Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Đỗ Tường Huân - Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Ung thư tái phát là trải nghiệm không hề dễ dàng đối với những bệnh nhân sau khi đã điều trị ung thư thành công. Tuy nhiên ung thư tái phát vẫn có thể điều trị được, ít nhất là làm chậm sự tiến triển, khắc phục triệu chứng, cải thiện chất lượng sống và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.
1. Ung thư tái phát là gì?
Ung thư xuất hiện trở lại sau một thời gian thuyên giảm được coi là ung thư tái phát. Đối với nhiều bệnh nhân sau khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, mục tiêu điều trị là cố gắng tiêu diệt căn nguyên gây bệnh, nghĩa là bằng mọi cách loại bỏ hoàn toàn các tế bào ung thư ác tính và không cho chúng tái phát trở lại.
Tuy nhiên, bệnh ung thư dễ tái phát bởi vì mặc dù các bác sĩ đã nỗ lực hết sức để có thể loại bỏ ung thư hoàn toàn, nhưng một số tế bào ung thư vẫn có khả năng tồn tại và sinh trưởng trở lại. Những tế bào này có thể xuất hiện tại nơi phát hiện ra mầm mống ung thư trước đó hoặc ở một cơ quan khác của cơ thể. Những tế bào ung thư tái phát hầu như không hoạt động trong một thời gian, nhưng sau đó tiếp tục nhân lên không kiểm soát, dẫn đến sự xuất hiện trở lại của bệnh ung thư.
Trong một số trường hợp hiếm gặp, người bệnh có thể được chẩn đoán mắc bệnh ung thư mới, hoàn toàn không liên quan đến căn bệnh ung thư trước đó. Hiện tượng này được gọi là ung thư nguyên phát thứ hai.
2. Khó khăn khi bị ung thư tái phát
Bệnh ung thư quay trở lại, kèm theo đó là những triệu chứng đau đớn kéo dài, khiến bệnh nhân bị sốc tâm lý và suy sụp tinh thần tương tự như lần chẩn đoán ung thư đầu tiên. Người bệnh trở nên hoài nghi về phương pháp điều trị ung thư trước đó, mất đi hy vọng sống và không còn những dự định trong tương lai.
Cảm giác đau khổ này là hoàn toàn bình thường ở bệnh nhân ung thư tái phát. Một số người thậm chí cho rằng việc chẩn đoán mắc ung thư lần thứ hai có lẽ còn đau khổ hơn lần đầu tiên. Ngược lại, một số bệnh nhân cảm thấy tự tin hơn khi đối mặt với ung thư tái phát bởi vì kinh nghiệm điều trị ung thư trước đó đã cho họ nguồn sức mạnh để vượt qua những khó khăn và thử thách trong lần này.
3. Các loại ung thư tái phát
Ung thư có thể tái phát ở tại vị trí ban đầu hoặc xuất hiện tại một cơ quan khác trên cơ thể bệnh nhân. Ung thư tái phát được chia thành 3 loại:
- Tái phát cục bộ: Tế bào ác tính xuất hiện trở lại ngay tại vị trí đầu tiên phát hiện ung thư. Bệnh chưa lan đến các hạch bạch huyết hoặc các cơ quan khác của cơ thể;
- Tái phát khu vực: Tế bào ung thư xuất hiện trong các hạch bạch huyết và các mô xung quanh nơi phát hiện ung thư ban đầu;
- Tái phát xa: Ung thư di căn đến các cơ quan xa, gần như không liên quan đến vị trí đầu tiên xuất hiện.
Trường hợp ung thư tái phát phụ thuộc vào loại và giai đoạn tiến triển ung thư ban đầu của bệnh nhân. Một số loại ung thư thường tái phát tại những khu vực cụ thể.
4. Chẩn đoán ung thư tái phát
Ung thư tái phát được chẩn đoán tương tự như các bệnh ung thư khác. Bác sĩ có thể xác định thông qua một số xét nghiệm nhất định hoặc dựa trên các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh nhân.
Sau đợt điều trị cuối cùng, bác sĩ sẽ đưa ra lịch khám định kỳ để theo dõi nguy cơ tái phát ung thư. Bệnh nhân được thông báo về những dấu hiệu cần cảnh giác báo hiệu biến cố sau điều trị.
Quá trình theo dõi sau điều trị ung thư thường rất khác so với sàng lọc ung thư ban đầu và mục tiêu của hai quá trình là hoàn toàn khác nhau.
5. Ung thư tái phát có chữa được không?
Đa số các trường hợp ung thư tái phát cục bộ và khu vực có thể chữa khỏi. Ngay cả khi không thể chữa khỏi, việc điều trị có thể thu nhỏ khối u ác tính, làm chậm sự phát triển của ung thư. Mục tiêu điều trị chủ yếu là khắc phục triệu chứng, cải thiện chất lượng sống và thời gian sống của người bệnh.
Để quá trình điều trị ung thư tái phát đạt hiệu quả cao, việc phát hiện sớm là rất quan trọng. Bệnh nhân bị ung thư tái phát có chữa được không còn tùy thuộc vào thời điểm phát hiện và điều trị. Khi bệnh đã di căn xa, cơ hội chữa khỏi ung thư không còn cao.
Việc lựa chọn phương pháp điều trị như thế nào được bác sĩ chỉ định dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, sau khi đã cân nhắc lợi ích đạt được so với nguy cơ tác dụng phụ. Bác sĩ cũng sẽ cân nhắc liệu trình điều trị trước đây và khả năng đáp ứng của bệnh nhân đối với phương pháp đó ra sao.
6. Cách đối phó với ung thư tái phát
Ung thư tái phát đem đến nhiều cảm xúc tiêu cực cho bệnh nhân giống như trong lần đầu tiên họ nhận được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Những cảm xúc tiêu cực phổ biến bao gồm:
- Phiền muộn: Khi bệnh nhân kết thúc liệu trình điều trị ung thư nguyên phát, họ dần dần thích nghi với cuộc sống và nghĩ rằng ung thư đã biến mất. Trong nhiều tuần, nhiều tháng hoặc nhiều năm sau đó, mối lo nghĩ về ung thư cũng dần vơi đi và gần như không còn là một phần trong cuộc sống của bệnh nhân. Do đó, thời điểm nhận được thông báo ung thư quay trở lại sau một thời gian dài được cho là đã biến mất có thể gây ra một cú sốc rất lớn, đôi khi còn nặng nề hơn cả lần chẩn đoán phát hiện đầu tiên;
- Hoài nghi: Khi bị ung thư tái phát, nhiều bệnh nhân có sự hoài nghi đối với tính đúng đắn trong các quyết định điều trị của bác sĩ trong quá khứ hoặc những thay đổi trong lối sống suốt khoảng thời gian kể từ khi chữa khỏi ung thư nguyên phát. Một lời khuyên cho người bệnh là cố gắng đừng nhìn về quá khứ. Thay vào đó, hãy tập trung vào tình hình hiện tại và những gì cần làm trước mắt để tiếp tục tiến về phía trước;
- Phẫn nộ: Nhiều bệnh nhân không thể kìm nén cảm xúc tức giận khi được chẩn đoán mắc ung thư trở lại sau một thời gian lui bệnh. Một số người thậm chí tỏ ra phẫn nộ với vị bác sĩ vì đã điều trị cho mình vì không thể ngăn chặn ung thư tái phát. Đôi khi, bệnh nhân tự hỏi tại sao họ lại phải chịu đựng tất cả những tác dụng phụ của liệu trình điều trị ban đầu, để rồi cuối cùng ung thư cũng quay trở lại với họ. Tuy nhiên, đội ngũ bác sĩ và bệnh nhân đã đồng ý với lựa chọn điều trị trước đó và chỉ định này dựa trên thông tin có sẵn tại thời điểm mắc bệnh ban đầu;
- Mệt mỏi: Cảm giác bất lực vì không thể đối mặt với bệnh ung thư một lần nữa là điều hoàn toàn bình thường trong hoàn cảnh này. Bệnh nhân mệt mỏi khi nghĩ đến những tác dụng phụ của việc điều trị hay cảm giác sợ phải nói với bạn bè và gia đình rằng họ lại mắc bệnh ung thư một lần nữa, điều mà bạn đã từng làm trước đây. Hãy tập trung vào sự thật rằng bạn đã đối mặt với căn bệnh này và vượt qua nó, vậy thì giờ đây bạn hoàn toàn có thể vượt qua nó một lần nữa.
Tất cả những cảm giác tiêu cực này là hoàn toàn bình thường. Cách đối phó với ung thư tái phát cũng giống như cách bệnh nhân đã vượt qua ung thư nguyên phát. Không những thế, bệnh nhân còn có thể tận dụng một số lợi thế sau đây để đối phó tốt hơn với ung thư tái phát, ví dụ:
- Sự am hiểu về bệnh: Biết rõ về ung thư và các lựa chọn điều trị có thể giúp bệnh nhân giảm bớt lo lắng và căng thẳng so với lần điều trị đầu tiên. Ngoài ra, người bệnh cũng chuẩn bị tốt hơn đối với những tác dụng phụ có nguy cơ xảy ra;
- Những mối quan hệ về y tế: Trong lần đầu chữa trị ung thư, bệnh nhân đã làm việc chặt chẽ với bác sĩ của mình và quy trình làm việc tại bệnh viện hoặc phòng khám. Điều này giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn;
- Kinh nghiệm điều trị bệnh trước đây: Trải nghiệm lần đầu tiên đối mặt với bệnh ung thư sẽ cho bệnh nhân biết những gì là tốt đối với tình trạng bệnh của mình. Ngoài ra, người bệnh cũng nhận biết được những dấu hiệu bất thường để kịp thời thông báo cho bác sĩ và nhận được xử trí phù hợp.
Nếu cảm thấy khó khăn trong khi điều trị ung thư tái phát, hãy trình bày điều này với bác sĩ. Trao đổi với bác sĩ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng bệnh lý của mình và giúp bạn đưa ra những quyết định hợp lý hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: mayoclinic.org, cancer.net