Hội chứng ống cổ chân là tình trạng chèn ép gây tổn thương chức năng thần kinh chày. Đây là một bệnh lý thần kinh tương tự như hội chứng ống cổ tay, nhưng xảy ra ở mắt cá chân và ít phổ biến hơn. Nếu không phát hiện và điều trị đúng cách, người bệnh sẽ bị đau cổ chân kéo dài, thậm chí mất chức năng đi lại.
1. Hội chứng ống cổ chân là gì?
Hội chứng ống cổ chân đôi khi được gọi là rối loạn chức năng dây thần kinh chày hoặc đau dây thần kinh chày sau. Đây là một bệnh lý dây thần kinh có liên quan đến sự chèn ép thần kinh hay các cấu trúc khác nhau trong ống cổ chân. Do đó, hội chứng ống cổ chân tương tự như hội chứng ống cổ tay có vị trí ở cổ tay mặc dù ít phổ biến hơn nhiều.
Ống cổ chân là một khoảng không gian hẹp hướng ra phía sau và thấp hơn mắt cá chân trong, chứa nhiều cấu trúc quan trọng, bao gồm các gân của cơ chày sau, cơ gấp các ngón, động mạch và tĩnh mạch chày sau cũng như dây thần kinh chày sau.
Nguyên nhân gây ra hội chứng ống cổ chân được chia thành căn nguyên bên trong và bên ngoài. Các nguyên nhân bên ngoài bao gồm đi giày không vừa vặn, chấn thương, bất thường về giải phẫu, sẹo sau phẫu thuật, bệnh lý toàn thân, phù nề chi dưới, bệnh khớp viêm toàn thân và biến chứng của tiểu đường. Các nguyên nhân bên trong bao gồm bệnh lý gân, viêm bao gân, xơ hóa quanh màng cứng, u xương và các tổn thương chiếm không gian hoặc hiệu ứng khối (giãn tĩnh mạch, u nang hạch, u mỡ, ung thư và u thần kinh).
Mặt khác, người bệnh còn có thể có các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc hội chứng ống cổ chân, bao gồm các bệnh toàn thân như đái tháo đường, suy giáp, bệnh gút và tăng lipid máu.
2. Biểu hiện của hội chứng ống cổ chân như thế nào?
Vì không có xét nghiệm cụ thể nào để chẩn đoán hội chứng ống cổ chân, việc chẩn đoán được thực hiện bằng cách khai thác tiền sử chi tiết và thăm khám lâm sàng. Người bệnh đi khám chủ yếu là vì đau cổ chân được mô tả chủ yếu là cơn đau trực tiếp trên cổ chân truyền đến vòm và gan bàn chân. Một số bệnh nhân khác lại có một cơn đau buốt ở bàn chân, tê trên bề mặt bàn chân, cảm giác đau và dị cảm dọc theo sự phân bố của dây thần kinh chày sau kèm cảm giác ngứa ran hoặc bỏng rát. Những triệu chứng này có thể khu trú ở mắt cá giữa hoặc bề mặt bàn chân hoặc mơ hồ hơn, gây khó khăn cho việc chẩn đoán.
Ngoài ra, các triệu chứng của người bệnh đôi khi sẽ khác nhau tùy thuộc vào việc toàn bộ dây thần kinh chày sau bị tổn thương hay chỉ ảnh hưởng đến các nhánh bên hoặc nhánh giữa. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp đều có triệu chứng tồi tệ hơn vào ban đêm, khi đi bộ hoặc đứng hoặc sau khi hoạt động thể chất, giảm đi khi nghỉ ngơi.
Ngoài tình trạng đau cổ chân kéo dài, không ít bệnh nhân có thể nhận thấy yếu cơ ở bàn chân và mất dần chức năng vận động.
Khi thăm khám, bác sĩ sẽ kiểm tra chức năng vận động của các cơ từ cổ chân đến bàn chân. Trong trường hợp hội chứng ống cổ chân mãn tính, người bệnh sẽ được phát hiện thấy dấu hiệu teo, yếu cơ bàn chân và co rút các ngón chân. Các nhóm cơ thường mềm khi sờ sâu vào ống cổ chân. Dáng đi người bệnh cũng được quan sát thấy là có khuynh hướng cúi hoặc ngửa quá mức, đảo chân hay đi lệch hướng. Ngoài ra, khám cảm giác còn cho thấy bệnh nhân có thể bị giảm cảm giác ở vùng phân bố của dây thần kinh chày giữa hoặc bên.
3. Các xét nghiệm trong hội chứng ống cổ chân
X quang thường tại mắt cá chân và, có thể, cả bàn chân là công cụ hình ảnh ban đầu được lựa chọn. Những hình ảnh này có thể giúp xác định bất kỳ bất thường cấu trúc nào bao gồm cấu trúc xương, khớp hoặc bằng chứng của chấn thương trước đó.
Chụp cộng hưởng từ (MRI) không nhạy để chẩn đoán hội chứng ống cổ chân nhưng có thể giúp bao gồm hoặc loại trừ các nguyên nhân khác gây ra các triệu chứng tương tự của bệnh nhân.
Siêu âm có thể được sử dụng để đánh giá cấu trúc mô mềm hay có thể quan sát thấy dây thần kinh và các phân nhánh của nó. Sự kết hợp của siêu âm hoặc MRI có thể đánh giá các bất thường mô mềm khác bao gồm viêm gân hoặc viêm bao gân, u mỡ hoặc các khối u khác, giãn tĩnh mạch và u nang hạch.
Các xét nghiệm về điện cơ và dẫn truyền thần kinh sẽ cho kết quả bất thường ở những bệnh nhân mắc hội chứng ống cổ chân. Trong đó, bất thường về dẫn truyền thần kinh cảm giác thường gặp hơn bất thường về dẫn truyền thần kinh vận động; điều này giải thích vì sao người bệnh thường đi khám vì đau cổ chân trước khi phát hiện hạn chế đi lại.
4. Cách điều trị hội chứng ống cổ chân
Việc điều trị hội chứng ống cổ chân vẫn còn nhiều thách thức do sự không chắc chắn trong chẩn đoán và thiếu rõ ràng về việc kết quả từ việc điều trị bảo tồn hay phẫu thuật. Theo đó, hội chứng ống cổ chân có thể được điều trị không cần phẫu thuật. Quyết định này thường phụ thuộc vào căn nguyên của bệnh, mức độ mất chức năng của bàn chân và mắt cá chân, cũng như sự hiện diện của chứng teo cơ.
Dù căn nguyên của hội chứng ống cổ chân là gì, mục đích điều trị vẫn là để giảm đau, kháng viêm và chống căng cơ. Các cách điều trị bảo tồn bao gồm dùng đá lạnh, uống thuốc giảm đau như acetaminophen và thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có thể hữu ích. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể thử dùng thuốc giảm đau thần kinh bao gồm gabapentin, pregabalin và thuốc chống trầm cảm ba vòng đối với các tổn thương thần kinh nặng nề.
Nếu có nang hạch tại chỗ, cần chọc hút dưới hướng dẫn của siêu âm để giải áp. Tiêm corticosteroid vào ống cổ chân có thể giúp giảm phù nề.
Các phương thức vật lý trị liệu mô mềm có thể giúp ích trong điều trị hội chứng ống cổ chân là dùng sóng siêu âm, điện di và kích thích điện tử. Trong đó, kéo căng bắp chân và di chuyển dây thần kinh cũng có thể giúp giảm các triệu chứng. Ngoài ra, giày chỉnh hình có thể là một lựa chọn được sử dụng để điều chỉnh các bất thường về các nhóm cơ ở cổ chân và để giúp giảm tải ống cổ chân, giảm lực kéo lên dây thần kinh.
Phẫu thuật giải áp ống cổ chân được chỉ định nếu xử trí bảo tồn không giải quyết được các triệu chứng của bệnh nhân hoặc nếu xác định được nguyên nhân chính xác gây chèn ép. Bệnh nhân có các triệu chứng do tổn thương chiếm chỗ thường đáp ứng tốt với xử trí phẫu thuật. Tuy nhiên, tín hiệu dẫn truyền thần kinh chậm bất thường qua dây thần kinh chày sau sẽ dự báo là liệu pháp bảo tồn thất bại.
Sau can thiệp, người bệnh cần được chăm sóc hậu phẫu và phục hồi chức năng thích hợp, nhằm mục đích bảo vệ sự toàn vẹn của khớp và dây thần kinh, đồng thời kiểm soát tình trạng viêm, sưng và đau cổ chân. Khi quá trình phục hồi tiếp tục, nhà trị liệu và bệnh nhân sẽ cần tập luyện để ngăn chặn phản ứng co cơ lại và kết dính của các mô sẹo trong khi duy trì tính di động của mô mềm và khớp. Hơn nữa, khả năng trở lại dáng đi bình thường, đi bộ và chạy nhảy sẽ là những mục tiêu dài hạn về sau.
Tóm lại, hội chứng ống cổ chân là một tình trạng gây ra bởi áp lực lặp đi lặp lại dẫn đến tổn thương dây thần kinh chày sau. Vì hội chứng ống cổ chân là một bệnh khó chẩn đoán, khi cảm giác đau cổ chân kéo dài không giải thích được, người bệnh cần sớm thăm khám tốt nhất bởi một bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình. Tùy theo căn nguyên, điều trị hội chứng ống cổ chân có thể cần phẫu thuật hay vật lý trị liệu nhằm bảo tồn chức năng cổ chân lâu dài trong tương lai.
Nguồn tham khảo: ncbi.nlm.nih.gov; physio-pedia.com; foothealthfacts.org; my.clevelandclinic.org.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.