Gây tê ngoài màng cứng: Biến chứng, chống chỉ định

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Gây mê hồi sức, giảm đau - Khoa Ngoại Tổng hợp & Gây mê - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Phương pháp gây tê ngoài màng cứng hiện đang là phương pháp hữu hiệu nhất trong việc giảm thiểu các cơn đau trong khi chuyển dạ, được các sản phu tin tưởng và lựa chọn. Tuy nhiên, gây tê ngoài màng cứng vẫn tiềm ẩn những rủi ro nhất định, có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người mẹ.

1. Tìm hiểu chung về phương pháp gây tê ngoài màng cứng

Gây tê ngoài màng cứng là phương pháp hiệu quả, hỗ trợ những trường hợp sản phụ nhạy cảm, không chịu đựng được các cơn đau. Phương pháp gây tê này được thực hiện bằng cách bác sĩ đưa thuốc tê vào vùng khoang ngoài tủy, hay còn được gọi là ngoài màng cứng. Nó có tác dụng gây tê từ đốt sống L4-5 trở xuống, giúp giảm thiểu các cơn đau của người mẹ trong quá trình chuyển dạ. Cần lưu ý phương pháp này chỉ giúp ức chế các cơn đau, không ức chế khả năng vận động của sản phụ và cơn co tử cung vẫn xuất hiện bình thường.

Một trong những ưu điểm khi áp dụng biện pháp gây tê ngoài màng cứng là giảm thiểu nguy cơ hạ huyết áp trong quá trình chuyển dạ hơn so với phương pháp gây tê tủy sống. Ngoài ra, gây tê ngoài màng cứng còn giúp tối ưu hóa kỹ thuật gây mê trong sinh mổ.

Gây tê ngoài màng cứng có thể áp dụng trong cả trường hợp sinh mổ hay sinh thường.

2. Biến chứng của gây tê ngoài màng cứng

Mặc dù biện pháp gây tê ngoài màng cứng mang lại những lợi ích tuyệt vời trong quá trình hỗ trợ sinh sản, tuy nhiên nó vẫn tiềm ẩn những biến chứng không mong muốn, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người mẹ.

2.1 Tụt huyết áp


Gây tê ngoài màng cứng có thể dẫn đến hạ huyết áp
Gây tê ngoài màng cứng có thể dẫn đến hạ huyết áp

Đây là biến chứng thường gặp nhất sau khi gây tê ngoài màng cứng. Trong trường hợp sản phụ xuất hiện triệu chứng buồn nôn sau khi gây tê, cần theo dõi chặt chẽ, nếu xuất hiện hiện tượng hạ huyết áp cần được xử lý kịp thời, thông thường sẽ được điều trị bằng dịch truyền và thuốc co mạch.

2.2 Ức chế lên cao

Một số trường hợp, do sử dụng lượng thuốc tê lớn ở ngoài màng cứng, có thể dẫn đến hiện tượng mất cảm giác ở phần ngực, chi phối các cơ quan thần kinh điều khiển hoạt động của cánh tay, thậm chí gây ức chế hoạt động dây thần kinh cơ quan sườn. Nếu tình trạng chuyển biến xấu, sản phụ cần được đặt ống nội khí quản để thông khí và điều hòa huyết áp.

2.3 Ngộ độc thuốc tê

Đây là hậu quả của việc sử dụng quá liều thuốc tê tại khoang ngoài màng cứng hoặc do catheter vô tình luồn vào mạch máu trong quá trình tiêm gây nhiễm độc. Vì vậy, cần chú ý hút catheter trước khi tiêm thuốc tê. Ngoài ra, nếu sản phụ xuất hiện các triệu chứng đau đầu, run, co giật trong quá trình tiêm thì cần dừng ngay việc tiêm thuốc tê lại và điều trị bằng thông khí, sử dụng thuốc an thần chống co giật, điều trị theo phác đồ ngộ độc thuốc tê nếu xác định có ngộ độc thuốc tê,có thể tiến hành hồi sinh tim nếu cần.

2.4 Chọc thủng màng cứng

Đây là một biến chứng hiếm gặp, tuy nhiên vẫn có thể xảy ra nếu bác sĩ tiến hành gây tê chưa có kinh nghiệm. Triệu chứng này rất dễ nhận ra khi thấy xuất hiện máu ở đầu kim. Thủng màng cứng có nguy cơ gây đau đầu, điển hình là đau vùng chấm gáy, trước trán, đau hơn khi vận động. Đối với trường hợp nhẹ có thể áp dụng biện pháp cơ bản như uống thuốc giảm đau, bù dịch. Trường hợp nặng có thể cân nhắc điều trị bằng biện pháp vá màng cứng bằng máu tự thân.

2.5 Tụ máu ngoài màng cứng

Tụ máu ngoài màng cứng cũng là một biện chứng hiếm gặp, tuy nhiên lại là một biến chứng cực kỳ nguy hiểm. Nó xảy ra khi thuốc tê được tiêm vào các mạch máu ở khoang ngoài màng cứng gây xuất huyết máu, dẫn đến phát triển nhanh thành các khối máu tụ chèn lên tủy sống, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến nguy cơ liệt hai chi dưới. Cần theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu lâm sàng sau gây tê ngoài màng cứng để phát hiện sớm c ác biến chứng có thể có để xử trí kịp thời.

2.6 Nhiễm khuẩn

Vi khuẩn có thể xâm nhập vào khoang ngoài màng cứng nếu quá trình gây tê không tuân thủ quy trình vô trùng. Cơ thể sản phụ khi bị nhiễm khuẩn có thể xuát hiện các triệu chứng như sốt, bạch cầu tăng; nếu không điều trị kịp thời có thể gây viêm màng não.

2.7 Gây tê ngoài màng cứng thất bại

Việc thất bại trong gây tê ngoài màng cứng có nhiều nguyên do, nhưng quan trọng nhất là tay nghề của bác sĩ thực hiện. Gây tê thất bại khiến cho một số hệ thần kinh chưa ngấm thuốc tê, từ đó làm giảm hiệu quả việc hạn chế các cơn đau cho sản phụ.

3. Chống chỉ định gây tê ngoài màng cứng


Chống chỉ định gây tê màng cứng khi đang sử dụng thuốc làm loãng máu
Chống chỉ định gây tê màng cứng khi đang sử dụng thuốc làm loãng máu

Một số trường hợp chống chỉ định thực hiện phương pháp gây tê ngoài màng cứng

  • Sản phụ mắc bệnh huyết áp thấp
  • Xuất hiện hiện tượng chảy máu, nhiễm trùng máu
  • Viêm lỗ chân lông, viêm da dẫn đến hiện tượng nhiễm trùng da khi thực hiện chọc kim
  • Có triệu chứng dị ứng với thuốc tê
  • Sử dụng thuốc làm loãng máu

Gây tê ngoài màng cứng là biện pháp giảm đau hiệu quả nhất hiện nay đang được áp dụng, tuy nhiên để hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm có thể gặp, sản phụ cần phải xem xét lựa chọn cơ sở y tế đảm bảo, uy tín để tiến hành phương pháp giảm đau này.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe