Dự phòng và điều trị lao tiềm ẩn là biện pháp phòng ngừa sớm cho những người khỏe mạnh có mang vi khuẩn lao trong cơ thể, với mục đích làm giảm nguy cơ mắc lao sau này.
1. Bệnh lao tiềm ẩn là gì?
Đa số những người nhiễm vi khuẩn lao không có biểu hiện ra bệnh. Vi khuẩn lao trong cơ thể đang ở trạng thái bất hoạt, do hệ thống miễn dịch của cơ thể khống chế. Có những người có thể mang vi khuẩn lao trong người cả đời nhưng không hề bị bệnh. Và chỉ một số người mang vi khuẩn lao bị phát bệnh.
Bệnh lao tiềm ẩn là tình trạng mang vi khuẩn lao mà không có bệnh hay nhiễm lao tiềm ẩn. Một người được xác định nhiễm lao tiềm ẩn là:
- Không mắc bệnh lao, và không lây lao cho người khác.
- Xét nghiệm phản ứng trên da hay còn gọi phản ứng Mantoux hoặc xét nghiệm máu thấy xuất hiện vi khuẩn lao.
- Xét nghiệm đờm và dịch tiết âm tính.
2. Đường lây truyền
Vi khuẩn lao lan truyền trong không khí thông qua những hạt vi thể rất nhỏ mà mắt không nhìn thấy được. Khi người mắc bệnh lao nói hoặc hắt hơi, ho những giọt bắt mang vi khuẩn từ phổi qua miệng và mũi vào không khí. Khi ta hít chung bầu không khí những hạt vi thể chứa vi khuẩn lao có thể đi vào phổi.
3. Đối tượng nguy cơ nhiễm lao tiềm ẩn
Những người có thể nhiễm vi khuẩn lao là những người có tiếp xúc gần trong một khoảng thời gian với người đang mắc lao phổi thể lây nhiễm, và có nguy cơ bị nhiễm trùng lao. Vi khuẩn lao không thể truyền nhiễm một cách dễ dàng. Do đó, sự lây nhiễm thường gặp ở những người sống cùng hay có tiếp xúc gầy trong một khoảng thời gian. Tuy nhiên, đối với người đang dùng thuốc điều trị lao hiệu quả qua 2 tuần không thể lây bệnh.
Những người đến từ những vùng có người mắc lao nhiều như các nước châu Á. châu Mỹ Latinh, châu Phi và Đông Âu là những người có nguy cơ cao hơn. Ngay cả khi đã tiêm phòng với BCG thì chúng ta vẫn có thể nhiễm và mắc bệnh lao. Thuốc chủng ngừa BCG giúp bảo vệ trẻ em khỏi thể lao nặng, nhưng không bảo vệ một cách hiệu quả trong việc chống nhiễm vi khuẩn lao.
4. Điều trị dự phòng lao tiềm ẩn
4.1 Điều trị dự phòng lao tiềm ẩn là gì?
Dự phòng và điều trị bệnh lao giúp giảm khả năng phát triển bệnh lao cho những người khỏe mạnh nhưng có mang vi khuẩn lao trong cơ thể. Điều trị dự phòng sẽ giảm một nửa nguy cơ mắc lao về sau.
Tuy nhiên, khi được điều trị dự phòng thì cơ thể vẫn có khả năng mắc lao. Trong một số trường hợp, vi khuẩn lao vẫn còn tồn tại trong cơ thể sau khi hoàn thành quá trình điều trị, và số rất ít trường hợp những vi khuẩn lao này có thể gây bệnh sau này. Việc tái nhiễm lao có thể xảy ra, điều trị dự phòng chỉ có tác dụng tại thời gian điều trị, và không thể bảo vệ cơ thể khỏi tái nhiễm.
4.2 Đối tượng cần điều trị dự phòng
Không phải tất cả những người có nhiễm vi khuẩn lao phải điều trị dự phòng. Chỉ những người nằm trong nhóm có hệ miễn dịch quá yếu không đủ sức giữ cho vi khuẩn ở trạng thái bất hoạt, và có nguy cơ mắc bệnh lao tăng lên thì cần được điều trị dự phòng. Nhóm người cần điều trị dự phòng lao tiềm ẩn được xếp theo thứ tự ưu tiên bao gồm:
- Trẻ em
- Người có hệ miễn dịch hoạt động kém
- Người có sử dụng thuốc làm suy giảm miễn dịch
- Có mắc một số bệnh như suy thận, tiểu đường,...
- Có xét nghiệm dương tính với HIV
- Người nhẹ cân
- Người bị nhiễm lao trong vòng 2 năm
4.3 Những phương pháp dự phòng và điều trị lao tiềm ẩn
Điều trị dự phòng lao tiềm ẩn và điều trị lao thông thường có dùng chung một vài loại thuốc. Tuy nhiên, điều trị dự phòng lao sẽ ngắn hơn. Thông thường sử dụng hai loại thuốc rifampicin và isoniazid trong vòng ba tháng.
Quá trình điều trị có thể kéo dài sáu tháng nếu chỉ dùng một loại thuốc. Người được điều trị dự phòng sẽ phải làm xét nghiệm máu sau hai tuần điều trị, và thêm một lần nữa sau sáu tuần.
Những phương pháp điều trị lao tiềm ẩn bao gồm điều trị theo DOT và điều trị không theo DOT.
- Điều trị không theo DOT: bệnh nhân tự bảo quản thuốc thường nhận thuốc đủ dùng trong một tuần mỗi lần.
- Điều trị theo DOT: là liệu pháp quan sát trực tiếp hỗ trợ bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị, và bảo đảm quá trình điều trị được hoàn tất. DOT còn đảm bảo nhân viên y tế có thể phát hiện hiệu quả và các tác dụng phụ của thuốc đối với bệnh nhân, để có thể xử trí kịp thời.
4.4 Tác dụng phụ của thuốc
Một số tác dụng phụ của thuốc điều trị dự phòng lao có thể gặp như:
- Buồn nôn
- Nước tiểu màu đỏ: không gây nguy hiểm do thuốc rifampicin có chứa phẩm màu đỏ
- Gặp một số vấn đề tiêu hóa: táo bón hoặc lỏng, đau dạ dày
- Ngứa và nổi ban: do phản ứng dị ứng với thuốc
- Sốt
- Sưng và đau khớp, các thành phần khác của cơ thể: nếu sưng đau quá mức thì cần đến gặp bác sĩ để có thể được chỉ định sử dụng thuốc giảm đau.
- Tê bì, cảm giác kim châm ở bàn chân và bàn tay
- Nhức đầu
- Yếu và mệt mỏi
Đặc biệt, nếu lòng trắng mắt trở nên vàng, hay đau bao tử, cảm thấy buồn nôn nhiều, mệt mỏi hoặc có xuất hiện vết mẩn đỏ lớn dần lan trên cơ thể thì cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và có biện pháp can thiệp phù hợp.
Ngoài ra, thuốc điều trị và dự phòng lao được chuyển hóa tại gan. Do đó trong quá trình điều trị, người bệnh không nên uống rượu hay tự ý sử dụng thuốc giảm đau chứa paracetamol, vì nó sẽ làm tăng gánh nặng cho gan và nguy cơ tổn thương gan là rất cao.
Tóm lại, dự phòng và điều trị lao tiềm ẩn là biện pháp làm giảm nguy cơ mắc lao về sau cho người khỏe mạnh có mang vi khuẩn lao trong cơ thể. Trong quá trình điều trị dự phòng lao sẽ gặp một số tác dụng phụ. Do đó, người bệnh cần đặc biệt theo dõi để phát hiện kịp thời những bất thường, đến cơ sở y tế ngay để được thăm khám và có biện pháp xử trí phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.