Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Hương - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Hiện nay tình trạng mắc các bệnh lý liên quan đến thận, đường tiết niệu diễn ra rất phổ biến. Siêu âm thận là một trong những phương pháp khám cận lâm sàng chẩn đoán bệnh thận to hiệu quả. Dựa trên hình ảnh thận to hiển thị trên kết quả siêu âm, bác sĩ có thể chẩn đoán được nhiều bệnh lý nghiêm trọng gây ảnh hưởng tới thận.
1. Nguyên tắc hoạt động của thận
Trong cơ thể thận là một cơ quan quan trọng thuộc hệ tiết niệu, mỗi người có 2 quả thận đối xứng qua hai bên cột sống thắt lưng. Thận có vai trò lọc bỏ chất thải và chuyển hóa thành nước tiểu, duy trì sự ổn định axit bazơ, điều chỉnh các chất điện phân và điều chỉnh huyết áp.
Thận đóng vai trò là bộ lọc máu tự nhiên của cơ thể. Ước tính mỗi ngày 8 lít máu của cơ thể được lọc qua thận từ 20-25 lần, tương ứng hai bộ phận này lọc khoảng 180 lít/24 giờ. Các thành phần trong máu liên tục thay đổi khi ta tiêu hóa đồ ăn và thức uống, đồng nghĩa việc thận phải hoạt động liên tục không ngừng nghỉ.
2. Siêu âm thận là gì?
Siêu âm là kỹ thuật chẩn đoán dùng sóng âm để tạo ra hình ảnh về kích thước, cấu trúc, cũng như các dấu hiệu bệnh lý của nhiều vùng cơ quan, nội tạng trong cơ thể, bao gồm cả thận. Siêu âm thận đặc biệt hữu ích trong việc chẩn đoán các bệnh lý ở thận như: Sỏi thận, nang thận, áp xe thận, thận ứ nước...Đồng thời cũng là phương pháp không xâm lấn, không gây đau đi kèm với độ chính xác cao và an toàn cho người bệnh.
Bác sĩ thường chỉ định siêu âm thận đối với những trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu: khó tiểu, bí tiểu, tiểu ra máu, chấn thương và đau vùng thận, niệu quản, suy thận (cấp và mãn tính), không thấy bóng thận trên X-quang, tăng huyết áp đột ngột hoặc nghi ngờ thận đa nang.
3. Dấu hiệu và nguyên nhân thận to
3.1 Thận bình thường trên siêu âm
Thận có hình bầu dục, rốn thận ở phía trong. Ở người trưởng thành thận phải sẽ có xu hướng thấp hơn thận trái. Về kích thước, trung bình chiều dài thận từ 9-12cm, chiều rộng 4-8cm, chiều dày 3-5cm. Nếu kích thước thận to hơn mức như trên gọi là tình trạng thận to. Kích thước 2 quả thận có thể chênh lệch từ 1-1,5cm và còn thay đổi tùy theo giới (nam giới có thận lớn hơn nữ giới), thay đổi tùy theo độ tuổi. Khi siêu âm thận khỏe mạnh, ta thấy đường bờ đều, phía bên trái có lách đè vào khiến nhu mô thận trông như hình tam giác, ngoài ra cũng có thể thấy rõ động, tĩnh mạch thận.
3.2 Nguyên nhân thận to
Ngược lại, hình ảnh thận to trên siêu âm còn thể hiện tình trạng bệnh lý của thận. Nguyên nhân thận to có thể do 2 lý do:
● Tổ chức tế bào của thận bị quá sản khiến thận to lên (ví dụ: ung thư thận...)
● Thận bị ứ nước do tắc ở phía dưới như sỏi niệu quản, hẹp niệu quản...
Cụ thể, chứng thận to còn có thể do các bệnh lý như:
● Ứ nước, ứ mủ bể thận
Do một nguyên nhân nào đó đường dẫn nước tiểu bị tắc khiến nước tiểu bị ứ lại ở bể thận và làm thận to ra. Nước tiểu tắc ứ lâu ngày khiến vi khuẩn phát triển và dần trở thành mủ, khiến người bệnh sốt, sưng đau vùng thận và đái ra mủ. Nguyên nhân gây ứ nước, ứ mủ bể thận bao gồm:
● Sỏi thận, sỏi niệu quản.
● Các khối u trong ổ bụng đè vào niệu quản hoặc do một nhánh của động mạch chậu vắt ngang qua niệu quản...
● Lao bể thận niệu quản gây hẹp dẫn tới hẹp niệu quản, đài bể thận.
● U tiền liệt tuyến, chấn thương sọ não, viêm tủy gây ứ nước tiểu, bí đái.
● Thận nhiều nang: Là một dị dạng bẩm sinh với kết quả siêu âm ra hình ảnh thận to (thường ở cả hai bên, mặt lồi lõm, bờ cùng lồi lõm). Người bệnh thường bị đau ngang thắt lưng, đôi khi đau quặn thận, nếu có bội nhiễm vi khuẩn sẽ sốt hoặc đái đục (nước tiểu có protein, nhiều hồng cầu, bạch cầu), ure máu cao mạn tính. Hình ảnh siêu âm thận còn cho thấy hình ảnh gián tiếp của các “nang thận” và các đài thận bị kéo dài. Chứng thận nhiều nang tiến triển khá chậm, có thể kéo dài đến nhiều năm nhưng người bệnh vẫn tử vong vì bội nhiễm vi khuẩn, suy thận và urê máu cao.
● Ung thư thận là bệnh nan y thường gặp ở người già, đàn ông hơn là phụ nữ. Khi siêu âm bệnh nhân ung thư thận sẽ thấy hình ảnh thận to, cứng, bề mặt lổn nhổn, thấy khối choán chỗ ở thận, ngoài ra có thể kết hợp bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh. Người bệnh sẽ thấy đau ở vùng thắt lưng, đái ra máu, nước tiểu chứa nhiều hồng cầu.
● Thận to bù: Nếu không may cơ thể chỉ còn một bên thận, khiến bên còn lại phải làm việc nhiều hơn sẽ khiến bên thận đó bị to ra (có khi gấp 1,5 bình thường). Chứng thận to bù này không phải là bệnh lý và khi kết hợp thử nước tiểu sẽ không thấy protein, bạch cầu, hồng cầu, cũng như chỉ số ure, Creatinine máu không cao.
● Thận phì đại bù trừ: Gần giống với trường hợp thận to bù, xảy ra khi thận đối bên không có, không có chức năng hoặc chức năng suy giảm. Ở thận hoạt động nhiều hơn sẽ có chiều dài và diện cắt ngang tăng thêm tới 30%, đến mức thể tích có thể tăng thêm tới 80%. Trong khi đó hình thái của thận vẫn ở mức bình thường.
● Viêm thận bể thận cấp: Là bệnh lý có thể khiến thận to ra cả ở chiều dài và diện cắt ngang. Tuy nhiên vẫn có trường hợp viêm thận bể thận cấp cho thấy sự thay đổi kích thước rất thấp hoặc không chứng minh được.
● Huyết khối tĩnh mạch thận: Cũng là bệnh lý khiến kích thước thận to ra. Khi siêu âm thấy hồi âm của thận thay đổi với các vùng tăng âm xen kẽ các vùng giảm âm do chảy máu và sưng phù, có thể xuất hiện tụ thanh dịch quanh thận.
● Nhồi máu động mạch cấp: Là bệnh khá hiếm gặp nhưng cũng có thể gây tăng kích thước thận. Các vùng tăng âm và các vùng giảm âm của phù và chảy máu tương tự với các dấu hiệu thường thấy trong huyết khối tĩnh mạch thân.
● Các nguyên nhân thâm nhiễm. Thâm nhiễm tinh bột, lymphoma, và nhiều nguyên nhân gây thâm nhiễm khác cũng là lý do khiến thận to ra, mất phân biệt tủy vỏ. Không thấy điểm khác biệt nào giữa các nguyên nhân thâm nhiễm.
● Bệnh hoại tử ống thận cấp: thường gây to thận trong các trường hợp nặng. Kích thước thận sẽ thay đổi theo hướng: tăng trên diện cắt ngang rõ hơn chiều dài. Thận có thể xuất hiện bình thường nếu nguyên nhân xuất phát là do thiếu máu cục bộ, nhưng sẽ tăng âm vỏ nếu bị nhiễm độc thận và các tháp thận cũng to ra khi có dấu hiệu của protein Tamm Horsfall.
Thạc sĩ Bác sĩ Nguyễn Văn Hương từng là Giảng viên bộ môn hình ảnh Y tại Trường đại học kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng, nhiều năm kinh nghiệm công tác tại các bệnh viện như: Bệnh viện Ung thư; Bệnh viện Đà Nẵng; Bệnh viện Phụ Sản Nhi Đà Nẵng.
Với sự tận tụy với công việc của mình, cống hiến hết sức cho ngành y nói chung và chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh nói riêng, bác sĩ Hương luôn được các bệnh nhân yêu mến và tin tưởng.
Video đề xuất:
Người bị sỏi thận nên ăn gì?
XEM THÊM
- Hội chứng thận hư trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
- Hướng dẫn cách chăm sóc & ăn uống cho người rối loạn chức năng thận
- Mắc hội chứng thận hư nên ăn gì cho tốt?