Ngủ trưa là một thói quen tốt ở trẻ nhỏ nhưng lại không được đánh giá cao khi trưởng thành. Ở một số công ty, cơ quan, nhiều chủ doanh nghiệp thậm chí còn coi ngủ trưa là dấu hiệu của sự lười biếng, năng lượng thấp và bệnh tật. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng giấc ngủ trưa có thể giúp tinh thần minh mẫn, sáng tạo hơn. Qua bài viết này, hãy cùng giải đáp câu hỏi: “Ngủ trưa có tốt không” và khám phá cách tăng cường năng lượng sau ngủ trưa.
1. Ngủ trưa có tốt không? Giá trị của giấc ngủ trưa với người lớn tuổi
Ngủ trưa tốt hay xấu cho sức khỏe của bạn? Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí General Psychiatry, các nhà khoa học đã đánh giá sức khỏe thể chất và nhận thức của 2.214 người trên 60 tuổi đang cư trú tại các thành phố lớn ở Trung Quốc. Trong đó có 1.534 người ngủ trưa thường xuyên trong khi 680 người còn lại thì không.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, những người lớn tuổi ngủ trưa đạt điểm cao vượt trội trong Trắc nghiệm đánh giá trạng thái tâm thần tối thiểu (MMSE: Mini-Mental State Examination). Đây là một bài kiểm tra sàng lọc sa sút trí tuệ tiêu chuẩn bao gồm đánh giá các kỹ năng thị giác không gian, khả năng chú ý, khả năng giải quyết vấn đề, trí nhớ ngắn hạn, nhận thức về vị trí và khả năng giao tiếp lưu loát...
Và 3 hạng mục cuối cùng được phát huy đáng kể ở người lớn tuổi có thói quen ngủ trưa. Đó là nhận định của Tiến sĩ Lin Sun thuộc Trung tâm Bệnh Alzheimer và các Rối loạn liên quan tại Trung tâm Sức khỏe Tâm thần Thượng Hải và Đại học Jiao Tong (Thượng Hải).
Như vậy, giấc ngủ ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng học hỏi của bạn. Giấc ngủ trưa cũng giúp não bộ của bạn phục hồi sau khi bị kiệt sức hoặc quá tải thông tin. Trong khi chợp mắt, não bộ của bạn sẽ loại bỏ những thông tin không cần thiết ra khỏi vùng lưu trữ tạm thời để chuẩn bị cho việc tiếp thu những thông tin mới.
2. Cách để tỉnh táo làm việc sau nghỉ trưa
Theo gợi ý của các chuyên gia giấc ngủ, một giấc ngủ ngắn lý tưởng và lành mạnh nên diễn ra từ 1 đến 3 giờ chiều, kéo dài từ 10 đến 30 phút. Nếu bạn có thể tranh thủ chợp mắt một chút vào buổi chiều thì sẽ rất có ích. Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy giấc ngủ ngắn rất tốt để cải thiện tâm trạng, nâng cao năng lượng, năng suất đồng thời giảm căng thẳng, lo lắng về thể chất và tinh thần.
Nếu có nhiều thời gian hơn và bạn có thể thu xếp ngủ khoảng 60 phút, thì sẽ càng giúp gia tăng sự tỉnh táo, cải thiện hiệu xuất nhận thức và khả năng học hỏi của bạn. Vì trong giấc ngủ dạng này, não bộ của bạn sẽ bắt đầu chuyển ký ức từ vùng lưu trữ tạm thời (đồi hải mã) sang khu vực lưu trữ thông tin vĩnh viễn (vỏ não). Sau khi ngủ dậy, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy phấn chấn và sẵn sàng giải quyết các công việc tồn đọng hơn.
3. Điều quan trọng cần lưu ý về giấc ngủ trưa
Mặc dù giấc ngủ trưa ngắn (dưới 30 phút hoặc lâu hơn) đã được khẳng định mang lại nhiều lợi ích cho mọi người ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, những giấc ngủ dài hơn có thể cảnh báo nhiều vấn đề.
Nếu bạn thường xuyên thấy mình chợp mắt nhiều hơn 1 tiếng, thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy số giờ ngủ hay chất lượng giấc ngủ ban đêm của bạn không đảm bảo. Nhiều chứng rối loạn giấc ngủ có thể đang tiềm ẩn dẫn đến nhu cầu ngủ trưa tăng lên.
Ở người cao tuổi, các tình trạng y tế hoặc thuốc dùng để điều trị cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Một số loại thuốc huyết áp, thuốc trị viêm khớp, thuốc giãn cơ và một số loại thuốc chăm sóc sức khỏe tâm thần có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng giấc ngủ.
Hiện vẫn còn cần nhiều nghiên cứu khác để xác định xem nhu cầu ngủ nhiều hơn ở người cao tuổi (bao gồm ngủ trưa nhiều hơn) có phải là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang cố bù đắp cho tình trạng suy giảm nhận thức và mất trí nhớ hay không.
Nhìn chung, nếu bạn duy trì một giấc ngủ ngắn từ 10-30 phút trong khoảng từ 1 đến 3 giờ chiều, bạn sẽ giúp não bộ được nghỉ ngơi và có cơ hội giải phóng những thông tin thừa, tạo chỗ trống tiếp nhận thêm các thông tin mới. Tuy nhiên các chuyên gia cũng cảnh báo nếu bạn có những giấc ngủ dài và sâu hơn vào ban ngày, điều này có thể là do bạn không ngủ đủ giấc vào ban đêm hoặc cơ thể đang tiềm ẩn một vài bệnh lý nào đó. Hãy liên hệ với bác sĩ để được thăm khám và tư vấn kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.