Gan nhiễm mỡ độ nặng là giai đoạn cuối cùng của bệnh gan nhiễm mỡ, khi lượng mỡ tích tụ trong gan đã vượt quá mức báo động, gây tổn thương nghiêm trọng đến chức năng của gan. Khi bệnh chuyển biến nặng, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng như mệt mỏi, chán ăn, đau tức vùng gan, vàng da, vàng mắt, phù chân, thậm chí là suy gan.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BSCK I Võ Thị Thùy Trang - bác sĩ Nội soi tiêu hóa tại khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
1. Gan nhiễm mỡ là gì?
Ở người bình thường không bị gan nhiễm mỡ, lá gan chỉ chứa khoảng 3 - 5% mỡ. Khi lượng mỡ trong gan vượt quá 5% thì sẽ phát sinh bệnh gan nhiễm mỡ. Bệnh gan nhiễm mỡ độ nặng là mức độ cuối cùng của bệnh, tương ứng với giai đoạn 3. Việc phân loại các cấp độ gan nhiễm mỡ dựa trên tỉ lệ mỡ thừa trong gan.
2. Nguyên nhân dẫn đến gan nhiễm mỡ độ nặng là gì?
Ngày nay, tình trạng gan nhiễm mỡ độ nặng xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có các yếu tố liên quan đến lối sống, thói quen hàng ngày và chế độ dinh dưỡng.
Hơn nữa, việc chẩn đoán bệnh muộn, khiến bệnh tiến triển âm thầm cho đến giai đoạn cuối, là yếu tố chủ chốt gây ra gan nhiễm mỡ độ nặng. Một số nguyên nhân phổ biến của tình trạng này bao gồm:
- Chế độ ăn uống không lành mạnh, tiêu thụ nhiều chất béo và dầu mỡ, đặc biệt là mỡ từ động vật.
- Lối sống thiếu lành mạnh, lười vận động, ít tập thể dục.
- Sử dụng chất kích thích thường xuyên như hút thuốc và tiêu thụ nhiều rượu bia.
- Cân nặng không bình thường như thừa cân, béo phì hoặc suy dinh dưỡng.
- Nhiễm các loại virus gây viêm gan.
- Biến chứng từ những bệnh lý khác như rối loạn chuyển hóa lipid máu, tiểu đường,...
- Yếu tố di truyền hoặc rối loạn hormone.
3. Phân độ, dấu hiệu và điều trị
3.1 Gan nhiễm mỡ độ 1
Khi lượng mỡ trong gan chiếm từ 5 - 10% khối lượng gan, tình trạng này được gọi là gan nhiễm mỡ độ 1, một giai đoạn nhẹ của bệnh. Bởi vì bệnh chỉ mới khởi phát, các triệu chứng thường không rõ ràng và khó nhận biết, đôi khi không xuất hiện bất kỳ dấu hiệu đặc biệt nào.
Vì vậy, gan nhiễm mỡ ở mức độ nhẹ thường rất khó để chẩn đoán thông qua lâm sàng và không thực hiện các xét nghiệm thông thường. Ở giai đoạn này, bệnh chưa gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, nhưng người bệnh cũng không nên xem nhẹ. Khám sức khỏe định kỳ sẽ giúp phát hiện gan nhiễm mỡ độ 1, từ đó đưa ra các biện pháp điều trị phù hợp, mang lại kết quả tốt và có thể chữa khỏi hoàn toàn.
Phương pháp điều trị gan nhiễm mỡ độ 1 chủ yếu tập trung vào việc thay đổi lối sống và xác định nguyên nhân gây ra bệnh, nhằm ngăn chặn bệnh tiến triển nặng hơn. Các biện pháp bao gồm điều chỉnh chế độ ăn uống, kiêng rượu bia, hạn chế tiêu thụ thực phẩm nhiều dầu mỡ và chất béo, đặc biệt là mỡ từ động vật, cùng với việc tăng cường hoạt động thể chất thường xuyên.
3.2 Gan nhiễm mỡ độ 2
Gan nhiễm mỡ độ 2 xảy ra khi lượng mỡ trong gan chiếm từ 10 đến 25% trọng lượng của gan, tương ứng với mức nhiễm mỡ vừa. Trong giai đoạn này, mỡ đã tích tụ trên bề mặt nhu mô gan và đôi khi còn thấy xuất hiện ở cơ hoành. Dù tình trạng bệnh đã nghiêm trọng hơn so với cấp độ 1, nhưng các triệu chứng vẫn chưa biểu hiện rõ ràng và có thể dễ bị nhầm lẫn với các bệnh gan khác.
Những triệu chứng không đặc hiệu của bệnh có thể bao gồm các vấn đề tiêu hóa như cảm giác chán ăn, ăn không ngon miệng và khó tiêu. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể cảm thấy mệt mỏi, uể oải và đôi khi có cảm giác đau tức ở vùng hạ sườn bên phải. Một số ít người có thể gặp phải dấu hiệu tắc mật, dẫn đến tình trạng da và kết mạc mắt có màu vàng nhạt.
Vì triệu chứng không điển hình và không rõ ràng, việc phát hiện gan nhiễm mỡ độ 2 cũng gặp nhiều khó khi như gan nhiễm mỡ độ 1, trừ khi người bệnh có kiểm tra sức khỏe định kỳ và thực hiện các xét nghiệm chức năng gan. Gan nhiễm mỡ độ 2 có thể tiến triển nhanh chóng, dẫn đến tình trạng bệnh chuyển biến nặng hơn và xuất hiện các biến chứng.
Y học hiện tại vẫn chưa có biện pháp điều trị hoàn toàn cho gan nhiễm mỡ độ 2. Việc điều trị chủ yếu tập trung vào duy trì sức khỏe, ngăn ngừa tình trạng bệnh xấu đi và cải thiện thể trạng của bệnh nhân.
Các bác sĩ khuyên bệnh nhân nên tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu chất xơ và vitamin, như rau củ quả, thay thế mỡ động vật bằng chất béo không bão hòa từ bơ, hạt óc chó và hạt lanh. Ngoài ra, bệnh nhân nên tăng cường hoạt động thể chất và hạn chế tối đa việc uống rượu và bia.
3.3 Gan nhiễm mỡ độ 3
Khi tỉ lệ mỡ thừa trong gan vượt quá 30% trọng lượng gan, người bệnh sẽ mắc gan nhiễm mỡ độ 3, đây cũng chính là tình trạng gan nhiễm mỡ độ nặng. Giai đoạn này được xem là nguy hiểm nhất trong ba giai đoạn của bệnh, lúc này bệnh đã phát triển đến giai đoạn cuối và sẽ có các biến chứng do suy giảm chức năng gan.
Gan nhiễm mỡ độ nặng thường có các triệu chứng rõ ràng và đặc trưng. Bệnh nhân có thể cảm thấy đau tức ở vùng gan phía hạ sườn bên phải, gan sẽ to hơn và có thể sờ thấy từ bên ngoài. Khi ấn vào, bệnh nhân sẽ cảm thấy đau. Ngoài ra, có thể xuất hiện hội chứng tắc mật với dấu hiệu như vàng da và vàng mắt.
Bệnh nhân cũng có thể gặp rối loạn tiêu hóa thường xuyên, biểu hiện bằng triệu chứng như buồn nôn, khó tiêu, ăn uống không ngon miệng và chán ăn. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, gan nhiễm mỡ độ nặng có thể nhanh chóng tiến triển thành xơ gan hoặc ung thư gan.
Hiện tại, gan nhiễm mỡ độ nặng không thể điều trị để gan có thể khoẻ mạnh hoàn toàn. Các biện pháp điều trị chủ yếu tập trung vào việc hỗ trợ cơ thể, cải thiện các chức năng của gan và làm chậm quá trình tiến triển đến xơ gan và ung thư gan.
Để điều trị, người bệnh cần áp dụng các biện pháp như thay đổi chế độ dinh dưỡng một cách hợp lý, thực hiện tập luyện thể dục đều đặn và uống thuốc hỗ trợ gan theo hướng dẫn của bác sĩ. Những biện pháp này sẽ giúp hạn chế các biến chứng, cải thiện chức năng gan, và nâng cao tình trạng sức khỏe.
Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ được khuyến cáo nên diễn ra từ 3 đến 6 tháng một lần hoặc khi có biểu hiện như đau ở vùng gan, sụt cân, cảm thấy mệt mỏi, vàng da hay sốt. Vinmec có trang thiết bị siêu âm, CT, MRI tiên tiến cùng đội ngũ bác sĩ chuyên nghiệp, luôn sẵn sàng tư vấn và phục vụ khách hàng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.