Hiện tượng hô hấp đảo ngược có thể do bất kỳ nguyên nhân nào. Đây cũng là một dấu hiệu hiếm gặp nhưng có mức độ nặng nề và nhanh chóng dẫn đến suy hô hấp, trụy tuần hoàn, nhất là trong trường hợp sau khi bị chấn thương. Theo đó, nhân viên y tế, thậm chí là người bình thường, đều cần biết hô hấp đảo ngược là gì để có thể khởi động các biện pháp điều trị hỗ trợ dưỡng khí nếu được phát hiện kịp thời.
1. Hô hấp đảo ngược là gì?
Hô hấp đảo ngược nói chung là một thuật ngữ đề cập đến một kiểu thở ngược lại với nhịp thở bình thường. Theo kiểu thở bình thường, lành mạnh, khi hít vào, cơ hoành sẽ di chuyển xuống dưới. Đồng thời, thành bụng sẽ mở rộng ra ngoài so với cột sống. Trong thời gian thở ra, cơ hoành sau đó sẽ di chuyển lên trên và thành bụng lại co vào trong về phía cột sống. Đây còn được gọi là thở bằng cơ hoành hoặc thở bằng bụng, lồng ngực không cử động.
Như vậy, khi xảy ra hiện tượng hô hấp đảo ngược, cách người bệnh hít thở sẽ ngược lại với cách thở bằng cơ hoành nên trên. Do đó, không chỉ là một trong các trạng thái bất thường của tình trạng suy hô hấp, trong một số trường hợp, hô hấp nghịch thường có thể cấp tính và cần hành động khẩn cấp. Dù vậy, ở một số ít trường hợp, đây có thể là một vấn đề mãn tính hay có thể bùng phát khi căng thẳng, gây ra các cơn hoảng loạn hoặc khó thở trong thời gian dài.
2. Những dấu hiệu của hiện tượng hô hấp đảo ngược
Sau đây là danh sách các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến cho thấy một bệnh nhân đang gặp phải tình trạng hô hấp đảo ngược, có thể bao gồm cả suy hô hấp:
- Khó thở hay cảm giác không thể thở được
- Thở gấp
- Thở hổn hển không tự chủ
- Hít thở sâu đột ngột
- Nhịp tim nhanh
- Đau cổ và vai
- Đau hoặc yếu ở ngực
- Chóng mặt
3. Các nguyên nhân gây ra hiện tượng hô hấp đảo ngược
Một số yếu tố có thể góp phần gây ra kiểu hô hấp đảo ngược như sau:
Chấn thương ngực cấp tính là một trong những nguyên nhân sẽ dẫn đến co thắt cơ liên sườn ngay lập tức. Đổi lại, tình trạng này có thể gây ra một chuyển động nghịch lý trong hơi thở. Trong trường hợp này, các hành động khẩn cấp phải được thực hiện để giúp hỗ trợ chức năng hô hấp cho người bệnh.
Tuy nhiên, các vấn đề mãn tính cũng có thể góp phần vào việc hô hấp đảo ngược kéo dài:
- Căng thẳng kéo dài: Khi mắc phải những căng thẳng mãn tính do công việc hoặc các vấn đề áp lực tâm lý, người bệnh có khuynh hướng hô hấp đảo ngược, đôi khi được gọi là thở gấp đôi hoặc thậm chí tăng thông khí.
- Do tư thế: Những người ngồi ở bàn làm việc cả ngày cũng có thể thấy rằng các cơ bắp vùng vai trên, đặc biệt là cơ bắp ở cổ, sẽ trở nên căng cứng và đau nhức. Kết quả là hệ hô hấp đòi hỏi cần sử dụng quá mức các cơ hô hấp chính khi thở. Điều này có thể dẫn đến cơ hoành mau suy yếu và hoạt động theo cách nghịch lý khi thở. Về lâu dài, các tác động sau đó sẽ tương hỗ lẫn nhau, hệ quả là việc hô hấp ngày càng trở nên khó khăn hơn và các cơ bắp thịt ngày càng căng và đau hơn.
- Tổn thương thần kinh: Một số vấn đề về thần kinh, chẳng hạn như chứng động kinh hoặc đau nửa đầu, có thể kích hoạt phản ứng nghịch lý, cản trở chuyển động của cơ hoành và gây ra hiện tượng hô hấp đảo ngược không qua cơ hoành.
- Tổn thương phổi: Những người có vấn đề sức khỏe liên quan đến phổi như ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen suyễn... thường sẽ có cử động hô hấp trên thành ngực nghịch thường.
4. Những phương pháp điều trị hô hấp đảo ngược
Đối với người bệnh được phát hiện thấy có các dấu hiệu hô hấp đảo ngược với các cơn khó thở cấp tính do chấn thương ở ngực hoặc do suy giảm thể chất khác cản trở khả năng tiếp nhận oxy theo nhu cầu cơ thể thì phải cấp cứu.
Trong trường hợp hô hấp đảo ngược do lên cơn hoảng sợ hoặc tăng thông khí, khi thấy người bệnh thở gấp, hãy thử các hành động tức thì sau đây để có thể giúp người bệnh bình tĩnh và khôi phục lại nhịp thở bình thường:
- Thực hiện tư thế gập người xuống và đặt tay lên đầu gối
- Thở bằng đôi môi mím chặt
- Nhịn và cố gắng hết sức để làm chậm nhịp thở
- Đừng cố nói chuyện
- Tập trung nhìn vào một điểm trực quan trước mắt, cách khoảng 1 mét
- Khi đã có thể lấy lại được hơi thở của mình, hãy thử thở bằng bụng (hít vào để bụng hướng ra ngoài và thở ra để bụng hướng vào trong)
5. Làm cách nào để phòng tránh hiện tượng hô hấp đảo ngược?
5.1 Luyện tập thở sâu đúng cách
- Đi đến một nơi yên tĩnh một mình, không bị phân tâm với một tư thế tốt để duy trì kéo dài. Nhắm mắt nhẹ nhàng. Thở hết không khí ra khỏi phổi. Sau đó, từ từ hít vào bằng mũi, sao cho:
- Thành bụng mở rộng ra bên ngoài
- Ngực và vai không cử động
- Khi đã hít vào sâu, hãy bắt đầu thở ra bằng miệng sao cho:
- Thành bụng xẹp xuống về phía cột sống
- Ngực và vai không cử động
5.2 Luyện tập thở đều
Thở đều là một bài tập đơn giản giúp làm dịu các dây thần kinh đang bị kích thích, giảm căng thẳng và tạo ra phản ứng thư giãn. Nên luyện tập điều này bất cứ khi nào cảm thấy choáng ngợp hoặc không thể thở được.
Đây là cách thực hiện:
- Sử dụng kiểu thở thích hợp ở trên, bắt đầu bằng cách hít thở sâu một lần đếm chậm rãi từ một đến bốn
- Giữ hơi thở trong phổi và cũng đếm từ một đến bốn
- Từ từ thở ra và giữ hơi thở một lần nữa trong thời gian tương tự
- Lặp lại quy trình bốn bước này trong khoảng một đến hai phút.
Tóm lại, hiện tượng hô hấp đảo ngược xảy ra khi, thay vì di chuyển xuống khi hít vào và hướng lên trên khi thở ra, cơ hoành di chuyển lên trên khi hít vào và hướng xuống khi thở ra. Kiểu thở ngược lại này có thể gây ra cơn khó thở, hấp thụ oxy kém, suy nhược cơ thể, khó ngủ và các biến chứng ngắn hạn và dài hạn khác. Trong các trường hợp cấp tính, hô hấp đảo ngược còn có thể là một triệu chứng đe dọa tính mạng ở những người bị tê liệt cơ hoành hoặc chấn thương nghiêm trọng. Vì vậy, điều quan trọng là phải đi khám và điều trị kịp thời, đôi khi cần hành động khẩn cấp để tránh biến cố nặng nề sau đó.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.