Đo vận tốc lan truyền sóng mạch

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quốc Việt - Bác sĩ Tim mạch can thiệp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Thực trạng hiện nay, tỷ lệ người mắc các bệnh lý liên quan đến bệnh động mạch ngoại vi ngày càng cao. Song phần lớn bệnh nhân không được phát hiện kịp thời vì đa số các bệnh lý này không biểu hiện triệu chứng cụ thể. Bệnh có thể phát hiện bằng cách làm xét nghiệm đo vận tốc lan truyền sóng mạch.

1. Bệnh động mạch ngoại vi là gì?

Bệnh động mạch ngoại vi là hiện tượng các động mạch ở chân hoặc ở cánh tay bị hẹp hoặc bị tắc nghẽn. Những người mắc các bệnh liên quan đến động mạch ngoại vi thường có biểu hiện suy tuần hoàn ngoại biên, đau chân khi đi lại (đau cách hồi) và gia tăng nguy cơ xuất hiện nhồi máu cơ tim, đột quỵ.

2. Đo vận tốc lan truyền sóng mạch là gì?

Xét nghiệm đo tốc độ sóng mạch (Pulse Wave Velocity - PWV) là một đo lường gián tiếp độ cứng động mạch trên một đoạn động mạch. Nó được đo bằng cách sử dụng trương lực mạch kế như Complior (Colson, Paris - Pháp) và các SphygmoCor (PWV Medical PTY Limited, Sydney - Úc). Thời gian truyền sóng đo bằng hai trương lực mạch kế đặt trên mạch ngoại vi và khoảng cách giữa chúng được ước tình bằng cách đo trực tiếp trên mặt da. Ước tính này là tương đối trừ khi động mạch giữa hai điểm đo nằm trên một đường thẳng. Điều này khá khó khăn để đo đặc biệt trong trường hợp người béo phì.


Người béo phì khá khó khăn để đo tốc độ sóng mạch PWV
Người béo phì khá khó khăn để đo tốc độ sóng mạch PWV

Sự co của tâm thất trái đẩy máu vào động mạch chủ lên, việc giãn thành động mạch chủ và tạo ra một sóng áp lực mạch. Sóng mạch tạo ra lan truyền đến các mạch ngoại biên với tốc độ khác nhau, tùy thuộc vào phân đoạn động mạch. Ở những người có động mạch cứng, tốc độ sóng mạch lan truyền nhanh hơn. Vận tốc lan truyền sóng áp lực mạch dựa trên mô hình truyền sóng.

Các yếu tố quyết định của vận tốc lan truyền sóng mạch (PWV) là tính chất đàn hồi của thành động mạch và hình thái học của các động mạch, cũng như độ nhớt máu. Moëns-Korteweg giới thiệu một phương trình PWV xác định như sau:

  • PWV = √[(E. h) / (2r.ρ)]

Trong đó E là Mô-đun đàn hồi của Young, h là độ dày thành mạch, r là bán kính và ρ là tỷ trọng máu (1,05 cho máu).

PWV cũng có thể được tính bằng cách đo thời gian truyền của sóng mạch và khoảng cách giữa hai điểm đo. Vì vậy đo PWV động mạch là phương pháp đơn giản và có thể lặp lại. PWV được tính bằng công thức sau đây:

  • PWV = Khoảng cách/Δt (m/s).

Trong đó: Δt = thời gian truyền sóng.

Thời gian truyền sóng mạch là thời gian trễ giữa sóng mạch đầu gần và sóng mạch đầu xa được xác định bởi phương pháp đo chân đến chân (foot-to-foot). Các chân của sóng mạch là điểm của áp suất tâm trương tối thiểu hoặc nét bắt đầu hướng lên của áp lực tâm thu của sóng mạch. Tuy nhiên, việc xác định chính xác chân của sóng mạch khá khó khi phân tích thủ công.

Khoảng cách giữa hai điểm ghi được đo trên bề mặt cơ thể bằng thước dây. Cách đo khoảng cách này không phải là khoảng cách đúng của sóng mạch đi, chỉ là một ước tính. Bằng cách này có thể đánh giá quá cao khoảng cách sóng truyền ở người béo phì và đánh giá thấp khoảng cách này ở bệnh nhân với động mạch chủ quanh co.

3. Vị trí đo vận tốc lan truyền sóng mạch

  1. PWV cảnh-quay, từ động mạch cảnh đến động mạch quay;
  2. PWV đùi-chày, từ động mạch đùi chung đến động mạch chày;
  3. PWV cảnh-đùi, từ động mạch cảnh đến động mạch đùi chung;
  4. PWV cánh tay-mắt cá chân, từ động mạch cánh tay đến động mạch chày.

4. Đo vận tốc lan truyền sóng mạch động mạch cảnh-động mạch đùi

Đây được coi là "tiêu chuẩn vàng” đo độ cứng động mạch. Đo vận tốc lan truyền sóng mạch động mạch cảnh - động mạch đùi đã được chứng tỏ là một yếu tố dự báo độc lập của tỉ lệ mới mắc và tử vong vì bệnh tim mạch trong quần thể dân số chung, bệnh nhân tăng huyết áp, bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối và người cao tuổi.


Đo vận tốc lan truyền sóng mạch là thông số lâm sàng chẩn đoán bệnh ở người cao tuổi
Đo vận tốc lan truyền sóng mạch là thông số lâm sàng chẩn đoán bệnh ở người cao tuổi

Trong năm 2007, Hiệp hội Cao huyết áp/Hội Tim mạch Âu châu xem Đo vận tốc lan truyền sóng mạch động mạch cảnh-động mạch đùi là một thông số lâm sàng cho phân tầng nguy cơ tim mạch ở bệnh nhân tăng huyết áp. Tuy nhiên, việc giải thích dữ liệu từ các phương pháp đo khác nhau của PWV cần được xem xét cẩn thận, vì độ dài khoảng cách truyền sóng mạch tùy thuộc vào phương pháp đo đạc. Hơn nữa, có nhiều yếu tố sinh lý ảnh hưởng đến PWV.

Yếu tố ảnh hưởng đến việc đo vận tốc lan truyền sóng mạch

  • Đo vận tốc lan truyền sóng mạch phụ thuộc vào huyết áp. Tăng huyết áp làm tăng PWV.
  • Tăng nhịp tim cũng tăng PWV.
  • Tuổi cũng góp phần làm gia tăng PWV. Sự kết hợp này là độc lập với huyết áp và các yếu tố nguy cơ tim mạch khác.

Xét nghiệm đo vận tốc lan truyền sóng mạch và chỉ số ABI là một xét nghiệm không xâm lấn, nhanh chóng giúp sàng lọc nguy cơ mắc bệnh động mạch ngoại vi. Do đó khi được chỉ định người bệnh nên tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ để đem lại hiệu quả cao nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe