Giải đáp thắc mắc viêm ruột thừa nhẹ có cần mổ không?

Viêm ruột thừa nhẹ có cần mổ không là vấn đề được nhiều người quan tâm do bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như vỡ ruột thừa, hình thành ổ áp xe trong khoang bụng. Nhìn chung, viêm ruột thừa dù nặng hay nhẹ vẫn cần phải xử lý triệt để và phẫu thuật chính là sự lựa chọn hàng đầu để điều trị hiệu quả và lâu dài.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS.BS Dương Xuân Lộc - Bác sĩ Ngoại tiêu hóa, khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

1. Viêm ruột thừa là gì?

Viêm ruột thừa là tình trạng xảy ra khi ruột thừa, một phần của hệ tiêu hóa nằm ở góc dưới bên phải bụng bị nhiễm trùng hoặc viêm. Ruột thừa là một phần của hệ tiêu hoá nhưng hiện nay vẫn chưa xác định được chứng năng chính xác của ruột thừa.

Bệnh viêm ruột thừa thường bắt nguồn từ sự tắc nghẽn tại ruột thừa dẫn đến sự phát triển quá mức của vi khuẩn, gây nhiễm trùng. Nếu không được xử lý kịp thời, tình trạng này có thể khiến ruột thừa sưng viêm, tiết mủ và cuối cùng có thể bị vỡ, có thể gây nguy hiểm cho tính mạng.

2. Biến chứng nguy hiểm của viêm ruột thừa

Nếu viêm ruột thừa không được phát hiện và xử lý kịp thời, người bệnh có thể gặp phải các biến chứng nguy hiểm như sau:

Vỡ ruột thừa: Ruột thừa bị viêm và phình to nhưng không được can thiệp y tế kịp thời sẽ có nguy cơ bị vỡ cao. Điều này dẫn đến vi khuẩn lan sang các cơ quan khác trong khoang bụng của bệnh nhân, gây nhiễm trùng nghiêm trọng. Để điều trị trường hợp này, bác sĩ cần phẫu thuật khẩn cấp để loại bỏ ruột thừa và làm sạch ổ bụng.

Ổ áp xe trong khoang bụng: Khi viêm ruột thừa không được xử lý hoặc điều trị không triệt để, ruột thừa có thể vỡ và tạo thành ổ mủ trong bụng, còn được gọi là ổ áp xe - đây được xem là một tình trạng cực kỳ nguy hiểm. 

Nếu viêm ruột thừa không được phát hiện và xử lý kịp thời, người bệnh có thể gặp phải các biến chứng nguy hiểm như vỡ ruột thừa hoặc hình thành ổ áp xe.
Nếu viêm ruột thừa không được phát hiện và xử lý kịp thời, người bệnh có thể gặp phải các biến chứng nguy hiểm như vỡ ruột thừa hoặc hình thành ổ áp xe.

3. Các triệu chứng thường gặp của viêm ruột thừa nhẹ

Ruột thừa thường nằm ở hố chậu bên phải, nhưng đôi khi có thể nằm ở vị trí khác như bên trái, gần gan hoặc sau manh tràng, dẫn đến sự nhầm lẫn với các bệnh lý khác như viêm đại tràng, viêm buồng trứng, bệnh đường tiết niệu, hoặc các bệnh về gan mật.

Dưới đây là những dấu hiệu chính mà bệnh nhân có thể gặp khi bị viêm ruột thừa:

  • Đau bụng: Triệu chứng điển hình nhất của viêm ruột thừa. Cơn đau bắt đầu ở vùng quanh rốn và sau vài giờ, cơn đau sẽ di chuyển xuống góc phần tư dưới bên phải của hố chậu. Cơn đau thường tăng lên khi ho hoặc khi thay đổi tư thế, và có thể lan sang hông, lưng dưới, hoặc sườn phải, tùy thuộc vào vị trí cụ thể của ruột thừa. Khi có dấu hiệu đau, bệnh nhân cần đến bệnh viện sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
  • Sốt: Có thể xảy ra sốt nhẹ do nhiễm trùng tại ruột thừa.
  • Buồn nôn hoặc nôn: Những triệu chứng này thường gây nhầm lẫn với bệnh dạ dày hoặc ngộ độc thực phẩm.
  • Tiêu chảy: Thường gặp ở những trường hợp viêm ruột thừa thể tiểu khung hay khi đã xảy ra biến chứng vỡ ruột thừa.

Do triệu chứng của viêm ruột thừa có thể giống với nhiều bệnh khác nên để chẩn đoán chính xác, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh làm các xét nghiệm và kiểm tra hình ảnh. Các phương pháp thường gặp bao gồm xét nghiệm máu để đánh giá mức độ viêm, cùng với X-quang, CT scan ổ bụng, hoặc siêu âm. Vậy liệu viêm ruột thừa nhẹ có cần mổ không?

4. Viêm ruột thừa nhẹ có cần mổ không?

Phẫu thuật là cách điều trị chủ yếu cho viêm ruột thừa cấp, hiệu quả cao và ít gây ra biến chứng. Khi viêm ruột thừa được phát hiện sớm và chỉ ở mức độ nhẹ, việc phẫu thuật thường được thực hiện trong 6 giờ đầu tiên, và thường không gặp biến chứng. Tuy nhiên, nếu việc phẫu thuật bị trì hoãn quá 72 giờ, nguy cơ gặp phải biến chứng sẽ tăng lên do tình trạng viêm đã lan rộng. 

Viêm ruột thừa nhẹ có cần mổ không là thắc mắc chung của nhiều người.
Viêm ruột thừa nhẹ có cần mổ không là thắc mắc chung của nhiều người.

Trong một số trường hợp, điều trị nội khoa bằng thuốc có thể được áp dụng, đạt hiệu quả lên đến 90%. Tuy nhiên, phương pháp điều trị nội khoa lại có tỷ lệ tái phát cao, khoảng 30% trong vòng một năm. Do đó, phẫu thuật vẫn là phương pháp ưu tiên để điều trị viêm ruột thừa một cách hiệu quả và lâu dài.

5. Chăm sóc sức khỏe tại nhà sau phẫu thuật viêm ruột thừa  

Thời gian hồi phục sau khi phẫu thuật viêm ruột thừa phụ thuộc vào loại phương pháp phẫu thuật được áp dụng và tình trạng có biến chứng đi kèm hay không. Các ca phẫu thuật nội soi thường có quá trình hồi phục nhanh hơn so với phẫu thuật mở. Nếu có biến chứng, quá trình phục hồi có thể trở nên phức tạp và kéo dài hơn.

Thông thường, bệnh nhân sau phẫu thuật nội soi có thể xuất viện trong khoảng 1 - 2 ngày và có thể quay trở lại với các hoạt động bình thường trong khoảng 2 - 3 ngày. Tuy nhiên, đối với những trường hợp phát sinh biến chứng, thời gian hồi phục có thể lâu hơn và tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các biến chứng đó.

6. Các phương pháp hỗ trợ quá trình hồi phục sau mổ viêm ruột thừa nhẹ

Sau phẫu thuật viêm ruột thừa, có một số biện pháp hỗ trợ giúp quá trình hồi phục diễn ra nhanh hơn:

  • Hạn chế hoạt động mạnh: Sau phẫu thuật nội soi, bệnh nhân nên tránh vận động mạnh trong khoảng 3 - 5 ngày. Đối với phẫu thuật mở, thời gian hạn chế hoạt động cần kéo dài 10 - 14 ngày. Bệnh nhân nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về thời điểm thích hợp để trở lại các hoạt động thường ngày.
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu thuốc giảm đau không hiệu quả: Đau sau phẫu thuật có thể cản trở quá trình hồi phục. Nếu cơn đau không thuyên giảm dù đã sử dụng thuốc giảm đau, bệnh nhân cần liên hệ với bác sĩ. 
Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu thuốc giảm đau không hiệu quả sau khi mổ viêm ruột thừa nhẹ.
Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu thuốc giảm đau không hiệu quả sau khi mổ viêm ruột thừa nhẹ.
  • Hỗ trợ bụng khi ho: Để giảm đau khi ho, cười, hoặc di chuyển, bệnh nhân có thể đặt một chiếc gối lên bụng và áp lực nhẹ.
  • Dần quay lại với hoạt động bình thường trở lại: Khi sức khỏe đã ổn định, bệnh nhân có thể bắt đầu với các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ ngắn, sau đó từ từ tăng cường độ hoạt động.

Thông tin trên cũng đã cung cấp cho mọi người về thông tin viêm ruột thừa nhẹ có cần mổ không. Nhìn chung, viêm ruột thừa, dù ở mức độ nhẹ hay nặng, thường đều đòi hỏi can thiệp phẫu thuật khẩn cấp để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Việc chăm sóc sau phẫu thuật là rất quan trọng, giúp đảm bảo quá trình hồi phục diễn ra suôn sẻ và hiệu quả. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe