Viêm phổi tăng cảm (viêm phế nang dị ứng ngoại sinh)

Viêm phổi tăng cảm thường gặp ở những người làm việc trong các trang trại trồng trọt, chăn nuôi hoặc những người sử dụng điều hòa không được thường xuyên vệ sinh, làm sạch. Do các triệu chứng tương đồng nên viêm phổi tăng cảm có thể dễ nhầm lẫn với các bệnh viêm đường hô hấp khác.

1. Viêm phổi tăng cảm là gì?

Viêm phổi tăng cảm (tên gọi khác là viêm phế nang dị ứng ngoại sinh) là tình trạng phản ứng viêm xảy ra ở thành phế nang và phế quản, khi hít phải các bụi hữu cơ và dị ứng nguyên. Triệu chứng lâm sàng của bệnh phụ thuộc vào nồng độ tác nhân gây bệnh hít phải và tần suất phơi nhiễm. Các thương tổn có thể gây ra gồm: viêm tổ chức kẽ tạo u hạt, viêm phổi tổ chức hóa, viêm tiểu phế quản tận.

Thời gian thường xuất hiện bệnh là mùa đông và đầu mùa xuân. Bệnh thường xảy ra ở những người làm các công việc tiếp xúc trực tiếp với chất gây dị ứng và hít các chất này vào phổi:

  • Những người làm việc ở trang trại có thể mắc viêm phổi tăng cảm do thường xuyên hít phải nấm mốc rơm rạ, nấm mốc hoặc bụi từ bã mía,...
  • Viêm phổi tăng cảm xảy ra ở người chăm nuôi khi: lông và chất thải của các loài như bồ câu, vẹt, gà,... khi khô đi sẽ phân tán thành bụi, người chăn nuôi hít phải hoặc khi người chăn nuôi hít phải hơi phân của chim, gia cầm khi dọn chuồng.
  • Người sử dụng điều hòa nhiều ngày không được dọn vệ sinh, hít phải nấm mốc từ trong máy.
  • Các trường hợp khác như: hít phải bụi gỗ ở người thợ mộc, pho mát mốc gây bệnh cho người làm pho mát, lông gia súc gây bệnh cho thợ thuộc da,...

Do khác nhau về cường độ, thời gian tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh, tần số mắc bệnh viêm phổi tăng cảm khác nhau giữa các cộng đồng dân cư trên thế giới. Theo kết quả từ một số nghiên cứu, tỷ lệ người nuôi chim bồ câu mắc bệnh là 8-30%, tỷ lệ người làm vườn mắc bệnh là 1-5%.


Người nuôi chim bồ câu có tỷ lệ mắc viêm phổi tăng cảm lên tới 30%
Người nuôi chim bồ câu có tỷ lệ mắc viêm phổi tăng cảm lên tới 30%

2. Triệu chứng viêm phổi tăng cảm

Viêm phổi tăng cảm được chia ra thành viêm phổi tăng cảm cấp tính và viêm phổi tăng cảm mạn tính. Triệu chứng viêm phổi tăng cảm khác nhau giữa hai trường hợp:

  • Viêm phổi tăng cảm cấp tính: Sau khi hít phải các tác nhân gây dị ứng nồng độ cao trong vài giờ, người bệnh có các triệu chứng như khó thở, sốt, ho khan, đau đầu, đau cơ,...Khi khám bác sĩ có thể nghe thấy ran nổ hai bên phổi, hiếm khi nghe thấy tiếng rít do co thắt phế quản. Phim X-quang thấy hình ảnh kính mờ, bóng mờ lan tỏa vùng thấp, các nốt mờ nhỏ dưới 3mm. Xét nghiệm kháng thể thấy IgG, IgA, IgM tăng.
  • Viêm phổi tăng cảm mạn tính: Viêm phổi tăng cảm mạn tính xảy ra khi người bệnh mắc bệnh cấp tính đã được chữa khỏi, nhưng do công việc vẫn tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh cũ. Triệu chứng ở bệnh nhân là khó thở, sụt cân, lâu ngày có thể dẫn đến suy hô hấp. Khi khám, nghe thấy ran nổ hai bệnh phổi, bệnh nhân có tăng áp lực động mạch phổi. Hình ảnh phim X-quang thấy các đường mờ, phổi tổ ong, có thể có canxi hóa. Viêm phổi tăng cảm mạn tính có thể tiến triển thành bệnh phổi mô kẽ mạn tính.

3. Chẩn đoán viêm phổi tăng cảm

Bác sĩ sẽ chẩn đoán viêm phổi tăng cảm dựa vào các triệu chứng lâm sàng, đặc biệt là khi triệu chứng gắn liền với môi trường tiếp xúc hoặc tính chất nghề nghiệp người bệnh. Các kỹ thuật cận lâm sàng có thể được chỉ định để chẩn đoán xác định là:

  • Chụp phim X-quang phổi: trong giai đoạn cấp tính thấy hình ảnh phổi bình thường hoặc tăng độ đậm các vệt phế quản, có thể có bóng mờ hình ảnh các nốt nhỏ hoặc nốt lớn. Hình ảnh trong thể mạn tính là xơ phổi mô kẽ lan toả.
  • Test da với dị ứng nguyên dương tính: dùng chất nghi ngờ gây bệnh cho tiếp xúc với vùng da ở cẳng tay người bệnh, nếu đúng là tác nhân gây dị ứng, vùng da tay sẽ có các triệu chứng như mẩn ngứa, đỏ da.
  • Xét nghiệm công thức máu: Thường không có tăng bạch cầu ưa acid.
  • Kháng thể gây kết tủa: các kháng thể IgG khi tiếp xúc với một số kháng nguyên hữu cơ sẽ bị kết tủa. Có thể thực hiện bằng khuếch tán kép hoặc miễn dịch- điện di.
  • Rửa phế quản- phế nang: dịch rửa khi đem xét nghiệm sẽ thấy tăng số lượng tế bào lympho từ 30-80%, đặc biệt là lympho CD8.
  • Sinh thiết phổi: Thường thực hiện sinh thiết qua thành phế quản, cần thiết trong một số trường hợp để chẩn đoán xác định.

Do có nhiều triệu chứng tương đồng, cần phân biệt viêm phổi tăng cảm với viêm phổi do vi-rút, viêm phổi do mycoplasma, bệnh sốt vẹt, bệnh bụi phổi, hội chứng Hamman-Rich, bệnh Wegener,...


Cần kiểm tra kĩ để tránh nhầm viêm phổi tăng cảm với các bệnh khác
Cần kiểm tra kĩ để tránh nhầm viêm phổi tăng cảm với các bệnh khác

4. Điều trị và phòng ngừa viêm phổi tăng cảm như thế nào?

Để điều trị viêm phổi tăng cảm hiệu quả, người bệnh cần tránh hoàn toàn việc tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng. Thuốc được sử dụng để điều trị là corticoid, tùy theo tình trạng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định liều dùng thích hợp, thời gian điều trị liều cao thường là 1-2 tuần, sau đó giảm dần liều lượng và dùng ở liều duy trì trong 1-2 tháng. Các thuốc khác được sử dụng để điều trị triệu chứng là thuốc hạ sốt, thuốc giãn phế quản, thuốc long đờm,... Cho bệnh nhân thở oxy nếu cần thiết. Tăng cường chế độ dinh dưỡng, có thể bổ sung các thuốc vitamin và khoáng chất với liều lượng thích hợp để bệnh nhân nhanh hồi phục sức khỏe.

Để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh, những người lao động ở những môi trường có các yếu tố gây bệnh cần đeo khẩu trang thường xuyên để tránh hít các tác nhân gây bệnh vào phổi. Định kỳ vệ sinh máy móc, chuồng trại chăn nuôi, xưởng chế biến, loại bỏ các nguyên liệu như rơm rạ, bã mía. mùn cưa bị mốc. Thường xuyên vệ sinh máy điều hòa để tránh nấm mốc phát triển, phát tán vào không khí.

XEM THÊM

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe