Ung thư đường tiêu hóa là một căn bệnh xuất phát từ các tế bào ác tính trong đường tiêu hóa, bao gồm thực quản, dạ dày, ruột non, đại tràng và trực tràng. Đây là một trong những loại ung thư phổ biến và nguy hiểm nhất trên thế giới. Các loại ung thư tiêu hóa khác nhau có thể có những đặc điểm và biểu hiện lâm sàng khác nhau.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Ung thư đường tiêu hóa là gì?
Bệnh ung thư đường tiêu hóa là loại ung thư xuất hiện ở các cơ quan trong hệ thống tiêu hóa. Đây là một căn bệnh âm thầm, phát triển lặng lẽ trong cơ thể người bệnh. Dù khối u hình thành và phát triển trong một thời gian dài, nhưng bệnh nhân hầu như không cảm nhận được bất kỳ dấu hiệu nào. Bệnh được chia thành hai nhóm chính: nhóm ung thư tại đường tiêu hoá trên (như ung thư dạ dày, thực quản) và đường tiêu hoá dưới (như ung thư trực tràng, mật, gan…).

Các triệu chứng ung thư đường tiêu hóa ở hai nhóm khác nhau rõ rệt. Những người mắc bệnh ở đường tiêu hóa trên thường gặp các vấn đề như đầy hơi, khó tiêu, chán ăn, buồn nôn, sụt cân nhanh và mệt mỏi. Trong khi đó, người bệnh ở đường tiêu hoá dưới lại có xu hướng bị tiêu chảy, táo bón và thậm chí là phân có lẫn máu.
Tuổi tác, chế độ ăn uống không khoa học và thói quen lười vận động là những yếu tố phổ biến gây ra căn bệnh này hiện nay.
2. Ung thư đường tiêu hóa có nguy hiểm không?
Tuy ung thư tiêu hóa, đặc biệt là ung thư đường ruột, có tỷ lệ tử vong tương đối cao, nhưng nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng cách, bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi và tỷ lệ sống sót sau 5 năm có thể lên tới 90%, theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Ngược lại, khi phát hiện muộn, tỷ lệ sống sót sẽ giảm xuống, chỉ còn 10%.
Phương pháp khám sàng lọc, tầm soát ung thư đường tiêu hóa không chỉ là chìa khóa vàng để phát hiện sớm bệnh mà còn là yếu tố quyết định giúp bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị chuẩn xác nhất cho từng bệnh nhân, từ đó nâng cao đáng kể khả năng chữa khỏi và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.

Do bệnh đang ngày càng phổ biến và có xu hướng dần trẻ hoá, bất kỳ ai cũng cần phải thực hiện tầm soát, sàng lọc các bệnh ung thư tiêu hoá định kỳ, đặc biệt, các trường hợp sau nên khám sàng lọc càng sớm càng tốt:
- Người có tiền sử gia đình mắc bệnh này.
- Người hay hút thuốc hay uống rượu: Việc hút thuốc lá có thể gây ra ung thư ở thực quản, dạ dày và tụy, trong khi việc uống quá nhiều rượu lại liên quan đến các bệnh ung thư gan và tụy. Thói quen uống rượu thường xuyên còn gây tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa.
- Người có thói quen ăn uống thiếu khoa học: Tiêu thụ nhiều đồ ăn chứa muối, chua, cay, nóng, thức ăn nhanh… Những người có thói quen ăn mặn và thường xuyên tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều nitrosamines – một loại hóa chất có khả năng gây biến đổi gen ở biểu mô dạ dày.
- Người bệnh viêm loét đại tràng/dạ dày, người nhiễm vi khuẩn HP, người bị trào ngược dạ dày thực quản và người béo phì…
- Nguy cơ mắc hầu hết các loại ung thư đường tiêu hóa ở người lớn hơn 50 tuổi sẽ tăng lên đáng kể.
- Việc không điều trị dứt điểm các bệnh về đường tiêu hóa khiến bệnh trở thành mãn tính và tăng nguy cơ ung thư. Các polyp lành tính nếu không được phẫu thuật cắt bỏ sớm có khả năng chuyển hóa thành tế bào ung thư.
3. Phương pháp tầm soát bệnh hiệu quả
Hiện nay, chúng ta có rất nhiều phương pháp khám sàng lọc ung thư, nhưng những cách phát hiện bệnh dưới đây được đánh giá là hiệu quả nhất:
- Xét nghiệm máu: Các chỉ số CEA, CA 72-4, CA 19-9 sẽ được kiểm tra. Khi có khối u trong đường tiêu hóa, chỉ số CEA thường tăng lên.
- Chụp X-quang: Phương pháp này giúp phát hiện các tổn thương hoặc khối u bên trong hệ tiêu hóa.
- Siêu âm: Siêu âm giúp xác định vị trí chính xác và kích thước của khối u.
- Nội soi dạ dày/ đại tràng: Với một ống mềm có gắn camera được đưa vào cơ thể, bác sĩ sẽ tiến hành nội soi dạ dày/đại tràng để quan sát chi tiết hình ảnh cơ quan đường tiêu hóa trên màn hình chuyên dụng, từ đó phân tích và đưa ra kết luận chính xác. Nếu phát hiện polyp, sinh thiết sẽ được thực hiện ngay.
4. Bệnh nhân sống được bao lâu?
Tiên lượng sống của người bệnh thường giảm đi và tỷ lệ sống sót sau 5 năm của mỗi bệnh nhân sẽ không giống nhau, tùy thuộc vào giai đoạn và loại ung thư. Việc phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp kéo dài thời gian sống của bệnh nhân.

Tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh, phương pháp điều trị sẽ khác nhau. Vì vậy, để được chẩn đoán chính xác và có phác đồ điều trị phù hợp nhất, mọi người nên đến khám bác sĩ. Bên cạnh tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, việc kết hợp tập luyện thể thao đều đặn và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh cũng là những yếu tố quan trọng giúp phòng ngừa và kiểm soát bệnh ung thư. Cụ thể như:
- Cần tránh các loại thực phẩm có hại cho đường tiêu hóa: dưa muối, thịt nướng, thực phẩm ủ chua, thức ăn đóng hộp,...
- Không nên dùng các thực phẩm chứa nấm mốc: đỗ, lạc, đậu tương,...
- Hạn chế tối đa đồ uống có cồn và chất kích thích.
- Nên ăn rau củ, hoa quả thường xuyên mỗi ngày.
- Cung cấp đủ nước cho cơ thể.
- Chế độ ăn uống điều độ: ăn đúng giờ, đủ bữa.

Với những chia sẻ trên, câu hỏi "Ung thư đường tiêu hóa có nguy hiểm không?" chắc hẳn mọi người đã được giải đáp rõ ràng. Việc phát hiện bệnh sớm sẽ giúp quá trình điều trị trở nên đơn giản, kịp thời và chính xác, từ đó mở ra cơ hội chữa khỏi hoàn toàn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.