Hội chứng bong da do tụ cầu: Những điều cần biết

Bài viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Tâm - Trưởng đơn nguyên Nhi II - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Hội chứng bong vảy da do tụ cầu (Staphylococcal scalded skin syndrome - SSSS) là tình trạng ly thượng bì cấp tính gây nên do nhiễm các chủng vi khuẩn tụ cầu sinh ra ngoại độc tố. Triệu chứng là các bọng nước lan rộng và sự bong của lớp thượng bì. Bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 6 tuổi, nhưng cũng có thể ở trẻ lớn và người lớn khi bị bệnh nặng.

1. Hội chứng bong da do tụ cầu

Hội chứng bong vảy da do tụ cầu (Staphylococcal scalded skin syndrome - SSSS) là tình trạng ly thượng bì cấp tính gây nên do nhiễm các chủng vi khuẩn tụ cầu sinh ra ngoại độc tố. Triệu chứng là các bọng nước lan rộng với sự bong của lớp thượng bì. Bệnh thường kèm theo sốt, kích thích, mệt mỏi và ăn kém. Theo đó, bệnh chủ yếu gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 6 tuổi, nhưng cũng có thể ở trẻ lớn và người lớn khi bị bệnh nặng. Các thuật ngữ trước đây cho hội chứng bong vảy da do tụ cầu ở trẻ sơ sinh bao gồm bệnh Ritter và bệnh Pemphigus sơ sinh.

Bệnh xảy ra quanh năm, đỉnh điểm vào mùa hè và mùa thu. Thời gian ủ bệnh: 1 – 10 ngày. Chẩn đoán bệnh dựa vào triệu chứng lâm sàng, đôi khi phải dựa vào sinh thiết. Điều trị bằng kháng sinh chống tụ cầu và chăm sóc tại chỗ. Bệnh có tiên lượng tốt nếu điều trị kịp thời. Tỷ lệ tử vong: 0.3% ở trẻ em và khoảng 4 % ở người lớn.

SSSS xảy ra khi các ngoại độc tố do tụ cầu sinh ra lan truyền trong máu từ vị trí nhiễm trùng qua da. Các chủng tụ cầu gây bệnh tạo ra độc tố tẩy chết da A và B, ngoại độc tố có khả năng phân cắt Desmoglein 1 là một protein chịu trách nhiệm kết dính tế bào sừng với tế bào sừng ở lớp biểu bì bề ngoài. Những độc tố này gắn trực tiếp vào desmoglein 1 gây đứt các cầu nối, phá vỡ lớp hạt của thượng bì, hình thành bọng nước, gây bong tách lớp thượng bì.

Các triệu chứng đặc trưng bao gồm: đau da lan tỏa và ban đỏ tiến triển, cũng như phồng rộp và bong vảy bề mặt như da bị bỏng. Cụ thể:

  • Phát hiện sớm nhất trên da là ban đỏ, điểm vàng và đau da. Ban đỏ thường phát triển trong vòng 24 - 48 giờ, các nốt ban đỏ bắt đầu xuất hiện ở các vùng da tổn thương đỏ da, mụn nước, mụn mủ quanh mắt, mũi, miệng, nách, các nếp kẽ bẹn và khe mông, sau đó xuất hiện nếp nhăn, ăn mòn nông ở những vị trí chịu ma sát như vùng quanh hậu môn. Da đỏ nhanh chóng lan rộng ra toàn thân, trên bề mặt da xuất hiện các bọng nước mềm, rất nông, không rõ ranh giới, phù nề, dễ trợt, các bọng nước có khi liên kết với nhau thành mảng rộng, ngay cả những va chạm nhỏ cũng có thể gây trợt da bề mặt những mảng da lớn, để lại nền da đỏ ẩm.
Hội chứng bong da do tụ cầu: Những điều cần biết
Hội chứng bong da do tụ cầu: Những điều cần biết

  • Các vết nứt xuyên tâm thường phát triển quanh miệng, mũi và mắt. Ban đỏ đóng vảy, nứt nẻ tạo ra một bộ mặt buồn ở trẻ bị SSSS. Bề mặt giống như bột yến mạch khô.

Các vết nứt xuyên tâm thường phát triển quanh miệng, mũi và mắt.
Các vết nứt xuyên tâm thường phát triển quanh miệng, mũi và mắt.

  • Dấu hiệu Nikolsky dương tính ( Dấu hiệu khi chà sát nhẹ da gây tróc da lớp ngoài cùng).

Dấu hiệu Nikolsky dương tính
Dấu hiệu Nikolsky dương tính

Kèm theo các triệu chứng toàn thân bao gồm sốt, kích thích khó chịu, mệt mỏi và ăn kém.

Vị trí nhiễm trùng nguyên phát do tụ cầu thường không rõ ràng. Các phát hiện gợi ý nhiễm trùng bao gồm dẫn lưu mủ ở kết mạc và mi giữa của mắt trong viêm kết mạc, bệnh chốc lở, đóng vảy màu vàng mật ong ở lỗ mũi, da quanh mũi miệng, ban đỏ quanh hậu môn, mụn mủ hoặc các vùng đóng vảy khác trên da. Ở trẻ sơ sinh nhiễm trùng tụ cầu có thể xuất hiện như ăn mòn, chảy mủ hoặc đóng vảy xung quanh gốc rốn hoặc vị trí cắt bao quy đầu.

Ban đỏ và đau trên da thường giảm đi đáng kể trong vòng 2-3 ngày sau khi bắt đầu điều trị. Các vùng ăn mòn và đóng vảy thường có cải thiện đáng kể trong vòng 1-2 tuần. Bệnh nhân có thể tiếp tục bị đau, ban đỏ và bong tróc da trong vài ngày mặc dù đã được điều trị kháng sinh thích hợp. Sự kéo dài của các triệu chứng bệnh có thể do sự tồn tại của các chất độc trong máu và có xu hướng kéo dài nhất là ở trẻ sơ sinh. Điều này liên quan đến việc thanh thải ở thận còn kém hoặc khả năng miễn dịch thấp hơn đối với tụ cầu ở trẻ sơ sinh.

Các biến chứng nghiêm trọng liên quan đến da bị mất nhiều và bao gồm nhiễm trùng thứ phát như nhiễm trùng máu, giảm thể tích tuần hoàn, mất cân bằng điện giải và tử vong.

2. Chẩn đoán hội chứng bong da do tụ cầu

Việc chẩn đoán SSSS được thực hiện dựa trên tiền sử và phát hiện triệu chứng. Cấy vi khuẩn ở các vị trí nghi ngờ nhiễm tụ cầu để xác nhận nhiễm tụ cầu và cung cấp thông tin về tính nhạy cảm của kháng sinh. Trong những trường hợp khó khăn, cần kiểm tra mô bệnh học để xác nhận SSSS.

Đặc điểm lâm sàng phù hợp với SSSS bao gồm:

  • Ban đỏ da lan rộng, có thể chuyển sang màu trắng.
  • Bong bóng mềm, bong tróc bề mặt và ăn mòn nông
  • Không có sự tham gia của màng nhầy
  • Bằng chứng đồng thời nhiễm tụ cầu ở da, kết mạc hoặc nội tạng
  • Dấu hiệu Nikolsky dương tính.

Chẩn đoán phân biệt hội chứng bong da do tụ cầu với các bệnh sau:

2.1. Bỏng

Chẩn đoán phân biệt với bỏng, tổn thương nông sâu tùy độ bỏng

2.2. Steven – Johnson syndrome(SJS) và Hoại tử thượng bì nhiễm độc (TEN)

Đặc trưng bởi sốt và tổn thương da niêm mạc dẫn đến hoại tử và bong vảy lớp thượng bì. SJS tổn thương da < 10% diện tích cơ thể, TEN> 30%. SJS/TEN diện tích da tổn thương 10-30%. Nguyên nhân thường do thuốc (Thường gặp thuốc Sulfamide và thuốc kháng động kinh...). Ngoài ra còn do các nguyên nhân khác như:

  • Do vi khuẩn (Mycoplasma pneumoniae, Klebsiella pneumoniae.
  • Do thức ăn.

Triệu chứng: Đau da, ban xuất huyết, hoại tử da, bóng nước hoặc mảng bóng nước thượng bì, viêm loét các lỗ tự nhiên.

2.3. Chốc bọng nước

Đây là nhiễm khuẩn nông ở da đặc trưng bởi mụn mủ, bọng nước và các vết trầy đóng vảy. Thường gặp ở vùng da hở như mặt, tay, chân. Ban đầu mụn nhỏ sau lớn dần thành bọng nước, bọng nước nông, dễ vỡ, có thể tổn thương loét sâu...

2.4. Hội chứng sốc độc

Là bệnh hệ thống có ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể. Vi khuẩn hay gây ra hội chứng này là tụ cầu vàng và liên cầu. Bệnh có triệu chứng: Sốt, phát ban, bong tróc da và hạ huyết áp. Do liên cầu tử vong ~ 50% ( ít gặp), do tụ cầu tử vong ~4%.

2.5. Bệnh tinh hồng nhiệt

Là bệnh do độc tố vi khuẩn liên cầu A gây ra. Bệnh thường bắt đầu với dấu hiệu sốt đột ngột, đau họng, sưng hạch cổ, đau đầu, buồn nôn, lưỡi đỏ, mệt mỏi, đau mình mẩy. Đặc trưng các ban đỏ, hồng, bóng, sờ vào có cảm giác như sờ giấy nhám, bao phủ toàn bộ cơ thể. ...

2.6. Bệnh Kawasaki

Là bệnh sốt có mọc ban cấp tính kèm viêm lan tỏa hệ mạch máu vừa và nhỏ chưa rõ căn nguyên. Bệnh thường biểu hiện sốt cao trên 5 ngày, viêm đỏ kết mạc 2 bên, thay đổi khoang miệng như môi đỏ sẫm, mọng hoặc rỉ máu, phù đỏ khoang miệng, lưỡi đỏ nổi gai như dâu tây, đỏ tía bàn tay chân, ban đỏ đa dạng toàn thân, có thể có hạch góc hàm > 1,5 cm, không hóa mủ...

2.6. Pemphigus

Bệnh da phỏng nặng có thể gây chết người. Đây là bệnh tự miễn tiến triển cấp hoặc mãn tính, có tự kháng thể IgG lưu hành trong máu chống lại bề mặt tế bào, phá hủy sự liên kết giữa các tế bào tạo lên phỏng nước trong lớp biểu bì.

3. Điều trị hội chứng bong da do tụ cầu

Việc điều trị SSSS bao gồm loại bỏ nhiễm trùng tụ cầu gây bệnh và chăm sóc hỗ trợ để thúc đẩy quá trình chữa lành, giảm đau và giảm biến chứng.

Bệnh nhân SSSS thường được yêu cầu nhập viện để điều trị bằng kháng sinh đường tĩnh mạch và chăm sóc hỗ trợ. Khi được điều trị đầy đủ tiên lượng tốt. Hầu hết bệnh nhân phục hồi hoàn toàn trong vòng 2-3 tuần mà không để lại sẹo, biến dạng đáng kể hoặc các di chứng lâu dài khác.


Trẻ bị hội chứng bong da do tụ cầu cần được nhập viện và điều trị sớm
Trẻ bị hội chứng bong da do tụ cầu cần được nhập viện và điều trị sớm

Kháng sinh nên bắt đầu điều trị bằng thuốc kháng sinh kháng tụ cầu ngay lập tức. Lựa chọn kháng sinh nhóm Penicillin, oxacillin hoặc cephalosporin thế hệ 1,2 hoặc vancomycin...

4. Phòng ngừa hội chứng bong da do tụ cầu

Phòng ngừa SSSS liên quan đến việc giảm thiểu nguy cơ lây truyền các chủng tụ cầu sản xuất ngoại độc tố cho những người khác, đặc biệt là trẻ nhỏ và những người có nguy cơ.

Các biện pháp phòng ngừa đặc biệt quan trọng trong các nhà trẻ sơ sinh, các đơn vị chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh và các cơ sở có người bệnh như các cơ sở chăm sóc dài hạn và bệnh nhân nội trú. Chăm sóc bệnh nhân SSSS bằng cách: Vệ sinh tay, cắt móng tay, tuân thủ các biện pháp phòng ngừa thích hợp trong cơ sở chăm sóc sức khỏe, sử dụng biện pháp phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa tiếp xúc trong thời gian bị bệnh. Có 40% người lớn là người mang tụ cầu không có triệu chứng. Ở cơ sở y tế có thể sàng lọc nhân viên y tế và người chăm sóc để phát hiện nguồn bùng phát dịch.

Hội chứng bong da do tụ cầu có thể gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Bệnh có tiên lượng tốt nếu được thăm khám và điều trị kịp thời. Vì thế khi có dấu hiệu của bệnh thì người bệnh cần đưa đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám và điều trị.

Khoa nhi tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phổi ở trẻ,... Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe