Tay chân hay bị co rút là bệnh gì?

Hiện nay rất nhiều người gặp phải tình trạng tay chân bị co rút, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc và sinh hoạt hằng ngày. Vậy nguyên nhân khiến co rút chân tay là gì? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho quý đọc giả một số nguyên nhân thường gặp và cách phòng ngừa hiện tượng co rút tay chân.

1. Nguyên nhân bệnh co rút chân tay là gì?

1.1 Do uống quá nhiều cà phê

Tiêu thụ quá nhiều caffeine có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và cũng dẫn tới tình trạng co rút tay chân. Caffeine trong cà phê tác động lên hệ thần kinh trung ương và hệ thống tim mạch, từ đó gây ra các triệu chứng bao gồm co rút chân tay, hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh, nhức đầu... Ngoài ra, caffeine còn có thể làm tăng tiết axit dịch vị gây ảnh hưởng tới dạ dày.

1.2. Bị stress kéo dài

Tình trạng stress kéo dài làm căng thẳng hệ thần kinh và đặt cơ thể trong tình trạng kích thích liên tục. Điều này có thể khiến hệ thần kinh điều khiển hoạt động của cơ gửi những tín hiệu sai và kích thích các cơ gây ra các cơn co rút. Ngoài ra, lo lắng và căng thẳng cũng có thể làm cho bạn thở nhanh hơn, từ đó làm thay đổi nồng độ ion và pH trong cơ thể và khiến cơ bị co giật. Để giảm co giật do stress, bạn nên dành thời gian thư giãn, luyện tập thiền, yoga.

1.3 Mất nước

Nhiều người luôn thắc mắc chân tay bị co rút là bệnh gì. Thực tế, mất nước là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến các cơ bị co giật và chuột rút. Những người thường xuyên vận động cường độ cao, bị sốt cao kéo dài hoặc uống ít nước có thể gặp phải hiện tượng co rút cơ bắp. Vì vậy bổ sung nước đầy đủ là một biện pháp đơn giản giúp phòng tránh tay chân co rút.

1.4. Thiếu ngủ trong thời gian dài

Giấc ngủ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe. Thiếu ngủ có thể dẫn tới nhiều hệ lụy như suy nhược, mệt mỏi, căng thẳng thần kinh, giảm sự tỉnh táo, tập trung,...Hệ thần kinh căng thẳng kéo dài có thể gây ra các cơn co giật và co rút cơ. Ngoài ra, thiếu ngủ cũng có thể làm rối loạn cân bằng nội tiết tố và ảnh hưởng tới hoạt động của cơ bắp.

1.5. Cơ thể thiếu hụt các khoáng chất

Cơ thể thiếu hụt khoáng chất và chất điện giải như natri, canxi, magie, kali... có thể làm tăng nguy cơ bị co giật cơ và chuột rút. Do vậy, việc bổ sung đầy đủ khoáng chất thông qua thực phẩm hoặc thuốc có thể để cải thiện đáng kể tình trạng co giật cơ.

1.6. Do tác dụng phụ của thuốc

Sử dụng một số thuốc gây ra tình trạng co giật và co rút cơ. Chẳng hạn như các thuốc lợi tiểu có thể làm giảm lượng kali trong cơ thể và dẫn tới tình trạng co rút chân tay. Ngoài ra, các loại thuốc chống trầm cảm, chống động kinh cũng có thể gây co giật cơ. Nếu gặp phải hiện tượng trên, bạn nên liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và đổi sang loại thuốc phù hợp.


Tác dụng phụ của thuốc có thể là nguyên nhân bệnh co rút chân tay
Tác dụng phụ của thuốc có thể là nguyên nhân bệnh co rút chân tay

1.7 Nhiệt độ thấp

Đây là một hiện tượng vật lý tự nhiên. Khi gặp nhiệt độ thấp, các bó cơ có thể co rút lại gây nên tình trạng chuột rút. Do vậy, bạn hãy cố gắng giữ ấm cơ thể, đặc biệt là các chi vào mùa lạnh để tránh bị co rút chân tay.

1.8. Các hội chứng gây co rút tay chân

Hội chứng serotonin là hội chứng do quá nhiều serotonin dẫn đến tăng hoạt động tế bào thần kinh quá mức và gây ra một loạt các triệu chứng như bồn chồn, run, tim đập nhanh, tăng huyết áp, co giật cơ bắp hay thậm chí suy thận, suy hô hấp và có khả năng gây tử vong. Ngoài ra, hội chứng Isaacs do rối loạn các tế bào thần kinh ngoại biên cũng có thể gây co giật cơ.

1.9. Biểu hiện của bệnh thận

Khi thận bị suy giảm chức năng sẽ kéo theo hàng loạt hoạt động trong cơ thể bị ảnh hưởng. Ở một số bệnh nhân suy giảm chức năng thận có thể trải qua tình trạng co rút cơ bắp cùng với các triệu chứng khác. Biến chứng bệnh thận có thể gây tổn thương lên hệ thần kinh trung ương, rối loạn nồng độ điện giải trong cơ thể và dẫn tới hiện tượng trên.

1.10. Do các bệnh lý thần kinh

Khi các tế bào thần kinh bị tổn thương, quá trình hoạt động của các cơ cũng sẽ bị ảnh hưởng. Tình trạng co rút tay chân có thể là dấu hiệu cảnh báo rằng các dây thần kinh kiểm soát cơ bắp của bạn có thể đang gặp vấn đề. Ngoài ra, một số người bị tổn thương thần kinh bẩm sinh hoặc do chấn thương, nhiễm trùng, bệnh tật, nghiện rượu cũng có thể có các biểu hiện tương tự. Đái tháo đường cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm tổn thương thần kinh ngoại biên và gây ra hiện tượng co rút cơ. Do vậy, bệnh nhân đái tháo đường nên kiểm soát đường huyết chặt chẽ và định kỳ tầm soát các biến chứng của bệnh.

1.11 Lười vận động

Việc vận động quá nhiều khiến cơ thể mất nước có thể gây ra chuột rút, co rút tay chân. Nhưng không phải vì thế mà bạn nên hạn chế vận động vì lười vận động cũng có thể dẫn tới tình trạng trên. Co rút do cơ bắp không được rèn luyện thường xuyên sẽ kéo dài với tần suất nhiều hơn cả. Do đó, quan trọng là tích cực vận động điều độ và bổ sung đầy đủ nước, điện giải sau khi vận động thể thao.

1.12 Một số bệnh lý về cơ xương khớp

Viêm khớp dạng thấp lâu ngày cũng có thể dẫn tới tình trạng co rút bàn tay và ngày càng nặng dần theo thời gian. Bên cạnh đó, hội chứng ống cổ tay do dây thần kinh ở cổ tay bị chèn ép cũng có thể gây ra triệu chứng trên. Bệnh nhân bị hội chứng ống cổ tay có thể bị co rút, ran ngứa, tê yếu ở bàn tay và cẳng tay.

2. Khi bị co rút tay chân cần làm gì?

Khi tay chân bị co rút, bạn có thể áp dụng ngay các biện pháp sau:

  • Ngưng vận động và thả lỏng cơ thể.
  • Xoa bóp nhẹ nhàng ở vùng bị co rút để làm tăng nhiệt độ, tăng cường máu lưu thông
  • Bạn cũng có thể chườm nóng hay lạnh để giảm triệu chứng. Chườm nóng giúp làm tăng nhiệt độ, xoa dịu cơn đau và giảm co rút cơ, trong khi chườm lạnh sẽ làm giảm sưng, giảm đau nhanh chóng.
  • Khi bị co rút ở tay, bạn nên tập duỗi bàn tay. Hãy dùng bàn tay này đẩy bàn tay kia lên, hoặc đặt tay lên một bề mặt phẳng, rồi nhấn nhẹ nhàng và duỗi thẳng các ngón tay. Giữ tư thế đó trong 30-60 giây, sau đó thả lỏng. Bạn cũng có thể nắm tay lại, sau 30-60 giây thì mở bung tay và duỗi các ngón tay ra. Xoa bóp lòng bàn tay nhẹ nhàng theo chiều kim đồng hồ cũng có giảm triệu chứng nhanh chóng.
  • Nếu tình trạng co rút xảy ra ở cẳng chân, bạn hãy nhẹ nhàng duỗi thẳng, kéo ngược bàn chân về phía đầu gối để kéo dãn các bó cơ ở bắp chân.
  • Nếu co rút xảy ra ở phần bắp đùi, cần có người khác hỗ trợ để nâng cao chân duỗi thẳng đồng thời dồn lực nén xuống nhẹ nhàng ở đầu gối.
  • Tuy nhiên, nếu tình trạng co rút tay chân kéo dài nhiều giờ đến nhiều ngày, bạn cần đến các cơ sở y tế thăm khám để xác định nguyên nhân và kịp thời điều trị. Ghi nhận thời gian và tần suất của các cơn co rút tay chân cũng có thể hỗ trợ quá trình chẩn đoán của bác sĩ.

Bài tập duỗi bàn tay có thể khắc phục nguyên nhân bệnh co rút chân tay
Bài tập duỗi bàn tay có thể khắc phục nguyên nhân bệnh co rút chân tay

3. Cách phòng ngừa co rút tay chân

  • Luyện tập sức và sự dẻo dai cho cơ bàn tay và cánh tay: tập duỗi bàn tay hoặc bóp bóng 2-3 lần mỗi ngày, mỗi lần 10-15 cái cho cả 2 tay.
  • Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng: bổ sung natri, canxi, magie, kali, vitamin nhóm B đầy đủ thông qua chế độ ăn uống hoặc thuốc có thể giúp phòng ngừa tình trạng co rút chân tay.
  • Uống tối thiểu 2 lít nước mỗi ngày. Đặc biệt bổ sung thêm nước khi tập thể dục cường độ cao, sốt hoặc làm việc ở môi trường có nhiệt độ cao.
  • Luyện tập thiền, yoga để giảm stress. Tập yoga cũng giúp rèn luyện sự dẻo dai của cơ bắp.
  • Chọn đồ vật đúng kích cỡ: cầm các đồ vật quá lớn hoặc quá nhỏ cũng có thể gây khó chịu và co rút cơ. Hãy tìm các loại viết, dụng cụ nấu ăn, đồ gia dụng phù hợp với kích thước bàn tay của bạn. Đặc biệt hãy tìm chuột máy tính phù hợp. Vì chuột máy tính có thể góp phần gây đau và co rút bàn tay nếu dùng quá lâu.
  • Cố gắng ngủ ít nhất 8 tiếng mỗi ngày để duy trì sự tập trung, tỉnh táo và giúp hệ thần kinh được nghỉ ngơi sau những giờ làm việc vất vả.

Co rút tay chân là tình trạng thường gặp, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và công việc của nhiều người. Bạn có thể cải thiện được tình trạng trên bằng cách thay đổi lối sống lành mạnh, tăng cường tập luyện, ăn uống đầy đủ và giữ tinh thần thoải mái. Tuy nhiên, nếu triệu chứng co rút tay chân kéo dài bất thường, hãy đến các bệnh viện thăm khám để chẩn đoán nguyên nhân và kịp thời điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe