Giảm oxy máu động mạch và thiếu oxy tổ chức không phải là hai tên gọi của một tình trạng, mà là hai tình trạng khác nhau và giữa chúng có mối quan hệ với nhau.
1. Giảm oxy máu động mạch và thiếu oxy tổ chức là gì?
Giảm oxy máu động mạch (hypoxia) xảy ra khi lượng oxy trong máu động mạch thấp và được xác định qua xét nghiệm khí máu (kết quả PaO2 < 60 mmHg hoặc SaO2 < 90%).
Nếu tình trạng giảm oxy máu động mạch tiến triển nghiêm trọng hơn, hoặc kéo dài không được can thiệp (hoặc can thiệp không hiệu quả) sẽ dẫn tới thiếu oxy tổ chức, nghĩa là tổng lượng oxy trong cơ thể xuống thấp và không còn đáp ứng được nhu cầu cần thiết tại các mô.
Giảm oxy máu động mạch và thiếu oxy tổ chức đều là những tình trạng nguy hiểm, có khả năng đe dọa tính mạng. Bất kỳ khi nào xuất hiện dấu hiệu của giảm oxy máu động mạch và thiếu oxy tổ chức bệnh nhân cần được cấp cứu ngay lập tức.
2. Biểu hiện của giảm oxy máu động mạch và thiếu oxy tổ chức như thế nào?
Triệu chứng của giảm oxy máu động mạch và thiếu oxy tổ chức không hoàn toàn giống nhau giữa các trường hợp, nhưng các biểu hiện thường gặp nhất bao gồm:
- Thay đổi màu sắc da, từ xanh tái cho tới đỏ tím.
- Mất tỉnh táo, lú lẫn.
- Vã mồ hôi.
- Nhịp tim nhanh, hoặc nhịp tim giảm thấp.
- Tăng tần số thở, khó thở, thở dốc, khò khè.
- Ho.
3. Nguyên nhân nào dẫn tới giảm oxy máu động mạch và thiếu oxy tổ chức?
Các nguyên nhân thường gặp của giảm oxy máu động mạch và thiếu oxy tổ chức bao gồm:
- Cơn hen phế quản cấp.
- Tổn thương phổi do chấn thương.
- Các bệnh lý tại phổi như: Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (chronic obstructive pulmonary disease - COPD), phù phổi, khí thũng phổi, viêm phế quản và viêm phổi.
- Các thuốc điều trị gây ức chế hô hấp.
- Bệnh lý tim mạch.
- Thiếu máu.
- Ngộ độc cyanide.
4. Làm thế nào để phòng tránh giảm oxy máu động mạch và thiếu oxy tổ chức?
Cách phòng tránh giảm oxy máu động mạch và thiếu oxy tổ chức hiệu quả nhất chính là kiểm soát tốt hen phế quản mỗi ngày, bằng cách tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ chuyên khoa.
- Sử dụng thuốc đúng theo yêu cầu của bác sĩ để phòng tránh cơn hen cấp.
- Ăn uống cân bằng, lành mạnh, sống năng động.
- Nhận biết và phòng tránh các yếu tố gây khởi phát cơn hen.
Hãy tham vấn bác sĩ chuyên khoa để nắm được cách xử lí khi xuất hiện cơn hen cấp, tránh bị động khi tình huống xảy ra.
Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.