Trẻ bị zona thần kinh có thể để lại nhiều di chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe và thậm chí ngoại hình về sau. Vậy sử dụng thuốc trị zona cho trẻ em phù hợp như thế nào?
1. Bệnh zona thần kinh là gì?
Bệnh zona thần kinh là 1 căn bệnh phát ban da, do nhiễm virus Varicella zoster. Virus này tấn công cả người lớn và trẻ em, người chưa tiêm ngừa thủy đậu, người mới phục hồi sau cơn bệnh hay có suy giảm miễn dịch. Trẻ em có đề kháng còn yếu nên dễ mắc căn bệnh này.
Các triệu chứng đáng chú ý nhất của bệnh zona thần kinh là đau và nóng rát. Cơn đau thường điển hình ở 1 bên cơ thể, xuất hiện từng mảng nhỏ, đi kèm phát ban đỏ. Các biểu hiện phát ban gồm: Xuất hiện các mảng đỏ, bóng nước đầy dịch và dễ vỡ, phát ban khu trú xung quanh từ cột sống tới thân mình, phát ban trên mặt và tai, sốt, ngứa, ớn lạnh, mệt mỏi, nhức đầu, yếu cơ,...
2. Thuốc trị zona cho trẻ em
2.1 Các cây thuốc dân gian trị bệnh zona thần kinh
Cha mẹ có thể sử dụng các nguyên liệu dễ kiếm sau đây để trị zona cho bé:
- Lá sung: Nhờ khả năng kháng khuẩn và tiêu viêm tốt, lá sung có tác dụng làm sạch các vết loét của bệnh zona, tránh được tình trạng vi khuẩn lây lan. Cách thực hiện: Bạn lấy vài lá sung, giã nát, thêm chút giấm ăn trộn đều rồi đắp hỗn hợp này lên da vài lần thì vết zona sẽ có hiện tượng khô dần, bong và khỏi hoàn toàn;
- Rau sam: Dân gian thường kết hợp rau sam với băng phiến để điều trị zona thần kinh thay vì sử dụng thuốc chữa zona thần kinh cho trẻ. Cách thực hiện: Bạn hái 1 nắm rau sam, rửa sạch với nước muối rồi giã nát, vắt lấy nước. Tiếp theo, trộn nước rau sam cùng băng phiến, bôi 3 lần/ngày lên vùng da bị zona thần kinh. Các vết phồng rộp sẽ nhanh chóng khô lại;
- Cây nhọ nồi: Bản thân cây nhọ nồi có khả năng kháng khuẩn cao cùng tác dụng làm mát cơ thể và hạ sốt. Cây nhọ nồi cũng có hiệu quả tốt trong chữa trị bệnh zona thần kinh. Cách thực hiện: Rửa sạch, giã nát cây nhọ nồi, vắt lấy nước, thêm vào vài hạt muối trắng rồi bôi trực tiếp lên vị trí xuất hiện zona. Chỉ sau vài ngày, vết thương sẽ khô và khỏi dần. Đồng thời, nước nhọ nồi còn giúp hạn chế sự lây lan của vết phồng rộp do zona.
Lưu ý: Trước khi thực hiện các biện pháp kể trên, các bậc phụ huynh nên hỏi ý kiến bác sĩ, chỉ khi bác sĩ cho phép mới được áp dụng.
2.2 Thuốc kháng virus
Thuốc trị zona cho trẻ sơ sinh nào tốt? Các bậc phụ huynh có thể cho trẻ dùng thuốc kháng virus trong giai đoạn cấp tính (theo chỉ định của bác sĩ). Các thuốc thường dùng là: Acyclovir, valacyclovir, famciclovir. Cả 3 loại thuốc kể trên đều có tác dụng tương tự nhau, đó là: Rút ngắn thời gian bài xuất virus, làm ngừng sự hình thành các tổn thương mới, đẩy nhanh tốc độ làm liền sẹo, làm giảm độ nặng của cơn đau cấp.
Các thuốc trị zona cho trẻ em này chỉ có một vài điểm khác biệt nhỏ: Valacyclovir là tiền chất của acyclovir, có thể sản sinh ra lượng acyclovir trong huyết thanh cao gấp 5 lần so với acyclovir. Do đó, nếu uống valacyclovir 1.000mg mỗi 8 giờ/lần sẽ có hiệu quả bằng acyclovir 800mg mỗi 4 giờ/lần.
Lưu ý: Nên dùng thuốc sớm trong vòng 24 - 48 giờ khi có triệu chứng của bệnh zona thần kinh, dùng thuốc với liều cao. Liều dùng tham khảo như sau:
- Acyclovir: 800mg/lần, cách mỗi 4 giờ/lần, mỗi đợt điều trị kéo dài 10 ngày;
- Valacyclovir: 1.000mg/lần, cách mỗi 8 giờ/lần, mỗi đợt điều trị kéo dài 7 ngày;
- Famciclovir: 500mg/lần, cách mỗi 8 giờ/lần, mỗi đợt điều trị kéo dài 7 ngày.
Với nhóm thuốc kháng virus, không dùng dạng thuốc bôi, vì không có hiệu quả. Thuốc không gây tác dụng phụ nhưng cần giảm liều với bệnh nhân suy thận. Với trẻ em, cần dùng liều thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ.
2.3 Thuốc giảm đau
Triệu chứng đau thần kinh sau zona thường xuất hiện sau 30 - 60 ngày sau khi nổi phát ban hoặc sau khi liền sẹo. Cảm giác đau thường là nhức nhối, rát bỏng như bị dao đâm hoặc điện giật. Cơn đau có thể kéo dài nhiều tháng, nhiều năm, đi kèm các rối loạn cảm giác khác nhau, đặc trưng là loạn cảm giác đau (chạm nhẹ vào vùng da bị ảnh hưởng cũng có thể gây đau dữ dội). Ngoài ra, người bệnh có thể bị dị cảm (cảm giác như kim châm), loạn cảm (cảm giác bất thường với các kích thích trên da), có thể đi kèm triệu chứng trầm cảm.
Có thể dùng đơn độc hoặc kết hợp các thuốc sau (theo chỉ định của bác sĩ):
- Lidocain: Dùng dưới dạng thuốc dán 5%, có thể sử dụng tới 3 miếng dán trong vòng 12 giờ. Thuốc Lidocain có thể gây kích ứng tại chỗ, ít khi gây độc toàn thân. Chỉ nên bôi lên vùng da nguyên vẹn;
- Kem capsaicin 0,023 - 0, 075%: Là thuốc bôi zona cho trẻ em và người lớn. Nên bôi thuốc có nồng độ capsaicin ban đầu thấp, về sau cao. Thuốc có thể gây rát bỏng nên chỉ được bôi lên vùng da nguyên vẹn. Một số bệnh nhân có thể bỏ dở việc điều trị vì không chịu được rát bỏng;
- Amtriptylin, nortripylin: Là các thuốc chống trầm cảm 3 vòng. Nên bắt đầu sử dụng với liều thấp, sau tăng dần, chia thành 3 lần uống trong ngày. Thuốc amitriptylin tăng từ 10mg - 300mg/ngày, thuốc nortripylin tăng từ 25mg - 150m/ngày. Thuốc có thể gây an thần, lý lẫn, hạ huyết áp tư thế, bí tiểu tiện, khô miệng, loạn nhịp tim,... (cần hạn chế sử dụng cho người cao tuổi);
- Methylprednisolon: Tiêm vào màng cứng giúp giảm đau lâu dài trong 90% trường hợp mắc zona thần kinh. Tuy nhiên, cần tiêm đúng kỹ thuật, không nên dùng kéo dài để tránh tác dụng phụ là giữ muối nước và giảm sức đề kháng của cơ thể;
- Oxycodon: Thuốc giảm đau thuộc họ thuốc phiện, có thể gây táo bón, gây nghiện. Nếu cần, dùng liều từ 5 - 20mg (nhưng nên hạn chế dùng).
2.4 Các biện pháp khác
Bên cạnh các thuốc trị zona cho trẻ em và người lớn kể trên, một số nguyên liệu dưới đây cũng được sử dụng để làm giảm cảm giác đau đớn và khó chịu do zona thần kinh gây ra:
- Bột yến mạch: Làm giảm sự lây lan của các mụn nước, giảm ngứa. Do đó, các bậc phụ huynh có thể cho bé ngâm mình trong bồn tắm có pha bột yến mạch;
- Hỗn hợp giấm và nước: Làm giảm cảm giác ngứa ở các vùng da bị nổi mụn nước;
- Gel nha đam và các loại kem dưỡng có chứa vitamin E: Giúp làm giảm cảm giác ngứa ngáy của trẻ (cần tham khảo ý kiến bác sĩ);
- Baking soda: Trộn bột baking soda với nước, thoa lên da, để khoảng 10 - 15 phút rồi rửa sạch.
3. Cách chăm sóc trẻ bị zona
Ngoài việc sử dụng các thuốc trị zona cho trẻ em, cha mẹ cũng cần chăm sóc trẻ cẩn thận để tránh lây nhiễm sang cho người khác hoặc gặp các biến chứng nguy hiểm.
Nên làm:
- Sử dụng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ;
- Luôn giữ da của trẻ khô và sạch sẽ, tránh lây lan mụn nước sang các vùng da khác;
- Cho trẻ mặc quần áo thoải mái để tránh vỡ mụn nước;
- Đắp khăn lạnh hoặc chườm đá để giảm đau.
Không nên làm:
- Cho trẻ đến trường hoặc tiếp xúc trực tiếp với người khác khi các mụn nước đang chảy mủ;
- Băng vết mụn nước lại;
- Sử dụng các loại kem có chứa kháng sinh (vì chúng làm chậm quá trình lành bệnh);
- Cham/ấn vào các mụn nước.
4. Cách phòng bệnh zona cho trẻ em
Bệnh zona không có biện pháp để ngăn ngừa hoàn toàn. Tuy nhiên, cha mẹ có thể giảm nguy cơ mắc bệnh cho bé bằng các biện pháp sau:
- Đảm bảo trẻ được tiêm vắc-xin ngừa thủy đậu. Việc tiêm vắc-xin giúp làm giảm nguy cơ bùng phát bệnh;
- Không cho trẻ chơi cùng hoặc dùng chung đồ dùng với trẻ khác khi đang bị bệnh zona;
- Khi cho trẻ ra ngoài, tiếp xúc với những nơi đông người thì cần cho trẻ đeo khẩu trang (đặc biệt là vào mùa mưa);
- Cho trẻ ăn những thực phẩm giàu dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng, phòng bệnh zona. Các thực phẩm này gồm: Cam, ngũ cốc, đậu, cà chua, rau màu xanh đậm, thịt gà, trứng, sữa,...;
- Giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ: Rửa tay trước khi ăn, tắm rửa thường xuyên, không vui chơi ở nơi có môi trường ô nhiễm,...
Bệnh zona thần kinh là 1 trong rất nhiều các bệnh ngoài da do virus gây ra cho trẻ, nguyên nhân sâu xa là do hệ miễn dịch suy yếu (sức đề kháng kém), từ đó khiến cơ thể không đủ sức chống đỡ với những virus, vi khuẩn có hại.
Trước kia, việc điều trị các bệnh ngoài da do virus thường là bôi thuốc xanh, thuốc đỏ, thuốc tím để sát khuẩn tại chỗ. Tuy nhiên, các thuốc này thường gây mất thẩm mỹ, không thân thiện và dễ kích ứng da, không tác động vào nguyên nhân gốc rễ gây bệnh là hệ miễn dịch suy yếu. Do vậy, bệnh thường rất lâu khỏi, hay tái phát và có nguy cơ bội nhiễm, để lại sẹo thâm, sẹo rỗ.
Sản phẩm gel bôi ngoài da có chứa nano bạc giúp sát khuẩn, tiêu diệt virus, vi khuẩn phổ rộng, từ đó điều trị hiệu quả các bệnh ngoài da do virus. Bên cạnh đó, sản phẩm giúp kích thích nguyên bào sợi để tái tạo làn da, giúp lành tổn thương nhanh chóng mà thân thiện với làn da, không gây kích ứng da, kể cả với làn da trẻ nhỏ, giúp ngăn ngừa hình thành sẹo do zona. Tác dụng sẽ được tăng lên gấp nhiều lần khi nano bạc kết hợp với các thảo dược có tác dụng tăng cường miễn dịch, chứa chất kháng sinh thực vật, kháng viêm thực vật như dịch chiết neem, chitosan, cho hiệu quả tiêu diệt vi khuẩn, virus toàn diện, ngăn ngừa bệnh tái phát.
Đặc biệt trên thị trường hiện đã có dạng đóng gói dạng cốm dùng đường uống chứa các thảo dược giúp tăng cường hệ miễn dịch từ sâu bên trong cơ thể, rất phù hợp dùng hàng ngày để phòng ngừa trong những thời điểm dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát. Nếu trẻ đang bị bệnh thì cha mẹ nên sử dụng kết hợp gel bôi ngoài da thực phẩm bảo vệ sức khỏe đường uống để vừa điều trị virus, vi khuẩn bên ngoài, vừa phối hợp tăng cường miễn dịch từ bên trong sẽ cho hiệu quả nhanh hơn, ngăn ngừa hình thành sẹo mà không bị bội nhiễm hoặc tác dụng phụ.
Hy vọng với những chia sẻ trên của Vinmec đã giúp cha mẹ hiểu hơn về việc dùng thuốc và giải pháp giúp trẻ tăng cường sức đề kháng. Các bậc phụ huynh cần chú ý sử dụng thuốc trị zona cho trẻ em đúng liều lượng, thời gian dùng thuốc,... theo chỉ định của bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.