Giãn phế quản có nguy hiểm không?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hồng Phúc - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc. Bác sĩ đã có nhiều năm kinh nghiệm trong điều trị nội hô hấp.

Giãn phế quản là một trong những bệnh lý về phổi. Bệnh tiến triển mạn tính với các đợt bùng phát nhiễm khuẩn xen kẽ các đợt ổn định. Nếu không điều trị hoặc điều trị không tốt, người bệnh có thể có những biến chứng như viêm phổi tái phát, ho ra máu nặng, khó thở, suy hô hấp xuất hiện thường xuyên.

1. Tỷ lệ mắc bệnh giãn phế quản hiện nay

Giãn phế quản ở thời đại trước khi có kháng sinh là một bệnh thường gặp và thường dẫn đến tàn phế và tử vong. Nhưng ngay nay, giãn phế quản đã trở thành một bệnh tương đối hiếm ở những nước đã phát triển trong vòng 30 năm qua. Những thay đổi này là nhờ từ hiệu quả của kháng sinh dùng điều trị nhiễm trùng đường hô hấp và từ việc sử dụng rộng rãi thuốc tạo miễn dịch ở trẻ em, đặc biệt là chống lại bệnh sởiho gà. Bệnh giãn phế quản gặp ở mọi lứa tuổi, bệnh thường phát sinh khi ở tuổi thanh thiếu niên và nam nhiều hơn nữ.

2. Giãn phế quản có nguy hiểm không?


Nếu ổ giãn phế quản bị lan rộng và kéo dài thì có thể gây nên tình trạng áp xe phổi, mủ màng phổi, xơ phổi
Nếu ổ giãn phế quản bị lan rộng và kéo dài thì có thể gây nên tình trạng áp xe phổi, mủ màng phổi, xơ phổi

Biến chứng giãn phế quản khi không được điều trị tích cực và không được phòng bệnh tốt có thể dẫn đến một số hậu quả xấu cho người bệnh. Có những trường hợp ổ giãn phế quản chỉ tồn tại một thời gian, sau đó được phát hiện và điều trị nên bệnh có thể khỏi. Nhưng trong trường hợp không phát hiện sớm và điều trị không đúng phác đồ thì ổ giãn phế quản có thể lan rộng ra, sau nhiều đợt gây bội nhiễm tái phát.

Nếu ổ giãn phế quản bị lan rộng và kéo dài thì có thể gây nên tình trạng áp xe phổi, mủ màng phổi, xơ phổi, khí phế thũng, mủ phế quản, nhiễm mủ phổi gây khó thở, suy hô hấp trầm trọng và có thể làm ảnh hưởng đến chức năng của tim, nguy hiểm hơn là gây nên suy tim.

  • Mưng mủ phổi: Dịch mủ ứ đọng ở ổ giãn gây viêm phổi hoặc áp xe hoá.
  • Ho ra máu dai dẳng hoặc ho ra máu nặng đe doạ tính mạng, đặc biệt là ở cơ thể suy mòn gầy yếu.
  • Suy hô hấp, suy tim phải, thoái hoá dạng tinh bột ở gan thận.

3. Triệu chứng giãn phế quản

Người bệnh có thể bị sốt trong giai đoạn có nhiều chất nhầy và mủ ứ đọng trong phế quản, đặc biệt là có bội nhiễm vi sinh vật. Sốt có thể trên 38 độ C kèm theo ho kéo dài, rất nhiều đờm lẫn với mủ.

Khi bệnh nặng, đờm và mủ lại tăng nhiều hơn, người bệnh ho tăng lên. Dịch đờm thường có 3 lớp khá rõ: lớp trên là bọt, lớp giữa là chất nhầy và lớp dưới là mủ đặc quánh. Mùi của dịch đờm khạc ra rất hôi. Một số bệnh nhân khạc ra có máu lẫn với chất nhầy hoặc lẫn với đờm hoặc lẫn với mủ, nhầy. Chất đờm là do các mao mạch ở thành phế quản chịu áp lực mạnh khi người bệnh ho, khạc làm cho niêm mạc của phế quản bị tổn thương. Trong những trường hợp này, người bệnh thường đến gặp bác sĩ khám bệnh,

Người bệnh có thể ho thành từng cơn, thường nhất là vào sáng sớm, lúc vừa ngủ dậy (người có tuổi thường ho vào ban đêm, nhất là mùa rét). Mỗi lần thay đổi tư thế hoặc thay đổi thời tiết thì ho lại tăng lên làm cho người bệnh mất ngủ kéo dài. Người bệnh thường mệt mỏi, chán ăn.

Lồng ngực có thể bị biến dạng (bên bị giãn phế quản bé hơn bên lành). Đau tức ngựckhó thở là hiện tượng thường thấy ở người giãn phế quản, tuy vậy, triệu chứng tức ngực chiếm tỷ lệ cao hơn khó thở. Hiện tượng vừa bị tức ngực vừa bị khó thở kèm theo làm cho người bệnh rất khó chịu.

4. Điều trị giãn phế quản


Dùng mỗi theo chỉ dẫn của bác sĩ khi có đợt bội nhiễm của giãn phế quản, thời gian từ 10 - 15 ngày
Dùng mỗi theo chỉ dẫn của bác sĩ khi có đợt bội nhiễm của giãn phế quản, thời gian từ 10 - 15 ngày

Bệnh giãn phế quản không thể điều trị khỏi hoàn toàn, bệnh nhân thường chỉ đến viện mỗi khi có đợt cấp, việc điều trị tại bệnh viện là điều trị đợt bội nhiễm của giãn phế quản, cụ thể:

4.1 Dùng kháng sinh

Dùng mỗi khi có đợt bội nhiễm của giãn phế quản, thời gian từ 10 - 15 ngày. Những trường hợp giãn phế quản rất nặng, thời gian dùng kháng sinh có thể kéo dài hơn, thậm chí tới 1 tháng.

4.2 Dẫn lưu đờm

Đây là liệu pháp điều trị rất quan trọng, có thể coi có tầm quan trọng như dùng kháng sinh. Các biện pháp dẫn lưu đờm thường hay dùng bao gồm: ho, khạc đờm sâu và vỗ rung lồng ngực, kết hợp dẫn lưu tư thế hàng ngày.

Tùy vị trí giãn phế quản mà lựa chọn tư thế tập cho phù hợp với nguyên tắc: vùng giãn phế quản phải được đặt ở vị trí cao nhất. Nếu vùng giãn phế quản ở phía sau: bệnh nhân đặt nằm sấp. Nếu bùng giãn phế quản ở phía trước: bệnh nhân cần được đặt nằm ngửa... Sau đó dùng hai bàn tay khum lại, vỗ đều vào ngực bệnh nhân kết hợp rung và lắc ngực. Mỗi lần làm kéo dài 15 - 20 phút, ngày làm từ 2 - 3 lần. Việc vỗ rung và dẫn lưu tư thế tiếp tục được duy trì tại nhà.

4.3 Dùng thuốc

Nếu bệnh nhân có khó thở, nghe phổi có ran rít, ngáy thường được dùng thêm các thuốc giãn phế quản dùng đường uống hoặc khí dung hoặc kết hợp cả hai. Các thuốc có thể được dùng bao gồm: salbutamol, terbutaline, thuốc kháng cholinergic, theophylline, bambuterol...

5. Đề phòng bệnh giãn phế quản

  • Phòng bệnh giãn phế quản cần vệ sinh đường hô hấp trên hàng ngày như: đánh răng, súc họng bằng nước muối.
  • Không nên để viêm amidan, viêm họng hạt, viêm chân răng, viêm lợi, viêm mũi, xoang mạn tính.
  • Khi phát hiện bị viêm đường hô hấp, cần đi khám bệnh và điều trị dứt điểm theo đơn thuốc và chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Đối với trẻ sơ sinh và người chưa có miễn dịch chống vi khuẩn lao, cần được tiêm phòng vắc xin phòng lao (vắc-xin BCG), đặc biệt trẻ sơ sinh bắt buộc phải tiêm vắc xin này.
  • Tiêm vắc xin phòng cúm hàng năm và tiêm vắc-xin phòng phế cầu mỗi 4 năm.
  • Cần nâng cao thể trạng và nên tập thể dục đều đặn, đúng bài bản, luôn giữ cho bộ máy hô hấp hoạt động bình thường.
  • Mùa lạnh, cần giữ ấm cổ và mặc ấm.
  • Khi tắm, cần tránh gió lùa.
  • Không hút thuốc lá, thuốc lào.
  • Làm việc trong môi trường có nhiều bụi, cần đeo khẩu trang đúng tiêu chuẩn để ngăn ngừa hít phải bụi.

Việc phát hiện sớm bệnh giãn phế quản có ý nghĩa quan trọng đối với việc chẩn đoán và điều trị bệnh hiệu quả. Khi có những dấu hiệu bất thường, người bệnh không nên chủ quan, hãy đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết trong những trường hợp ho khạc đờm kéo dài.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe