyên, Hải Phòng): Bác sĩ ơi, tôi dạo này bị mất ngủ suốt. Tôi có công việc nhẹ nhàng, cuộc sống cũng khá thoải mái nhưng lại thường xuyên bị mất ngủ. Gần đây, tôi có cảm giác như tim mình đập nhanh hơn, thình thịch, người hơi nôn nao. Tôi lo quá, không biết mất ngủ tim đập nhanh như vậy có nguy hiểm không ạ?
Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thành Long (Phòng khám tâm lý - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City): Chào bạn! Giấc ngủ rất quan trọng trong điều hòa nhịp sống của cơ thể. Khi ngủ, các bộ phận trong cơ thể hoạt động tích cực nhằm đào thải những độc tố gây hại ra khỏi cơ thể, đồng thời cung cấp năng lượng cho những ngày làm việc sắp tới.
Khi bị mất ngủ mãn tính, khó ngủ, giấc ngủ của chúng ta không được đảm bảo, đồng nghĩa với việc rối loạn hoạt động của các cơ quan nội tạng. Trong đó tim là bộ phận chịu nhiều ảnh hưởng nhất.
Mất ngủ tim đập nhanh là một dấu hiệu cho thấy cơ thể chúng ta đang có vấn đề và nó cảnh báo về những bệnh như sau:
- Tim đập nhanh mệt mỏi là biểu hiện của bệnh huyết áp thấp: Huyết áp thấp là hiện tượng cơ thể không được nhận đủ máu để cung cấp cho các quá trình vận động trong cơ thể. Khi đó tim sẽ bắt đầu phản ứng lại bằng cách đập nhiều và nhanh hơn để có thể cung cấp đủ máu cho cơ thể.
- Tim đập nhanh bị hồi hộp khi ngủ, chân tay bủn rủn là dấu hiệu của bệnh đường huyết thấp, thường có biểu hiện như: chóng mặt, tim đập nhanh, chân tay bủn rủn khiến cho người bệnh khó ngủ, ngủ không ngon giấc.
- Bên cạnh đó mất ngủ tim đập nhanh cũng do nhiều nguyên nhân khác như: do lo lắng, suy nghĩ nhiều, do sử dụng chất kích thích khiến cho cơ thể hưng phấn, tim đập nhanh hơn ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Do đó, khi có hiện tượng mất ngủ tim đập nhanh, bạn nên đến cơ sở y tế để thăm khám cũng như có phương hướng điều trị kịp thời.
21. Bác Hoàng Văn Đức (Đại hội Lê Lợi, Lam Sơn, Thanh Hóa): Chào bác sĩ. Tôi năm nay 58 tuổi. Từ ba tháng nay tôi có dấu hiệu mất ngủ chán ăn, tinh thần mệt mỏi. Buổi tối tôi chỉ ngủ được 3 - 4h, khó đi vào giấc ngủ. Tôi đã đi ngủ sớm, bổ sung thực phẩm tốt cho giấc ngủ nhưng không có tác dụng, Ngoài ra tôi luôn cảm thấy ăn không ngon miệng, không muốn ăn. Xin hỏi bác sĩ mất ngủ chán ăn có phải dấu hiệu bệnh gì không và tôi nên khám những gì? Tôi xin cảm ơn.
Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thành Long (Phòng khám tâm lý - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City): Chứng rối loạn giấc ngủ thường xuyên kèm ăn uống kém ở người trưởng thành có thể dẫn đến suy nhược nhanh chóng, tăng tốc độ lão hóa, suy giảm hệ miễn dịch, chậm phục hồi sau bệnh và tăng nguy cơ mắc bệnh, tái phát bệnh nhanh.
Một số nguyên nhân gây ra tình trạng mất ngủ chán ăn như: Mất ngủ chán ăn do suy nhược cơ thể; Mệt mỏi chán ăn mất ngủ do căng thẳng thần; Do tuổi tác làm mất ngủ chán ăn...
Trong trường hợp của bạn, mất ngủ chán ăn có thể là biểu hiện một số bệnh như:
- Mất ngủ chán ăn biểu hiện của bệnh huyết áp cao
- Mất ngủ chán ăn là biểu hiện bệnh tiêu hóa, đau dạ dày
- Mất ngủ chán ăn biểu hiện của bệnh suy thận
- Mất ngủ chán ăn biểu hiện của các bệnh về thần kinh
Để có một giấc ngủ ngon, bạn nên ăn uống điều độ, tránh xa các chất kích thích ; Thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao; Bổ sung vitamin cho cơ thể hợp lý ; Khám sức khỏe tổng quát, khám tâm thần...để có thể phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.
22. Bạn Nguyễn Xuân Vinh (41 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội): Từ khi bước vào tuổi ngũ tuần, tôi thường xuyên bị mất ngủ, khó đi vào giấc ngủ, ngủ không ngon, hay tỉnh giấc. Tình trạng này đã kéo dài khoảng bốn tháng nay khiến tôi thấy rất mệt mỏi, dễ cáu gắt, sức khỏe suy giảm. Mong bác sĩ tư vấn mất ngủ là triệu chứng của bệnh gì và tôi nên đi khám ở đâu? Tôi xin cảm ơn.
Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thành Long (Phòng khám tâm lý - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City): Chào bạn. Một người bình thường có thời gian ngủ trung bình khoảng 7 - 8 giờ mỗi đêm, hoặc có thể dao động từ 4 - 11 giờ. Một giấc ngủ có chất lượng là phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản như: đủ giờ, đủ sâu và quan trọng là cảm thấy khoẻ khoắn, tỉnh táo khi thức dậy...
Về câu hỏi “mất ngủ là triệu chứng của bệnh gì?”: Nếu bị mất ngủ trong thời gian dài mà không chấm dứt thì có thể đó là mất ngủ mãn tính. Nguyên nhân gây ra bệnh mất ngủ mãn tính có thể là do người bệnh bị gặp vấn đề về sức khỏe hoặc bị mắc một số bệnh sau:
Bệnh dị ứng: Trong không khí có các chất gây dị ứng làm viêm đường mũi và kích hoạt sản xuất các chất gây nghẹt mũi. Những triệu chứng này xảy ra vào cả ban ngày và ban đêm có thể làm gián đoạn giấc ngủ nghiêm trọng, gây ra bệnh mất ngủ.
Bệnh viêm khớp: Những người bị viêm khớp gặp khó khăn khi ngủ. Viêm khớp và giấc ngủ tạo ra một vòng luẩn quẩn, bởi bệnh gây ra viêm và lo lắng, khiến người bệnh không ngủ được... Việc thiếu ngủ cũng có thể làm tăng triệu chứng viêm khớp và gây đau.
Bệnh tim: Bệnh động mạch vành và các vấn đề khác liên quan đến tim và phổi khác cũng là những nguyên nhân gây ra bệnh mất ngủ.
Các vấn đề về tuyến giáp: Tuyến giáp hoạt động quá mức làm các chức năng trao đổi chất khác của cơ thể tăng tốc, khiến người bệnh cảm thấy bồn chồn và tràn đầy năng lượng, gây cản trở khả năng thư giãn và chìm vào giấc ngủ.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản: Đây là một trong những nguyên nhân gây mất ngủ đối với những người nằm trong độ tuổi từ 45 đến 64. Triệu chứng của bệnh dạ dày trào ngược là ợ nóng, ho và nghẹt thở khi nằm xuống. Một số triệu chứng khác như viêm nướu, đau họng, ợ hơi và hôi miệng. Chính những triệu chứng này gây ra bệnh mất ngủ.
Thay đổi nội tiết tố: Độ tuổi trung bình ở phụ nữ mãn kinh là 50 tuổi. Ở giai đoạn này, sự thay đổi nội tiết tố có thể khiến phụ nữ ngủ không ngon giấc.
Ngoài ra, bệnh mất ngủ mãn tính có thể liên quan đến một số bệnh lý tâm thần như: trầm cảm, hưng cảm, rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn stress sau chấn thương, nghiện (rượu và các chất dạng thuốc phiện) tâm thần phân liệt, sa sút trí tuệ.
Các bệnh lý liên quan đến giấc ngủ khác như: ngưng thở khi ngủ, ác mộng, mộng du, chứng hoảng sợ trong giấc ngủ ... cũng gây ra bệnh mất ngủ.
Điều trị bệnh mất ngủ chủ yếu là điều trị các triệu chứng. Nếu xác định được nguyên nhân gây mất ngủ thì kết hợp thêm điều trị nguyên nhân. Để chẩn đoán xác định và chỉ định điều trị, người bệnh cần có sự tư vấn và ý kiến của bác sĩ. Nguyên tắc điều trị bệnh mất ngủ như sau: Loại bỏ những nguyên nhân chủ quan gây mất ngủ; Điều trị bằng thuốc; Điều trị bằng các liệu pháp tâm lý...
23. Bạn Nguyễn Thị Hà Trang (32 tuổi, địa chỉ mail Hatrang109...@gmail.com) Bác sĩ ơi, nằm mơ có phải do ngủ không sâu giấc và không tốt có phải không? Từ khoảng bốn tháng nay tôi thường xuyên khó đi vào giấc ngủ (có khi nằm trên giường đến trên 30 phút mới có thể ngủ được) và hay bị tỉnh bởi những cơn mơ nên sáng dậy khá mệt mỏi. Xin hỏi bác sĩ ngủ không sâu giấc có thể là biểu hiện bệnh gì và làm thế nào để khắc phục? Tôi xin cảm ơn.
Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thành Long (Phòng khám tâm lý - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City): Chào bạn! Một giấc ngủ ngon và chất lượng cần phải đáp ứng những yếu tố sau: Đủ về số lượng: 6 – 8 giờ/ngày; Đảm bảo về chất lượng: ngủ dậy cơ thể cảm thấy tỉnh táo, sảng khoái, khỏe mạnh không còn cảm giác mệt mỏi, năng suất làm việc cao, không có những cơn ác mộng trong khi ngủ.
Khi có giấc ngủ không đạt được chất lượng, số lượng thì được chẩn đoán là rối loạn giấc ngủ, mất ngủ, ngủ không sâu giấc. Ngủ không sâu giấc có thể là biểu hiện của các bệnh lý như:
- Bệnh lý đa khoa: bệnh khớp, tim mạch, huyết áp, dạ dày...
- Do bệnh lý tâm thần: trầm cảm, hưng cảm, rối loạn lo âu, sa sút trí tuệ...
- Suy giảm nội tiết tố trong cơ thể cũng có thể gây ra hiện tượng ngủ không sâu giấc.
Để khắc phục tình trạng ngủ không sâu giấc, bạn có thể tham khảo bảng kế hoạch sau:
- Lập thói quen ngủ hằng ngày và duy trì nó
- Viết ra mọi thứ bạn cần làm vào ngày tiếp theo nhằm giúp bạn đỡ nặng đầu và giúp tinh thần thư thái hơn
- Đừng dùng những loại thực phẩm khiến bạn khó ngủ trước khi đi ngủ
- Tắt hết ti vi, điện thoại và máy vi tính trước khi ngủ
- Ngừng làm việc ít nhất là 1 tiếng đồng hồ trước khi ngủ để giúp não chuyển sang chế độ sẵn sàng cho giấc ngủ
- Đi ngủ đúng giờ.
- Khám tâm lý, khám sức khỏe tổng quát với bác sĩ chuyên khoa.
24. Bạn Nguyễn Thị Hoài Thu (Địa chỉ Email: happyhmuhmuhmu@gmail.com): Tôi có tiền sử mất ngủ. Bệnh sử: Bị khó ngủ từ năm 14 tuổi, nhiều lần đã phải uống thuốc ngủ (bây giờ 21 tuổi) giảm vào năm lớp 10, 11 nhưng lớp 12 lại bị mất ngủ, gần đây khoảng 2 tháng nay mất ngủ rất nặng có đêm không ngủ được gì, đang uống thuốc tomato vào 9h tối tình trạng có thuyên giảm, nhưng vẫn ngủ rất ít khoảng 3 tiếng. Triệu chứng: Khó đi vào giấc ngủ, mệt mỏi khi thức dậy, buồn ngủ nhưng vẫn khó có thể ngủ.
Bác sĩ CKII Phạm Thị Sơn: Khi bạn ở độ tuổi thèm ăn, thèm ngủ mà bạn lại bị mất ngủ. Vậy thời điểm đó bạn có gặp stress nào không? Khi đến năm lớp 12 bạn lại mất ngủ có phải bạn bị áp lực mùa thi không?...... Vì vậy bạn nên đi khám, việc trao đổi trực tiếp giữa bác sĩ và bệnh nhân sẽ giúp bác sĩ hiểu rõ vấn đề của bạn và từ đó sẽ lập ra cho bạn một kế hoạch điều trị tối ưu nhất. Với tình trạng hiện tại bạn chỉ có uống 01 loại thuốc và ngủ được 3h mỗi đêm, như vậy mất ngủ của bạn có đáp ứng với điều trị, bạn không nên quá lo lắng, bác sĩ sẽ điều chỉnh đơn thuốc của bạn để bạn ngủ được khoảng 6-7 h mỗi đêm.
Các câu hỏi của bạn đọc tiếp tục được bác sĩ giải đáp trong phần tiếp theo.