Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Gây mê hồi sức, giảm đau - Khoa Ngoại Tổng hợp & Gây mê - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Gây tê ngoài màng cứng là phương pháp vô cảm thường được sử dụng trong phẫu thuật cắt tử cung buồng trứng kèm tạo hình niệu quản nhằm ức chế các dẫn truyền thần kinh tại vùng do rễ thần kinh chi phối. Khi chỉ định gây tê ngoài màng cứng trong loại phẫu thuật này, cần chú ý một số chống chỉ định và tai biến có thể xảy ra nhằm xử trí kịp thời.
1. Gây tê ngoài màng cứng là gì?
Gây tê trong phẫu thuật cắt tử cung buồng trứng kèm tạo hình niệu quản thường sử dụng gây tê ngoài màng cứng hoặc tê kết hợp tê tủy sống và tê ngoài màng cứng. Đây là kỹ thuật gây tê vùng được thực hiện bằng cách tiêm thuốc tê vào khoang dưới nhện và khoang ngoài màng cứng hoặc chỉ bơm vào khoang ngoài màng cứng nhằm ức chế tạm thời dẫn truyền thần kinh theo phân đoạn qua các rễ thần kinh giúp đáp ứng yêu cầu vô cảm thể phẫu thuật và giảm đau.
2. Gây tê ngoài màng cứng được chỉ định khi nào?
Phương pháp gây tê ngoài màng cứng sẽ được chỉ định trong một số trường hợp sau:
- Phẫu thuật cắt tử cung buồng trứng kèm tạo hình niệu quản trên bệnh nhân có ung thư đường sinh dục xâm lấn vào bàng quang
- Bệnh nhân có chống chỉ định tương đối đối với gây mê nội khí quản như Mallampati 3 hoặc 4, có sẹo co rút vùng mặt cổ hạn chế mở miệng, lao phổi tiến triển, viêm thanh quản cấp, viêm đường hô hấp trên, phình động mạch chủ.
- Giúp giảm đau sau mổ
3. Các chống chỉ định cần lưu ý của gây tê ngoài màng cứng
Cần lưu ý một số chống chỉ định sau trước khi lựa chọn phương pháp gây tê ngoài màng cứng:
- Không có sự đồng ý của bệnh nhân
- Bệnh nhân dị ứng thuốc tê
- Có sự viêm nhiễm vùng chọc kim gây tê
- Thiếu khối lượng tuần hoàn chưa bù đủ, sốc
- Bệnh nhân có rối loạn đông máu
- Dừng các thuốc chống đông chưa đủ thời gian
- Hẹp van hai lá khít, van động mạch chủ khít
- Suy tim nặng mất bù
4. Những vấn đề cần theo dõi sau khi gây tê ngoài màng cứng
Sau khi gây tê ngoài màng cứng thành công trong phẫu thuật cắt tử cung buồng trứng kèm tạo hình niệu quản thì bệnh nhân cần được theo dõi các dấu hiệu sau:
- Dấu hiệu sinh tồn gồm: Tri giác, mạch, huyết áp động mạch, điện tim, độ bão hòa oxy mao mạch
- Mức độ phong bế cảm giác và vận động
- Các tác dụng không mong muốn của gây tê ngoài màng cứng và gây tê tủy sống
5. Những tai biến và xử trí thích hợp
Một số tai biến và cách xử trí trong các trường hợp gây tê ngoài màng cứng gồm:
- Dị ứng, sốc phản vệ với thuốc tê: Dừng thuốc tê ngay và sử dụng phác đồ chống sốc phản vệ theo Bộ y tế
- Ngộ độc thuốc tê do tiêm nhầm vào mạch máu: Dừng thuốc tê, chống co giật, cấp cứu hồi sức hô hấp, tuần hoàn, truyền intralipid khi ngộ độc thuốc tê nhóm bupivacain và bupivacain
- Thủng màng cứng: Rút kim chuyển vị trí chọc khác hoặc chuyển phương pháp vô cảm
- Hạ huyết áp, mạch chậm: Điều trị bằng thuốc co mạch, atropin và bù dịch
- Đau đầu: nằm bất động, bù dịch, sử dụng thuốc giảm đau, vá màng cứng bằng máu tự thân
- Buồn nôn và nôn: Kiểm soát huyết áp, sử dụng thuốc chống nôn
- Bí tiểu: Chườm ấm, đặt ống thông bàng quang nếu cần
- Khi gây tê thất bại cần chuyển phương pháp vô cảm
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.