Đóng rò trực tràng - bàng quang

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ - Bác sĩ ngoại tiêu hóa - Khoa Ngoại Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Rò trực tràng – bàng quang là sự bất thường giữa trực tràng với bàng quang. Khí và phân từ trực tràng sẽ rò sang bàng quang, ngược lại nước tiểu chảy qua lỗ hậu môn. Để điều trị, bệnh nhân sẽ cần được phẫu thuật đóng rò trực tràng - bàng quang.

1. Nguyên nhân chính gây rò trực tràng – bàng quang

Bệnh nhân bị rò trực tràng – bàng quang là hậu quả khi mắc các bệnh:

  • Bệnh nhân bị chấn thương trong sản khoa.
  • Bệnh nhân mắc bệnh Crohn hoặc các bệnh về viêm ruột khác.
  • Bệnh nhân bị ung thư hoặc sau xạ trị bệnh lý vùng tiểu khung.
  • Biến chứng sau khi thực hiện phẫu thuật liên quan đến âm đạo, tầng sinh môn, trực tràng, hậu môn...

2. Đối tượng nào không được chỉ định phẫu thuật đóng rò trực tràng – bàng quang?

Bệnh nhân khi được kiểm tra thấy:

  • Đường rò mủn nát, viêm nhiễm nặng...
  • Rò trực tràng – bàng quang do mắc bệnh Crohn, lao... đang tiến triển.
  • Toàn trạng người mắc bệnh nặng (suy tim, phổi, sốc,..), cơ thể quá yếu, không đảm bảo an toàn khi phẫu thuật.

Người bệnh bị rò trực tràng - bàng quang do mắc Crohn không được tiến hành phẫu thuật
Người bệnh bị rò trực tràng - bàng quang do mắc Crohn không được tiến hành phẫu thuật

3. Quy trình thực hiện phẫu thuật đóng rò trực tràng – bàng quang

3.1 Bác sĩ

  • Người thực hiện phẫu thuật đóng rò trực tràng – bàng quang bao gồm: 1 Phẫu thuật viên tiêu hoá và có thể cần sự phối hợp của phẫu thuật viên chuyên khoa tiết niệu.
  • Thời gian thực hiện phẫu thuật đóng rò trực tràng – bàng quang thông thường mất khoảng 120 phút.

3.2 Người bệnh

  • Đã được thực hiện các xét nghiệm cần thiết liên quan tới cuộc phẫu thuật như kết quả các xét nghiệm cơ bản về máu và nước tiểu..., đủ tiêu chuẩn cho phép phẫu thuật.
  • Bệnh nhân đã được chẩn đoán dựa trên triệu chứng lâm sàng (có rò phân và khí qua bàng quang, nước tiểu chảy qua lỗ hậu môn), chụp chụp cản quang bàng quang – trực tràng, kiểm tra bằng chất nhuộm xanh, nội soi bàng quang, cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ, siêu âm nội soi,...
  • Đã làm các xét nghiệm khác để chẩn đoán nguyên nhân gây ra tình trạng bị dò trực tràng – đại tràng như: Nội soi đại trực tràng và sinh thiết trong bệnh Crohn...
  • Người bệnh cần làm sạch đại tràng trước khi mổ bằng cách cho uống thuốc tẩy ruột (fortrans,...). Bệnh nhân đã kết thúc uống thuốc trước khi tiến hành mổ là 2 tiếng.
  • Bệnh nhân sẽ được thực hiện phương pháp vô cảm gây tê tủy sống hoặc gây mê toàn thân nội khí quản.

Bệnh nhân được gây mê trước khi tiến hành thủ thuật
Bệnh nhân được gây mê trước khi tiến hành thủ thuật

3.3 Tiến hành phẫu thuật đóng rò trực tràng - bàng quang

  • Mở bụng đường trắng giữa dưới rốn.
  • Phẫu tích vào túi cùng douglas, bóc tách trực tràng ra khỏi thành sau bàng quang, tìm đường rò.
  • Thì bàng quang: Cắt lọc lỗ rò, khâu lại 2 lớp: Niêm mạc khâu vắt, thanh cơ mũi rời. Nếu lỗ rò mủn, rộng, bàng quang viêm nhiễm thì phải dẫn lưu bàng quang phối hợp.
  • Thì trực tràng: Cắt lọc lỗ rò, khâu lại 2 lớp niêm mạc và thanh cơ. Nếu lỗ rò to, mủn thì cắt đoạn trực tràng có lỗ rò. Đại tràng chuẩn bị chưa tốt, trực tràng thành viêm dày, mủn,...phải làm hậu môn nhân tạo bảo vệ.

3.4 Sau phẫu thuật đóng rò trực tràng – bàng quang

  • Sau khi kết thúc phẫu thuật đóng rò trực tràng – bàng quang, bệnh nhân sẽ được đưa về phòng hồi sức để điều dưỡng viên theo dõi sau phẫu thuật.
  • Cho bệnh nhân dùng kháng sinh metronidazol, kháng sinh đường tiết niệu như quinolon hoặc phối hợp thêm 1 loại kháng sinh khác trong 7 ngày.
  • Nuôi dưỡng thông qua đường tĩnh mạch.
  • Đặt sonde bàng quang khoảng 7 ngày do khi phẫu thuật bệnh nhân phải gây tê tủy sống khiến bị bí đái. Cấy nước tiểu khi có nghi ngờ bệnh nhân bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu.

Đặt sonde bàng quang 7 ngày để dẫn tiểu cho người bệnh
Đặt sonde bàng quang 7 ngày để dẫn tiểu cho người bệnh

4. Chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật đóng rò trực tràng – bàng quang

  • Dùng thuốc giảm đau, kháng sinh nếu cần thiết
  • Cho bệnh nhân sử dụng thuốc nhuận tràng, thuốc an thần buổi tối. Thường truyền dịch 500ml – 1000ml sau mổ.
  • Cho người bệnh ăn nhẹ, tập vận động nhẹ sớm.
  • Săn sóc vết mổ: thay băng hàng ngày, khi có hiện tượng bất thường như chảy máu, thấm dịch nhiều phải kiểm tra vết mổ. Ngâm hậu môn trong nước ấm trong một số phẫu thuật theo chỉ định của bác sĩ phẫu thuật.

Đóng rò trực tràng – bàng quang là cuộc phẫu thuật khá phức tạp và tốn thời gian. Bệnh nhân cần đến các trung tâm y tế, cơ sở khám chữa bệnh uy tín để thực hiện, đảm bảo an toàn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe