Hắt hơi, sổ mũi, ngứa mũi, chảy nước mắt,... là những biểu hiện của tình trạng viêm mũi dị ứng thời tiết. Để thoát khỏi những triệu chứng khó chịu này, người bệnh cần sử dụng thuốc dị ứng thời tiết hắt hơi sổ mũi một cách phù hợp.
1. Thế nào là viêm mũi dị ứng thời tiết?
Viêm mũi dị ứng là 1 bệnh miễn dịch, gây ra bởi các chất gây dị ứng (còn gọi là dị nguyên) khi chúng xâm nhập vào cơ thể qua đường niêm mạc mũi. Viêm mũi dị ứng có nhiều thể bệnh, bao gồm: Viêm mũi quanh năm, viêm mũi nghề nghiệp và viêm mũi dị ứng thời tiết.
Viêm mũi dị ứng thời tiết còn gọi là viêm mũi dị ứng theo mùa. Đây là bệnh viêm mũi dị ứng có tính chất kéo dài từ năm này sang năm khác, thời điểm khởi phát triệu chứng thường phụ thuộc vào mùa xuất hiện các tác nhân gây dị ứng như: Mùa nở hoa của 1 loại cây nào đó, mùa sâu bướm sinh sôi, mùa khô lạnh hay mùa ẩm ướt nhiều nấm mốc phát triển,...
Triệu chứng hay gặp ở bệnh nhân viêm mũi dị ứng thời tiết là:
- Hắt hơi: Khi mắc bệnh, người bệnh thường xuyên xuất hiện những cơn hắt xì hơi đột ngột. Khi thời tiết trời lạnh hoặc thay đổi đột ngột, bệnh nhân sẽ bị hắt hơi nhiều hơn. Ngoài ra, người bệnh có thể bị đau đầu do co thắt cơ khi hắt hơi;
- Ngứa mũi: Là triệu chứng hay gặp ở trẻ em. Ngoài ra, bệnh nhân đôi khi còn bị ngứa ở mắt, họng, ống tai ngoài hoặc vùng da ở cổ;
- Sổ mũi: Là triệu chứng ban đầu thường gặp ở người bị dị ứng thời tiết, thường chảy nước mũi ở cả 2 bên mũi (chủ yếu có màu trong suốt, không mùi). Tuy nhiên, sau một thời gian, do bội nhiễm mà dịch mũi trở nên đục hơn. Hiện tượng sổ mũi thường xuất hiện sau khi người bệnh hắt hơi;
- Nghẹt mũi: Người bị dị ứng thời tiết thường có biểu hiện nghẹt 1 hoặc cả 2 bên mũi do nguyên nhân phù nề niêm mạc và nước mũi chảy nhiều. Bởi vậy, bệnh nhân thường phải thở bằng miệng, dẫn tới khô miệng;
- Cơ thể mệt mỏi: Người bị viêm mũi dị ứng thời tiết thường có cảm giác mệt mỏi, uể oải, nhức đầu, suy giảm khả năng lao động trí óc và chân tay.
Nếu không điều trị kịp thời và tích cực bằng các loại thuốc dị ứng thời tiết, người bệnh có thể gặp phải một số vấn đề như:
- Tắc hoặc chảy nước mũi dẫn tới khó ngủ, buồn ngủ vào ban ngày, mệt mỏi, khó chịu, khó tập trung khi học tập, làm việc;
- Viêm mũi dị ứng thời tiết khiến triệu chứng của bệnh hen suyễn (ho, thở khò khè,...) trở nên tồi tệ hơn;
- Tình trạng viêm kéo dài có thể dẫn tới những bệnh lý khác như polyp mũi, viêm tai giữa, viêm xoang,...
Vì vậy, khi có triệu chứng viêm mũi dị ứng thời tiết, người bệnh nên nhanh chóng sử dụng các loại thuốc dị ứng thời tiết hắt hơi sổ mũi phù hợp.
2. Nên dùng thuốc dị ứng thời tiết hắt hơi sổ mũi nào?
Việc điều trị bệnh tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và mức độ ảnh hưởng tới các hoạt động hằng ngày của bệnh nhân. Trong hầu hết các trường hợp, việc điều trị nhằm mục đích làm giảm các triệu chứng của bệnh như hắt hơi, nghẹt mũi, chảy nước mũi,...
Vậy dị ứng thời tiết dùng thuốc gì? Nếu bị viêm mũi dị ứng thời tiết nhẹ, người bệnh thường có thể tự điều trị bằng các thuốc không kê đơn với sự tư vấn của dược sĩ. Trường hợp gặp các triệu chứng nghiêm trọng hơn, gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, bệnh nhân cần đi thăm khám trực tiếp để được chỉ định điều trị phù hợp.
Một số loại thuốc dị ứng thời tiết hắt hơi sổ mũi thường được chỉ định gồm:
2.1 Thuốc kháng histamin
Bệnh nhân dị ứng thời tiết có thể sử dụng các thuốc kháng histamin như: Loratadin, Cetirizin, Fexofenadine, Levocetirizine,... dùng 1 lần/ ngày. Thuốc Loratadin không kê đơn có thể sử dụng cho trẻ em từ 2 tuổi trở lên, thuốc Cetirizin được chỉ định dùng cho trẻ trên 6 tuổi. Đồng thời, bệnh nhân nên thường xuyên làm sạch mũi bằng các dung dịch nước muối.
Với các loại thuốc kháng histamin dạng xịt (như Azelastine) thì chỉ được bán theo đơn. Người bệnh được khuyến nghị nên bắt đầu dùng thuốc khoảng 2 - 3 tuần trước mùa bệnh. Đây là thuốc điều trị thay thế cho trẻ em trên 5 tuổi và người cao tuổi. Khi sử dụng thuốc xịt mũi dị ứng thời tiết, người bệnh nên chú ý giữ thẳng đầu, tránh để thuốc lan xuống họng vì có thể gây khó chịu. Bên cạnh đó, vì các thuốc kháng histamin có thể gây buồn ngủ nên người bệnh cần tránh uống rượu trong khi sử dụng thuốc.
Một số loại thuốc kháng histamin thế hệ cũ có thể gây ra tác dụng kháng Cholinergic như nhìn mờ, bí tiểu, khô miệng, táo bón,... Ở nồng độ rất cao, các thuốc này có thể gây tác dụng kích thích thần kinh trung ương, thường gặp ở trẻ em.
Lưu ý: Thuốc kháng histamin chống chỉ định tuyệt đối cho người bệnh glaucoma. Đồng thời, cần thận trọng khi sử dụng thuốc ở người bệnh gan hoặc phì đại tuyến tiền liệt.
2.2 Thuốc làm thông mũi
Các thuốc làm thông mũi cũng thuộc nhóm thuốc dị ứng thời tiết hắt hơi sổ mũi cần thiết cho nhiều bệnh nhân. Các thuốc này có tác dụng làm giảm sung huyết, giảm triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi. Chúng có chứa các hoạt chất như Ephedrine, Phenylephrine, Oxymetazoline, Pseudoephedrine và Xylometazoline,... với tác dụng làm co các mạch máu bị giãn ở niêm mạc mũi, giúp làm thông mũi hiệu quả.
Người bệnh có thể sử dụng thuốc này đường uống hoặc dùng tại chỗ. Thuốc dạng viên nén, siro được dùng đường uống, thuốc xịt mũi hoặc nhỏ mũi dùng tại chỗ. Nếu dùng thuốc dạng tác dụng tại chỗ thì không nên sử dụng quá 7 ngày vì nếu dùng kéo dài có thể gây hiện tượng viêm mũi do thuốc.
2.3 Thuốc xịt mũi chống viêm steroid
Các thuốc xịt mũi Beclomethason, Budesonid, Fluticason,... có thể được chỉ định để điều trị viêm mũi dị ứng thời tiết. Thuốc xịt mũi steroid là lựa chọn điều trị thường xuyên cho những trường hợp bị viêm mũi dị ứng từ trung bình đến nặng, có xuất hiện các triệu chứng dai dẳng, kéo dài như tắc nghẽn mũi hoặc polyp mũi. Các thuốc dị ứng thời tiết hắt hơi sổ mũi này có thể làm giảm triệu chứng viêm do đáp ứng dị ứng. Tuy Corticosteroid mất nhiều thời gian hơn so với thuốc kháng histamin để phát huy tác dụng nhưng chúng lại có công hiệu kéo dài hơn.
Khi sử dụng thuốc xịt mũi Steroid, người bệnh cần dùng thuốc thường xuyên trong suốt thời gian bệnh nhằm đạt hiệu quả điều trị tốt nhất. Tác dụng phụ của corticoid dạng hít rất hiếm, nếu có thường là khô, kích ứng mũi họng, chảy máu cam.
Lưu ý: Thuốc xịt mũi Clomethason và Beclomethason có thể sử dụng cho người trên 18 tuổi trong tối đa 3 tháng. Khuyến cáo không nên dùng thuốc này ở người bệnh Glaucoma và phụ nữ có thai.
Ngoài ra, với bệnh nhân có đợt triệu chứng viêm mũi dị ứng đặc biệt nghiêm trọng, các bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng 1 đợt ngắn thuốc viên corticoid kéo dài khoảng 5 - 10 ngày.
2.4 Thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh chỉ được sử dụng trong trường hợp bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng bội nhiễm gây ra bởi vi khuẩn, đã được bác sĩ kê đơn. Các loại thuốc kháng sinh thường được sử dụng là Cephalosporin, Sulfamide,... trong trường hợp người bệnh có bội nhiễm tái phát nhiều lần hoặc vi khuẩn có dấu hiệu kháng thuốc.
3. Biện pháp tránh tái phát viêm mũi dị ứng thời tiết
Dùng thuốc dị ứng thời tiết hắt hơi sổ mũi là biện pháp điều trị bệnh hữu hiệu. Tuy nhiên, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Để phòng ngừa bệnh từ gốc, cách tốt nhất là mỗi người cần lưu ý:
- Thường xuyên làm sạch đồ chơi, đệm chăn, rèm cửa, vỏ bọc đồ nội thất,...;
- Không để vật nuôi đi vào phòng ngủ hoặc không gian sinh hoạt, nên tắm rửa cho vật nuôi tối thiểu 2 lần/tuần và cần thường xuyên vệ sinh các vật dụng mà thú cưng đã tiếp xúc;
- Đeo kính râm bảo vệ mắt khỏi phấn hoa; đóng kín cửa nhà vào giữa buổi sáng và đầu buổi tối - thời điểm trong không khí có nhiều phấn hoa;
- Người có cơ địa dị ứng nên tắm rửa, gội đầu và thay quần áo sau khi từ bên ngoài về; tránh những khu vực có nhiều hoa cỏ đang nở hoa,... Nếu cần tới những nơi có nhiều tác nhân gây dị ứng, người cơ địa nhạy cảm nên đeo khẩu trang;
- Giữ cho ngôi nhà luôn khô ráo và thông thoáng, tránh cất quần áo trong tủ ẩm thấp. Các gia đình có thể sử dụng máy lọc không khí và máy hút ẩm nhằm làm giảm độ ẩm và giúp làm sạch không khí trong nhà;
- Không phơi quần áo, chăn màn ở ngoài trời trong thời điểm có nhiều phấn hoa vì phấn hoa có thể bám vào các vật dụng này và gây dị ứng;
- Tăng cường hệ miễn dịch bằng cách xây dựng một chế độ ăn uống giàu dưỡng chất, bổ sung thêm vitamin và uống đủ nước. Đồng thời, mỗi người cần xây dựng thói quen ngủ sớm, ngủ đủ giấc và vận động phù hợp;
- Bảo vệ tai mũi họng bằng cách súc họng, xịt rửa mũi thường xuyên, đặc biệt là trong thời điểm chuyển mùa.
Viêm mũi dị ứng thời tiết là bệnh lý lành tính do các tác nhân gây dị ứng từ môi trường bên ngoài gây ra. Bệnh có thể được kiểm soát bằng cách sử dụng các loại thuốc dị ứng thời tiết hắt hơi sổ mũi. Tuy nhiên, biện pháp tốt nhất là những người có cơ địa nhạy cảm cần chủ động tránh xa các tác nhân gây bệnh, tăng cường miễn dịch cho cơ thể,...