Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Hội chứng ruột ngắn (SBS) xảy ra khi ruột non không còn hoạt động bình thường do chấn thương, bệnh tật hoặc khi ruột non bị cắt bỏ quá nhiều. SBS dẫn đến tình trạng hấp thụ chất dinh dưỡng và chất lỏng không đầy đủ cũng như tiêu chảy mãn tính xảy ra thường xuyên.
Bệnh nhân mắc hội chứng ruột ngắn có thể bị mất nước, suy dinh dưỡng, mệt mỏi, giảm cân và một loạt các vấn đề sức khỏe khác. Điều trị hội chứng này bao gồm việc thực hiện chế độ ăn uống nghiêm ngặt, thuốc men và các cuộc phẫu thuật khác.
1. Cấu trúc và chức năng của ruột
Ruột bao gồm ruột non và ruột già hay còn gọi là đại tràng hay ruột kết. Ruột là cơ quan đóng vai trò quan trọng của ống tiêu hoá, với nhiệm vụ tiêu hoá thức ăn thành chất dinh dưỡng và giúp hấp thụ chất dinh dưỡng từ ruột vào máu.
Ruột non dài khoảng từ 4,5-6m, là đoạn ống tiêu hóa. Hầu hết quá trình tiêu hóa thức ăn và hấp thụ chất dinh dưỡng diễn ra ở ruột non. Ruột non bao gồm tá tràng, hỗng tràng và hồi tràng:
- Tá tràng — phần đầu tiên của ruột non, nơi hấp thụ sắt và các khoáng chất khác
- Hỗng tràng — nằm ở phần giữa của ruột non, đây là cơ quan đảm nhận chức năng hấp thụ carbohydrate, protein, chất béo và hầu hết các vitamin
- Hồi tràng — phần dưới của ruột non, nơi axit mật và vitamin B12 được hấp thụ
Ruột già dài khoảng 5 feet ở người lớn và hấp thụ nước và bất kỳ chất dinh dưỡng nào còn lại từ thức ăn đã được tiêu hóa một phần đi từ ruột non. Sau đó ruột già chuyển chất thải từ dạng lỏng sang dạng rắn gọi là phân.
Để đảm bảo chức năng của ống tiêu hóa, sau khi cắt bỏ một phần ruột, phần còn lại có thể thích nghi dần. Để có thể hấp thụ được các chất dinh dưỡng mà trước đây được hấp thu bởi phần ruột đã bị cắt bỏ. Khuynh hướng thay đổi cấu trúc sẽ xảy ra ở các phần ruột còn lại. Bạn vẫn có thể được nuôi dưỡng bình thường với đoạn ruột còn lại nếu như trong trường hợp phải cắt bỏ đi một vài đoạn ruột.
Tuy nhiên, cần một khoảng thời gian nhất định để ruột thích nghi với sự thay đổi này. Bệnh nhân có thể không hấp thụ chất dinh dưỡng, chất lỏng, vitamin và chất khoáng như trước lúc mổ vào giai đoạn ngay sau khi phẫu thuật.
XEM THÊM: Thông tin cụ thể về chế độ ăn uống cho bệnh nhân bị hội chứng ruột ngắn
2. Hậu quả của hội chứng ruột ngắn
Hội chứng ruột ngắn là một nhóm các vấn đề liên quan đến việc kém hấp thu các chất dinh dưỡng. Hội chứng ruột ngắn thường xảy ra ở những trường hợp sau:
- Đã cắt bỏ ít nhất một nửa ruột non và đôi khi cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần ruột già
- Tổn thương đáng kể của ruột non
- Nhu động kém
Hội chứng ruột ngắn có thể nhẹ, trung bình hoặc nặng, tùy thuộc vào mức độ hoạt động của ruột non.
Những người bị hội chứng ruột ngắn không thể hấp thụ đủ nước, vitamin, khoáng chất, protein, chất béo, calo và các chất dinh dưỡng khác từ thực phẩm. Những chất dinh dưỡng nào mà ruột non gặp khó khăn trong việc hấp thụ phụ thuộc vào phần nào của ruột non đã bị tổn thương hoặc bị cắt bỏ.
Hội chứng ruột ngắn có thể gây ra một số hậu quả như sau:
- Người bệnh bị tiêu chảy: đoạn ruột ngắn khiến quá trình tái hấp thu nước giảm
- Do các chất chứa trong thức ăn chưa kịp tiêu hóa dẫn đến tình trạng tiêu phân sống, phân mỡ
- Diện hấp thu giảm gây ra hội chứng kém hấp thu
- Nếu không có biện pháp điều trị thích hợp, bệnh nhân hội chứng ruột ngắn sẽ có nguy cơ cao bị suy dinh dưỡng.
XEM THÊM: Kiểm soát bộ ba đường - đạm - mỡ cho bệnh nhân bị hội chứng ruột ngắn
3. Có thể ngăn ngừa hội chứng ruột ngắn hay không?
Hội chứng ruột ngắn là một tình trạng hiếm gặp. Mỗi năm, hội chứng ruột ngắn ảnh hưởng đến ít nhất 3 trong số 1 triệu người trên toàn thế giới.
Hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra cách để ngăn ngừa hội chứng ruột ngắn bẩm sinh vì nguyên nhân gây nên tình trạng này vẫn chưa được xác định.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.