Hậu quả của viêm dạ dày ăn mòn

Khi hàng rào bảo vệ niêm mạc bị suy yếu thì các yếu tố trong tấn công trong dạ dày sẽ làm tổn thương niêm mạc. Mức độ tổn thương của niêm mạc dạ dày chia thành nhiều mức độ khác nhau, từ tổn thương dạng viêm xung huyết cho đến viêm dạ dày ăn mòn.

1. Viêm dạ dày ăn mòn là gì?

Viêm dạ dày ăn mòn là chỉ tình trạng các yếu tố tấn công làm tổn thương niêm mạc dạ dày gây ra các vết xước. Tình trạng này còn được gọi là viêm trợt niêm mạc dạ dày.

Viêm dạ dày xuất hiện khi có sự mất cân bằng của yếu tố tấn công và yếu tố bảo vệ. Yếu tố tấn công chính là dịch vị và yếu tố bảo vệ là lớp chất nhầy. Vì một nguyên nhân nào đó dẫn tới việc tăng dịch vị, giảm chất nhầy hay kết hợp cả hai sẽ làm cho axit dạ dày tấn công lớp niêm mạc. Ban đầu có thể chỉ gây ra xung huyết niêm mạc, lâu dần có thể tạo thành vết xước hay thậm chí các vết loét ở dạ dày.

Viêm dạ dày ăn mòn thường không gây ra triệu chứng rõ ràng khi mới xuất hiện. Sau đó, khi nó tiến triển nặng hơn sẽ dẫn tới các biểu hiện như khó tiêu, buồn nôn, nôn, ợ hơi, ợ chua, đau bụng vùng thượng vị nhiều. Nếu nặng còn xuất hiện biểu hiện của tình trạng xuất huyết tiêu hóa từ nhẹ tới nặng, các biểu hiện có thể thấy như nôn ra máu, đi ngoài ra phân đen.

Để chẩn đoán bệnh viêm dạ dày thì tiêu chuẩn vàng là dùng nội soi dạ dày. Qua nội soi có thể đánh giá được vị trí, mức độ, hình dạng của tổn thương. Trường hợp có xuất huyết đường tiêu hoá, nội soi có thể kết hợp điều trị để cầm máu


Viêm dạ dày ăn mòn là chỉ tình trạng các yếu tố tấn công làm tổn thương niêm mạc dạ dày
Viêm dạ dày ăn mòn là chỉ tình trạng các yếu tố tấn công làm tổn thương niêm mạc dạ dày

2. Nguyên nhân dẫn tới viêm dạ dày ăn mòn


Nguyên nhân dẫn tới tình trạng viêm trợt niêm mạc dạ dày có thể bao gồm:

  • Sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): Một tác dụng không mong muốn của thuốc chống viêm gây ra tình trạng viêm dạ dày. Đặc điểm của viêm dạ dày do thuốc thường có nhiều ổ, có thể gây xuất huyết. Theo thống kê có nửa số bệnh nhân được nhận thuốc kháng viêm không steroid trong thời gian dài có viêm dạ dày khi nội soi, nhưng các triệu chứng khó tiêu chỉ phát triển ở dưới một phần tư số bệnh nhân này.
  • Vi khuẩn HP: Ngày này, người ta nhân thấy đa số nguyên nhân gây viêm loét dạ dày liên quan tới vi khuẩn HP.
  • Uống nhiều rượu: Viêm dạ dày ăn mòn chiếm khoảng 20% các đợt xuất huyết đường tiêu hoá trên trong số những người nghiện rượu.
  • Căng thẳng kéo dài: Tình trạng căng thẳng gây ra tổn thương niêm mạc rất trầm trọng, nó liên quan tới yếu tố thần kinh. Những bệnh nhân này thường kèm theo xuất huyết dưới biểu mô và được phát triển trong vòng 18 giờ ở phần lớn các bệnh nhân trầm trọng. Các nhân tố nguy cơ cao bao gồm suy hô hấp, bệnh về rối loạn đông máu, chấn thương, bỏng, huyết áp thấp, tổn thương hệ thần kinh trung ương, suy gan, và suy thận. Các bệnh nhân với nhiều nhân tố nguy cơ cao có nguy cơ xuất huyết cao hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn.
  • Một số nguyên nhân khác như: Nhiễm phóng xạ, tổn thương mạch máu, chấn thương trực tiếp như đặt sonde dạ dày,...

3. Hậu quả của viêm dạ dày ăn mòn

Nếu tình trạng niêm mạc dạ dày tổn thương và bị ăn mòn bởi dịch vị không được điều trị đúng cách và sớm thì có thể dẫn tới những tổn thương nặng hơn.

Từ mỗi vết xước nhỏ trên niêm mạc dạ dày không được kiểm soát thì những yếu tố tấn công vẫn tác động lên vết xước đó. Khiến cho tổn thương ngày một sâu và rộng hơn. Điều này sẽ gây ra biến chứng như:

  • Loét dạ dày: Khi bị tấn công bởi dịch vị thì lớp niêm mạc bị tổn thương và tổn thương tới cả lớp cơ của dạ dày. Gây ra vết loét với biểu hiện rầm rộ hơn.
  • Thủng dạ dày: Khi vết loét sâu và rộng có nguy cơ tổn thương cả lớp thanh mạc dạ dày. Gây thủng dạ dày, dịch vị từ dạ dày trang vào ổ bụng gây tổn thương cơ quan trong ổ bụng và viêm phúc mạc. Đây là một cấp cứu ngoại khoa cần được can thiệp điều trị sớm.
  • Xuất huyết tiêu hoá: Nếu mức độ tổn thương nặng sẽ gây ra xuất huyết mức độ nặng. Nguy cơ ảnh hưởng tới tính mạng người bệnh

Ăn uống đảm bảo vệ sinh giúp phòng tình trạng viêm trợt niêm mạc dạ dày
Ăn uống đảm bảo vệ sinh giúp phòng tình trạng viêm trợt niêm mạc dạ dày

4. Cách phòng ngừa viêm dạ dày ăn mòn

Một số biện pháp giúp phòng tình trạng viêm trợt niêm mạc dạ dày bao gồm:

  • Ăn uống đảm bảo vệ sinh, rửa tay sạch trước khi ăn, ăn chín uống sôi để hạn chế vi khuẩn xâm nhập gây bệnh viêm dạ dày.
  • Ăn uống điều độ: Nhiều nghiên cứu cho thấy việc ăn uống điều độ đúng giờ sẽ hình thành phản xạ có điều kiện, hỗ trợ bài tiết tuyến tiêu hóa phù hợp và có lợi cho tiêu hóa. Nên ăn đầy đủ 3 bữa mỗi ngày và ăn đúng giờ, không nên để dạ dày quá đói hoặc quá no vì khi đó các axit dạ dày sẽ tiết ra nhiều, gây ảnh hưởng đến hoạt động tiêu hóa.
  • Không vừa ăn vừa uống nước, hãy uống 1 cốc nước trước bữa ăn khoảng 30 phút và sau khi ăn chỉ nên uống thêm một vài ngụm sau ăn. Nên ăn chậm, nhai kỹ để được tiếp xúc nhiều enzyme trong nước bọt, giảm gánh nặng cho dạ dày.
  • Hạn chế ăn đồ ăn chiên rán khó tiêu, thực phẩm có nhiều muối, đồ ăn sống lạnh.
  • Tránh làm việc căng thẳng, sắp xếp thời gian ngủ nghỉ hợp lý. Tránh thức khuya và ăn thêm vào ban đêm.

Bệnh viêm dạ dày ăn mòn có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng nếu không được điều trị đúng cách. Nên nếu có các biểu hiện bệnh dạ dày không nên chủ quan, cần thăm khám và điều quan trọng là thay đổi một chế độ ăn uống sinh hoạt phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe