Bài viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thiều Trung - Bác sĩ gây mê hồi sức - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc
Hít sặc chu phẫu là hiện tượng trào ngược dịch dạ dày vào đường thở trước, trong và sau quá trình phẫu thuật. Nếu hít sặc chu phẫu là các mảnh thức ăn, dị vật, nhất là dịch acid của dạ dày có thể làm bỏng, dày dính cản trở sự dẫn, trao đổi oxy trong đường hô hấp. Do đó cần có biện pháp phòng ngừa hít sặc chu phẫu.
1. Hít sặc chu phẫu là gì?
Hít sặc là hít phải dị vật vào đường thở, theo đó, hít sặc có thể phân thành 2 loại: Tổn thương phổi do hít sặc và viêm phổi hít.
- Tổn thương phổi do hít sặc: Là tổn thương do chất hóa học sau khi hít phải các chất trong dạ dày trào ngược lên bệnh nhân hít vào đường thở.
- Viêm phổi hít: Là quá trình nhiễm trùng thứ phát sau khi hít phải các chất trong dạ dày có chứa vi khuẩn.
Vì thế, hít sặc chu phẫu chính là hiện tượng trào ngược dịch dạ dày vào đường thở trước, trong và sau phẫu thuật.
Tần suất xuất hiện trào ngược dịch dạ dày vào đường thở gây hít sặc chu phẫu xuất hiện từ 20-70% trong mổ cấp cứu và mổ chương trình. Theo đó, lượng dịch dạ dày vào đường hô hấp trên 50ml là bệnh nặng.
Đặc biệt, nếu hít sặc chu phẫu là thức ăn, dị vật, nhất là dịch acid của dạ dày có thể làm bỏng, dày dính cản trở sự dẫn, trao đổi oxy trong đường hô hấp.
2. Yếu tố nguy cơ xảy ra hít sặc chu phẫu
- Mổ cấp cứu bệnh nhân có dạ dày đầy.
- Thông khí vào dạ dày quá mức trước khi đặt ống nội khí quản.
- Sản phụ mổ lấy thai.
- Bệnh nhân béo phì.
- Giai đoạn khởi mê, độ mê chưa đủ, bệnh nhân có phản xạ nôn.
- Giai đoạn hồi tỉnh, nhất là sau khi rút ống nội khí quản.
- Giai đoạn hồi tỉnh bệnh nhân còn tồn dư thuốc an thần, thuốc nhóm Opioid, giãn cơ gây giảm phản xạ bảo vệ đường thở.
3. Các dấu hiệu lâm sàng hít sặc chu phẫu
Người bệnh hít phải các chất chứa trong dạ dày thường là một thảm họa. Tùy vào tính chất và số lượng các chất chứa trong dạ dày hít phải. Chất hít càng có độ acid nhiều, thì viêm phổi do hóa chất sẽ càng lớn. Hít phải acid dạ dày nguyên chất (pH < 2,5) gây long tróc rộng biểu mô phế quản, phổi, chảy máu và gây phù phổi.
Nếu hít phải dịch dạ dày cấp là một trong các nguyên nhân thường gặp nhất của hội chứng trụy hô hấp ở người lớn. Bệnh cảnh lâm sàng là trụy hô hấp khởi phát cấp tính: ho, thở khò khè, sốt và thở nhanh. Thăm khám lâm sàng sẽ thấy:
- Đáy phổi nghe có nhiều ran ẩm, ran nổ.
- Thiếu oxy có thể nhận thấy tức khắc ngay sau khi hít phải.
- Hình X-quang phổi có các vùng thâm nhiễm phế nang từng đám trong ở vùng phổi hít phải.
- Nếu hít phải các mảnh thức ăn cùng với acid dạ dày thì trên phim hình ảnh tắc nghẽn phế quản. Tuy không bội nhiễm nhưng vẫn có sốt, tăng bạch cầu.
- Xẹp phổi sau đó
4. Điều trị sặc hít chu phẫu
- Khai thông đường thở và điều trị viêm hô hấp
- Oxy liệu pháp (thở Oxy, đặt nội khí quản thở máy)
- Dùng Corticosteroid và kháng sinh là cần thiết
- Bơm rửa khí quản với dung dịch Natri Bicarbonat 1,4%
Điều trị hạ huyết áp thứ phát do tổn thương màng phế nang mao mạch gây giảm thể tích trong lòng mạch thường thấy và xử lý bằng truyền dịch tĩnh mạch.
5. Các biện pháp dự phòng hít sặc chu phẫu
Các biện pháp phòng trừ hít sặc chu phẫu như sau:
- Đặt bệnh nhân nằm đầu cao 30-45 độ đầu nghiêng một bên
- Hút dạ dày
- Hạn chế sử dụng thuốc nhóm an thần tác dụng dài, nhóm Opioid.
- Hạn chế thông khí vào dạ dày trước khi đặt ống nội khí quản
- Thực hiện nghiệm pháp Sellick đúng kỹ thuật trong gây mê bệnh nhân có dạ dày đầy
- Kiểm tra, duy trì áp lực Cuff ống nội khí quản phù hợp (20-30 cmH2O)
- Hút khoang miệng bệnh nhân thật sạch trước khi rút ống nội khí quản
- Hóa giải thuốc giãn cơ thường quy
Việc hít sặc chu phẫu có thể để lại biến chứng nguy hiểm trong quá trình phẫu thuật, vì thế cần có biện pháp phòng ngừa biến chứng này.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ thăm khám, điều trị và phòng ngừa nhiều bệnh lý. Với hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ y bác sĩ giàu chuyên môn, kinh nghiệm được đào tạo bài bản thực hiện sẽ đem lại sự hài lòng cho Quý khách hàng.
Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.
XEM THÊM: