Người già thường bị loãng xương nên xương khá giòn và dễ gãy. Một trong những dạng gãy xương hay gặp ở người lớn tuổi là gãy cổ xương đùi. Chấn thương này có thể xảy ra ngay cả khi người bệnh bị té ngã nhẹ.
1. Gãy cổ xương đùi ở người già - tình trạng thường gặp
Người lớn tuổi đi trên nền trơn, bị ngã dập mông xuống đất và sau đó thấy đau vùng háng, không thể đứng lên được thì có thể đã bị gãy cổ xương đùi. Đây là một trong những loại gãy xương thường gặp nhất ở người lớn tuổi. Theo thống kê, có tới 90% trường hợp gãy cổ xương đùi gặp ở người trên 50 tuổi. Chấn thương này được đánh giá là khá nặng, khó liền xương và thường dẫn tới nhiều biến chứng khó lường.
Gãy cổ xương đùi ở người già nếu không được điều trị kịp thời thì có thể dẫn đến tử vong do các biến chứng như loét da vùng lưng, viêm phổi, nhiễm trùng đường tiểu (vì người bệnh phải nằm yên một chỗ, không đi lại được). Đây cũng là nguyên nhân chính gây tàn phế và suy giảm tuổi thọ của những người lớn tuổi. Theo thống kê, gần 50% người cao tuổi bị gãy cổ xương đùi nếu không điều trị phẫu thuật sẽ tử vong trong vòng 2 năm đầu sau khi bị gãy xương.
2. Điều trị thay khớp háng nhân tạo cho người già bị gãy cổ xương đùi
2.1 Lợi ích khi thay khớp háng nhân tạo
Có nhiều phương pháp điều trị gãy cổ xương đùi như xuyên đinh qua da, bó bột chống xoay, đóng đinh Gamma,... nhưng chúng lại không phù hợp với người bệnh lớn tuổi, bị loãng xương. Do đó, phương pháp điều trị tốt nhất cho người lớn tuổi trong trường hợp này là thay khớp háng nhân tạo để bệnh nhân có thể cử động khớp háng bình thường mà không bị đau, có thể đứng lên, khôi phục vận động và tránh được những biến chứng gây nguy hiểm tới tính mạng.
Hiện có 2 phương pháp thay khớp háng nhân tạo đang được áp dụng rộng rãi là:
- Thay khớp háng bán phần: Chỉ thay phần chỏm xương đùi, áp dụng cho bệnh nhân có phần ổ cối còn nguyên vẹn;
- Thay khớp háng toàn phần: Thay cả phần chỏm xương đùi và ổ cối xương chậu, áp dụng cho bệnh nhân trẻ tuổi hơn và bị tổn thương ổ cối.
2.2 Lưu ý sau phẫu thuật thay khớp háng
- Sau phẫu thuật 1 ngày, bệnh nhân được hướng dẫn tập hít thở sâu để giảm dịch ứ đọng trong phổi, ngồi ở mép giường, đứng lên hoặc tập đi dưới sự trợ giúp của người thân;
- Trong thời gian nằm viện, người bệnh được hướng dẫn tập thể dục (co duỗi các cơ giúp làm vững khớp háng, đứng lên - ngồi xuống, cúi gập,...);
- Sau khi nằm viện 3 - 5 ngày, bệnh nhân sẽ được xuất viện;
- Sau khi thay khớp háng nhân tạo, người bệnh có thể đi đứng, sinh hoạt như bình thường nhưng cần tránh ngồi vắt chéo chân, ngồi xổm, lao động nặng hoặc tập thể thao nặng (tennis, nhảy cao, nhảy xa, bóng chuyền, bóng rổ,...).
3. Biện pháp phòng ngừa chấn thương gãy cổ xương đùi ở người già
Để giảm nguy cơ gãy cổ xương đùi, những gia đình có người lớn tuổi nên chú ý:
- Đảm bảo sàn nhà luôn khô ráo, có thảm chống trơn; đồ đạc trong nhà gọn gàng; trang phục của người già không quá dài hoặc vướng víu,... để tránh nguy cơ té ngã, gãy xương;
- Điều trị kiểm soát tốt các bệnh lý ở người lớn tuổi như cao huyết áp, suy giảm thị lực, rối loạn thăng bằng, bệnh xương khớp,...;
- Trang bị gậy chống, khung hỗ trợ di chuyển cho người lớn tuổi;
- Đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, bổ sung đầy đủ vitamin D và canxi để giảm nguy cơ loãng xương;
- Khuyến nghị người già nên hạn chế hút thuốc lá, uống rượu bia, nên tích cực vận động thể dục thể thao;
- Người cao tuổi khi sử dụng thuốc điều trị cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh gây ảnh hưởng tới xương khớp.
Khi người cao tuổi trong nhà có biểu hiện gãy cổ xương đùi, người thân nên ngay lập tức đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế chuyên khoa để được kiểm tra, tư vấn và can thiệp điều trị hiệu quả. Điều này giúp giảm tối đa nguy cơ xảy ra các biến chứng có thể đe dọa tới tính mạng bệnh nhân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.