Khớp gối là một cấu trúc phức tạp và là khớp lớn nhất trong cơ thể. Đối với những người sống một lối sống năng động, điều quan trọng là phải nhận thức những tác động gây chấn thương đầu gối khi chơi thể thao cũng như những triệu chứng báo hiệu chấn thương.
1. Các dạng và dấu hiệu chấn thương đầu gối khi chơi thể thao
1.1. Gãy xương bánh chè
Gãy xương bánh chè là chấn thương đầu gối khi chơi thể thao nghiêm trọng có thể dẫn đến suy giảm chức năng khớp gối về sau. Cơ chế là khi bị ngã trực tiếp vào xương bánh chè, do vận động quá sức hoặc do chấn thương trực tiếp (ví dụ như cú đánh trực tiếp bởi gậy khúc côn cầu).
Các triệu chứng của đứt gãy xương bánh chè là cơn đau dữ dội vùng trước đầu gối và sưng tấy khiến người bệnh không có khả năng nhấc chân. Một số trường hợp gây dị dạng khớp gối được quan sát thấy rõ ràng.
1.2. Trật khớp gối
Trật khớp gối có thể được phân thành hai loại, đó là vận tốc cao và vận tốc thấp. Trật khớp gối ở tốc độ cao thường do một lực mạnh chẳng hạn như tai nạn xe cộ, trong khi trật khớp gối vận tốc thấp thường xảy ra trong môi trường thể thao. Cụ thể là trật khớp gối xảy ra ở các vận động viên khi bàn chân đặt trên sàn và xảy ra chuyển động xoay hoặc đổi hướng nhanh chóng. Điều này thường gặp ở các môn thể thao như bóng đá, đạp xe, trượt tuyết, thể dục dụng cụ và nhảy xa.
Các triệu chứng của khớp gối bị trật là sưng nhanh chóng khiến đầu gối bị biến dạng rõ ràng, người bệnh đau dữ dội và sờ thấy xương bánh chè siêu di động.
1.3. Viêm bao hoạt dịch
Bao hoạt dịch khớp gối là những túi chứa đầy chất lỏng nằm gần khớp. Khi hoạt động, chúng sẽ giúp các khớp trơn tru và giúp giữ cho gân, dây chằng và cơ bắp không bị trầy xước xương.
Viêm bao hoạt dịch khớp gối xảy ra khi một hoặc nhiều bao bị kích thích, viêm hoặc tổn thương. Áp lực kéo dài, đòn chấn thương và chuyển động lặp đi lặp lại khi tham gia thể thao như chạy nhảy có thể gây ra ma sát khó chịu và dẫn đến viêm bao hoạt dịch. Điều này trở nên tồi tệ hơn nếu khớp đã được giữ ở một vị trí quá lâu.
Các dấu hiệu nhận biết của bệnh viêm bao hoạt dịch là cơn đau ban đầu sắc nhọn hoặc như dao đâm, sau đó là một cơn đau âm ỉ, nhức nhối, sưng ấm và đỏ ở mặt trước của đầu gối kèm theo khó duỗi thẳng hoặc uốn cong đầu gối.
1.4. Viêm gân khớp gối
Viêm gân khớp gối, điển hình là ở các vận động viên môn nhảy cầu, là một chấn thương đầu gối trong thể thao do sử dụng quá mức có đặc điểm là đầu gối bị ép nén cường độ cao liên tục. Các vận động viên thường mắc phải loại chấn thương này trong các môn thể thao mà việc nhảy hoặc tiếp đất nặng là phổ biến (ví dụ: bóng chuyền, bóng rổ, nhảy cầu, nhảy xa). Kiểu chấn thương đầu gối này cũng xảy ra khi đột ngột ép cơ thể vào các bài tập nhiều hơn hoặc tập luyện trên các bề mặt cứng như bê tông. Sự căng thẳng thêm lên gân dẫn đến những vết rách nhỏ làm viêm cơ.
Các triệu chứng của dạng chấn thương đầu gối này bao gồm cảm giác đau dưới xương bánh chè, nặng hơn khi nhảy, hạ cánh, chạy hoặc ngồi lâu và cảm giác yếu ở đầu gối.
1.5. Chấn thương dây chằng đầu gối
Dây chằng là những dải mô liên kết cứng bao quanh khớp để hỗ trợ và kiểm soát chuyển động. Chấn thương dây chằng, thường được gọi là bong gân đầu gối, thường xảy ra do chấn thương đầu gối khi chơi thể thao dẫn đến khớp gối không ổn định. Chúng cũng hạn chế rất nhiều cử động đầu gối. Trong đó, tổn thương dây chằng chéo trước rất thường gặp vì đây là dây chằng ở trung tâm của đầu gối điều khiển chuyển động quay và chuyển động về phía trước của xương ống chân.
Chấn thương dây chằng đầu gối sẽ có một tiếng nổ lớn hoặc tiếng bụp bụp ngay tại thời điểm bị thương, sau đó người bệnh bị đau đột ngột và dữ dội kèm theo đổi màu xanh đen quanh đầu gối, lỏng lẻo ở khớp, mất khả năng duy trì trọng lượng cơ thể hay dễ bị khuỵu gối hướng ra bên ngoài.
1.6. Hội chứng dải mạc đệm
Đường gân hay dải cơ là một dải mạc dày chạy dọc theo chiều dài bên ngoài của đùi xuống đến đầu ống chân. Đây là cấu trúc được tạo bởi các mô liên kết dạng sợi dày đặc kéo dài từ mào chậu và chèn vào đầu gối. Cùng với các cơ liên quan, dải mạc hỗ trợ chức năng mở rộng, thu gọn và xoay hông cho đầu gối.
Hội chứng dải mạc đệm cũng được coi là một dạng chấn thương đầu gối khi chơi thể thao, gây ra bởi động tác gập và duỗi đầu gối lặp đi lặp lại gây ra cơn đau ở bên đầu gối, thường là ở những người đi xe đạp và chạy bộ.
Các triệu chứng của hội chứng dải mạc đệm là đau khi sờ mặt ngoài của đầu gối hay đau kéo dài sau khi tập thể dục, đôi khi còn kèo theo cảm giác nóng và tấy đỏ quanh đầu gối.
1.7. Tổn thương sụn chêm
Sụn chêm là một lớp sụn hình lưỡi liềm ở đầu gối có tác dụng giảm xóc. Rách sụn chêm được coi là một chấn thương đầu gối phổ biến rộng rãi và có cơ chế thường do cú vặn người đột ngột hoặc chấn thương nghiêm trọng, đặc biệt là trong môi trường thể thao.
Các triệu chứng của chấn thương sụn chêm là đau khu trú ở bên giữa hoặc bên của đầu gối, giảm chức năng khớp gối khi đi lại hay chạy nhảy.
2. Những môn thể thao có xu hướng gây ra nhiều chấn thương đầu gối
Chấn thương đầu gối là nguy cơ có thể gặp phải ở các vận động viên từ nhiều môn thể thao khác nhau. Tuy nhiên, tình trạng này thực sự liên quan đến những môn thể thao có nhiều va chạm và mức độ va chạm mạnh hoặc bắt đầu nhanh và dừng lại hay đổi hướng. Trong đó, các môn thể thao liên quan đến việc xuất phát từ vị trí cao có thể dễ bị chấn thương đầu gối hơn.
Các loại thể thao này có thể bao gồm:
- Bóng rổ
- Bóng đá
- Thể dục dụng cụ
- Chạy
- Bóng đá.
3. Chấn thương đầu gối bao lâu thì khỏi?
May mắn thay, hầu hết các chấn thương đầu gối khi chơi thể thao có xu hướng tự lành với một chút nghỉ ngơi và chăm sóc tại nhà. Nhưng nếu cơn đau kéo dài trong vài ngày và dường như không cải thiện, hãy liên hệ với bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp để được đánh giá ban đầu. Khi đó, người bệnh có thể cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa y học thể thao hoặc chỉnh hình tùy theo đánh giá và chẩn đoán.
Tuy nhiên, với bất kỳ dạng chấn thương đầu gối trong thể thao xảy ra, các nguyên tắc xử trí sau đây cần được tuân thủ càng sớm càng tốt:
- Bảo vệ đầu gối: Đưa vận động viên ra khỏi buổi tập hay cuộc thi đấu bằng cách sử dụng nẹp hoặc nạng nếu cần thiết.
- Nghỉ ngơi: Tránh các môn thể thao có tác động mạnh. Hãy thử một môn thể thao nhẹ nhàng hơn như bơi lội hoặc đạp xe đạp trong khi vết thương có thời gian lành lại. Hãy thoải mái trở lại với môn thể thao của mình chỉ khi bắt đầu cảm thấy tốt hơn và tránh bị cám dỗ để lạm dụng nó.
- Chườm đá: Chườm đá trong 20-30 phút sau mỗi 2-4 giờ để giúp giảm đau và sưng tấy.
- Băng ép: Quấn đầu gối bằng băng ép hoặc tay áo đầu gối để giúp giảm sưng.
- Nâng cao: Đặt một chiếc gối dưới đầu gối để nâng cao vị trí chấn thương hơn tim, điều này cũng giúp giảm sưng.
Nếu chấn thương và cơn đau không cải thiện, bác sĩ chỉnh hình sẽ thiết kế một kế hoạch điều trị để giải quyết hiệu quả cơn đau và nguyên nhân cơ bản của chấn thương đầu gối với các phương hướng sau:
- Các bài tập vật lý trị liệu nhằm phục hồi chức năng khớp gối
- Can thiệp phẫu thuật sửa chữa hay chỉnh hình
- Nẹp đầu gối chức năng
- Các bài tập kéo giãn
Thời gian hồi phục sau chấn thương đầu gối sẽ tùy thuộc vào dạng chấn thương. Nếu chấn thương đầu gối khi chơi thể thao chỉ khu trú ở phần mềm, bằng cách bảo tồn phù hợp ngay từ đầu, người bệnh hoàn toàn có thể tham dự lại các buổi tập vài ngày sau đó. Tuy nhiên, nếu chấn thương đầu gối đòi hỏi các biện pháp can thiệp ngoại khoa, khớp gối đôi khi có thể cần tới 6 đến 8 tuần để hoàn thiện cấu trúc và hồi phục chức năng với các khóa tập trị liệu kèm theo.
4. Chấn thương đầu gối trong thể thao có thể ngăn ngừa được không?
Không có phương pháp nào để ngăn ngừa hoàn toàn chấn thương đầu gối khi chơi thể thao nhưng mọi vận động viên đều có thể giảm nguy cơ chấn thương đầu gối bằng cách:
- Mang giày phù hợp: Đây là một cách đơn giản và hiệu quả để bảo vệ chức năng khớp gối. Điều này cũng có thể giúp cải thiện dáng đi và tư thế.
- Khuyến khích bản thân tham gia các môn thể thao vì mục tiêu sức khỏe hơn là tranh đấu.
- Cân nhắc môi trường chơi: Chạy trên đường đua tổng hợp hoặc bề mặt mềm, đảm bảo rằng tất cả các sân chơi được bảo trì đúng cách và không có dị vật. Kiểm tra tất cả các sân bóng và dọn sạch các mảnh vụn đất đá hoặc lớp nước gây trơn trượt trước khi trận đấu, buổi tập bắt đầu.
- Tuân thủ các bài huấn luyện kỹ năng và rèn luyện sức mạnh cần thiết để sử dụng cơ thể một cách chính xác và tránh chấn thương.
Tóm lại, một cơn đau nhỏ do chấn thương đầu gối có thể trở nên nặng nề nhanh chóng vào hôm sau và để lại di chứng lâu dài. Vì vậy, những kiến thức này có thể giúp những người yêu thích thể thao trở nên chủ động trong việc ngăn ngừa và giải quyết các triệu chứng cũng như phòng ngừa chấn thương đầu gối khi chơi thể thao.