Đến tuổi dậy thì sự sản xuất hormone sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, giúp cho cơ thể tăng trưởng và phát triển các đặc điểm sinh dục bao gồm: lông, tóc, tuyến vú và tinh hoàn,... và trong đó có giọng nói, hiện tượng này còn được gọi là vỡ giọng.
1. Cấu trúc hình thành giọng nói
Thanh quản là một bộ phận nằm ở đường hô hấp trên, trong cổ phần cuống họng, nó như một chiếc hộp âm thanh và có hình dạng một chiếc ống sụn.
Thanh quản có chức năng đóng mở sụn nắp thanh môn do đó có liên quan đến việc hô hấp, điều chỉnh âm thanh và ngăn cho thức ăn tràn vào khí quản.
Âm sắc và âm lượng của giọng nói là kết quả của sự kết hợp từ:
- Không khí được đẩy ra từ phổi
- Sự rung động của hai mảnh mô song song được gọi là dây thanh
- Các cử động của cơ trong và xung quanh thanh quản, hay còn gọi là chiếc hộp âm thanh của con người.
Khi nói chuyện hay ca hát và thay đổi cao độ và cường độ, cơ thanh quản mở và đóng cũng như siết chặt và nới lỏng dây thanh. Khi giọng nói tăng cao độ, dây thanh sẽ đẩy sát vào nhau và căng ra. Còn khi giọng trầm xuống, dây thanh sẽ rời xa nhau và nới lỏng.
2. Vì sao giọng nói thay đổi ở tuổi dậy thì?
Vỡ giọng ở tuổi dậy thì là hoàn toàn bình thường. Khi đến tuổi dậy thì, sự sản xuất hormone sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, giúp cho cơ thể tăng trưởng và phát triển các đặc điểm sinh dục bao gồm: lông, tóc, tuyến vú và tinh hoàn,...
Giai đoạn này xảy ra ở độ tuổi từ 10- 15 tuổi, hiện tượng vỡ giọng xảy ra ở khoảng 12-13 tuổi khi trẻ đang học cấp hai, và giọng nói sẽ ổn định khi 20 tuổi.
Trước khi dậy thì, thanh quản khá nhỏ, dây thanh quản cũng nhỏ và mỏng do đó trẻ em thường có giọng nói cao hơn người lớn. Đến tuổi dậy thì, thanh quản cũng thay đổi như:
- Thanh quản di chuyển đi xuống.
- Thanh quản to hơn, dây thanh quản cũng dày và dài thêm 10 mm đối với trẻ nam, và 4mm đối với bé gái. Vì vậy, các bé trai giọng nói thay đổi và trầm hẳn xuống.
- Các cơ và dây chằng quanh thanh quản phát triển.
- Niêm mạc dây thanh phân chia nhiều lớp mới
Sự thay đổi đột ngột về kích thước, độ dày và hình dáng có thể làm mất ổn định cử động của dây thanh khi nói chuyển. Điều này làm cho các cơ dễ bị co thắt đột ngột và mất kiểm soát, dẫn đến tiếng nói bị vỡ hay bị rít.
Thông thường, giai đoạn chuyển đổi giọng của các bé trai sẽ kéo dài từ 3-6 tháng, sau đó ổn định và định hình thành giọng nói đàn ông. Một vài trường hợp hiện tượng vỡ giọng có thể diễn ra từ từ qua từng giai đoạn hoặc xảy ra đột ngột.
Do đó, việc chuẩn bị tâm lý trẻ khi đến tuổi dậy thì, giúp cho trẻ hiểu được sự thay đổi cơ thể của mình là một việc làm cần thiết để trẻ không quá lo lắng hay tự ti bởi giọng nói hoặc bất kỳ sự thay đổi nào khác trên cơ thể.
3. Không bị vỡ giọng có là hiện tượng bất thường không?
Quá trình tạo ra âm thanh còn có sự tham gia của các bộ phận như vòm họng, lưỡi, hầu hay răng, môi, dây thanh quản, những yếu tố di truyền, nội tiết tố, thần kinh và địa dư.
Đến tuổi dậy thì do ảnh hưởng của hormone sinh dục và hormone tăng trưởng giọng nói của bé trai trở lên trầm hơn và nghe ồm ồm. Tuy nhiên, có những trường hợp các bé trai không bị vỡ giọng khi đến tuổi dậy thì và khi họ trưởng thành cũng là điều hoàn toàn bình thường.
Vì vậy, nếu như những bé trai không bị vỡ giọng cũng không nên quá lo lắng. Hãy tập nói chậm hơn, nói rõ hơn và tập thở,... để cảm nhận sự thay đổi giọng nói của mình. Tuy nhiên, nếu các bậc phụ huynh vẫn còn băn khoăn, lo lắng thì có thể đến các cơ sở y tế để được thăm khám.
Tóm lại, thay đổi giọng nói khi đến tuổi dậy thì là do sự sản xuất hormone sẽ tăng trưởng mạnh mẽ làm cho thanh quản dày hơn và dài ra, khiến cho giọng nói của trẻ trầm hơn và trở lên ồm ồm. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường và là dấu hiệu của sự trưởng thành.