Lupus ban đỏ là một bệnh lý tự miễn khi hệ miễn dịch tự chống lại các mô của chính cơ thể, bệnh có thể gây ra tổn thương đa cơ quan như: Khớp, tim, phổi, thận, da, não,... Vậy bệnh lupus ban đỏ có nguy hiểm không, bệnh lupus ban đỏ có chữa được không, thuốc có thể sử dụng điều trị lupus ban đỏ là gì, cùng tham khảo qua bài viết dưới đây.
1. Bệnh lupus ban đỏ ảnh hưởng gì đến cơ thể?
Để biết lupus ban đỏ có nguy hiểm không, trước tiên cùng tìm hiểu lupus ban đỏ có thể ảnh hưởng gì đến cơ thể bạn.
Lupus ban đỏ có thể gây ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trong cơ thể như da, máu, khớp, thận, não, tim và phổi, cụ thể là:
- Da: Một số người bị phát ban đỏ trên má và sống mũi hoặc phát ban đỏ, hình tròn (mảng) lớn, có thể để lại sẹo. Phát ban trên da thường trở nên tồi tệ hơn khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Rụng tóc và lở miệng cũng rất phổ biến.
- Máu: Người mắc bệnh lupus có thể bị giảm số lượng tế bào hồng cầu, bạch cầu hoặc tiểu cầu (tế bào giúp đông máu) một cách nguy hiểm. Đôi khi, những thay đổi về công thức máu có thể góp phần gây mệt mỏi (số lượng hồng cầu thấp, thiếu máu), dễ bầm tím (số lượng tiểu cầu thấp), nhiễm trùng nặng (số lượng bạch cầu thấp). Tăng nguy cơ hình thành các cục máu đông trong bệnh lupus. Cục máu đông thường xảy ra ở chân (như huyết khối tĩnh mạch sâu), phổi (thuyên tắc phổi), hoặc não (đột quỵ).
- Khớp: Viêm khớp với đau, kèm sưng hoặc không sưng.
- Thận: Các vấn đề về thận có thể trở nên rõ ràng khi bệnh nhân lupus cảm thấy bị viêm khớp, phát ban, sụt cân, sốt. Tuy nhiên, bệnh thận có thể xảy ra khi không có các triệu chứng khác của lupus ban đỏ. Bản thân bệnh thận thường không tạo ra các triệu chứng cho đến khi nó ở giai đoạn nặng.
- Não bộ: Hiếm gặp nhưng khi xuất hiện, có thể gây ra lú lẫn, trầm cảm, co giật và hiếm hơn là đột quỵ.
- Tim và phổi: Liên quan đến tim và phổi thường do viêm màng bao tim (màng ngoài tim) và phổi (màng phổi). Khi các cấu trúc này bị viêm, bạn có thể bị đau ngực, nhịp tim không đều và tích tụ chất lỏng xung quanh phổi (viêm màng phổi hoặc viêm màng phổi) và tim (viêm màng ngoài tim).
2. Bệnh lupus ban đỏ có chữa được không?
Bệnh lupus ban đỏ có chữa được không? Không có cách điều trị hoàn toàn bệnh lupus ban đỏ nhưng vẫn có các phương pháp điều trị để giúp người bệnh cảm thấy tốt hơn, cải thiện triệu chứng và các biến chứng bệnh.Việc điều trị này có thể phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm:
- Các triệu chứng và biến chứng của mỗi bệnh nhân.
- Mức độ nghiêm trọng của bệnh.
- Tuổi tác.
- Loại thuốc đang sử dụng.
- Sức khỏe toàn thể của người bệnh.
- Tiền sử bệnh.
Lupus ban đỏ là một tình trạng lâu dài cần được kiểm soát thường xuyên. Mục tiêu của việc điều trị là làm cho các triệu chứng thuyên giảm và hạn chế mức độ tổn thương mà bệnh gây ra cho các cơ qua. Tuy nhiên, tác động của bệnh có thể thay đổi và khác nhau theo thời gian. Vì vậy, người bệnh có thể sẽ cần thường xuyên đến gặp bác sĩ và điều chỉnh kế hoạch chăm sóc để phù hợp với các triệu chứng của mình.Một số người mắc bệnh lupus nhẹ có thể cần điều trị hạn chế, theo dõi và giám sát triệu chứng để đảm bảo rằng chúng không tồi tệ hơn. Còn những người có xu hướng bị các biến chứng nghiêm trọng hơn (như biến chứng tim, phổi hoặc thận) có thể cần một kế hoạch điều trị tích cực.
3. Những thuốc có thể sử dụng điều trị lupus ban đỏ là gì?
Các loại thuốc có thể được dùng trong điều trị bệnh lupus ban đỏ bao gồm:
- Steroid: Các loại kem steroid có thể được bôi trực tiếp lên vết phát ban. Chúng an toàn và hiệu quả, đặc biệt là đối với các trường hợp mẩn ngứa nhẹ và thường được sử dụng trong lupus ban đỏ mức độ nhẹ hoặc trung bình. Steroid cũng có thể được dùng với liều cao hơn khi các cơ quan nội tạng bị đe dọa.
- Hydroxychloroquine: Thường được sử dụng để giúp kiểm soát các vấn đề nhẹ liên quan đến lupus ban đỏ, như bệnh về da, khớp. Nó cũng được sử dụng để điều trị mệt mỏi và lở miệng.
- Azathioprine: Thường được sử dụng để điều trị các đặc điểm nghiêm trọng hơn của bệnh.
- Methotrexate: Là một loại thuốc hóa trị được dùng để ức chế hệ thống miễn dịch. Hiện nay, thuốc này ngày càng trở nên phổ biến đối với bệnh ngoài da, viêm khớp và các dạng bệnh không đe dọa đến tính mạng khác mà không đáp ứng với các loại thuốc như Hydroxychloroquine hoặc liều thấp của Prednisone.
- Cyclophosphamide và mycophenolate mofetil: Là những thuốc hóa trị có tác dụng rất mạnh trong làm giảm hoạt động của hệ thống miễn dịch, được sử dụng để điều trị các dạng lupus nặng hơn, đặc biệt là khi có ảnh hưởng đến thận.
- Belimumab: Được sử dụng để điều trị bệnh lupus không liên quan đến thận và không phản ứng với các loại phương pháp điều trị khác.
- Rituximab: Đôi khi được sử dụng để điều trị bệnh lupus không đáp ứng với các loại phương pháp điều trị khác.
4. Lupus ban đỏ có di truyền không?
Có thể có một yếu tố di truyền đối với bệnh lupus ban đỏ. Nguy cơ mắc bệnh lupus sẽ tăng lên nếu có các thành viên khác trong gia đình mắc bệnh này. Người mẹ mắc lupus ban đỏ có thể truyền bệnh cho con mình. Tuy nhiên, không phải lúc nào điều này cũng xảy ra và cũng không thường xuyên xảy ra. Một số phụ nữ bị lupus sinh con với tình trạng này, trong khi những người khác thì không. Nếu đang mắc lupus ban đỏ hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh này và đang dự định có thai, hãy nói tham khảo ý kiến từ bác sĩ.
Nói chung, việc điều trị bệnh lupus ban đỏ chỉ nhằm giảm nhẹ các triệu chứng ngăn ngừa các đợt bùng phát bệnh, hạn chế tác động của các biến chứng nguy hiểm giúp người bệnh có chất lượng sống cao hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.