Nội soi bàng quang hiện nay là một trong những phương pháp được áp dụng phổ biến trong công tác chẩn đoán và điều trị các bệnh lý về đường tiết niệu. Kỹ thuật này đòi hỏi thực hiện bởi các y bác sĩ có tay nghề cao để kết quả chẩn đoán chính xác nhất.
1. Nội soi bàng quang là gì?
Nội soi bàng quang (tên tiếng Anh Cystoscopy) là phương pháp cho phép bác sĩ quan sát được bên trong khu vực bàng quang và niệu đạo với sự hỗ trợ của dụng cụ chuyên dụng (gọi là ống soi bàng quang).
Bác sĩ có thể quan sát bằng cách nhìn trực tiếp vào ống nội soi hoặc dựa trên hình ảnh hiển thị trên màn hình máy tính. Không chỉ vậy, ống nội soi còn có những kênh thao tác phụ giúp bác sĩ có thể đưa thêm một số thiết bị nhỏ khác vào, ví dụ như lấy mẫu mô phục vụ cho việc làm các xét nghiệm sinh thiết.
Ngoài ra, thông qua nội soi bàng quang, bác sĩ có thể thực hiện các thủ thuật cắt bỏ sự phát triển của các mô nhỏ hoặc sỏi trong bàng quang. Như vậy, bệnh nhân có thể không cần tiến hành làm các ca phẫu thuật phức tạp.
Tùy thuộc vào tình trạng và mức độ phức tạp của từng bệnh lý mà thời gian tiến hành thủ thuật này có sự khác nhau. Tuy nhiên, thông thường đối với các bệnh nhẹ ở mức độ điều trị đơn giản thì chỉ mất từ 10 – 15 phút.
2. Nội soi bàng quang chẩn đoán bệnh lý về tiết niệu
Nội soi bàng quang có thể giúp phát hiện nguyên nhân và chẩn đoán hầu hết các bệnh lý về đường tiết niệu, cụ thể như:
2.1 Rối loạn đường tiểu dưới
Rối loạn tiểu tiện (đau khi đi tiểu, tiểu không kiểm soát, khó tiểu), nhiễm trùng đường tiểu, viêm bàng quang kẽ, hẹp cổ bàng quang, bàng quang tăng hoạt, đau mạn tính vùng chậu,...
Phương pháp điều trị và phòng ngừa rối loạn đường tiết niệu
2.2 Đi tiểu ra máu
Tiểu máu vi thể (phát hiện khi làm xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu) hoặc tiểu máu đại thể (có thể quan sát bằng mắt thường).
2.3 Phát hiện khối u ác tính
Nội soi bàng quang giúp tầm soát và phát hiện sớm các khối u ác tính ở bàng quang, niệu đạo hoặc niệu mạc đường tiểu trên.
Đối với các trường hợp có xuất hiện khối u, bác sĩ có thể thông qua nội soi bàng quang để đánh giá mức độ chèn ép và xâm lấn của khối u, đồng thời tiến hành lấy mẫu mô sinh thiết. Ngoài ra, nội soi bàng quang cũng là kỹ thuật cần thiết trong quá trình theo dõi đối với bệnh nhân sau điều điều trị u bàng quang giai đoạn sớm.
Bên cạnh việc chẩn đoán, nội soi bàng quang cũng là kỹ thuật được sử dụng nhiều trong công tác điều trị các bệnh lý bàng quang như:
- Loại bỏ dị vật, sỏi trong bàng quang: Khi bàng quang xuất hiện các dị vật hoặc sỏi, bác sĩ sẽ tiến hành nội soi để loại bỏ chúng, nhất là khi dị vật kẹt ở những vị trí cao và khó lấy như niệu quản.
- Cắt khối u hoặc polyp tại bàng quang: Các khối u hoặc polyp nhỏ có thể được lấy ra khỏi bàng quang bằng phương pháp nội soi bàng quang.
- Hỗ trợ đặt ống thông tiểu: Với các trường hợp bệnh nhân cần đặt ống thông tiểu, bác sĩ sẽ cần đến sự hỗ trợ của phương pháp nội soi bàng quang để có thể đặt được ống thông vào trong niệu quản hẹp của người bệnh.
- Điều trị viêm, u xơ tiền liệt tuyến: Bằng các dụng cụ nội soi chuyên dụng, bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ dần từng phần của mô tiền liệt tuyến để đưa ra ngoài cơ thể.
3. Quy trình nội soi bàng quang
- Trước khi tiến hành nội soi bàng quang, người bệnh cần lưu ý không ăn uống vào đêm trước đó. Đối với một số trường hợp cụ thể có thể được bác sĩ kê sử dụng thuốc kháng sinh.
- Các trường hợp bệnh nhân đang sử dụng thuốc loãng máu như: Ibuprofen hay warfarin, aspirin thì cần thông báo với bác sĩ trước khi tiến hành nội soi bàng quang.
- Bệnh nhân nằm trên giường phẳng và ngửa lưng. Sau khi khu vực bên ngoài niệu đạo và da xung quanh được vệ sinh sạch sẽ, bác sĩ sẽ bôi gel vào lỗ niệu đạo để giúp ống nội soi đi vào dễ dàng hơn, đồng thời giảm bớt cảm giác khó chịu.
- Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành đưa ống nội soi vào phía bên trong niệu đạo, hướng về bàng quang. Kênh phụ của ống nội soi sẽ mang theo nước vô trùng để làm đầy bàng quang, giúp dễ dàng quan sát niêm mạc bàng quang hơn.
- Thời gian tiến hành thường kéo dài từ 10 – 15 phút. Tuy nhiên, nếu bác sĩ kết hợp làm thêm nội soi bàng quang một số thủ thuật khác như lấy mô sinh thiết thì thời gian này có thể lâu hơn.
4. Một số tác dụng phụ có thể gặp phải
- Hầu hết bệnh nhân không gặp phải bất cứ vấn đề gì sau khi nội soi bàng quang. Tuy nhiên, trong vòng 24 giờ sau khi nội soi, bệnh nhân có thể có cảm giác hơi nóng khi đi tiểu, tiểu nhiều hoặc nước tiểu có màu hồng.
- Đặc biệt, một số ít các trường hợp xuất hiện triệu chứng sốt và đau khi đi tiểu có thể là do nhiễm trùng đường tiểu trong thời gian ngắn.
- Sau khi làm nội soi bàng quang, nếu người bệnh có bất kỳ biểu hiện lạ nào như đau, chảy máu nghiêm trọng kéo dài thì cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và can thiệp kịp thời.
Nội soi bàng quang là phương pháp chẩn đoán bệnh lý về tiết niệu hiệu quả và được áp dụng phổ biến hiện nay. Để đảm bảo hiệu quả chẩn đoán chính xác và an toàn, người bệnh nên tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ và các cán bộ y tế để tránh dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
Mọi thắc mắc cần được bác sĩ chuyên khoa giải đáp cũng như quý khách hàng có nhu cầu khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc hoặc đăng ký trực tuyến TẠI ĐÂY.
XEM THÊM: