Gây mê nội khí quản mổ lấy thai ở bà bầu không có bệnh lý kèm theo

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Lê Minh Việt - Bác sĩ Gây mê - Khoa Ngoại Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Phương pháp gây mê nội khí quản mổ lấy thai được chỉ định cho các trường hợp sản phụ đẻ mổ bình thường nhưng có nguy cơ tai biến cao nếu có rau tiền đạo, rau cài răng lược hoặc có triệu chứng tiền sản giật.

1. Ưu điểm gây mê nội khí quản mổ lấy thai

Gây mê là phương pháp giúp bệnh nhân nằm yên, không lo lắng, không đau, đảm bảo sự an toàn của người bệnh trong suốt quá trình phẫu thuật (vì đau đớn, sợ hãi quá mức chịu đựng có thể dẫn tới phản xạ ngừng tim, gây tử vong). Vì vậy, gây mê luôn song hành với phẫu thuật.

Gây mê nội khí quản là kỹ thuật gây mê toàn thân, thực hiện bằng cách đặt một ống thông bằng chất dẻo hoặc cao su đi từ miệng vào trong khí quản của bệnh nhân. Mục đích của gây mê nội khí quản là kiểm soát hô hấp của người bệnh trong suốt quá trình phẫu thuật và hồi sức sau phẫu thuật. Kỹ thuật gây mê này đang được áp dụng rộng rãi trong nhiều ca phẫu thuật khác nhau, bao gồm cả phẫu thuật mổ lấy thaibà bầu khỏe mạnh.


Gây mê nội khí quản là kỹ thuật gây mê toàn thân
Gây mê nội khí quản là kỹ thuật gây mê toàn thân

Như vậy, khi thực hiện gây mê nội khí quản, bệnh nhân sẽ mất tri giác tạm thời dưới tác dụng của một hoặc nhiều loại thuốc gây mê. Điều này đồng nghĩa với việc trong quá trình mổ lấy thai, sản phụ sẽ ngủ không biết gì. Khi tỉnh dậy, sản phụ cũng không nhớ về quá trình mổ nên sẽ không có tâm lý sợ hãi.

2. Quy trình gây mê nội khí quản mổ lấy thai ở bà bầu khỏe mạnh

2.1 Chỉ định

Gây mê mổ lấy thai ở các bệnh nhân:

2.2 Chống chỉ định

Phương pháp gây mê nội khí quản chống chỉ định với bệnh nhân bị dị ứng thuốc gây mê.

2.3 Chuẩn bị trước khi gây mê

  • Nhân sự thực hiện: Bác sĩ gây mê hồi sức và một kỹ thuật viên phụ mê;
  • Phương tiện kỹ thuật: Máy gây mê, đèn đặt khí quản, máy hút, ống nội khí quản các cỡ 6 - 7.5, mask thanh quản các cỡ (trong trường hợp tiên lượng đặt nội khí quản khó); ống hút nội khí quản, canuyn Mayo; bơm tiêm 10ml để bơm bóng chèn ống nội khí quản; bơm tiêm 5 - 10 - 20ml để tiêm thuốc mê, thuốc họ morphin và thuốc giãn cơ;
  • Các loại thuốc: Một số loại thuốc sử dụng gây mê; thuốc giảm đau; dịch truyền các loại; thuốc sử dụng trong hồi sức cấp cứu nếu cần;
  • Bệnh nhân: Được giải thích về kỹ thuật để người bệnh phối hợp với bác sĩ khi khởi mê và hồi tỉnh; nên nhịn ăn uống trước mổ 6 giờ;
  • Hồ sơ bệnh án: Ký giấy cam đoan phẫu thuật, đủ các loại giấy tờ xét nghiệm cơ bản về đông máu, công thức máu, điện tim, chức năng gan, thận, X-quang tim phổi.

Bệnh nhân nên nhịn ăn uống trước mổ 6 giờ
Bệnh nhân nên nhịn ăn uống trước mổ 6 giờ

2.4 Tiến hành gây mê nội khí quản

  • Kiểm tra bệnh án, đảm bảo có đủ các loại giấy tờ cần thiết gồm giấy cam đoan phẫu thuật, biên bản hội chẩn phẫu thuật, các xét nghiệm cơ bản, ...
  • Kiểm tra người bệnh: Khám lại tim phổi, tiên lượng nguy cơ đặt nội khí quản khó, cho bệnh nhân uống 2 viên sủi Ranitidin 300mg trước khi khởi mê
  • Đặt đường truyền tĩnh mạch ngoại vi có cỡ 18 - 20G, bắt đầu truyền dung dịch Ringer Lactat hoặc Ringerfundin
  • Đặt máy theo dõi liên tục về các chỉ số mạch, huyết áp, tần số thở, bão hòa oxy mao mạch, áp lực CO2 cuối thì thở ra,... Cần cài đặt các thông số máy mê phù hợp với từng bệnh nhân
  • Đặt tư thế bàn mổ nghiêng sang bên trái khoảng 5 - 10°
  • Cho thai phụ thở oxy nhằm làm tăng dự trữ oxy trước khi khởi mê
  • Sát trùng, trải toan mổ xong, kíp phẫu thuật đã sẵn sàng thì thực hiện khởi mê
  • Tiến hành khởi mê nhanh:
    • Ấn sụn nhân nếu bệnh nhân có dạ dày đầy
    • Tiêm thuốc mê Diprivan với liều 2,5 mg/kg
    • Khi bệnh nhân đã mất tri giác thì tiêm giãn cơ ngắn Succinylcholin với liều lượng 1mg/kg. Trường hợp chống chỉ định với giãn cơ ngắn thì có thể sử dụng thuốc khác với liều lượng phù hợp
    • Đặt nội khí quản sau 1 phút, bơm bóng chèn ống nội khí quản, xác định ống đúng vị trí thì ngừng ấn sụn nhẫn
    • Cố định ống nội khí quản, cho bệnh nhân thở máy, duy trì mê bằng thuốc mê hô hấp Isoflurane, Sevoflurane hoặc Diprivan với liều lượng phù hợp
    • Đặt sonde dạ dày
    • Sát trùng và phẫu thuật
    • Theo dõi sát các thông số của bệnh nhân về huyết áp, mạch, bão hòa oxy mao mạch, đặc biệt là CO2 cuối thì thở ra và các thông số của máy thở (tần số, áp lực đường thở),...
    • Giữ huyết áp tâm thu trên 80% huyết áp nền bằng cách truyền dịch, ephedrine. Nếu bệnh nhân có mạch chậm giảm 20% so với tần số mạch trước gây mê thì thực hiện tiêm tĩnh mạch Atropin 0.5mg, có thể tiêm nhắc nếu không cải thiện với liều tối đa 3mg
    • Sau khi kẹp rốn sơ sinh thì giảm liều thuốc mê, sử dụng các thuốc giảm đau fentanyl, sufentanil với liều phẫu thuật
    • Tiêm kháng sinh dự phòng (có thể tiêm kháng sinh trước khi kẹp cuống rốn sơ sinh)
    • Cho bệnh nhân sử dụng thuốc co tử cung: Truyền Oxytocin tĩnh mạch (không tiêm tĩnh mạch vì có thể gây hạ huyết áp) sau khi cặp cuống rốn
    • Điều trị giảm đau sau mổ
    • Theo dõi sát các thông số của bệnh nhân về huyết áp, mạch, bão hòa oxy mao mạch, đặc biệt là CO2 cuối thì thở ra
    • Tiến hành gây tê cơ vuông thắt lưng 2 bên để giảm đau sau mổ trước khi tiến hành rút ống nội khí quản
    • Cho bệnh nhân tập thở qua ống nội khí quản, hút sạch dịch dạ dày trước khi rút ống, thực hiện rút nội khí quản khi người bệnh tỉnh, thở tốt, có thể hoạt động theo lệnh, huyết áp, mạch ổn định và hết tác dụng của thuốc giãn cơ
  • Theo dõi ở phòng hồi tỉnh:
    • Cho người bệnh thở oxy qua mũi với lưu lượng 3 - 5 lít/phút
    • Theo dõi huyết áp, mạch, bão hòa oxy mao mạch, tình trạng chảy máu, nhiệt độ, các dẫn lưu nếu có, lượng sản dịch, nước tiểu và độ co hồi tử cung.

2.5 Tai biến và cách xử trí sau gây mê nội khí quản mổ lấy thai

Rối loạn huyết động: Tăng hoặc hạ huyết áp, rối loạn nhịp tim (nhịp nhanh, nhịp chậm hoặc loạn nhịp): Xử trí tùy thuộc nguyên nhân và triệu chứng


Tăng hoặc hạ huyết áp, rối loạn nhịp tim là các tai biến sau gây mê nội khí quản mổ lấy thai
Tăng hoặc hạ huyết áp, rối loạn nhịp tim là các tai biến sau gây mê nội khí quản mổ lấy thai
  • Trào ngược dịch dạ dày vào đường thở: Có biểu hiện là có dịch tiêu hóa trong khoang miệng và đường thở của bệnh nhân. Để xử trí, bác sĩ thực hiện hút sạch dịch ngay; cho bệnh nhân nằm thấp đầu, nghiêng đầu sang một bên; đặt nhanh ống nội khí quản và hút sạch dịch trong đường thở; sau đó theo dõi, đề phòng nhiễm trùng phổi sau mổ
  • Tai biến do đặt nội khí quản:
    • Không đặt được ống nội khí quản: Có thể chuyển phương pháp vô cảm khác hoặc xử trí theo quy trình đặt ống nội khí quản khó
    • Chấn thương khi đặt ống: Bao gồm gãy răng, chảy máu, tổn thương dây thanh âm hoặc rơi dị vật vào đường thở. Bác sĩ sẽ xử trí tùy theo nguyên nhân gây tổn thương
    • Đặt ống nhầm vào dạ dày: Biểu hiện bằng tình trạng nghe phổi không có rì rào phế nang và không đo được EtCO2. Cách xử lý là đặt lại ống nội khí quản
    • Co thắt thanh - khí - phế quản: Bệnh nhân có biểu hiện khó hoặc không thể thông khí, khi nghe phổi thấy tiếng ran rít hoặc phổi câm. Để xử trí, cần cung cấp oxy đầy đủ cho bệnh nhân, cho họ dùng thêm thuốc ngủ và thuốc giãn cơ, dùng thêm thuốc giãn phế quản và corticoid, đảm bảo thông khí. Nếu không kiểm soát được hô hấp thì cần xử trí theo quy trình đặt ống nội khí quản khó
  • Biến chứng về hô hấp: Gồm các tình trạng gập, tụt hoặc ống nội khí quản bị đẩy sâu vào trong 1 phổi, hết nguồn oxy, tụt hoặc hở hệ thống hô hấp, soda hết tác dụng dẫn tới thiếu oxy và ưu thán. Cách xử trí là đảm bảo thông khí ngay, cung cấp oxy 100% cho bệnh nhân, đồng thời tìm và giải quyết nguyên nhân gây ra các biến chứng này một cách triệt để
  • Biến chứng sau rút ống nội khí quản: Gồm các biến chứng thường gặp là đau họng khàn tiếng, viêm đường hô hấp trên, suy hô hấp, co thắt thanh - khí - phế quản, hẹp thanh - khí quản,... Việc xử trí sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân, triệu chứng gây ra.

Để giảm thiểu rủi ro khi thực hiện gây mê nội khí quản mổ lấy thai, thai phụ cần tuân thủ mọi hướng dẫn của bác sĩ trước, trong và sau quá trình gây mê.

Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với sự toàn diện cả về trình độ chuyên môn, cơ sở vật chất và chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp đã thực hiện rất thành công kỹ thuật gây mê nội khí quản phẫu thuật trong mổ lấy thai.

Gây mê nội khí quản trong mổ lấy thai tại Vinmec có nhiều ưu điểm:

  • Tỷ lệ thành công cao ≥ 95%, tỷ lệ biến chứng ≤ 5%, đảm bảo an toàn phẫu thuật mổ lấy thai; góp phần thành công trong phẫu thuật mổ lấy thai có bệnh lý.
  • Phòng mổ hiện đại : Phòng mổ áp lực âm đảm bảo vô khuẩn cao, hệ thống máy gây mê, máy monitoring theo dõi bệnh nhân trong mổ hiện đại
  • Sở hữu các bác sĩ gây mê có nhiều kinh nghiệm trong gây mê Sản khoa.

Bác sĩ chuyên khoa II Lê Minh Việt đã có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Gây mê - Hồi sức, trong đó có hơn 2 năm là chuyên gia Y tế tại Yemen và nguyên là Trưởng khoa Gây mê Hồi sức - Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội. Hiện bác sĩ Lê Minh Việt đang là bác sĩ gây mê, Đơn nguyên gây mê - phòng mổ, bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe