Công dụng thuốc Milrixa

Milrixa là thuốc thường được chỉ định trong điều trị các bệnh nhiễm trùng. Cùng tìm hiểu thông tin về công dụng, cách dùng và lưu ý khi dùng trong bài viết dưới đây, bạn sẽ biết cách sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả nhất.

1. Thuốc Milrixa là thuốc gì?

Thuốc Milrixa được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch, chứa thành phần chính là Clindamycin dưới dạng muối phosphat có hàm lượng 600mg/ 4ml cùng các loại tá dược vừa đủ 1 ống 4ml.

Khi nhắc đến Clindamycin, đây vốn là loại kháng sinh thuộc nhóm Lincosamid. Sử dụng với nồng độ thấp, chúng có tác dụng kìm khuẩn. Trong khi đó, sử dụng ở nồng độ cao, chúng có tác dụng diệt khuẩn vô cùng hiệu quả.

Do thuốc được bào chế dưới dạng tiêm nên thường được sử dụng trong những trường hợp bệnh nhân bị nhiễm khuẩn nặng thuộc nhóm nhạy cảm với Clindamycin như Bacteroides fragilis và Staphylococcus aureus. Đặc biệt, Milrixa thường được sử dụng để thay thế những trường hợp bệnh nhân dị ứng với Penicillin.

2. Chỉ định và chống chỉ định thuốc

Thuốc Milrixa được chỉ định để điều trị cho các bệnh nhân mắc:

  • Viêm phổi, áp xe phổi, viêm màng phổi nguyên nhân do vi khuẩn.
  • Bệnh nhân mắc các bệnh phụ khoa như viêm nội mạc tử cung, viêm mô tế bào chậu, nhiễm trùng vòng đáy âm đạo, áp xe tử cung buồng trứng nguyên nhân do các vi khuẩn kỵ khí nhạy cảm.
  • Người có cơ địa nhạy cảm thường xuyên bị hắc lào, ghẻ, lang beng, nấm,...
  • Bệnh nhân nhiễm trùng huyết, xương khớp, viêm tủy cấp.

Chống chỉ định:

  • Chống chỉ định Milrixa cho bệnh nhân có tiền sử quá mẫn với kháng sinh Clindamycin hay kháng sinh thuộc nhóm Lincomycin.
  • Người có tiền sử viêm đại tràng, viêm ruột non hoặc viêm đại tràng do kháng sinh cũng không được dùng thuốc.

3. Cách dùng và liều dùng Milrixa

Thuốc được bào chế dạng dung dịch, sử dụng bằng đường tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch với liều dùng tham khảo như sau:

Với người lớn:

  • Nhiễm trùng nặng: Sử dụng với liều 600-1200mg/ ngày, chia thành 2-4 lần.
  • Trường hợp nhiễm trùng nặng hơn: Sử dụng với liều 1200-2700mg/ ngày, chia thành 2-4 lần.
  • Trường hợp bệnh nhân mắc nhiễm trùng rất nặng: Liều dùng theo chỉ định của bác sĩ, có thể tăng lên tối đa 4800mg/ ngày trong trường hợp truyền tĩnh mạch cho người lớn. Tuy nhiên, bệnh nhân cần được theo dõi thận trọng khi sử dụng thuốc.

Với trẻ em:

  • Đối với trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi: Sử dụng thuốc với liều dùng 15-20mg/ kg/ ngày, chia 3 - 4 lần.
  • Bệnh nhi trên 1 tháng tuổi đến 16 tuổi: Sử dụng thuốc với liều dùng 20-40mg/ kg/ ngày, chia 3 - 4 lần.

4. Tác dụng phụ của Milrixa

Trong quá trình sử dụng Milrixa, các tác dụng phụ thường gặp gồm có:

  • Ngứa da hoặc đôi khi tróc vảy da.
  • Hội chứng viêm kết tràng do kháng sinh, viêm đại tràng giả mạc, đau bụng, có cảm giác buồn nôn hoặc bị nôn.
  • Phản ứng quá mẫn với các dấu hiệu như ban đỏ, dát sần và mề đay, sốc phản vệ.
  • Có thể gây vàng da, giảm bạch cầu trung tính.
  • Đau tại chỗ tiêm, apxe vùng tiêm sau khi tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch.
  • Một số trường hợp hiếm gặp có thể ngừng tim phổi và hạ huyết áp khi dùng đường tĩnh mạch quá nhanh.

5. Tương tác thuốc

Sử dụng Milrixa có thể làm tăng tác dụng của các thuốc ức chế thần kinh. Do vậy cần hết sức thận trọng khi dùng trên những bệnh nhân đang sử dụng thuốc này.

6. Một số lưu ý khi sử dụng

  • Không tự ý tiêm thuốc ở nhà để tránh phản ứng sốc thuốc hoặc tiêm sai chỗ có thể gây liệt, nhiễm trùng,...
  • Tiêm tĩnh mạch được tiến hành chậm rãi, tuyệt đối không thực hiện nhanh vì có thể dẫn đến nguy cơ ngừng tim.
  • Đối với những người bệnh nặng hoặc trẻ sơ sinh, phụ nữ đang mang thai, phụ nữ đang cho con bú cần dùng thuốc đúng liều lượng, được theo dõi cẩn thận để có biện pháp xử trí kịp thời.
  • Nếu sử dụng thuốc trong thời gian dài ngày, bệnh nhân cần thường xuyên kiểm tra định kỳ chức năng gan và thận.

Trên đây là một số thông tin cơ bản về thuốc Milrixa. Người bệnh cần dùng thuốc đúng liều lượng, được hỗ trợ tiêm truyền bởi chuyên gia y tế để đảm bảo an toàn đối với sức khỏe.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe