Hội chứng sợ lỗ tròn (Trypophobia): Những điều cần biết

Hội chứng sợ lỗ tròn (Trypophobia) là nỗi ám ảnh ảnh hưởng đến khoảng 15% dân số trên thế giới. Đây là nỗi sợ hãi khi nhìn vào các lỗ tròn được tụ lại gần nhau, chẳng hạn như vỏ hạt sen, quả dâu tây...Hội chứng này gây ra sự khó chịu cho người bệnh.

Hội chứng sợ lỗ tròn chưa được công nhận là một căn bệnh tâm lý chính thức. Các nghiên cứu về chứng sợ lỗ tròn hiện vẫn còn nhiều hạn chế.

1. Dấu hiệu của hội chứng sợ lỗ tròn (Trypophobia)

Việc quan tâm đến biểu hiện của hội chứng sợ lỗ tròn rất cần thiết, nhằm giúp người mắc bệnh có được hướng điều trị thích hợp.

Một số triệu chứng sợ lỗ mà bạn có thể gặp, bao gồm:

  • Khi nhìn vào những vật có hình lỗ chỗ như dép tổ ong, tổ ong, lỗ trên cây....khiến bạn có cảm giác sợ hãi, nổi gai ốc...
  • Buồn nôn, nôn
  • Chóng mặt, đau đầu
  • Nhịp tim đập nhanh, đổ mồ hôi lạnh
  • Một số trường hợp bị đau tim, ngất, choáng, thậm chí đột quỵ khi nhìn thấy những lỗ tròn
  • Tăng huyết áp

Tuy nhiên, không phải tất cả những người mắc chứng sợ lỗ tròn đều xuất hiện tất cả các biểu hiện này. Có rất nhiều người tự ám thị bản thân hoặc cảm thấy sợ hãi theo khi nhìn thấy người khác bị. Những biểu hiện này không phải là triệu chứng của hội chứng sợ lỗ trypophobia.


Tăng huyết áp là một trong các triệu chứng sợ lỗ có thể gặp
Tăng huyết áp là một trong các triệu chứng sợ lỗ có thể gặp

2. Nguyên nhân gây ra chứng sợ lỗ tròn

Các nhà nghiên cứu có một vài ý tưởng về nguyên nhân gây ra bệnh trypophobia. Một số nghiên cứu cho rằng, hội chứng sợ lỗ tròn là phản ứng mạnh mẽ của não bộ nhằm bảo vệ bạn khỏi nguy hiểm. Một số loài động vật độc nhất hành tinh - như rắn hổ mang chúa, cá lóc và ếch phi tiêu độc - có hoa văn giống như lỗ trên da. Những cấu trúc đó giống như những mô hình gây ra nỗi sợ hãi đối với những người mắc bệnh trypophobia.

Các bệnh chết người như sởi và đậu mùa gây ra tình trạng phát ban da với hình tròn. Trypophobia có thể là một phản ứng của cơ thể để tránh bị bệnh.

Cũng có thể những hình ảnh lỗ tròn tự kích hoạt nỗi sợ hãi trong chúng ta. Một số người có thể nhạy cảm hơn với sự pha trộn giữa ánh sáng và bóng tối trong hình ảnh của các lỗ tròn. Các nhà nghiên cứu cho rằng các cấu trúc hình lỗ có một loại năng lượng thị giác có thể gây ra phản ứng khó chịu.

Các nhà nghiên cứu lại cho rằng nỗi sợ hãi đến từ sự lo lắng của chính bạn. Các vòng tròn trông hơi giống như cụm mắt hoặc khuôn mặt đang nhìn chằm chằm vào bạn, điều này có thể gây khó chịu nếu bạn lo lắng trong các mối quan hệ của bản thân với xã hội.

Theo các chuyên gia, hội chứng sợ lỗ được hình thành trong quá trình tiến hóa của loài người và đây là chứng bệnh bẩm sinh. Não bộ hình thành một hệ thống có chức năng cảnh giác với những tác động có thể gây nguy hiểm dẫn đến việc hình thành quá trình mang tính sinh học này.

Tuy nhiên, giả thiết khác lại cho rằng, sự phát triển của bệnh trypophobia liên quan đến hoạt động của bộ não. Nguyên nhân gây ra chứng sợ lỗ tròn theo giả thiết này là do não bộ hoạt động quá tải. Trung tâm thị giác ở não bộ hoạt động quá mức bởi những hình ảnh lỗ chỗ gây khó chịu cho thị giác. Điều này dẫn đến lượng oxy đến não bộ tăng cao hơn bình thường. Khi cơ thể không thể cung cấp đủ nhu cầu oxy cho não bộ, một số triệu chứng có thể xuất hiện, bao gồm đau đầu, chóng mặt, nhịp tim tăng...

Ngoài ra, một số nghiên cứu khác cũng đưa ra kết quả rằng nguyên nhân khiến nhiều người mắc chứng bệnh này là não bộ bị quá tải. Khu vực chịu trách nhiệm phân tích thông tin thị giác không làm việc hiệu quả do những hình ảnh lỗ chỗ gây sự khó chịu.

Não bộ yêu cầu cần được cung cấp nhiều oxy hơn để xử lý những thông tin này. Tuy nhiên, với một số trường hợp, việc này khiến cho não bộ bị quá tải, dẫn đến tình trạng như chóng mặt, buồn nôn... để buộc những người này không tiếp tục nhìn vào các lỗ tròn này.

3. Chẩn đoán hội chứng sợ lỗ tròn


Thông qua các triệu chứng và thăm dò cận lâm sàng có thể chẩn đoán hội chứng sợ lỗ tròn
Thông qua các triệu chứng và thăm dò cận lâm sàng có thể chẩn đoán hội chứng sợ lỗ tròn

Việc chẩn đoán hội chứng sợ lỗ tròn vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn mặc dù có rất nhiều nghiên cứu được đưa ra nhằm tìm hiểu về hội chứng này. Chỉ có thể chẩn đoán bệnh thông qua việc quan sát triệu chứng cũng như thực hiện các thăm dò cận lâm sàng mới có thể đưa ra kết luận chính xác liệu bạn có mắc Trypophobia hay không bởi không có một tiêu chuẩn cụ thể nào để chẩn đoán tình trạng này.

Một nhóm các nhà nghiên cứu về hội chứng sợ lỗ tròn đã đưa ra bản danh sách bao gồm 17 câu hỏi có liên quan đến hội chứng sợ lỗ tròn. Bảng này yêu cầu mọi người đánh giá các triệu chứng như sự lo lắng hay nỗi sợ hãi theo thang điểm tử 1 đến 5 khi họ nhìn thấy các lỗ tròn.

Bạn cũng có thể thực hiện vài bài tự kiểm tra trực tuyến về hội chứng sợ lỗ tròn. Trước khi bạn nhấp vào một trong những thử nghiệm này, hãy nhớ rằng chúng có thể bao gồm các hình ảnh gây nhiễu, ngay cả với những người không mắc bệnh trypophobia.

4. Các biện pháp giúp kiểm soát chứng sợ lỗ tròn

Bạn sẽ không thể tránh khỏi việc bắt gặp các lỗ tròn trong cuộc sống thường ngày. Tuy nhiên, có một số cách khác nhau để điều trị nỗi ám ảnh. Phương pháp điều trị hiệu quả nhất là điều trị tiếp xúc. Đó là loại trị liệu tâm lý, tập trung vào việc làm thay đổi phản ứng của người bệnh với đối tượng hoặc tình huống gây ra nỗi sợ hãi.

Ngoài ra, có một số phương pháp điều trị khác có thể giúp bạn kiểm soát sự ám ảnh bao gồm:

  • Thực hiện lối sống lành mạnh: thường xuyên luyện tập thể dục, sử dụng những loại thực phẩm lành mạnh, ngủ đủ giấc, không nên dùng caffeine và các chất kích thích
  • Liệu pháp tâm lý: bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ tâm lý khi mắc hội chứng này
  • Thuốc: một số loại thuốc như thuốc chẹn beta, thuốc an thần....có thể hữu ích đối với bạn
  • Kỹ thuật thư giãn: một số động tác như yoga hay hít thở sâu có thể giúp làm giảm nỗi sợ hãi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com, webmd.com

XEM THÊM

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe