Gây mê toàn diện là gì?

Bài viết bởi Bác sĩ Nguyễn Tất Bình - Khoa Gây mê phẫu thuật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Gây mê toàn thân là phương pháp vô cảm với mục đích khiến cho người bệnh mất cảm giác, ý thức, các phản xạ một khoảng thời gian tạm thời bằng cách sử dụng thuốc mê tác động lên hệ thần kinh trung ương.

1. Gây mê toàn diện như thế nào?

Gây mê toàn diện hay gây mê toàn thân (General Anesthesia) là một thuật ngữ để chỉ tình trạng bệnh nhân ngủ sâu, không đau, có hoặc không dãn cơ và được các bác sĩ gây mê kiểm soát hoàn toàn trong suốt quá trình phẫu thuật. Gây mê toàn diện là một trong những kỹ thuật được sử dụng phổ biến cho các phẫu thuật lớn như phẫu thuật tim, phẫu thuật gan và các phẫu thuật cần phải kiểm soát hô hấp như phẫu thuật nội soi ổ bụng hay lồng ngực...

Đối với kỹ thuật này, các bác sĩ gây mê thông thường sẽ thiết lập một đường truyền tĩnh mạch và qua đó sẽ cho các thuốc gây ngủ, thuốc giảm đau và có thể là các thuốc giãn cơ để đưa bệnh nhân vào một giấc ngủ êm ái. Kỹ thuật gây mê cân bằng với sự phối hợp của ba nhóm thuốc gây mê – giảm đau – giãn cơ sẽ giúp phát huy tác dụng hiệp đồng và giảm thiểu các tác dụng phụ của thuốc. Đối với trẻ em, các bác sĩ thường sẽ sử dụng thuốc mê hô hấp (khí mê) bằng cách sử dụng mặt nạ (mask) để cung cấp khí mê giúp trẻ ngủ êm trước khi đặt đường truyền tĩnh mạch để sử dụng các thuốc khác. Trong kỹ thuật này, các bác sĩ gây mê cũng thường sử dụng ống nội khí quản hoặc mặt nạ thanh quản để kiểm soát đường thở và giúp bệnh nhân thở bằng máy.


Sử dụng mặt nạ thanh quản đảm bảo đường thở cho bệnh nhân
Sử dụng mặt nạ thanh quản đảm bảo đường thở cho bệnh nhân

Trong suốt quá trình gây mê toàn diện, các bác sĩ sẽ theo dõi mạch, huyết áp, nhịp tim, nhịp thở... để đảm bảo chức năng sinh tồn của bệnh nhân. Ngoài ra, các bác sĩ gây mê còn theo dõi chuyên sâu về mức độ mê, theo dõi mức độ đau, mức độ dãn cơ để đảm bảo bệnh nhân không bị thức tỉnh, không đau trong lúc phẫu thuật.

Khi kết thúc phẫu thuật, các bác sĩ gây mê sẽ ngưng thuốc gây mê và có thể sử dụng thêm các thuốc trung hòa (ví dụ thuốc hóa giải giãn cơ) để đảm bảo bệnh nhân tỉnh táo trở lại và không bị ảnh hưởng bởi sự tồn dư của thuốc. Thông thường, các bác sĩ gây mê sẽ rút ống nội khí quản và trả bệnh nhân về trạng thái ban đầu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nặng, phẫu thuật kéo dài thì bệnh nhân phải tiếp tục lưu lại ống nội khí quản và thở bằng máy để tiếp tục hồi sức ở các khu chăm sóc tích cực (ICU).


Theo dõi để đảm bảo sức khỏe bệnh nhân trong suốt quá trình gây mê
Theo dõi để đảm bảo sức khỏe bệnh nhân trong suốt quá trình gây mê

2. Cần lưu ý gì khi được gây mê toàn diện?

Để gây mê toàn diện được an toàn, bệnh nhân nên được khám và tư vấn trước gây mê. Bệnh nhân cần lưu ý các tiền sử liên quan đến gây mê phẫu thuật trước đây của mình (ví dụ tiền sử dị ứng thuốc, đường thở khó) để cung cấp cho bác sĩ. Tiền sử dùng thuốc cũng rất quan trọng, cần được thông báo cho các bác sĩ gây mê để có thể tránh được các tương tác với các thuốc gây mê. Ngoài ra, bệnh nhân cần tuân thủ các hướng dẫn nhịn ăn trước phẫu thuật để tránh các nguy cơ hít sặc thức ăn vào phổi khi gây mê.

Sau khi gây mê toàn diện, bệnh nhân thường có những cảm giác như đau, buồn nôn, nôn, đau họng. Bệnh nhân không quá lo lắng vì các bác sĩ gây mê sẽ hướng dẫn và xử lí các triệu chứng này. Một số trường hợp phẫu thuật bệnh nhân có thể ra về trong ngày, một số ảnh hưởng thuốc gây mê vẫn còn kéo dài gây cảm giác buồn ngủ, vì vậy bệnh nhân thường được khuyên không nên vận hành máy móc, tự lái xe về nhà hay ký các giấy tờ quan trọng khác.


Buồn nôn là triệu chứng hoàn toàn bình thường sau phẫu thuật
Buồn nôn là triệu chứng hoàn toàn bình thường sau phẫu thuật

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện áp dụng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn thực hành gây mê phẫu thuật an toàn theo các hướng dẫn quốc tế. Với một đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng gây mê giàu kinh nghiệm, cùng với các trang thiết bị hiện đại như máy dò thần kinh, máy siêu âm, hệ thống kiểm soát đường thở khó của Karl Storz, hệ thống theo dõi gây mê toàn diện AoA (Adequate of Anesthesia) của GE bao gồm theo dõi độ mê, độ đau và độ giãn cơ sẽ mang lại chất lượng cao và an toàn, giúp bệnh nhân gây mê vừa đủ, không thức tỉnh, không tồn dư thuốc giãn cơ sau mổ. Hệ thống Y tế Vinmec cũng tự hào là bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam ký kết với Hiệp hội Gây mê Thế giới (WFSA) hướng đến mục tiêu trở thành bệnh viện an toàn nhất về gây mê phẫu tại Đông Nam Á.

Quý khách có nhu cầu khám bệnh bằng các phương pháp hiện đại, đạt hiệu quả cao tại Vinmec vui lòng đăng ký khám TẠI ĐÂY.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe