Giảm hạn chế vận động gối sau mổ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Quang Minh - Bác sĩ Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Khớp gối là khớp lớn nhất và có cấu tạo phức tạp nhất của cơ thể. Khớp gối cũng có thể là khớp vận động nhiều nhất của cơ thể bởi từ việc đi lại bình thường, cho đến lao động, chơi thể thao, hầu như lúc nào khớp gối cũng phải hoạt động. Toàn bộ sức nặng của cơ thể dồn lên hai khớp gối, chính vì vậy nó cũng dễ bị tổn thương nhất. Đứt dây chằng khớp gối là một tổn thương khớp gối hay gặp, khi đó bệnh nhân sẽ phải phẫu thuật tái tạo dây chằng. Và đa phần bệnh nhân đều bị giảm hạn chế vận động gối sau mổ nếu như không được điều trị phục hồi thích hợp.

1. Cấu tạo cơ bản của khớp gối

Khớp gối được cấu tạo bởi các thành phần chính sau:

03 xương, gồm có:

  • Phía trên là đầu dưới xương đùi.
  • Phía dưới là đầu trên xương chày.
  • Phía trước là xương bánh chè.

04 dây chằng, gồm có:

  • Dây chằng chéo trước: giữ cho cẳng chân không bị trượt ra trước.
  • Dây chằng chéo sau: giữ cho cẳng chân không bị trượt ra sau.
  • Dây chằng bên trong: giữ cho gối không bị xoay ra ngoài.
  • Dây chằng bên ngoài: giữ cho gối không bị xoay vào trong.
  • Hai dây chằng chéo trước và chéo sau bắt chéo nhau tạo thành hình chữ X, do đó được gọi là dây chằng chéo.

02 sụn chêm:

  • Sụn chêm trong.
  • Sụn chêm ngoài.

Hai sụn chêm này có tác dụng hấp thụ bớt lục tác động, hỗ trợ chuyển động của đầu gối, tránh cho việc khớp gối cọ xát vào sụn khớp làm tổn thương khớp, thoái hóa khớp.

Ngoài ra còn có các cơ giúp cho khớp gối có thể vận động linh hoạt trong các động tác đi, đứng, chạy, nhảy,... Khớp gối chỉ có hai vận động đó là gấp duỗi, với biên độ vận động bình thường là: gấp 1400, duỗi 00.


Khớp gối có vai trò quan trọng trong chức năng vận động
Khớp gối có vai trò quan trọng trong chức năng vận động

2. Giảm hạn chế vận động khớp gối sau mổ

Nguyên nhân gây chấn thương khớp gối thường gặp nhất là do chơi thể thao hoặc tai nạn giao thông. Có tới 70% trường hợp chấn thương trong khi chơi thể thao là tổn thương dây chằng, và hay bị tổn thương nhất chính là dây chằng chéo trước. Khi bị đứt dây chằng chéo, bệnh nhân sẽ có các dấu hiệu đặc trưng để nhận biết, gồm có:

  • Có tiếng rắc gãy đặc trưng khi bị chấn thương.
  • Hạn chế khả năng vận động đi lại và cảm giác lỏng khớp gối, lên xuống cầu thang khớp gối bị xoay, hay bị trượt, trẹo chân.
  • Khi chạy nhanh khớp gối bị trượt ra trước.
  • Nếu để lâu thì các cơ đùi phía bên bị chấn thương sẽ teo nhỏ.

Với các trường hợp đứt dây chằng khớp gối, muốn phục hồi dây chằng hoàn toàn thì cần phải tiến hành mổ tái tạo dây chằng khớp gối. Mặc dù ngày nay các trang thiết bị đã hiện đại hơn, phương pháp phẫu thuật nội soi khớp ưu việt và hiệu quả hơn trong điều trị chấn thương khớp gối nói chung và đứt dây chằng khớp gối nói riêng. Nhưng một ca mổ dù đơn giản hay phức tạp đều có thể có tai biến và biến chứng xảy ra. Một số biến chứng có thể gặp sau mổ khớp gối nói chung và mổ tái tạo dây chằng khớp gối nói riêng đó là:

  • Nhiễm khuẩn: ít gặp, thường chỉ gặp ở bệnh nhân sử dụng mảnh ghép là gân đồng loại.
  • Lây nhiễm virus: như virus viêm gan C, HIV có thể lây nhiễm khi sử dụng gân đồng loại để làm mảnh ghép. Tuy nhiên biến chứng này cũng hiếm gặp với tỷ lệ 1/1.000.000.
  • Chảy máu hoặc tê bì vùng da: rất hiếm gặp biến chứng chảy máu do tổn thương động mạch khoeo. Thi thoảng gặp biến chứng tê bì mặt trước ngoài cẳng chân, gần vết mổ. Tình trạng này có thể chỉ là tạm thời, cũng có khi kéo dài.
  • Huyết khối tĩnh mạch: hình thành huyết khối tĩnh mạch ở bắp chân sau mổ với tỷ lệ rất thấp, 0,12%.
  • Lỏng gối sau mổ dây chằng khớp gối: do đứt hoặc giãn mảnh ghép sau mổ, tỷ lệ gặp phải biến chứng này là 2,4-34%.
  • Hạn chế vận động gối sau mổ: có thể gặp trên 5%.
  • Mất duỗi gối: gối không duỗi thẳng được sau khi mổ tái tạo dây chằng
  • Tổn thương sụn phát triển dẫn đến rối loạn sự phát triển của xương: biến chứng này chỉ gặp ở bệnh nhân là trẻ em, khi sụn còn phát triển. Trường hợp này cần cân nhắc thời điểm phẫu thuật hoặc để hạn chế tối đa biến chứng này nên thay đổi kỹ thuật nếu mổ.

Sau phẫu thuật khớp gối, người bệnh thường bị hạn chế duỗi, đặc biệt nếu bị hạn chế ở mức độ lớn, thì đây được coi là một phiền toái lớn, ảnh hưởng tới chức năng gối sau phẫu thuật, làm cho hiệu quả điều trị chậm lại hoặc trở nên kém đi. Kết quả phẫu thuật có thể không như mong muốn nếu tình trạng này kéo dài.

3. Tập luyện sau phẫu thuật khớp gối

Nhằm tránh tình trạng teo cơ hay cứng khớp, người bệnh sẽ được chỉ định tập luyện nhằm hồi phục ngay sau mổ. Bệnh nhân có thể lựa chọn luyện tập tại nhà hoặc đến phòng tập phục hồi chức năng tại bệnh viện để được hướng dẫn một cách bài bản và đúng cách.

Để phục hồi tối đa chức năng của khớp gối, tránh té ngã do yếu chân hoặc chấn thương do luyện tập sai tư thế, bệnh nhân cần tập luyện sau phẫu thuật cần tuân thủ theo giáo án đã được đưa ra.

Trong tháng đầu tiên sau phẫu thuật khớp gối, người bệnh sẽ được hướng dẫn mang nạng và nẹp. Sang tháng thứ 2, bệnh nhân có thể thay nẹp gối dài bằng nẹp vải gối ngắn hơn cho bệnh nhân sử dụng nhằm bảo vệ mảnh ghép, tiếp tục luyện tập để tăng sức cơ. Bệnh nhân có thể bỏ nẹp và đi lại một cách bình thường sau tháng thứ 3.

Khi khớp gối hồi phục hoàn toàn, thường là sau 6 tháng phẫu thuật, bệnh nhân có thể chơi thể thao và vận động mạnh, trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường.

Bên cạnh việc tập gấp gối sau phẫu thuật khớp gối thì tập duỗi gối cũng rất quan trọng. Do sự đau đớn sau phẫu thuật nên khả năng gối của bạn sẽ bị hạn chế duỗi. Người bệnh có thể sẽ được chỉ định đeo thêm nẹp, đặc biệt là khi ngủ. Tập luyện kết hợp với một số bài tập dưới sự hướng dẫn của các kỹ thuật viên sẽ giúp bạn duỗi thẳng gối.

Điều quan trọng nhất sau khi mổ khớp gối chính là tập vật lý trị liệu nhằm lấy lại được biên độ vận động của khớp. Mỗi bệnh nhân sẽ có được sự hồi phục về khả năng vận động của khớp là khác nhau, điều này tùy thuộc vào mức độ vận động, tập sau mổ và cơ địa của mỗi người.


Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần tập luyện dưới sự chỉ định của bác sĩ
Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần tập luyện dưới sự chỉ định của bác sĩ
Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe