Bài viết bởi Tiến sĩ Hàn Thị Thu Hương - Khối Di truyền y học, Trung tâm Công nghệ cao Vinmec
Hội chứng Wolf-Hirschhorn (WHS) là một rối loạn nhiễm sắc thể cực kỳ hiếm gặp do thiếu một phần nhánh ngắn của nhiễm sắc thể 4 (bị mất một phần hoặc monosomy). Hội chứng Wolf-Hirschhorn còn được biết đến với 1 số tên gọi: Hội chứng 4p-; Hội chứng Pitt-Rogers-Danks; WHS; Monosomy 4p.
1. Hội chứng Wolf-Hirschhorn
Các triệu chứng chủ yếu của Hội chứng Wolf-Hirschhorn có thể bao gồm hai mắt cách xa nhau (ocular hypertelorism) hoặc mũi khoằm, đầu nhỏ (microcephaly), tai dị dạng thấp hơn bình thường, thiếu hụt tăng trưởng, khuyết tật tim, thiểu năng trí tuệ và động kinh. Các triệu chứng này thay đổi dựa trên kích thước và vị trí của đoạn nhiễm sắc thể 4 bị mất.
Hội chứng Wolf-Hirschhorn xuất hiện với tỉ lệ khoảng 1: 50.000 ca sinh sống với tỷ lệ nữ so với nam là 2: 1. Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy tần suất của rối loạn được đánh giá thấp do chẩn đoán sai.
2. Dấu hiệu và triệu chứng
Điểm đặc trưng của người mắc hội chứng Wolf-Hirschhorn là có khuôn mặt điển hình. Khu vực gốc mũi giữa hai lông mày rộng và nổi bật (glabella), hai mắt lồi, cách xa nhau, lông mày cong hình vòng cung, hở vòm miệng. Điều này làm cho sống mũi là tâm điểm của khuôn mặt.
Các triệu chứng thường gặp của người mắc WHS bao gồm: có vấn đề về tăng trưởng (cân nặng và chiều cao thấp) ngay từ trước khi sinh; thiểu năng trí tuệ (có thể khác nhau ở mỗi cá nhân, nhưng thường khá rõ rệt); trương lực cơ thấp (hypotonia) và động kinh.
Những dấu hiệu phổ biến khác bao gồm đầu nhỏ (microcephaly); mắt khác biệt so với bình thường (sụp mí mắt, dị tật mắt); sứt môi và vòm miệng; bất thường dương vật, tinh hoàn hoặc âm đạo; bất thường thận; gặp vấn đề với xương, răng.
Dị tật tim bẩm sinh là triệu chứng phổ biến ở những người mắc WHS, nhưng thường đơn giản, ví dụ như khuyết tật vách tâm nhĩ hoặc ASD, và có thể được điều trị bằng phẫu thuật hoặc thông tim.
Nhiều người mắc WHS tăng nguy cơ nhiễm trùng. Một số bị suy giảm miễn dịch thực sự, phổ biến nhất là giảm khả năng tạo kháng thể.
Vấn đề cho ăn có thể khá nghiêm trọng đối với một số người bệnh. Phần lớn các cá nhân bị ảnh hưởng phải bổ sung dinh dưỡng bằng ống tại một số thời điểm trong cuộc sống và nhiều người phụ thuộc vào phương thức này suốt đời. Một số cá nhân gặp vấn đề nghiêm trọng với đường ruột bao gồm cả malrotation (ruột quay và cố định bất thường), rối loạn chức năng ruột hoặc kém hấp thụ chất dinh dưỡng.
Các vấn đề về trí tuệ và phát triển khác nhau ở mỗi cá nhân nhưng có ý nghĩa đáng kể ở hầu hết những người mắc WHS. Người mắc WHS phải cố gắng trong nhiều lĩnh vực bao gồm: giao tiếp, kỹ năng vận động thô, kỹ năng vận động tinh và lý luận định lượng. Người mắc WHS cần các thiết bị hỗ trợ nói hoặc ngôn ngữ ký hiệu để có thể thuận lợi giao tiếp.
3. Nguyên nhân Hội chứng Wolf-Hirschhorn
Hội chứng Wolf-Hirschhorn là một rối loạn nhiễm sắc thể cực kỳ hiếm gặp gây ra bởi sự mất đoạn WHSCR (Wolf Hirschhorn syndrome critical region) trên nhánh ngắn của nhiễm sắc thể 4 (4p).
Hầu hết các trường hợp mắc hội chứng Wolf-Hirschhorn xảy ra do sự phát sinh ngẫu nhiên (de novo) không rõ nguyên nhân rất sớm trong quá trình phát triển phôi thai (có thể là trong trứng hoặc tinh trùng trước khi thụ tinh). Nguyên nhân ít phổ biến hơn là do rối loạn được di truyền từ cha mẹ có đột biến chuyển đoạn cân bằng.
4. Chẩn đoán
Hội chứng Wolf-Hirschhorn có thể được chẩn đoán bằng siêu âm trong khi em bé vẫn còn trong bụng mẹ hoặc do ngoại hình sau khi sinh bởi biểu hiện đặc trưng trên khuôn mặt, chậm phát triển và động kinh.
Một số xét nghiệm để xác định mất đoạn trên nhánh ngắn nhiễm sắc thể 4:
- Karyotyping (Công thức nhiễm sắc thể): kỹ thuật xét nghiệm số lượng và cấu trúc bộ NST người tuy nhiên do giới hạn của phương pháp nên tỉ lệ phát hiện thấp.
- FISH (Lai huỳnh quang tại chỗ) sử dụng đầu dò WHSCR có tỷ lệ phát hiện tốt hơn nhiều so với Karyotype và phát hiện hầu hết được mất đoạn ở hầu hết bệnh nhân.
- Array-CGH (Lai so sánh hệ gen) phát hiện tất cả các mất đoạn của WHSCR và kích thước của đoạn bị mất.
5. Điều trị
Vì hội chứng Wolf-Hirschhorn ảnh hưởng rất khác nhau nên việc điều trị và can thiệp phải được điều chỉnh theo nhu cầu từng cá nhân mắc bệnh. Bệnh nhân có chẩn đoán WHS đã biết hoặc nghi ngờ nên được đánh giá toàn diện bởi một chuyên gia di truyền có kinh nghiệm. Hầu hết bệnh nhân sẽ cần phải được theo dõi bởi nhiều chuyên gia. Bệnh nhân nên được đánh giá về thần kinh qua các cơn động kinh, chi tiết về tim mạch, khám mắt, kiểm tra thính giác, đánh giá thận, cho ăn và đánh giá sự phát triển càng sớm càng tốt sau khi chẩn đoán. Chức năng thận phải được theo dõi liên tục. Các bệnh nhân phải được hỗ trợ phát triển và phục hồi chức năng toàn diện bao gồm: liệu pháp cho ăn, hỗ trợ giao tiếp, lời nói, vật lý trị liệu, liệu pháp nghề nghiệp và hỗ trợ trường học. Tư vấn di truyền được khuyến nghị cho các gia đình có trẻ mắc hội chứng Wolf-Hirschhorn.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là cơ sở y tế chất lượng cao tại Việt Nam với đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản, chuyên sâu trong nước và nước ngoài, giàu kinh nghiệm.
Hệ thống thiết bị y tế hiện đại, tối tân, sở hữu nhiều máy móc tốt nhất trên thế giới giúp phát hiện ra nhiều căn bệnh khó, nguy hiểm trong thời gian ngắn, hỗ trợ việc chẩn đoán, điều trị của bác sĩ hiệu quả nhất. Không gian bệnh viện được thiết kế theo tiêu chuẩn khách sạn 5 sao, mang đến cho người bệnh sự thoải mái, thân thiện, yên tâm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Tài liệu tham khảo: rarediseases.org